Bồi hồi ngắm lại những hình ảnh sản xuất lúa gạo của người Việt thập niên 1920
Quá trình sản xuất lúa gạo của người Việt trải qua nhiều giai đoạn, phát triển từ các nền văn hóa nguyên thủy cho đến hiện đại ngày nay.
Thời nguyên thủy, để sản xuất ra những hạt lúa hạt gạo, người dân phải trải qua rất nhiều giai đoạn khó khăn. Con người không ngừng gây dựng lên một xã hội phát triển dựa trên óc sáng tạo, sức chịu đựng và kinh nghiệm tích lũy qua thời gian.
Qua hàng nghìn năm lịch sử, nghề nông chiếm giữ vị trí quan trọng trong cuộc sống, giúp người dân có được đời sống ổn định, ấm no. Nhờ trí tuệ con người, việc sản xuất lúa gạo cũng ngày càng tiến bộ hơn. Ngày nay, cây lúa trở thành cây nông nghiệp chính, có mặt khắp mọi miền đất nước.
Mỗi vùng miền, cây lúa sẽ lựa chọn thích nghi theo những chu kỳ khác nhau. Việc sản xuất lúa gạo ngày nay đã hiện đại hơn nhiều, chủ yếu dựa vào máy móc nhưng trong những năm của thập niên 1920, việc sản xuất còn thô sơ, chủ yếu dựa vào sức người.
Những hình ảnh sản xuất lúa gạo thập niên 1920 chủ yếu được chụp tại một khu vực đồng bằng ở Chợ Lớn – Cầu An Hạ. Chợ Lớn là một tỉnh cũ của Nam Bộ Việt Nam, được Pháp thành lập ngày 20/12/1899, chính thức đi vào hoạt động ngày 1/1/1900.
Việc đầu tiên để gieo trồng lúa chính là cày ruộng. Công việc này yêu cầu phải xáo trộn lớp đất trên mặt có độ sâu từ 20 – 30 cm, giúp đất tơi xốp để chuẩn bị cho bước đầu gieo hạt hoặc trồng cây.
Sau khi xới đất xong, người nông dân sẽ tiến hành trục đất để gieo giống.
Tùy thuộc vào khoảng thời gian đợi hạt giống nảy mầm mà thời gian đợi trục cũng khác nhau. Có người cày xong sẽ cho trục luôn và gieo hạt giống; có người cho đất nghỉ một thời gian ngắn, khi ráo nắng mới tiến hành trục.
Sau khi gieo giống, người ta chờ một khoảng thời gian để lúa nảy mầm. Khi phù hợp, người nông dân sẽ nhổ những cây mạ (lúa non) để cấy xuống ruộng cho ngay hàng thẳng lối, để cây dễ dàng hấp thụ nắng và các chất dinh dưỡng.
Cắm mạ sao cho gốc và rễ cây mạ vùi vào trong đất bùn của ruộng cày để cây mạ có thể đứng vững và bén rễ, phát triển cho tới khi thu hoạch.
Người nông dân sẽ thường xuyên ra thăm ruộng, đảm bảo cây lúa không bị bệnh, chuột ăn… Việc thăm ruộng giúp họ phát hiện sớm các vấn đề để có cách khắc phục sớm.
Khi lúa chín, người dân sẽ cắt tận gốc, thu hoạch mang về nhà. Thời đó chưa có máy gặt, máy tuốt lúa nên mọi công đoạn sản xuất lúa gạo đều được thực hiện thủ công. Có người lựa chọn đập lúa tại ruộng rồi mới mang về, có người lại bó hết lại, gánh về nhà hoặc đưa tới nhà máy đập.
Sau khi phơi khô hạt thóc, người dân sẽ rê lúa để loại những hạt thóc lép. Những hạt thóc được thả từ trên cao xuống, dựa vào sức gió mà những hạt lúa lép nhẹ hơn sẽ bị thổi bay ra ngoài. Do đó, những hạt thóc chắc sẽ được giữ lại.
Xem thêm: Sa Pa bình dị và đẹp nao lòng qua những bức ảnh thập niên 1920
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận