Nghị lực phi thường của cô giáo vùng sâu miệt mài dạy học bất chấp bạo bệnh
Dù bản thân phải chạy thận, lọc máu suốt nhiều năm qua, cô giáo Đỗ Thị Thu Nga (Tuyên Quang) vẫn miệt mài lên lớp dạy học.
Câu chuyện của cô giáo Đỗ Thị Thu Nga (SN 1981, Tuyên Quang) khiến người ta không khỏi nể phục. Cô là giáo viên môn ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Tháng 10 (xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang). Năm 2023, cô là một trong 58 thầy cô giáo xuất sắc được vinh danh tại chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô".
Trước khi về Hà Nội dự lễ tuyên dương nhân dịp 20/11, cô Nga tranh thủ cuối tuần qua, tổ chức cho lớp 12A2 do mình chủ nhiệm đi chơi ở công viên thành phố Tuyên Quang. Để có buổi đi chơi này, cô giáo vừa tự bỏ tiền túi, xin thêm bên ngoài và trích quỹ lớp bởi trường miền núi cách thành phố 25km, kinh phí còn nhiều khó khăn.
Nhìn hình ảnh cô giáo năng động hoạt bát nói cười trước các em học sinh, ít ai ngờ tới cô vừa trải qua quãng đường dài vật lộn với cuộc chiến sinh tử. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm ngữ văn, cô đi dạy được 6 năm, phát hiện mình bị suy thận độ 3.
8x nhớ lại: "Tôi sợ hãi bởi chưa đến 30 tuổi đã mắc trọng bệnh, cứ mỗi lần tắt điện đi ngủ lại giật mình sợ hãi, sợ cái chết tìm đến bất thình lình. Tôi luôn ám ảnh bởi những tiếng tít tít và đèn máy lọc máu nhấp nháy với những con số nhảy nhót, lúc ấy nước mắt lại trào ra. Đấy là thời gian khủng khiếp nhất của tôi".
May mắn thay, sau hơn 11 năm mòn chân chạy thận từ Hà Nội đến Tuyên Quang, cùng 1.500 lần lọc máu, cuối cùng số phận cũng mỉm cười với cô giáo này nhờ ca ghép thận năm 2020.
Nữ giáo viên chia sẻ thêm: "Tôi dạy học ở ngôi trường vùng xa của tỉnh, điều kiện học sinh còn nhiều khó khăn. Ở đây, nhiều em học sinh dân tộc thiểu số, nhất là dân tộc Mông nghèo khổ, hay bỏ học". Nhưng nhờ bản thân luôn nỗ lực, quan tâm, yêu thương học trò, các em đã có tiến bộ rõ rệt, chăm chỉ học tập.
Nhiều năm vật lộn với bệnh tật nhưng cô luôn nỗ lực công tác, là giáo viên xuất sắc. Hơn 20 năm đứng trên bục giảng, cô nhận tổng cộng gần 20 giấy/bằng khen của Thủ tướng, Bộ GD&ĐT cùng các cấp khác.
Được biết, nhiều sáng kiến kinh nghiệm của cô được học sinh và đồng nghiệp đánh giá cao như: vẽ bản đồ tư duy; ứng dụng phương pháp tích hợp các môn học địa lý, lịch sử, sinh học, giáo dục công dân vào giảng dạy bộ môn ngữ văn; ứng dụng mô hình sơ đồ vào giảng dạy bộ môn ngữ văn tại bậc THPT. Cô cũng năng động vận động nguồn lực để tổ chức các chuyến học tập ở các khu di tích lịch sử, văn hóa nhằm giúp học sinh nâng cao kỹ năng học tập môn văn nói riêng và các môn học khác.
Theo báo Dân Trí
Xem thêm: Cô giáo xứ Quảng dạy học miễn phí, có tiền là đi từ thiện
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận