Các nước Á Đông làm gì trong Tết Đoan Ngọ 5/5?
Vào ngày 5/5 tết Đoan Ngọ, người Việt Nam sẽ làm lễ giết sâu bọ, vậy còn các nước khác thì sao?
Ngày 5/5 âm lịch là một trong số những ngày Tết truyền thống tại một số nước như Việt Nam, Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản... Nhiều người lầm tưởng ngày mùng 5/5 là một "ngày đẹp" để tổ chức các lễ hội. Tuy nhiên điều này hoàn toàn ngược lại, ngày mùng 5/5 ở các nước Á Đông thường có các hoạt động khác nhau nhằm mục đích xua đuổi tà ma, ngăn ngừa bệnh tật, hướng đến giữ gìn sức khỏe, cầu bình an.
Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ
Tết Đoan Ngọ của Việt Nam được bắt nguồn theo 1 truyền thuyết: Vào một ngày sau vụ mùa, nông dân ăn mừng vì trúng mùa nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo đến ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Nhân dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân.
Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm đơn giản có bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng.
Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày "Tết diệt sâu bọ", có người gọi nó là "Tết Đoan Ngọ" vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.
Việt Nam: Tết Đoan Ngọ hay Tết diệt sâu bọ
"Đoan" có nghĩa là mở đầu, "Ngọ" là thời khắc được tính từ 11 giờ trưa tới 1 giờ chiều. Người Việt ăn Tết Đoan Ngọ sau khi cúng trời đất vào buổi trưa. Tết Đoan Ngọ rơi vào tiết khí hạ chí, thời gian ban ngày dài nhất năm. Đây cũng là thời điểm người nông dân bắt đầu vụ mùa hè thu.
Thông thường trước và sau hạ chí là thời điểm nắng nóng gay gắt và côn trùng gây hại phát triển, làm hại mùa màng và ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy nên, trong giai đoạn này mọi người có tập tục giết sâu bọ bên ngoài ruộng đồng và cả "sâu bọ" tượng trưng bên trong cơ thể.
Trong mâm cúng người Việt vào buổi trưa không thể thiếu các loại trái cây, nhất là các loại quả hình tròn cầu mong một vụ mùa no đủ. Mọi người cũng ăn cơm rượu nếp. Rượu nếp với đầy đủ các vị chua, cay, đắng, ngọt có tác dụng tiêu diệt ký sinh trùng trong người.
Ăn bánh ú tro cũng là một phong tục lâu đời đến nay người Việt còn lưu giữ. Bánh ú tro được làm từ nếp và nước tro bếp để lắng. Mọi người tin rằng món bánh này giúp cơ thể giải độc, trừ tà ma và cũng tượng trưng cho mùa màng bội thu. Một món ăn khác cũng không thể thiếu trong bữa tiệc gia đình "ăn mùng năm" chính là thịt vịt. Thịt vịt có tính mát giúp giải nhiệt hiệu quả trong ngày hạ chí nắng nóng.
Trong ngày này, nhiều người sẽ chọn đúng giữa trưa để hái các loại lá thuốc. Họ tin rằng thời điểm này cây thuốc có thể nâng cao khả năng dược tính. Các loại lá còn được gọi "lá mùng năm" dùng để nấu uống, xông hơi, tắm... giúp tăng cường sức khỏe và có khả năng trị bệnh.
Trung Quốc: Lễ hội thuyền rồng
Đua thuyền rồng là một hoạt động náo nhiệt không thể thiếu người Trung Quốc trong Tết Đoan Ngọ. Tương truyền, khi nhận được tin Khuất Nguyên vị trung thần nước Sở tự vận, người dân ngay lập tức tổ chức đội thuyền chèo ra sông để cứu nhưng không thành.Kể từ đó, mỗi năm vào đúng ngày 5/5 người dân đều tổ chức lễ hội đua thuyền rồng để tưởng nhớ đến vị trung thần này. Nếu bạn có cơ hội đi du học Trung Quốc, hãy thử đi xem lễ hội đua thuyền này một lần nhé bởi gần như tỉnh nào cũng tổ chức.
Họ ăn Zongzi, tương tự bánh ú tro ở Việt Nam, được làm từ gạo nếp. Ngoài ra, người ta còn treo cây trúc, cây ngải cứu trước cửa nhà để đuổi muỗi, ruồi bay đi, thanh lọc không khí. Trẻ em đeo túi thơm trừ tà ma và dây lụa ngũ sắc đỏ, vàng, xanh, trắng, đen là những màu sắc mang ý nghĩa may mắn.
Nhật Bản: Tango - Lễ hội của bé trai
Ngày này ban đầu được gọi là Tango no Sekku (từ thời Nara) và được tổ chức vào ngày thứ 5 của tháng năm tính theo âm lịch hay lịch Trung Quốc. Sau khi Nhật Bản chuyển đổi sang lịch Gregorian, ngày đó cũng được dịch chuyển sang ngày mùng 5 tháng 5, và được coi là ngày lễ dành cho các bé trai với tên gọi "Kodomo no hi" là một ngày đại lễ của Nhật từ năm 1948.
Đây là dịp lễ đặc biệt, người Nhật thường treo cờ cá chép (Koinobori) tượng trưng cho những bé trai khoẻ mạnh thông minh với ý nghĩa “cá vượt vũ môn” và còn trang trí các bộ áo giáp Kabuto mang theo ước nguyện của những bậc cha mẹ mong muốn cho con mình sẽ thành đạt trong cuộc sống.
Người Nhật cũng sử dụng cây cỏ ngọt như một phần quan trọng trong lễ hội, chúng biểu tượng cho lòng dũng cảm. Họ treo cỏ ngọt nơi mái hiên, phơi trên mái nhà, kê dưới gối, dùng để tắm hay ngâm rượu. Mọi người tin rằng điều này có thể giúp xua đuổi bệnh dịch và linh hồn ma quỷ.
Hàn Quốc: Lễ hội Gangneung Danoje
Lễ hội trong ngày này ở Hàn Quốc rất phong phú và đặc biệt nhiều màu sắc trong các hoạt động. Lễ hội Gangneung Danoje tại Hàn Quốc kéo dài hơn 20 ngày.
Trong ngày này, những cô gái Hàn sẽ thực hiện tục gội đầu bằng lá cây diên vĩ. Người Hàn tin rằng, nếu bạn dùng nước cây diên vĩ đun sôi để gội đầu sẽ khiến tóc bạn suôn mượt và óng ả hơn. Mọi người sau đó mặc những bộ đồ với tông màu chủ đạo là màu đỏ và xanh. Những chiếc cặp tóc cũng được nhuộm đỏ bằng rễ cây diên vĩ.
Đó là trang phục của người phụ nữ, còn những người đàn ông Hàn, họ sẽ cuốn rễ cây xung quanh thắt lưng. Người ta tin rằng làm như vậy sẽ xua đuổi được các tà ma và các linh hồn dữ sẽ không thể làm hại bạn.
Thời gian diễn ra Gangneung Danoje, sẽ có các hoạt động mang tính đặc trưng địa phương như ném niêu, đấu vật, đu dây, thi đấu taekwondo, làm quạt Dano, múa với mặt nạ truyền thống… Người dân cũng làm mâm lễ với cây ngải đắng và bánh nướng để dâng cúng tổ tiên. Gangneung Danoje là một hoạt động dân gian quy mô lớn để người dân cầu mong mùa màng bội thu và sung túc.
Singapore: Lễ hội đua thuyền rồng
Ở Singapore, nơi rất nhiều người Phúc Kiến - Trung Quốc sinh sống, họ tổ chức nhiều lễ hội khác nhau để xua đuổi tà ma và cầu bình an. Vào ngày 5 tháng 5 âm lịch, họ sẽ luôn nhớ ăn Zongzi hay còn gọi Bak zhang với rất nhiều loại nhân bánh khác nhau.
Trong đó, tổ chức các cuộc đua thuyền rồng là hoạt động không thể thiếu. Xung quanh lễ hội Thuyền rồng hàng năm, một giải đấu thử thách thuyền rồng tuyệt vời sẽ được tổ chức tại Công viên Bờ biển phía Đông của Singapore.
Malaysia: Lễ hội thuyền rồng và cuộc thi làm bánh Zongzi
Ở Malaysia, người ta cũng ăn Zongzi vào ngày này. Cuộc thi làm Zongzi được tổ chức hầu như hàng năm. Có rất nhiều người ở mọi lứa tuổi tham gia cuộc thi. Cuộc đua thuyền rồng cũng là một sự kiện thường niên.
Tháng Ngọ là tháng nằm ở khoảng giữa nên được người Á Đông xem như Tết giữa năm. Tuy thời điểm này có rất nhiều hoạt động diễn ra ở các nước khác nhau nhưng quan niệm dân gian lại cho rằng, bạn nên tránh chọn ngày này để đi du lịch. Đây là thời điểm con người nên chú trọng đến sức khỏe và quây quần, tụ họp bên gia đình, người thân.
Đọc thêm: Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 và những điều cần biết!
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận