Trường hợp hiếm thấy trong sử Việt: Dòng họ có ba đời đều đỗ Trạng nguyên
Trong lịch sử Việt, hiếm có dòng họ nào như họ Hồ ở Nghệ An khi có 3 đời đỗ Trạng nguyên. Người đầu tiên được vinh danh trong dòng họ chính là Hồ Tông Thốc.
Năm 1341, Hồ Tông Thốc thi đỗ trạng nguyên khi mới 17 tuổi, mở đầu cho khoa bảng rực rỡ của một thế gia vọng tộc. Sau đó, con trai Hồ Tông Thốc là Hồ Tông Đốn và cháu ruột Hồ Tông Thành đều đỗ trạng nguyên. Đây là gia đình hiếm hoi trong lịch sử Việt có 3 đời đều đỗ Trạng nguyên.
Dòng dõi 3 đời đỗ Trạng nguyên
Hồ Tông Thốc sinh năm Giáp Tý (1324) tại làng Kẻ Cuồi hay Trang Cuồi, ấp Quỳ Trạch, huyện Thổ Thành, nay là làng Tam Thọ (xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Ông là dòng dõi họ Hồ ở Quỳnh Lưu, là người mở đầu cho nền khoa bảng nổi tiếng nhất đất này. Đặc biệt, ông nội của Hồ Tông Thốc chính là cụ Hồ Kha - cháu đời thứ 13 của Trạng nguyên Hồ Hưng Dật.
Từ nhỏ, Hồ Tông Thốc đã nổi tiếng thông minh, lại được sống trong dòng dõi thế phiệt nên càng có cơ hội học hỏi, trau dồi kiến thức. Trong sách Cương mục có ghi: “Thốc tuổi trẻ đỗ sớm, nổi tiếng về văn học”. Còn theo Hồ gia thế phả, lúc Hồ Tông Thốc còn bé thì ở làng, khi lớn thì ra xã Võ Ngại, huyện Đường Hào, Hải Dương để du học.
Lúc du học đất Bắc, ông vẫn nổi tiếng hay chữ, giỏi thơ và trí nhớ hơn người. Sách khó đến mấy ông cũng chỉ xem qua một lần là nhớ. Có câu chuyện kể rằng, vào dịp Tết Nguyên tiêu (rằm tháng giêng), ở Kinh đô có một vị quan lớn họ Lê treo đèn, đặt tiệc, mời văn nhân đến nhà bình thơ. Khi đó, Hồ Tông Thốc còn đi học nhưng cũng đến dự.
Đề vừa ra, ông liên tiếp làm cả trăm bài thơ trong khi mọi người vẫn còn đang suy nghĩ. Cả trăm bài thơ của ông đến lúc bình bài nào cũng hay và vượt trội hơn những bài khác. Kể từ đó, tiếng tăm của ông vang khắp kinh kỳ. Hay một lần khác, khi đang đi trên phố, ông gặp một người con gái xinh đẹp tuyệt trần, phong tư rất mực. Bạn bè thách đố ông bắt chuyện và yêu đương với người con gái ấy.
Tuy nhiên thời đó, dù học trò có giỏi đến đâu mà chưa đỗ đạt thì cũng không có cửa lọt vào mắt con nhà quyền quý. Bởi vậy, ông bí mật bỏ học, giả làm viên quan nhỏ đến trú ngụ ở xã Dịch Sứ, nơi có người con gái được gặp mấy hôm trước để có dịp lân la trò chuyện. Ông giữ phong thái tự trọng bởi mình cũng là con nhà thế phiệt. Chỉ với việc bình thơ, ông nhanh chóng chiếm giữ được trái tim người đẹp. Về sau, cô gái trở thành vợ của Hồ Tông Thốc, là mẹ của Trạng nguyên Hồ Thành, sau này là bà nội trạng nguyên Hồ Đốn. Đó là bà Thị Ẩn.
Năm 17 tuổi, Hồ Tông Thốc dự thi khoa Tân Tỵ (1341) và đậu Trạng nguyên. Dù còn ít tuổi, ông được vua Trần Dụ Tông tin tưởng giao cho chức Trung Thư lệnh. Sau khi đỗ đạt, ông về lấy người con gái mình yêu làm vợ và được người đời ca ngợi. Nhiều người đề thơ tặng gia đình ông. Trong đó có câu: “Lũy thế phương danh chiêu Nhạn Tháp. Nhất gia thịnh sự ích Long Môn” và “Phụ Trạng nguyên, tử diệc Trạng nguyên” ý nói cha con nhiều đời đầu kế tiếp nhau đỗ Trạng nguyên cả.
Đề thơ chê Hạng Vũ, chữa thơ Vương Bột
Sau khi đỗ Trạng nguyên, Hồ Tông Thốc được vua giao làm An phủ sứ, sau được phái dẫn đoàn sứ bộ sang Trung Quốc. Theo sách Văn đàn bảo giám, trong chuyến đi sứ nhà Nguyên, thuyền của đoàn sứ bộ nước ta trên sông Ô Giang. Lúc đi qua miếu thờ Hạng Vũ - hổ tiếng nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc - Hồ Tông Thốc cho thuyền đi thẳng mà không đốt hương hay vàng mã như những người khác.
Một lúc sau, trời nổi gió to, mặt sông sóng lớn. Hồ Tông Thốc đứng trước mũi thuyền thản nhiên đọc thơ: “Chẳng phải vua chẳng phải tôi/Bên sông miếu mạo để thờ ai/Giang Đông ngày ấy còn chê nhỏ/Tiền giấy nay sao lại cố đòi?” Bài thơ bắt nguồn từ chính điển tích về Hạng Vũ. Thời xưa, Hạng Vũ đánh cho Lưu Bang thua tơi tả nhưng về sau lại bị Lưu Bang đánh bại. Khi đó, Hạng Vũ uống rượu vĩnh biệt nàng Ngu Cơ rồi dẫn quân chạy đến sông Ô Giang.
Có người mời Hạng Vũ xuống thuyền tới Giang Đông lập căn cứ khôi phục cơ nghiệp nhưng Hạng Vũ không chịu sang vì chê đất hẹp, sau này đánh nhau với Lưu Bang thua trận phải tự thiêu. Ngoài bài thơ trên, Hồ Tông Thốc còn làm bài thơ khác về Hạng Vũ, dán ở miến thờ nhân vật này và từ đó, người dân qua miếu không phải đốt vàng mã nữa.
Trong sách Giai thoại Lịch sử Việt Nam còn ghi cả chuyện Hồ Tông Thốc sửa thơ của Vương Bột - người được tôn là thi bá của Trung Quốc. Khi đó, đô đốc Hồng Châu mở hội thơ để khoe tài văn chương của con rể. Lúc con rể làm bài “Tựa gác Đằng Vương”, Vương Bột không chút do dự hạ ngay 4 câu, trong đó có hai câu được truyền tụng là tuyệt cú: “Lạc hà dự cô vụ tề phi/Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc”. Nghĩa là: “Ráng chiều với cánh cò cô độc cùng bay/Làn nước thu với bầu trời một màu”.
Nhiều năm sau, người Trung Quốc vẫn ngâm nga và ca tụng 2 câu thơ này. Hồ Tông Thốc nghe xong liền nói: “Có gì mà tuyệt cú! Câu nào cũng thừa một chữ. Đã dự sao còn tề, đã cộng sao còn nhất?”. Sau đó, ông giải thích rằng, trong chữ Hán, chữ “dự” với chữ “tề” và chữ “cộng” với chữ “nhất” có nghĩa tương đương nhau. Từ đó, người dân trong vùng không còn ai nghe tiếng ngâm thơ trên mộ Vương Bột nữa.
Xem thêm: Có '1 - 0 - 2' trong sử Việt: Dòng họ 10 đời đỗ đại khoa cùng lời sấm bí ẩn của thầy Tàu
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận