Câu chuyện đổi mộ cho cha thành danh tiến sĩ của Nguyễn Danh Thế

Nghe theo lời vị khách lạ, nửa đêm cậu bé Nguyễn Danh Thế cùng người khách này vác thuổng ra đồng, đổi lại mộ cho cha để sau này sự nghiệp thăng tiến.

Thùy Nguyễn
09:00 27/12/2021 Thùy Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đỗ tiến sĩ năm 23 tuổi

Nguyễn Danh Thế (1573 – 1645) là người làng Viên Nội (Ứng Hòa, Hà Nội). Khi 23 tuổi, ông đi thi, lần đầu đã đỗ tiến sĩ năm 1595 dưới đời vua Lê Thế Tông. Đến thời Lê Kính Tông (1600-1619), ông làm Hiệu thảo Viện Hàn lâm, sau vì có tang nên xin ở nhà.

Thời điểm ấy, thế lực nhà Mạc còn mạnh. Mạc Kính Cung lập mẹ Mạc Mậu Hợp (đã chết năm 1592) là Bùi thị làm quốc mẫu và đem quân tiến vào Thăng Long. Trịnh Tùng phải đưa vua Lê chạy vào Thanh Hóa. Nguyễn Danh Thế có tang đang ở nhà, ẩn náu không ra theo nhà Mạc.

Sau khi đánh đuổi quân Mạc, Trịnh Tùng khen thưởng ông trung thành, phong làm tiến sát ở Sơn Tây, sau làm Đô cấp sự trong Hộ Khoa, sau lại làm Thái bộc khanh. 

Năm 1606, ông  làm Phó sứ sang Trung Quốc cống nhà Minh, khi về thăng lên làm hữu thị lang bộ Lại, tước tử. Năm 1609, ông mang quân đánh Mạc Kính Chỉ ở Thái Nguyên, sau đó trở về vì không gặp quân Mạc. 

chuyen-doi-mo-cho-cha-thanh-danh-tien-si-cua-nguyen-danh-the-2
Nhà thờ tiến sĩ Nguyễn Danh Thế

Năm 1616, ông được phong làm Tả đường bộ Hộ; cuối năm 1618 đổi sang làm Đô ngự sử. Năm 1621, Nguyễn Danh Thế ra làm Đốc thị trấn thủ Lạng Giang. Cuối năm đó, chúa Trịnh mang quân ra đánh Mạc Kính Khoan ở Cao Bằng, ông theo Trịnh Tráng tiến quân phá được quân Mạc.

Năm 1623, Trịnh Xuân làm loạn, Danh Thế cùng thế tử Trịnh Tráng dẹp loạn. Khi dẹp yên Trịnh Xuân, ông được thăng làm Thượng thư bộ Công và phong làm Dực vận tán trị công thần, tước Đoan Dương hầu.

Cuối năm 1624, ông làm Đốc thị theo đường Thái Nguyên đánh họ Mạc ở Cao Bằng có công. Năm sau, ông được phong làm Thiếu phó. Năm 1626 ông sang làm Thượng thư bộ Hình. Trịnh Tráng chuẩn bị đánh Nguyễn Phúc Nguyên ở Thuận Hóa, sai ông cùng Nguyễn Khải mang quân đến huyện Kỳ Hoa (Hà Tĩnh) sắp đặt việc biên giới phía nam với họ Nguyễn. 

Năm 1627, Trịnh Tráng rước Lê Thần Tông đi thân chinh. Quân Nguyễn phòng thủ vững quá không phá được, Trịnh Tráng sai Nguyễn Danh Thế viết thư dụ Nguyễn Phúc Nguyên nhưng không được nên phải rút về.

Cuối 1627, ông được kiêm chức Đô ngự sử. Năm 1629, ông thăng lên chức Đường quận công. Năm 1632, Danh Thế làm Tham tụng, dự bàn việc nước, ít lâu sau gia phong làm Thái bảo.

Năm 1638, ông làm tham mưu theo Trịnh Tráng đi đánh Mạc Kính Vũ ở Cao Bằng. Hai năm sau, ông được giao thêm việc ở Đông các kiêm Thượng thư bộ Lễ. Đầu năm 1643, vua Lê chúa Trịnh đi đánh họ Nguyễn ở Thuận Hóa, sai ông ở lại trấn thủ kinh thành Thăng Long.

Năm 1645, ông qua đời, thọ 73 tuổi, được triều đình truy tặng là Thái phó, Thượng thư bộ Hộ, Tả tư không, thụy là Văn Trung.

Câu chuyện đổi mộ thăng quan

Theo ông Nguyễn Hữu Núi (65 tuổi, xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), tiến sĩ Nguyễn Danh Thế chính là vị thành hoàng làng của quê ông. Cốt cách mẫu mực, cứng cỏi, huyền tích về tuổi thơ và con đường thăng quan tiến chức của Nguyễn Danh Thế cũng vô cùng ly kỳ.

Xưa kia, Nguyễn Danh Thế cũng là cậu bé chăn trâu nhà nghèo. Tuy nhiên, Danh Thế rất ham học, ngày nào dắt trâu đi chăn cũng mang theo quyển sách để học tranh thủ. Một hôm, trời nhá nhem tối, khi đang dắt trâu về, ông gặp một người đàn ông lạ mặt. Nghe người đàn ông muốn về ngủ nhờ, Danh Thế gật đầu, đưa khách về nhà hỏi mẹ.

chuyen-doi-mo-cho-cha-thanh-danh-tien-si-cua-nguyen-danh-the-1
Con đường dẫn vào xã Viên Nội - quê hương của Nguyễn Danh Thế

Nghe xong câu chuyện, người mẹ thấy thương tình nên đồng ý. Khi đó, trong nhà chỉ có một cái bánh giầy bà mới được phát trong đám hội. Lúc đầu, bà định bẻ đôi hai mẹ con mỗi người một nửa cho đỡ đói. Nay có khách, bà đưa khách một nửa, một nửa hai mẹ con nhường nhau không ai ăn. 

Còn nửa chiếc bánh, sáng hôm sau hai mẹ con lại mời khách vì nhà hết gạo. Người khách thấy vậy vô cùng cảm động, nói rằng: “Nhà mày nghèo nhưng tốt bụng. Tao sẽ đổi mộ cho bố mày, sau này mày sẽ thăng tiến sự nghiệp, công danh rạng rỡ, cuộc sống sung túc”. 

Sau đó, vị khách nán lại một ngày, chờ nửa đêm cùng Nguyễn Danh Thế vác thuổng ra đồng, đổi mộ cho cha. Cứ đào được ít đất, cả hai lại mang ra mương đổ. Sau khi đổi mộ, người khách chào tạm biệt rồi lên đường. Từ đó, Danh Thế ra sức học hành, xin làm đủ việc để có tiền đi thi. Quả nhiên, Danh Thế đỗ tiến sĩ, công danh rạng rỡ…

Xem thêm: Vì sao cái chết của vua Lê Thánh Tông là bí ẩn ngàn năm khó giải?

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận