Nhà Trần thưởng hậu cho người có công, nghiêm trị kẻ hàng Nguyên

Đối với những kẻ hàng Nguyên, người dân và quân lính được miễn tội chết nhưng phải phục dịch nặng nề, quan viên thì nghiêm trị theo tội trạng.

Thùy Nguyễn
14:00 24/11/2021 Thùy Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Sau hai lần thắng lợi, cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần 3 tiếp tục khép lại với thắng lợi vẻ vang. Trong chiến tranh xâm lược, quân Nguyên từng tiến công vào Chiêu lăng (lăng mộ vua Trần Thái Tông) để đào mộ vua. Tuy nhiên, quân địch tìm mãi không thấy quan tài. Tới khi bái yết, vua Trần Nhân Tông phát hiện chân ngựa đá trong lăng lấm bùn, cho rằng thần linh đã ngầm giúp.

Ngày 18/4/1288, Thượng hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông cùng quần thần và quân đội đem nhóm tù binh gồm Tích Lệ Cơ Ngọc, Ô Mã Nhi, các thiên hộ, vạn hộ quân Nguyên bị bắt về phủ Long Hưng để làm lễ mừng công trước Chiêu lăng.

nha-tran-luan-cong-ban-thuong-ro-rang-nghiem-tri-ke-hang-nguyen-3

Cung điện tại Thăng Long đã bị quân Nguyên đốt phá nên khi triều đình về đây, Thượng hoàng Trần Thánh Tông phải ngự ở hàng lang Thị Vệ để làm việc. Triều đình ban lệnh ngự xá cả nước, giảm thuế khóa, phu dịch cho các nơi tùy theo mức độ.

Thưởng hậu người có công

Trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn lĩnh công đầu, được vua phong thêm tước Đại Vương. Những người có công lớn khác là Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn - con trai Hưng Đạo Vương được phong là Khai Quốc công còn Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng được phong Tiết độ sứ. 

Dũng cảm đi sứ lúc chiến sự cam go, Đỗ Khắc Chung được ban quốc tính, đổi thành Trần Khắc Chung. Tướng Nguyễn Khoái - quản lĩnh quân Thánh Dực được phong tước Liệt hầu, ban cho một hương làm thái ấp. Tù trưởng Lạng Giang Lương Uất có quân công được phong làm Trại chủ Quy Hóa. Tù trưởng Hà Tất Năng có công chỉ huy người thiểu số đánh giặc, được phong tước Quan phục hầu.

nha-tran-luan-cong-ban-thuong-ro-rang-nghiem-tri-ke-hang-nguyen-1

Dù lập công lớn nhưng cãi lệnh vua nên Hưng Trí vương Trần Quốc Hiện không được phong thưởng. Nội minh tự Đỗ Hành lập đại công, bắt được Ô Mã Nhi nhưng lại dâng lên Thượng hoàng mà không dâng lên vua nên chỉ được phong tước Quan nội hầu. 

Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép lại lời dụ của Thượng hoàng Trần Thánh Tông rằng: “Nếu các khanh biết chắc là giặc Hồ không vào cướp nữa thì nói rõ cho trẫm biết, dù có thăng đến cực phẩm trẫm cũng không tiếc. Nếu không thế mà đã vội thưởng hậu, vạn nhất giặc Hồ trở lại, và các khanh lại lập công nữa thì trẫm lấy gì mà thưởng để khuyến khích thiên hạ”.

Khẩu dụ của Thượng hoàng ban ra trong hoàn cảnh người lập công quá nhiều mà chức tước, bổng lộc triều đình có giới hạn. Lời dụ của Thượng hoàng ban xuống khiến nhiều người bằng lòng. Chưa dừng lại ở đó, triều đình còn cho người vẽ chân dung những người lập công lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên lần 2, lần 3 kèm theo công trạng vào Trùng Hưng Thực Lục, lưu danh sử sách. 

Nghiêm trị kẻ hàng Nguyên

Sau khi ban thưởng cho người có công, Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông tiến hành nghiêm trị những kẻ hàng Nguyên, bán nước. Theo đó, người dân và quân lính dù được miễn tội chết nhưng phải chịu phu dịch nặng nề; quan viên nghiêm trị tùy theo tội trạng. Những hương sớm (thôn làng) hàng Nguyên thì người dân ở đó không được thi cử hay tiến cử làm quan làm tướng, đời đời chịu kiếp làm lính làm nô.  

Khi quân Nguyên rút chạy có bỏ lại một hòm đầy văn thư ước hẹn xin hàng của các vương hầu, quan lại. Tuy nhiên, Thượng hoàng đã cho quân đốt sạch hòm đó để thể hiện rõ sự khoan hồng. Những kẻ phản quốc từ trước thì vẫn giữ nguyên hình phạt, cứ thế áp dụng. 

nha-tran-luan-cong-ban-thuong-ro-rang-nghiem-tri-ke-hang-nguyen-2

Trần Kiện dù đã chết vẫn bị đem ra xử, đổi thành họ Mai, Trần Lộng cũng bị đổi họ tương tự. Riêng Trần Ích Tắc không bị đổi họ vì là tôn thất rất gần, nhưng bị gọi là Ả Trần. 

Đặng Long vốn là cận thận được vua Trần Nhân Tông tin dùng. Vua định phong Đặng Long làm Hàn Lâm học sĩ nhưng Thượng hoàng ngăn cản. Bất mãn vì điều này, Đặng Long đã hàng Nguyên. Sau này bị bắt, Đặng Long bị vua sai đem chém đầu để răn đe.

Có thể thấy, việc thưởng phạt của nhà Trần sau chiến tranh khá công bằng, xác đáng, vừa thể hiện được đức khoan dung, vừa giữ được tính nghiêm minh của pháp chế thời bấy giờ. 

Xem thêm: Vì sao vua Trần chỉ kết hôn nội tộc nhưng vẫn sinh ra con cháu rất thông minh, tài giỏi?

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận