Cây thị trên 700 tuổi gắn liền với nhiều truyền thuyết về thời khai sinh lập quốc của vua Lê Lợi

Dưới tán cây thị này, vua Lê Lợi cùng thủ lĩnh của nghĩa quân Sơn Cốc Nguyễn Tuấn Thiện đã giết ngựa, cắt tóc ăn thề quyết tâm đánh đuổi giặc Minh.

Cây thị trên 700 tuổi gắn liền với nhiều truyền thuyết về thời khai sinh lập quốc của vua Lê Lợi

Dưới tán cây thị này, vua Lê Lợi cùng thủ lĩnh của nghĩa quân Sơn Cốc Nguyễn Tuấn Thiện đã giết ngựa, cắt tóc ăn thề quyết tâm đánh đuổi giặc Minh.

Đầu thế kỷ 15, nhà Minh xâm lược Đại Việt, dù nhà Hồ đã tổ chức cuộc kháng chiến chống lại nhà Minh nhưng thất bại. Đến năm 1414, nhà Minh về cơ bản đã bình định được Đại Việt, nhưng chỉ 2 năm sau đó, trên địa bàn núi rừng Lam Sơn, Thanh Hóa đã diễn ra cuộc hội thề giữa Lê Lợi và những người có cùng chí hướng, thu hút nhiều anh hùng hào kiệt trên khắp mọi miền đất nước.

Vị vua lập quốc nhà Hậu Lê

Lê Lợi sinh ra trong một gia đình giàu có ở Thanh Hóa, trưởng thành tại thời kỳ nhà Minh đang đô hộ. Thời điểm đó, nhiều cuộc khởi nghĩa nổi dậy chống lại nhà Minh nhưng đều thất bại.

Đến năm 1418, Lê Lợi tổ chức cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, lúc đầu chỉ hoạt động ở vùng thượng du Thanh Hóa. Lúc đó lực lượng của Lê Lợi chỉ có vài nghìn người nhưng quân Minh đã huy động hàng vạn quân tới để đàn áp. Thế nhưng, nghĩa quân Lam Sơn vẫn ngày càng lớn mạnh nhờ am hiểu chiến thuật trốn tránh, khi thì phục kích lúc lại hòa hoãn.

Năm 1424, Lê Lợi đánh vào Nghệ An, Thuận Hóa, thắng trận liên tiếp rồi quay ra giải phóng Thanh Hóa. Năm 1426, quân Lam Sơn đã làm chủ từ Thanh Hóa tới Thuận Hóa. Lê Lợi cử 3 đạo quân tiến ra Bắc còn nhà Minh cử Vương Thông chỉ huy một lực lượng lớn sang tiếp viện. Tuy nhiên, 2 cánh quân của Lê Lợi kết hợp đã đánh bại quân Minh ở ở trận Tốt Động – Chúc Động, ép Vương Thông lui về Đông Quan cố thủ.

Lê Lợi mang đại quân ra bắc, phân chia hành chính, tổ chức lại quân đội, bao vây quân Minh. Nhà Minh lại tiếp tục sai Liễu Thăng, Mộc Thạnh mang quân sang tiếp viện nhưng vẫn bị Lê Lợi đánh bại. Dù chưa được sự cho phép của triều Minh, Vương Thông cùng đường vẫn phải xin hòa và được chấp thuận.

Ngày 17/ 12/1427 (âm lịch), quân Minh chính thức về nước, Lê Lợi sai Nguyễn Trãi thay mình làm Bình Ngô đại cáo báo cáo thiên hạ. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, từ điện Tranh ở Bồ Đề vào thành Đông Quan, đại xá thiên hạ, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, đặt quốc hiệu là Đại Việt, lấy Đông Kinh làm thủ đô, dựng lên hoàng triều Lê (sử Việt gọi là Hậu Lê).

Cây thị 'ăn thề' 700 tuổi gắn với giai thoại vua Lê Lợi

Cây thị hơn 700 năm tuổi nằm trong khu vườn của gia đình bà Trần Thị Nhuận (xóm Kim Sơn, xã Sơn Phúc, nay là xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Cây có chiều cao khoảng 40m, đường kính khoảng 12m, tán rộng 30m, chu vi gốc gần 13m. Lớp vỏ cây có nhiều khối u, gốc sần sùi, rêu xanh bám kín. Ở dưới, người dân lập đền thờ đặt tên là “Gốc thị sử tích” hay còn gọi là “Cây thị ăn thề”.

Cây thị luôn sai quả mỗi khi vào mùa. Người dân cho biết, quả cây thị này luôn to tròn, vàng chín mọng, thơm ngào ngạt hơn so với các giống thị khác. Ông Nguyễn Trí Sơn, Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho biết, sử sách ghi chép rằng, cây thị cổ này gắn liền với nhiều truyền thuyết về thời khai sinh lập quốc của vua Lê Lợi.

Năm 1424, trong quá trình đánh giặc Minh, do gặp nhiều khó khăn nên Lê Lợi phải chuyển vào núi Thiên Nhẫn (giáp ranh hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) để chờ thời cơ. Trong một lần bị quân dịch truy đuổi, quân địch đã chạy đến vùng núi huyện Hương Sơn và chui vào trong hốc của gốc thị để ẩn nấp.

Đến gốc thị, đàn chó săn của quân Minh sủa liên hồi, quân địch dùng gươm, giáo mác khiến Lê Lợi bị thương, nén đau xé áo băng bó. Đúng lúc đó, một con cáo trắng bất ngờ từ hốc cây chạy ra, đánh lạc hướng quân địch, nhờ đó mà Lê Lợi thoát nạn.

Đến năm 1425, biết tin thủ lĩnh nghĩa quân Cốc Sơn Nguyễn Tuấn Thiện đứng lên khởi nghĩa ở vùng núi Hương Sơn, Lê Lợi đã tìm đến chiêu quân và kết nghĩa anh em. Dưới gốc cây thị cổ, cả hai đã giết ngựa trắng, cắt máu ăn thề quyết tâm đánh đuổi giặc Minh.

Sau khi Lê Lợi lên ngôi vua, Nguyễn Tuấn Thiện được phong là khai quốc công thần. Từ đó về sau, người dân vẫn luôn lưu truyền câu thơ: “Cắt tóc, giết ngựa trắng/ Dưới gốc thị thề nguyền/ Nguyện đồng tâm đồng chí/Phá giặc xây cơ đồ”.

Nhiều người cao tuổi địa phương cho biết, đây là cây thị không tuổi, dù qua hàng trăm năm vẫn giữ được thế đẹp, cành lá uốn lượn sum suê. Mọi người trong làng đều thường xuyên quét dọn, bảo quản đền thờ và cây thị. Hàng năm, có nhiều đoàn người từ Nội, Thanh Hóa, Ninh Bình... về thăm cây thị, chiêm ngưỡng và chụp ảnh lưu niệm. Vào dịp lễ Tết, ngoài thắp hương ở đền thờ, người dân còn thắp hương xung quanh gốc cây thị.

Xem thêm: Bốn thuyết khác nhau về cái chết đầy bí mật của Trần Cảo - vị vua bù nhìn do Lê Lợi dựng lên