"Quý cô không thể chìm" và 3 lần thoát khỏi tử thần vô cùng ngoạn mục

Không chỉ sở hữu nhan sắc xinh đẹp, Violet Jessop còn may mắn tới nỗi 3 lần đều thoát khỏi các tử thần chỉ trong gang tấc.

Thùy Nguyễn
12:00 27/09/2021 Thùy Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Violet Constance Jessop sinh ngày 2/10/1987 tại Argentina, là con gái lớn nhất của người nhập cư Ailen William và Kinda Jessop. Nếu sống sót 1 lần sau tai nạn đường thủy là may mắn thì cuộc đời của Violet Jessop phải nói là có 1-0-2 khi đã thoát khỏi tử thần đến 3 lần khỏi các vụ đâm và đắm tàu.

Điều đáng nói, cả 3 con tàu gặp nạn của người phụ nữ này đều thuộc dòng tàu chở khách hạng sang. Đặc biệt, đây cũng là 3 chiếc duy nhất được xưởng đóng tàu Harland & Wolff, Ireland sản xuất dựa theo đơn đặt hàng của hãng White Star Line.

Thoát khỏi lưỡi hái tử thần từ khi còn nhỏ

Trước khi may mắn thoát liên tiếp 3 vụ đâm và đắm tàu thì hồi còn nhỏ, Jessop cũng từng thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Lúc bé, bà từng mắc bệnh lao và được bác sĩ chẩn đoán rằng chỉ sống được vài tháng ngắn ngủi. Tuy nhiên, bằng một cách nào đó Jessop vẫn vượt qua bệnh tật một cách thần kỳ và khỏe mạnh trở lại.

quy-co-khong-the-chim-va-3-lan-thoat-khoi-tu-than-vo-cung-ngoan-muc-2
Jessop làm nhân viên của Hội Chữ thập đỏ Anh trên tàu HMHS Britannic

Năm 16 tuổi, Jessop mồ côi cha và cùng gia đình chuyển đến Anh. Đến năm 1908, Jessop xin làm tiếp viên và hỗ trợ các hành khách là phụ nữ trên tàu Orinoco. Thời điểm ấy, các công ty vận tải biển chỉ thích thuê những người phụ nữ lớn tuổi nhưng Jessop vẫn quyết đi làm vì mẹ già ốm yếu cùng 5 chị em khác của bà đều cần phải chăm sóc. 

Mức lương chỉ 210 bảng/tháng nhưng bà phải làm việc quần quật 17 tiếng mỗi ngày. Thế nhưng, bà vẫn vui vẻ vì coi nó như một phương tiện để đi khám phá nhiều địa điểm đó đây. Nhờ nhan sắc hơn người với đôi mắt xám, tóc đen nhánh cùng vóc dáng cao gầy, mảnh khảnh, Jessop khiến nhiều thủy thủ trên tàu mê đắm. Sau đó, bà đã bị thuyền trưởng sa thải vì từ chối lời tán tỉnh của ông ta. 

"Quý cô không thể chìm" cùng 3 lần thoát chết thần kỳ

Năm 1910, bà bắt đầu công việc mới trên con tàu RMS Olympic - thuộc sở hữu của công ty White Star Line - và là con tàu dân dụng sang trọng và lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Ngày 20/9/1911, con tàu rời Southampton (Anh) bắt đầu chuyến hành trình đi về hướng Tây. Tuy nhiên, khi đang vi vu qua eo biển Solent, RMS Olympic bất ngờ va chạm với HMS Hawk - tàu tuần dương Anh.

Olympic bị HMS Hawk xé thành 2 vết rãnh lớn, khiến nước tràn vào trong khoang. May mắn là sau cú va chạm nghiêm trọng không có ai bị thương hoặc thiệt mạng. Sau vụ tai nạn, Jessop vẫn muốn tiếp tục công việc nhưng bạn bè khuyên bà nên chuyển sang làm ở con tàu mới nhất của White Star Line là Titanic. Khi đó, Jessop 24 tuổi vẫn mang trong mình niềm đam mê trải nghiệm nên đã gật đầu đồng ý. 

quy-co-khong-the-chim-va-3-lan-thoat-khoi-tu-than-vo-cung-ngoan-muc-3
Vụ đắm tàu Titanic

Khi White Star Line tìm kiếm thành viên thủy thủ đoàn trên Titanic, Jessop đã tham gia đăng ký và nhanh chóng được nhận. Trong quyển nhật ký của mình, Jessop chia sẻ bà thích đi dạo trên boong tàu Titanic trước khi nghỉ đêm. Tuy nhiên, chỉ đến ngày thứ 4 của chuyến hành trình thì điều không may đã xảy ra.

Cụ thể, vào đêm 14/4/1912 khi các nhân viên phục vụ chuẩn bị chìm vào giấc ngủ, tàu Titanic khi đang di chuyển thì bất ngờ va phải một tảng băng trôi. Nước tràn lên tàu, Jessop được lệnh lên boong để giúp đỡ các hành khách thoát khỏi con tàu. Vụ va chạm kinh hoàng đã khiến 1.500 trên tổng số 2.224 người trên tàu thiệt mạng. Chỉ có 711 người sống sót thì phải lênh đênh trên biển suốt 8 giờ đồng hồ trong lạnh giá trước khi được giải cứu. 

Sau đó, tàu Titanic chìm dần rồi mất tích trên biển. Mãi đến năm 1985, phần còn lại của nó mới được phát hiện. Nhớ lại khoảnh khắc đen tối nhất trong cuộc đời, Jessop vẫn còn run sợ: “Thời điểm ấy đen như sương mù bao trùm chúng tôi trong sự cô đơn. Tiếp đến, tử thần xâm chiếm, tiếng kêu đau đớn khó quên vang lên từ 1.500 cổ họng tuyệt vọng, một tiếng rên rỉ kéo dài rồi im lặng…”

Sau 2 lần cận kề cái chết, Jessop vẫn muốn tiếp tục công việc của mình. Trong Chiến tranh thế giới thứ I, bà được tuyển dụng làm nhân viên của Hội Chữ thập đỏ Anh trên tàu HMHS Britannic và cũng thuộc sở hữu của White Star Line - một phần của hạm đội cùng với Olympic và Titanic.

quy-co-khong-the-chim-va-3-lan-thoat-khoi-tu-than-vo-cung-ngoan-muc
Sau 3 lần “thập tử nhất sinh” trong vòng 1 thập kỷ, bà vẫn tiếp tục làm tiếp viên trên các con tàu hàng hải

Tuy nhiên, sau sự cố của Titanic, Britannic được cải tiến và thiết kế an toàn hơn. Trong chiến tranh, nó được dùng như một tàu bệnh viện, với mục đích vận chuyển những người lính bị thương trở về Anh. 

Ngày 21/11/1916, Britannic đang ở biển Aegean thì dường như bất ngờ trúng phải một quả thủy lôi của Đức rồi nhanh chóng bị đắm ở Biển Ê-giê gần Hy Lạp. Lần này, Jessop không được may mắn như 2 lần trước, bà không kịp lên xuồng cứu hộ mà phải nhảy xuống biển để thoát thân nhưng lại bị hút vào chân vịt. Tuy nhiên, bà may mắn được xuồng cứu hộ phát hiện và giải cứu kịp thời. 

Nhớ lại trải nghiệm ấy, Jessop vẫn cười đùa rằng khi tàu chìm, bà còn bình tĩnh đến mức còn mang theo bàn chải đánh răng trước khi sơ tán. Những tưởng sau 3 lần “thập tử nhất sinh” trong vòng 1 thập kỷ ngắn ngủi sẽ khiến bà bỏ nghề nhưng không, bà vẫn tiếp tục làm tiếp viên trên các con tàu hàng hải. Thế nhưng, bà đã quyết định bỏ White Star Line và tìm bến đỗ mới tại Red Star Line.

May mắn là từ đó về sau, Jessop không còn gặp thêm bất cứ sự cố đắm hay chìm nào nữa. Bà làm việc cho tới tận năm 1950 khi đã 62 tuổi. Jessop qua đời ở tuổi 84 bởi bệnh tim và nổi tiếng đến tận ngày nay với biệt danh “quý cô không thể chìm”. 

Xem thêm: Những câu nói hay trong phim Titanic khiến người đọc day dứt

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận