Học lỏm cách mẹ Nhật dạy con tiết kiệm: Tuy nhỏ nhưng giúp hình thành nhân cách lớn

Ở Nhật, tiết kiệm được coi là mỹ đức nên việc dạy trẻ nhỏ tiết kiệm được coi là nội dung giảng dạy quan trọng bậc nhất để giúp trẻ trau dồi phẩm chất và hình thành nhân cách lành mạnh.

Diệu Nguyễn
17:00 31/08/2024 Diệu Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Từ một đất nước nghèo đói, thiếu thốn tài nguyên thiên nhiên, đi lên từ những đổ nát của chiến tranh và thảm họa thiên nhiên, nên ngay cả khi đã giàu mạnh thì với người Nhật, thái độ sống khiêm nhường, tiết kiệm vẫn được coi là mỹ đức quan trọng bậc nhất tại đây. Sống ở Nhật, bạn sẽ thấy rằng rất nhiều người thích phô trương của cải của mình, ngay cả những bậc đại phú giàu có trong xã hội cũng sống rất khiêm nhường, ẩn mình.

Tại các cơ quan, trường học, tiết kiệm được coi là mục tiêu quan trọng trong các hoạt động học tập và làm việc. Còn tại gia đình, việc dạy cho trẻ thói quen tiết kiệm cũng được cha mẹ Nhật coi trọng và họ thường dạy con theo 2 cách dưới đây:

hoc-lom-cach-me-nhat-day-con-tiet-kiem

Trẻ nhỏ cần có nhận thức lành mạnh về tiền bạc

Trong gia đình, cha mẹ Nhật sẽ là tấm gương để con noi theo về thực hành tiết kiệm như từ việc không mua sắm phung phí, chỉ mua những vật dụng thật sự cần thiết trong gia đình tới việc tái chế các đồ vật vẫn có thể sử dụng.

Việc bố mẹ bố trí không gian sống hợp lý, khoa học, ngăn nắp cũng là một trong những cách tạo nếp sống vừa đủ, không lãng phí trong gia đình. Hay ngay cả trong khẩu phần ăn hằng ngày, cách người Nhật tạo ra các món ăn cân bằng, dinh dưỡng, vừa phải về số lượng cũng là cách hiệu quả để giúp trẻ nhận thức về việc sử dụng thực phẩm hợp lý, không thừa mứa.

Ngoài ra, bố mẹ cũng cần quan tâm, dạy cho trẻ hiểu vai trò quan trọng của tiền bạc trong cuộc sống. Giúp cho con trẻ học được cách thiết kế cuộc sống dựa trên các bài toán tài chính cơ bản, điều này sẽ giúp con vững vàng hơn khi trưởng thành, bước chân vào xã hội.

Những cuộc trò chuyện, dạy về tiền bạc giữa cha mẹ và con cái nên diễn ra nhẹ nhàng, để trẻ không bị áp lực hay gánh nặng. Như trong việc từ chối mua sắm đồ vật mới cho con, thay vì nói “cha mẹ không có tiền” thì cha mẹ Nhật thường dạy con xem đồ vật đó có thực sự cần thiết và xứng đáng để bỏ tiền ra mua hay không.

Ngoài ra, cha mẹ Nhật cũng thường dẫn con trẻ tới tham quan các cơ quan, công xưởng nơi cha mẹ đang làm việc để trẻ hiểu được rằng đồng tiền kiếm được rất vất vả, đó là công sức là mồ hôi của cha mẹ. Từ đó, trẻ sẽ biết trân trọng sức lao động và trân quý đồng tiền hơn.

Hình thành thói quen tiết kiệm năng lượng

Bài học tiết kiệm đơn giản nhất mà bố mẹ Nhật thường áp dụng cho con em của mình đó là hướng dẫn trẻ tiết kiệm năng lượng khi không dùng tới. Ví như vặn vòi nước ngay khi không sử dụng, tắt điện khi không dùng tới và chỉ mở điều hòa khi thật sự cần thiết. Hay khi đi ra ngoài, bố mẹ cũng luôn hướng dẫn trẻ mang theo bình nước để tránh lãng phí tiền bạc vào việc mua nước đóng chai.

Giáo dục trẻ tiết kiệm năng lượng không chỉ đơn thuần là dạy trẻ những con số trên tờ hóa đơn điện nước của gia đình sẽ giảm được bao nhiêu, mà thông qua việc này cha mẹ còn dạy trẻ về những vấn đề môi trường xã hội. Để từ đó trẻ có thể hiểu được rằng, một cây bút chì, một tờ giấy trắng… cũng là thứ cần phải tiết kiệm và sử dụng hợp lý.

Học tiết kiệm cũng là cách giúp trẻ hình thành một nhân cách lành mạnh thông qua việc sống có kỷ luật và có thái độ nghiêm túc với các vấn đề tài chính. Từ đó sẽ giúp nuôi dưỡng cho trẻ một tầm nhìn tương lai và tính cách độc lập, tự chủ. Xa hơn nữa việc giáo dục về tiền bạc còn giúp trẻ có suy nghĩ lao động và kiến tạo vật chất một cách lương thiện, lành mạnh.

Xem thêm: vTriết lý dạy con “keo kiệt” của tỷ phú Chuck Feeney

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận