Bất ngờ với bài văn điểm cao sử dụng trích dẫn từ ngôn tình khiến dân tình xôn xao
Khi phân tích tác phẩm "Tự tình II" của Hồ Xuân Hương, một nữ sinh ở Tiền Giang đã dùng trích dẫn trong ngôn tình và đạt điểm cao.
Việc sử dụng trích dẫn từ các tiểu thuyết kinh điển không phải là hiếm, nhưng trích dẫn từ ngôn tình thì quả thật ít gặp. Hồi năm 2018, có một bài văn phân tích tác phẩm tự tình II của Hồ Xuân Hương có sử dụng trích dẫn từ tiểu thuyết ngôn tình đã khiến dân tình không khỏi xôn xao.
Được biết, tác giả bài viết là em Nguyễn Thụy Mỹ Huyền (17 tuổi, THPT Phước Hạnh 2, Tiền Giang). Mỹ Huyền cho hay, đó là bài phân tích thuộc phần II (làm văn) trong đề kiểm tra Ngữ văn lấy điểm một tiết lần 2 diễn ra vào ngày 13/11/2017. Cả bài kiểm tra môn Ngữ văn, Huyền đạt 9 điểm.
Nữ sinh 10x bật mí, cô đã trích dẫn tiểu thuyết "Lâu chủ vô tình" của Nhất Độ Quân Hoa và "Bên nhau trọn đời" của Cố Mạn để mở đầu bài kiểm tra. Hai câu văn được Mỹ Huyền sử dụng là: "Nàng nắm tay ta, theo ta nửa đời phiêu bạt / Ta hôn mắt nàng, che nàng nửa kiếp lênh đênh"; "Chờ đợi không đáng sợ, đáng sợ là không biết phải chờ đến bao giờ". Nữ sinh tâm sự, đôi khi đọc truyện ngôn tình cũng có ích, bởi em có học cách hành văn, ngôn từ trau chuốt và tình cảm dành cho từng bài văn nhiều hơn.
Sống Đẹp xin trích nguyên văn bài văn điểm 9 của em Nguyễn Thụy Mỹ Huyền, với đề bài: "Cảm nhận của em về tác phẩm Tự tình II của Hồ Xuân Hương":
"Tôi đã từng đọc trong một cuốn tiểu thuyết được câu nói:
'Nàng nắm tay ta, theo ta nửa đời phiêu bạt.
Ta hôn mắt nàng, che nàng nửa kiếp lênh đênh'.
Lúc đó, tôi liền có thể cảm nhận được, đối với người phụ nữ, dù trong bất kỳ thời đại hay hoàn cảnh nào, mong ước nhỏ bé của họ vẫn là có được một hạnh phúc trọn vẹn cho riêng mình, có một người đàn ông luôn luôn ở bên họ "nửa đời phiêu bạt", che chở họ suốt 'nửa kiếp lênh đênh'.
Nhưng trời trêu ngươi, 'hồng nhan bạc mệnh', tài nữ Hồ Xuân Hương của nước ta ngay cả niềm hạnh phúc nhỏ nhoi đó cũng không có. Mặc dù bà là người tài năng, đi được nhiều nơi, quen biết nhiều danh sĩ nhưng lại chẳng tìm được lang quân như ý.
Bà gửi gắm sự buồn bã của mình vào thơ, viết ra những bài thơ về phụ nữ, vừa ca ngợi họ lại như có nỗi niềm thông cảm cho số phận đau chung. Trong đó có bài thơ 'Tự tình II' vô cùng nổi bật nói về tâm trạng bi phẫn, đau thương của Hồ Xuân Hương khi đã cố gắng đứng lên tìm hạnh phúc nhưng đổi lại chỉ là hiện thực phũ phàng. Bài thơ nằm trong chùm ba bài 'Tự tình' của bà, chỉ vẻn vẹn 8 câu, mỗi câu 7 chữ:
'Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.
Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con'.
Bốn câu đầu của bài thơ đã nói lên tâm trạng của Hồ Xuân Hương trong buổi đêm tĩnh mịch. Thử tưởng tượng xem, một người phụ nữ yếu đuối, trong 'đêm khuya' vắng, ở không gian 'nước non' rộng lớn, tai 'văng vẳng' tiếng 'trống canh dồn' có bao nhiêu bơ vơ, bao nhiêu sầu tủi?
Chẳng những vậy, trong câu thơ thứ hai, cụm từ 'hồng nhan' vốn để chỉ người phụ nữ đẹp nhưng Hồ Xuân Hương lại cho nó đi với từ 'cái' - cụm từ đó nhuốm chút đau thương khi vẻ đẹp của người phụ nữ quý giá là thế mà không được coi trọng.
Người xưa hay nói 'uống rượu giải sầu', Hồ Xuân Hương cũng vậy, bà tìm đến rượu mong hơi men có thể giúp bà say, giúp bà quên đi, nhưng càng uống say càng khiến tâm thêm tỉnh, nỗi chua xót cứ vậy mà dâng cao. Các nhà thơ khác thường dùng hình ảnh vầng trăng để nói lên nỗi lòng nhớ nhà, nhớ cố hương da diết như Lý Bạch trong bài 'Tĩnh dạ tư':
'Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương'.
Nhưng trong bài Tự tình II tác giả đã dùng nó cho mục đích khác, mượn chu kỳ tròn khuyết của ánh trăng để nói lên nỗi đau thân phận, trăng đã tròn nhưng tình còn khuyết, càng nghĩ càng tủi thân! Bốn câu thơ trên đã nói lên tâm trạng buồn bã bi thương của Hồ Xuân Hương trong buổi đêm vắng vẻ dưới ánh trăng u buồn.
Mà tâm tư Hồ Xuân Hương đâu chỉ có thế! Trong bài thơ nào của bà cũng có những câu nói lên sự kiên cường bất khuất. Điển hình là bài 'Bánh trôi nước':
'Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son'.
Mặc dù có cuộc đời 'bảy nổi ba chìm' nhưng bà vẫn giữ được 'tấm lòng son' không hề phai nhạt. Còn trong Tự tình II, sự kiên cường đó lại được miêu tả theo cách khác:
'Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn'.
Ở đây, bà dùng phương pháp đảo ngữ kết hợp động từ mạnh 'xiên ngang', 'đâm toạc', giọng điệu mạnh mẽ như chém đinh chặt sắt, dùng hình ảnh rêu đá để nói về bản thân. Rêu đá tuy nhỏ bé, nhỏ bé như số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Nhưng đâu phải nhỏ bé là sẽ buông xuôi?
Bà giống như rêu đá, dù có bị chôn vùi dưới lớp bùn đen vẫn ngạo nghễ vươn lên chống chọi số phận nghiệt ngã, tự tìm hạnh phúc cho mình. Tâm tư của bà trong hai câu thơ đó khiến người khác vạn phần bội phục.
Nhưng đến cuối cùng sự nỗ lực kiên cường đó đổi lại được những gì? Chẳng được gì cả, mà ngược lại khiến bà càng ngày càng buông xuôi. Người ta hay nói 'hy vọng càng nhiều thất vọng càng sâu', Hồ Xuân Hương đâu chỉ hy vọng đơn thuần mà bà còn tự thân cố gắng vươn lên nhưng vẫn thất bại.
Thử hỏi, so với người chỉ biết hy vọng, nỗi thất vọng của bà sâu bao nhiêu? Cũng có người nói 'Chờ đợi không đáng sợ, đáng sợ là không biết phải chờ đến bao giờ', Hồ Xuân Hương cũng chờ đợi. Bà 'ngán ngẩm' trông chờ mãi đến khi mùa 'xuân' vùn vụt trôi còn tuổi 'xuân" dần hết.
Câu 'Mảnh tình san sẻ tí con con', bà dùng biện pháp tăng tiến theo hướng giảm dần. Từ 'mảnh tình" đến 'san sẻ' rồi 'tí' cuối cùng là 'con con'. Chỉ mỗi chữ 'mảnh' thôi đã thấy tình cảm của Hồ Xuân Hương nhận được đã vô cùng nhỏ bé vậy mà còn bị chia sẻ với người khác.
Bi thương bao nhiêu, chỉ có thể cười tự giễu! Nỗi bi kịch đó không phải chỉ mình bà gánh chịu. Trong cái xã hội phong kiến xem phụ nữ như rơm rạ này, nỗi đau chỉ có thể chôn giấu trong lòng hoặc gửi gắm vào thơ, như vậy làm con người ta càng thêm đau khổ.
Trong bài thơ ta có thể thấy được tác giả dùng giọng điệu có lúc bi thương, có lúc mạnh mẽ kiên cường, khi lại buông xuôi tất cả. Nó kết hợp với biện pháp tu từ tăng tiến theo hướng giảm dần, đảo ngữ cùng cách sử dụng động từ mạnh, từ láy một cách khéo léo làm cho bài thơ trở thành một tuyệt tác.
Bằng giọng thơ thay đổi liên tục, lúc buồn, lúc mạnh mẽ, lúc thất vọng, Hồ Xuân Hương đã thành công diễn tả được từ tâm trạng buồn tủi của bản thân trong đêm vắng cho đến sự mạnh mẽ kiên cường như rêu đá và rồi sự thất vọng nặng nề của bà khi phải chứng kiến cảnh cuộc tình của mình không được trọng vẹn, phải chia sẻ cùng người khác.
Đó cũng là bi kịch chung của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Ngày nay, khi xã hội phát triển, vị thế của người phụ nữ ngày càng được nâng cao, không biết người phụ nữ ngày nay nhìn về những người phụ nữ phong kiến sẽ động được bao nhiêu lòng trắc ẩn?".
Bài văn của Mỹ Huyền đã gây sốt mạng xã hội lúc bấy giờ, thu hút vài ngàn lượt thích và bình luận. Có những người khen ngợi em, cũng có ý kiến cho rằng không nên trích dẫn ngôn tình. Khi đó, thầy Trịnh Văn Quỳnh - giáo viên Ngữ văn tại Nam Định đã nhận xét: "Bài văn trước tiên đảm bảo các yêu cầu cơ bản về kiến thức khi phân tích bài thơ 'Tự tình' của Hồ Xuân Hương.
Nét mới lạ của bài viết là học sinh đã có những liên hệ mở rộng bằng cách trích dẫn các câu nói nổi tiếng trong các tiểu thuyết ngôn tình được nhiều bạn trẻ yêu thích. Sự liên hệ này có phần tự nhiên và hợp lý vì có sự tương đồng về quan niệm tình yêu và hạnh phúc của người phụ nữ muôn thuở. Cách cảm nhận có thể giúp bài văn giàu cảm xúc, có cái nhìn khác hơn về một tác phẩm văn học.
Học sinh có quyền tự do trong cách cảm, cách viết, không có hạn chế trong việc sử dụng tư liệu ở các bài làm. Nhưng học sinh cần tiếp cận một tác phẩm văn học không chỉ bằng cảm xúc mà còn bằng lý luận.
Nghị luận về một tác phẩm văn học cần làm rõ đặc trưng thể loại, quan niệm nghệ thuật về con người trong giai đoạn đó cụ thể phải đặt con người trong mối quan hệ với không gian, thời gian nghệ thuật và văn hóa thời đại. Tiểu thuyết ngôn tình và văn học trung đại thế kỷ XVIII-XIX lại không có sự tương đồng cần thiết như thế".
Theo Hoàng Thanh/Infonet
Xem thêm: Nghẹn ngào với bài văn điểm 10 viết về bạn thân của học sinh trường Chuyên Nguyễn Huệ
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận