Phong tục xưa “ăn giỗ lấy phần” và những điều đáng suy ngẫm

Nếu là dân miền Tây thì việc ăn giỗ lấy phần đã không còn xa lạ. Không chỉ ở miền Tây, đây còn là nét phong tục xưa ở nhiều địa phương khác.

Thùy Nguyễn
10:00 05/12/2021 Thùy Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Ngày nay, chuyện ăn uống chẳng còn là vấn đề với hầu hết các hộ gia đình, tuy nhiên, nét văn hóa “ăn giỗ lấy phần” hay ăn cỗ lấy phần vẫn được gìn giữ và duy trì ở nhiều nơi, chủ yếu tại các vùng nông thôn.

Đối với người dân vùng quê, đám giỗ không chỉ là dịp để gia đình tưởng nhớ người đã khuất mà còn là dịp để họ hàng gần xa quây quần, tụ hội, chia sẻ chuyện gia đình, làm ăn. Đám giỗ được lên kế hoạch tỉ mỉ, mọi người xúm lại cùng nhau chuẩn bị cỗ bàn, nấu nướng. Đối với họ, đám giỗ không chỉ là chuyện riêng của một nhà mà của cả họ, thậm chí cả xóm làng.  

phong-tuc-xua-an-gio-lay-phan-va-nhung-dieu-dang-suy-ngam-2

Khi khách được mời đến nhà ăn giỗ, chủ nhà ngoài việc chuẩn bị đầy đủ những món ăn ngon còn kèm thêm túi quà gồm đồ ăn bên trong để mọi người mang về. Tại các mâm phụ nữ, mọi người chỉ ăn những món nóng, đồ nấu còn những món khác như xôi, tôm, hoa quả, giò, chả, thịt gà… sẽ được mọi người chia nhau, gói mang về. Nhiều khi, trong làng hoặc xóm có người bận rộn không sang được, chủ nhà cũng sẽ chuẩn bị thêm một phần quà mang sang tận nhà biếu ăn lấy thảo.  

Tục “ăn giỗ lấy phần” bắt nguồn từ đâu?

Với những người dân quê, việc “ăn giỗ lấy phần” đã trở thành một phong tục lưu truyền nhiều đời. Những món quà mang về dù không đáng là bao nhưng lại là tấm lòng chủ nhà gửi đến vị khách như một lời cảm ơn vì đã dành thời gian tham dự cùng gia đình.

Trước đây, ở nhiều vùng quê cuộc sống của hầu hết các gia đình còn rất khó khăn. Mỗi ngày, chuyện ăn uống với họ là cả một nỗi lo. Dần dần, vấn đề này cũng được khắc phục đôi chút, dù không nghèo đói nhưng cũng chẳng dư dả gì. Những gia đình đông con, cuộc sống nông dân vất vả quanh năm khiến họ hiếm khi có những bữa ăn đủ đầy. Chỉ đến dịp lễ tết, ăn cỗ, đám giỗ… họ mới có được miếng ngon. Nhưng những dịp này không phải ngày nào cũng có.  

Miếng ngon không ai nỡ ăn một mình, do đó xuất hiện tình trạng để dành, gói mang về cho con cháu ở nhà. Bên cạnh đó, khi gia chủ tổ chức tiệc cũng sẽ cảm thấy vui hơn nếu mâm cỗ không còn đồ ăn thừa. Điều này khiến họ cảm thấy món ăn mình cất công chuẩn bị, tiếp đãi đều rất ngon, được mọi người yêu thích. Một vài con tôm, miếng thịt, miếng giò mang về không ảnh hưởng đến nhà chủ, vì nếu mọi người không mang về, đồ ăn thừa quá nhiều nhà chủ cũng không biết phải làm sao. 

phong-tuc-xua-an-gio-lay-phan-va-nhung-dieu-dang-suy-ngam-3

Có thể nói, tục “ăn giỗ lấy phần” bắt nguồn từ thực trạng đói nghèo, đông con nhiều cháu chi phối toàn xã hội từ thời phong kiến, chiến tranh cho đến tận khi hòa bình được lập lại, xã hội chuyển sang chế độ bao cấp. Ăn bữa nay phải nghĩ tới bữa mai, người đi ăn cỗ phải nghĩ đến việc con cháu ở nhà chưa có gì ăn. Thế nên “ăn giỗ lấy phần” xuất phát từ tình cảm thiêng liêng, chân quý ấy. 

“Ăn giỗ lấy phần” đang dần biến mất

“Ăn giỗ lấy phần” được xem là một nét đẹp cho câu nói “nhường cơm sẻ áo” của người dân Việt Nam, có miếng ngon không ăn một mình mà chia sẻ cho mọi người cùng ăn. Trong xóm nếu có đám tiệc gì đó, người dân sẵn sàng sang phụ giúp cho nhanh xong việc.

Ngày nay, kinh tế ngày càng phát triển, vấn đề ăn uống với mỗi gia đình không còn là mối lo nữa. Một số vùng quê, phong tục “ăn giỗ lấy phần” vẫn được duy trì nhưng không còn nhiều như xưa. Một phần cảm thấy ngại khi lấy đồ mang về, phần vì những món ăn trên mâm cỗ ở nhà cũng sẵn có, mọi người vẫn ăn hàng ngày mà không còn thiếu thốn như xưa nữa. 

Xem thêm: Tại sao không được bốc mộ vào ban ngày?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận