Bất nhiễm ô là gì?

Bất nhiễm ô là một khái niệm thông dụng trong Phật giáo, có nghĩa là không bị nhơ nhuốm, vô nhiễm ô, bất nhiễm.

Chi Nguyễn
09:44 06/02/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Bất nhiễm ô (chữ Hán: 不染污, tiếng Phạn: akliwỉa, tiếng Pàli: aklittha) có nghĩa là không nhơ nhuốm, không ô uế. Đôi khi từ này còn được gọi là vô nhiễm ô, bất nhiễm, vô nhiễm. Bất nhiễm ô tức là pháp thiện và pháp vô phú vô ký, không nhơ nhuốm.

bat-nhiem-o-la-gi
Bất nhiễm ô có nghĩa là không bị nhơ nhuốm, vô nhiễm ô, bất nhiễm.

Trong luận Đại tì ba sa (quyển 9), khi bàn về tà trí (trí bất chính) có phân biệt hai thứ tồn tại là nhiễm ô và bất nhiễm ô. Theo đó, nhiễm ô thì tương ứng với vô minh, còn bất nhiễm ô không tương ứng với vô minh.

Trong luận Câu xá (quyển 4), khi nói về sự yêu, sự thương (cái ái) thì cũng phân biệt ra nhiễm ô và bất nhiễm ô. Nếu ái có nhiễm ô thì chính là tham, yêu vợ con, yêu tiền bạc, yêu cảnh đẹp,... đều là tham cả. Còn ái mà không có nhiễm ô (tức là ái bất nhiễm ô) thì gọi là tin, như thương kính thầy tổ, tâm tin vào nhà Phật,...

Bất nhiễm ô vô tri (chữ Hán: 不染污無知, tiếng Phạn: akliwỉajĩàna) còn gọi là bất nhiễm vô tri, bất nhiễm ngu. Đây là một trong hai loại vô tri, đối ngược lại với Nhiễm ô vô tri. Bất nhiễm vô tri tức là tính tuy không nhiễm ô nhưng vì là loại trí tuệ còn yếu kém, với các nghĩa sai biệt trong Phật pháp chưa thể phân biệt, thấu hiểu rõ được.

Thanh văn, Độc giác dù đoạn Nhiễm ô vô tri thì có thể đoạn hoặc vẫn còn Bất nhiễm ô vô tri, chỉ có Phật mới có thể vĩnh viễn dứt hết thảy Bất nhiễm ô vô tri, do đó mới gọi là diệt tất cả hạt giống. Thể của Bất nhiễm ô vô tri rất rộng, gồm cả giải thoát chương mà Thanh văn, Độc giác dù có thể đoạn trừ nó nhưng vẫn còn hiện hành vì tập khí phiền não chưa diệt được hết. Bất nhiễm ô vô tri lấy vô minh làm thể của nó.

bat-nhiem-o-la-gi
Thanh văn, Độc giác dù đoạn Nhiễm ô vô tri thì có thể đoạn hoặc vẫn còn Bất nhiễm ô vô tri, chỉ có Phật mới có thể vĩnh viễn dứt hết thảy Bất nhiễm ô vô tri, do đó mới gọi là diệt tất cả hạt giống.

Theo luận Đại tì ba sa (quyển 9) và luận Thuận chính lý (quyển 28), thì Câu giải thoát A la hán tuy đã giải thoát chướng nhưng bất nhiễm ô vô tri vẫn hiện hành. Câu xá luận quang kí quyển 1 rằng, Bất nhiễm ô vô tri lấy trí tuệ yếu kém với hữu lậu vô nhiễm từ lúc chưa thành Phật làm thể. Nó thông với tính thiện và tính vô phú vô kí, thế nên khi định Kim cương dụ của Bồ tát hiện ra thì vô tri không còn là duyên thù thắng, Bồ tát lập tức có thể dứt hết bất nhiễm ô vô tri. Bất nhiễm ô vô tri còn được xem là rộng khắp Giải thoát chướng lẫn Sở tri chướng, vì thế dù Câu giải thoát A la hán tuy đã dứt giải thoát chướng, nhưng chưa lìa được Sở tri chướng, cũng chỉ có Phật mới có thể dứt hết cả hai.

Trong đạo Phật cũng có câu này: "Nhất trần bất nhiễm" (chữ Hán: 一塵不染 hoặc 一尘不染, tiếng Phạn: Artha, hoặc Viwaya) có nghĩa là một mảy bụi cũng không nhiễm, không nhuốm bụi trần, còn được hiểu là cảnh, cảnh giới. Nhất trần bất nhiễm ám chỉ đối tượng (đối cảnh) mà 6 căn duyên theo rồi sinh ra cảm giác. Theo lời Phật dạy, 6 thứ: Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp được gọi là Trần cảnh của 6 căn (bụi bặm của 6 căn). Nếu 6 căn Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý mà thanh tịnh hoàn toàn, không bị ô nhiễm vẩn đục, thì gọi là Nhất trần bất nhiễm. Người tu hành mà không bị nhiểm bẩn lục trần thì cũng được gọi là Nhất trần bất nhiễm.

bat-nhiem-o-la-gi
Nhất trần bất nhiễm (chữ Hán: 一塵不染 hoặc 一尘不染, tiếng Phạn: Artha, hoặc Viwaya) có nghĩa là một mảy bụi cũng không nhiễm, không nhuốm bụi trần.

Sau này, Nhất trần bất nhiễm thường được sử dụng để khen ngợi, hàm ý ám chỉ nhân cách cao khiết, đức tính thanh liêm của  các vị quan lại hoặc các bậc cao sĩ.

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận