Phật tính có trong tất cả chúng sinh

Phật tính trong mối chúng sinh luôn là nội dung chính yếu khi đức Phật còn tại thế luôn nhắc đến để dạy cho chúng sinh. Đức Phật giảng pháp nhiều đề tài khác nhau nhưng rồi cũng quy về chỉ ra tính Phật của bản thân từ đó giúp cho chúng sinh thấy hiểu đạt sự giác ngộ, giải thoát.

Hoài Lương
06:00 09/11/2021 Hoài Lương
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nội dung nói về Phật tính đa số được giảng giải trong kinh được đức Phật thuyết các nơi khi trả lời với chư vị Bồ tát, trình bày có sự gắn chặt cùng các kinh khác, người viết mong mỏi mọi người sớm nhận chân Phật tính nơi mình hầu giúp bản thân thấy thật tướng cuộc đời mà thành tựu giải thoát.

Trong việc tìm hiểu Phật tính trong lời dạy của Phật mang tính học thuật và lợi ích khi thực hành, người viết tìm hiểu về yếu tố “phật tính” trong các nguồn tư liệu, như kinh Đại Bát Niết bàn và các lời dạy của đức Phật.

Phật tính là gì?

Nói đến lúc nhận sự cúng dường lần cuối trước khi thành đạo, đức Phật đã nhắc đến Phật tính: “Người chưa thấy Phật tính nên thân ấy gọi là thân phiền não, là thân sống nhờ ăn uống, là thân phải trở lại cõi này. Bấy giờ, khi Bồ Tát ăn uống xong bèn nhập Tam muội Kim cang.

Thức ăn ấy tiêu hóa rồi, Bồ Tát liền thấy tính Phật, chứng quả A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề", trong phẩm Tính Như Lai, đức Phật nói lặp lại nhiều như “hết thảy chúng sinh đều có Phật tính” được hiểu rằng biết bản thân mình có tính Phật sẵn mà chúng sinh lại chẳng nhận diện ra nơi tính Phật mình, đây cũng là ý muốn nói.

Chính vì vậy, một khi ngộ tính Phật lúc ấy cũng đạt đến chứng đắc quả vị Phật. Theo kinh đức Phật nói rõ “Tuy tất cả chúng sinh đều có tính Phật, nhưng nhất thiết phải nhờ sự trì giới mới thấy được tính Phật. Nhờ thấy tính Phật mới thành tựu A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề”.

Qua đó, chúng ta thấy Phật tính tiềm ẩn đầy sức mạnh trong mỗi chúng sinh, dựa vào nơi thực hành lời Phật dạy thì sức mạnh giác ngộ ấy hiển bày, đầu tiên là việc giữ gìn giới luật, chính việc hành trì giới giúp ngăn chặn các ác pháp tăng trưởng các hạnh lành, điều đó hằng đem lại cho người hành trì phát triển trí tuệ tâm linh thiện lành, nhằm dễ dàng tận diệt ưu phiền nhận ra tính Phật của mình

“Tính Phật cũng vậy, do phiền não che lấp nên chúng sinh chẳng thấy được… Nếu người dù thuộc hàng Sát Lỵ, Bà La Môn, Tỳ Xá hay Thủ Đà, có thể dứt trừ những phiền não ấy thì đều thấy được tính Phật, thành đạo Vô thượng”, bởi có lòng tin “tất cả chúng sinh đều có tính Phật” khiến tâm Bồ đề của người hành trì tu tập theo đức Phật phát khởi, giả như chẳng tin vào chính mình có sẵn Phật tính, khó mà tìm ra nơi nương tựa giúp phát tâm thực hành lời Phật dạy cầu giác ngộ giải thoát.

Ở đây, chúng ta đừng lầm tưởng “sẵn có tính Phật” là mang ý nghĩa tự nhiên thành Phật, quan điểm này không phù hợp, đức Phật nói: “Nếu chúng sinh chẳng nghiêm giữ giới cấm, làm sao thấy được tính Phật?”, lời thuyết giảng được đức Phật dạy rõ: “Như có người nói rằng: Tôi đã thành tựu A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Vì sao vậy? Vì tôi có tính Phật.

Có tính Phật, ắt phải thành A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Bởi nhân duyên ấy, nay tôi đã thành tựu Bồ đề. Nên biết rằng người nói như vậy là phạm tội Ba la di. Vì sao vậy? Tuy có tính Phật, nhưng vì chưa tu tập các phương tiện thiện pháp nên chưa thấy tính Phật. Vì chưa thấy tính Phật nên chưa được thành tựu A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề”.

Vì vậy, phương pháp thấy rõ một cách chân thật qua lời dạy của đức Phật về Phật tính, chính nơi bản thân có niềm tin vững chắc mình luôn có sẵn bản chất giác ngộ và cần sự nhiệt huyết hành trì mới thành tựu giác ngộ ấy, nghĩa là nhận diện Phật tính. Do đó, để nhận ra Phật tính trong bản thân mình thật rõ chẳng phải chuyện dễ, điều này quả thật vậy do chúng thích hợp những gì chư Phật thuyết giảng cho chúng ta, đã hiểu được Phật tính tức là đạt giác ngộ chứng quả Vô thượng.

Những ý nghĩa trên, khiến người thính pháp ban đầu khó tránh khỏi nghi vấn, điều đó được Ngài Ca Diếp đại diện đại chúng thưa lên các gút mắc, trong kinh đã ghi lại “Bồ Tát Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tính Phật như vậy thật vi tế, khó thấy. Làm sao mắt phàm có thể thấy được?“

Phật bảo Ca Diếp: Thiện nam tử! Như cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng kia, người trong Hai thừa cũng không biết nổi, nhưng nhờ có lòng tin theo Khế kinh mà có thể biết được.“Thiện nam tử! Hàng Thanh văn, Duyên giác nhờ tin theo kinh Đại Niết Bàn này mà tự biết trong thân mình có tính Như Lai, việc này cũng vậy. Thiện nam tử! Vậy nên phải tinh cần tu tập kinh Đại Niết Bàn. Thiện nam tử! Tính Phật như vậy chỉ có Phật mới biết được, chẳng phải hàng Thanh văn, Duyên giác có thể đạt tới.”

phat-tinh-co-trong-tat-ca-chung-sinh-de-giai-thoat-01
Thời đức Phật còn tại thế, Ngài đi giáo hóa chúng sinh khắp nơi và nhắc đến lời dạy về tính Phật trong mỗi chúng sinh làm nội dung chính yếu.

Trong kinh Đại Bát Niết Bàn được dẫn chứng như trên, cho chúng ta hiểu rõ ý nghĩa phát khởi tín tâm là cần thiết như vậy, nếu chẳng phát khởi niềm tin khiến người đọc khó có thể hiểu hàm ý trong ấy ra sao. Bộ Luận Đại thừa khởi tín được diễn giải rõ hơn, với trường hợp ở đây chúng ta chưa đủ khả năng khẳng định mà chỉ tạm tin hay không tin thôi, bởi do vấn đề này vượt tầm hiểu biết của chúng ta.

Với nhiều phần lý giải cùng các đoạn kinh trong Đại Bát Niết Bàn nhằm chỉ ra giúp chúng ta thâm nhập ý nghĩa “thành Phật ngay khi thấy tính Phật” phát xuất từ đây qua lời thuyết giảng sâu xa từ đức Phật. Khi người thấy tính Phật của bản thân mình được đó là thành quả tu tập thông qua các pháp môn hành trì từ lời dạy của đức Phật, nhưng đừng lầm tưởng việc thấy Phật tính là một pháp môn mà chính nhờ nhiều pháp môn áp dụng vào tu tập là thấy Phật tính hiển bày.

Các nội dung thuyết về Phật tính thường chẳng thấy nói đến thấy Phật tính như pháp môn để tu, dựa theo trong kinh Đại Bát Niết Bàn để chúng ta thấy Phật tính cần vận dụng các phương thức hành trì đúng pháp tu y như lời Phật chỉ đường. Thậm chí, có người còn ngang ngược chưa tìm hiểu thật tướng nội dung tự bảo cần gì mà cực nhọc tu tập, chỉ cần nhận thấy Phật tính là được.

Bên cạnh đó, người này chẳng biết giả như không chuyên tâm nỗ lực hành trì những pháp môn từ lời dạy của Phật thì khó tìm được chỗ dựa để thấy Phật tính. Với những hạng người thấy chưa rõ, hiểu chưa sâu thành ra không ích lợi cho việc tu tập mà chỉ có tăng thêm lòng tự cao, coi thường các pháp tu rất nguy hiểm.

Phật tính là “Giác bảo tạng”, với nghĩa theo các kinh được hiểu là tính giác, ở đây cũng là tính Phật, bởi Phật hiểu theo ý giác ngộ. Theo Kinh điển được nêu Phật tính là “Trí huệ quán chiếu mười hai nhơn duyên đây chính là chủng tử của vô thượng Bồ Đề. Do nghĩa này nên mười hai nhơn duyên”, “Phật tính hay tính giác ấy ở trong năm uẩn”, như “tô lạc ở trong sữa”, “vàng ròng ở trong quặng”… 

Theo kinh Lăng Nghiêm, Phật tính hiểu như tính nghe, tính thấy,… tức là nguồn gốc sáu giác quan của chúng sinh hoạt động hằng ngày. Các căn trên thân thể là ngọn cành cây của cái  gốc cây nơi tính giác, chính vì vậy nơi các căn đều có tính giác của chúng, trong kinh dạy: “Phản văn văn tự tính”, luôn đưa cái nghe vào trong mà nghe tự tính.

Ngài Huệ Năng từng nói: “Đại chúng! Người ở thế gian, sắc thân của mình là cái thành; con mắt, lỗ tai, cái mũi, cái lưỡi là các cửa. Ngoài có năm cửa, trong có cửa ý. Tâm là cõi, tính là vua. Vua ở tại cõi tâm. Tính ở thì vua ở, tính đi thì vua mất. Tính ở thì thân tâm tồn tại, tính đi thì thân tâm hoại hư. Muốn thấy Phật, phải ngó vào trong tính mình mà tìm, đừng ngó ra ngoài thân mà kiếm”

Người cầu giác ngộ, giải thoát luôn tỉnh thức rằng trong hình tướng này có cái vô tướng, đằng sau các giác quan đều có tính giác, cũng như trong sinh tử có Niết – bàn. Giống trong các kinh điển phát triển được ví như bản chất của sóng là nước, là đại dương, mọi làn sóng luôn là bản tính đại dương, mà đại dương chẳng tăng chẳng giảm, chẳng vướng bẩn nơi sóng.

Cũng vậy, như hình bóng và gương soi, gương chẳng vướng bẩn nơi bóng. Vì thế, những pháp môn phát triển có sinh tử ắt nhận ra Niết bàn; kinh Duy Ma Cật nói cứu cánh: “tính của sinh tử tức là Niết bàn”, nơi các giác quan của mình nhận diện được tính giác, nơi sự thật tương đối để đạt được sự thật tuyệt đối “Pháp năm uẩn, ba đời”

“Nêu rõ là thế gian

Diệt chẳng phải thế gian

Như vậy, chỉ giả danh”.

“Có tranh, nói sinh tử không tranh, nói

Niết bàn Sinh tử cùng Niết bàn

Đều chẳng thể nắm bắt”.

Phật tính nơi cơ bản cho đời sống sinh hoạt tu tập

“Kinh điển vi diệu Đại Niết Bàn này chẳng thể tiêu mất. Rất lạ kỳ! Rất đặc biệt! Nếu có người nghe mà nghe rồi tín thọ thì có thể tin Như Lai là pháp thường trụ. Người như vậy rất là hy hữu, như hoa Ưu đàm” chúng ta cần phải có đức tin như thế, trước tiên là quy y Tam bảo “Chúng sinh cũng vậy vì sợ bốn loài ma mà thọ tam quy y. Do tam quy y nên được an vui. Được an vui tức là chơn giải thoát.

Chân giải thoát tức là Như Lai. Như Lai tức là Niết bàn. Niết bàn tức là vô tận. Vô tận tức là Phật tính. Phật tính tức là quyết định. Quyết định tức là Vô thượng Chánh Giác, Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu Niết bàn, Phật tính, quyết định và Như Lai là một nghĩa, thế sao nói rằng có ba quy y? Phật dạy: Này Ca Diếp! Tất cả chúng sinh sợ sinh tử nên cầu tam quy y. Vì do tam quy y ,mà biết Phật tính, quyết định, Niết bàn”.

Người phát tâm quy y tức nương tựa nơi ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng nhằm cầu sự độ trì, chỉ đường từ ba ngôi báu, nhờ vậy tác động tâm thức nỗ lực đi tới khai mở con đường đi vào Phật tính “Thiện nam tử! Nếu chúng sinh nào ở nơi chư Phật nhiều như số cát sông Hy Liên mà phát tâm Bồ đề, thì trong đời ác năm trược này mới có thể thọ trì kinh điển này mà không sinh phỉ báng”. 

Dựa vào bốn đức tính Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, người viết giới hạn trong phạm vi nêu lên tính chất Thường của Phật tính chỉ phần nhỏ. Phật dạy “Phật tính là vô tận”, đời sống chúng ta lại có giới hạn cho nên còn nằm trong Phật tính vô tận ấy, chúng ta mãi mãi ở trong Phật tính dẫu rằng bản thân chẳng hay biết việc ấy.

Lại nữa, Phật tính hiểu như nghĩa Như Lai, Như Lai mang nhiều nghĩa cao thượng “Trong chân giải thoát đều không có sự diệt tận như vậy. Lại rỗng không, vắng lặng thuộc về pháp giới, mà tính của pháp giới là chân giải thoát. Chân giải thoát tức là Như Lai”. Đồng thời, “Phật tính là pháp giới tính”, được hiểu là bản tính của nhân sinh và vũ trụ.

Phàm phu chúng ta là những con người thường chưa phải thánh nên chưa thấy Phật tính, chưa chạm đến Phật tính đó là do các phiền lụy che lấp từ chúng ta khởi sinh ra vậy: “Có Như Lai Tạng, tuy không thể thấy mà phá phiền não rồi, chắc chắn được. Nếu phát tâm này một niệm nhân duyên đối với các pháp được tự tại”, lời dạy của đức Phật có nói Phật tính ví như viên ngọc ẩn sâu bên trong tâm thức chúng sinh: “Ví như mùa Xuân có một nhóm người chơi thuyền trong hồ lớn làm rơi viên ngọc lưu ly. Họ cùng nhau hụp lặn tìm ngọc. Đến lúc đem lên khỏi nước mới rõ là không phải, ngọc lưu ly vẫn còn dưới nước. Lúc nước hồ đứng trong, nhóm người lại nhìn thấy viên ngọc. Có một người trí, tìm cách khéo, chậm rãi lặn xuống vớt được ngọc thật”.

Mỗi chúng ta đều có Phật tính ngay nơi mình, luôn luôn sát cánh bên mình, không hề xa cách chia lìa, các bản kinh theo lời dạy của Phật chỉ ra rất nhiều câu chuyện nói đến Phật tính như: “Thiện nam tử! Thí như nhà vua có một đại lực sĩ. Người này trên trán giữa hai lông mày có một viên kim cương. Trong khi thi đấu với lực sĩ khác bị người ấy húc đầu vào trán làm viên kim cương lún vào trong da, rồi chẳng tự biết viên ngọc thất lạc ở đâu. Chỗ ấy phát sinh mụt nhọt nên mời lương y đến chữa trị. Lương y hỏi: Viên ngọc trên trán giờ ở đâu rồi? Lực sĩ kinh hãi đáp: Đại sư y vương! Viên ngọc trên trán của tôi đã mất rồi sao? Hay là ảo hóa ư?” 

Rồi buồn rầu khóc lóc. Lúc ấy lương y an ủi lực sĩ: Ông chớ buồn khổ quá. Khi thi đấu, viên ngọc lún vào thân thể, nay ở dưới da, nhìn ở ngoài vẫn thấy. Trong lúc xáp trận, sự tức giận quá lớn nên hạt ngọc lún vào trán mà chẳng tự biết đấy thôi. Lực sĩ không tin… Bấy giờ lương y cầm gương soi cho thì thấy trong gương hạt ngọc rõ ràng. Lực sĩ thấy ngọc ngạc nhiên mừng rỡ”

“Chẳng thấy là chẳng thấy Phật tính. Lành là vô thượng chánh đẳng chánh giác. Chẳng làm là chẳng gần gũi thiện tri thức”. Chúng ta thấy đó, viên ngọc trên câu chuyện bởi do phiền não chướng, sở tri chướng khiến cho lún vào trong trán vị ấy, chẳng hề rời ra khỏi thân chút nào. Biết rằng viên ngọc chẳng mất đi vậy để nhận rõ thì tìm chúng nơi nào? Tại sao viên ngọc bị lấp tìm không ra?

Phật chỉ: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính vì phiền não ngăn che nên không thể thấy được”, mỗi người trong cuộc sống mọi điều chúng ta trải nghiệm đều là biến tướng của Phật tính, chúng được hiển lộ ra bên ngoài đó là nghiệp ưu não riêng từng người.

Qua đoạn kinh, “Như Lai tạng bí mật cũng có vị thuốc như vậy. Vì bị rừng cây phiền não rậm rạp che chắn, nên chúng sinh chẳng có thể thấy. Mùi vị duy nhất của cây thuốc thí dụ như Phật tính. Vì phiền não nên xuất hiện đủ thứ mùi vị khác như là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, loài trời, loài người, nam nữ, các giai cấp…” giúp chúng sinh biết được các thứ phiền não luôn bao vây làm chúng ta sống rối ren, làm che lấp bản tính trong sáng nơi mình, chỉ thấy toàn ô nhiễm phát sinh.

phat-tinh-co-trong-tat-ca-chung-sinh-de-giai-thoat-02
Đức Phật giảng pháp nhiều đề tài khác nhau nhưng rồi cũng quy về chỉ ra tính Phật của bản thân từ đó giúp cho chúng sinh thấy hiểu đạt sự giác ngộ, giải thoát.

Người thực tập Thiền khiến tâm lắng dịu như hồ nước được trong trẻo đọng yên, lúc đó chúng ta có thể thấy Phật tính nơi chính mình dễ dàng, từ đó lấy phương tiện khả năng của mỗi người đưa viên ngọc ra. Mặc dù, chúng ta tu thực hành Thiền chỉ hay quán tất cả dựa trên cái đã có, đang có và sẽ có của viên ngọc tính Phật, suốt quá trình hành trì có bậc Thầy chỉ đường đúng hướng giúp chúng ta mau chóng thành tựu hơn.

Đức Phật nhập Niết bàn bởi rằng Ngài thị hiện với lòng thương tưởng chúng sinh cảm hóa họ, đối với đức Phật pháp thân luôn trường cửu, chính những quan niệm này giúp chúng sinh gỡ bỏ các tà kiến nơi mình, khiến giúp họ có trí tuệ tỉnh thức, đầy đủ sức mạnh niềm tin nơi chính mình sống mạnh mẽ trong ánh hào quang Chánh pháp.

Ở đây, hàm ý hết thảy mọi chúng sinh có Phật tính, điều chân lý luôn công bằng với nhân loại, điều này khẳng định lời đức Phật nói chắc thật: “Các Tỳ kheo y theo pháp không y theo người, y theo nghĩa không y theo lời, y theo trí không y theo thức, y theo kinh liễu nghĩa không y theo kinh chẳng liễu nghĩa. Bốn pháp như vậy, nên phải chứng biết không phải bốn hạng người, y theo pháp đó chính là Như Lai Đại Bát Niết Bàn, tất cả Phật pháp tức là pháp tính. Pháp tính ấy tức là Như Lai.

Thế nên Như Lai thường trụ không biến đổi. Nếu ai bảo rằng Như Lai vô thường, người này không biết không thấy pháp tính. Nếu là người không biết không thấy pháp tính thời không nên nương tựa. Như trên đã nói bốn hạng người hiện ra nơi đời hộ trì chánh pháp nên phải chứng biết để mà y chỉ. Vì các vị này khéo hiểu biết pháp tạng thâm áo vi mật của Như Lai, biết rõ Như Lai thường trụ không biến đổi”, lời khuyên nhắn nhủ hết thảy nhân loại xưa nay vốn có tính giác bởi mãi chạy theo cái huyễn vọng của thế gian khiến tâm trí đánh mất chính mình hóa ra cứ đau khổ, lòng lo sợ những thứ lúc hiện lúc không đó sẽ mất đi.

Cái thân thể chúng ta cũng vậy, được gom chứa các yếu tố lại với nhau mới thành thân hình này, một mai nó theo thời gian rồi rã tan thì chúng về lại không theo bản chất thật, chính điều đó khi nào bản thân cũng lo âu thân sẽ trả về với cát bụi, những yếu tố bền lâu chúng ta lại quên hẳn thậm chí cả một kiếp sống đến nổi không nhận ra được cái thật sự của mình là gì, chính cái chân thật ấy sẽ đem đến cho nhân loại bừng sáng tâm hồn đạt giác ngộ.

Sự giác ấy nghĩa được hiểu như giúp nhân loại có động lực tiến lên giác ngộ, nhờ vào điều giác đó hiện nay chúng ta để tâm hướng đến tìm học đạo dễ dàng. Đây đã chứng tỏ rằng dù sống trong lầm tưởng phiền não nhưng bản chất Phật tính luôn mãi còn, cũng từ điều này khiến cho hết thảy chúng ta mạnh mẽ vững chải hơn vượt qua các lầm mê phiền não không thật trên đời. Cố gắng nỗ lực thoát cảnh phàm nhân đầy phiền muộn, đầy cái vui tạm bợ bằng sống với chính bản thân cái thật có.

Để có được tính giác ngộ chúng ta dựa vào sự nhận biết ra cái mình hiểu lầm, chấp chặt vào cái mà giả tạm của thế gian cho là thật, chính nhờ biết sai nên việc đúng hiển bày, đức Phật nói: “Ai có tâm thì đều có thể thành Vô thượng Bồ đề”, quả thật được sáng tỏ chúng ta một khi cầu giác ngộ hẳn nhiên bắt đầu từ tâm mình là trên hết, bản thân luôn nhìn lại chính mình để thấy tính giác là con đường đi đúng của người tu tập giải thoát.

Câu chuyện người mù sờ voi được đức Phật ví xem những vị mù khi chạm đến con voi có nói đúng với cái mình chạm vào không, đạt sự đúng chính xác bao nhiêu. Lời dạy chân thật qua câu chuyện hết thảy mọi người tin tưởng bản thân vượt lên không đầu hàng trước sự lầm mê sai trái, nhận rõ trong tâm các cá nhân đầy đủ tính giác lúc này nhìn lại bản thân phát huy chúng, một động lực thúc đẩy có lòng tin chắc chắn chẳng để những cái khác chi phối làm mình suy tinh thần.

Ngài Quy Sơn sách tấn: “Kia đã là trượng phu, ta cũng như thế, không nên tự khinh mà thoái lui”, được hiểu bạn đồng tu kia là người trượng phu phát tâm mạnh mẽ tu tập vượt qua mọi cám dỗ của thế gian thì chúng ta cũng giống như thế, hết thảy mọi người đầy đủ năng lực ấy, không xem thường chính mình gây trở ngăn cho sự giác ngộ được.

Nghĩa là tâm trong sáng tỉnh thức luôn hiện hữu mỗi người lại chẳng đón nhận lấy đằng này đi hỏi tìm xa xôi, mệt nhọc thật đáng thương thay. Quan trọng ở chỗ chúng ta sống chìm trong đêm tối, lúc nào đó tỉnh giác ra biết quay lại so chiếu mình để hoàn thiện trên con đường giác ngộ. Mặc dù, chúng ta tham vấn các bậc đã thành tựu sự tỉnh giác của mình với cấp độ cao mức nào chăng nữa thì sự truyền đạt lại cho chúng ta được phần nào thôi, chứ làm sao bản thân đón nhận hết được, phần còn lại tự thân nỗ lực hết mình mới có được thành quả tốt như ý muốn.

Chư Phật chúng ta chỉ dạy cho hàng đệ tử mở ra con đường đi còn lại chúng ta có đi chặng đường đó hay không tùy thuộc vào chính bản thân bổ túc, người hướng dẫn chỉ bày tận tình chẳng ích kỷ còn người cầu học bổ sung cái mình cần phải thêm vào. Như thế, giúp hết thảy mọi người động lực tin tưởng bản thân sẽ làm được, tin rằng mình sống với cái sẵn có trong tự tâm mình đó là lẽ chân thật.

Trong kinh Pháp Bảo Đàn dạy: ông Pháp Đạt phát tâm trì tụng Pháp Hoa kinh khi đến yết kiến Lục Tổ Huệ Năng đảnh lễ Ngài chưa sát đất, ông bị Tổ quở trách và chỉ dạy trì tụng kinh cho dù nhiều bộ mà chẳng hiểu nghĩa lý trong kinh nói mà tự cao rồi, ông liền tức khắc nhận lỗi, sám hối và cầu sự hiểu biết của Tổ về phẩm Thí dụ và được Tổ dạy những thí dụ ví cho phương tiện, bản thân các ông có sẵn xe trâu trắng sao cứ chạy tìm đâu xa.

Nghĩa là, thường mọi người cầu quả vị nơi này nơi khác nhưng đây là các phương tiện hướng dẫn nhân loại con đường giải thoát, còn thật ra cái kết cũng vẫn quay lại sự giác ngộ chân thật của mình. Cái cứu cánh tột cùng nhất mãi là ngộ ra Phật tính nơi tâm, tất cả ngoài là phương tiện giúp chúng ta tỉnh giác chưa hẳn là bản tính Phật của mình. Cho dù được học hỏi từ các bậc cao Tăng đức độ, từ bạn đồng tu hay những vị hướng dẫn tu tập tất cả cũng chỉ là nương gá một thời gian, bởi vậy tài sản quý nhất thì lấy nơi tự tâm ra mà ứng dụng tu tập mới thật là của chính mình.

Dù trải qua các tỉnh trong nước hay ngoài nước bản tính ấy vẫn của mình thường còn mãi. Thời đại ngày nay việc học Phật pháp rất quan trọng, việc hành đúng lại quan trọng hơn nữa để không bị vướng mắc trong sự học, học là phương tiện giúp làm sáng tỏ ra con đường đạo rồi tự lực sống với tinh túy chân thật tự tâm, bước tới đạt mức cao tột của việc ngộ chân lý. Sự học luôn hổ trợ cho tu tập hóa giải các vấn nạn trong đời sống chuyển hóa mê lầm, lo âu, sầu muộn.

Qua đó, từ sự học chúng ta mới biết đến Phật tính vốn sẵn có nơi mỗi người từ lâu, thế mà luôn ẩn chìm mãi thậm chí là chẳng biết rằng mình có của báu, nhờ cái học giúp sáng tỏ hiểu biết tự tâm thể nhập chân tính ngay nơi sinh hoạt của mình, ngược lại học mà không tu coi như không, mê vẫn mê từ đời này đến kiếp khác.

Chúng tỏ rằng, việc nghiên cứu Phật pháp làm thông suốt tâm trí, giảm thiểu các phiền muộn nơi thân tâm, bản thân đạt tự tại thong dong giữa kiếp sống đầy ô trược và người bên cạnh cũng hưởng được sự an lành đó, cuộc sống trở nên thăng hoa khi với sự học và hành song song với nhau, sự hoan hỷ trong lúc học tu tràn đầy sức sống, có niềm hỷ lạc nơi học tu Phật pháp đặc biệt là Phật tính bên trong được hiển bày tỏa sáng khắp nơi.

phat-tinh-co-trong-tat-ca-chung-sinh-de-giai-thoat-03
Nội dung nói về Phật tính đa số được giảng giải trong kinh được đức Phật thuyết các nơi khi trả lời với chư vị Bồ tát, trình bày có sự gắn chặt cùng các kinh khác, người viết mong mỏi mọi người sớm nhận chân Phật tính nơi mình hầu giúp bản thân thấy thật tướng cuộc đời mà thành tựu giải thoát.

Niềm tin nơi bản thân có Phật tính

Như vậy, chư Tỳ kheo thực tu cần biểu lộ niềm tịnh tín quyết định Phật tính có sẵn trong mình, lời của Phật chỉ cho các vị là “Tất cả chúng sinh đều có tính Phật; nhờ tính Phật ấy có thể dứt trừ được các dây trói buộc của vô lượng phiền não, đắc thành quả A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, chỉ trừ hạng Nhất xiển đề mà thôi. Nếu có đức vua hoặc đại thần thưa hỏi rằng: Tỳ kheo! Ông sẽ thành Phật hay chẳng thành Phật?

Ông có tính Phật hay chăng? Tỳ kheo ấy đáp rằng: Hiện nay trong thân tôi quyết định có tính Phật; còn việc thành Phật hay không chưa thể biết rõ. Vua nói: Đại đức! Nếu không phải kẻ Nhất xiển đề thì chắc chắn sẽ thành Phật. Tỳ kheo ấy đáp rằng: Đúng vậy, quả thật như lời đại vương! Dù vị ấy nói chắc rằng mình có tính Phật, cũng chẳng phạm tội Ba la di” cùng ý nghĩa đó trong kinh có nói: “…Người nói ra lẽ [tính Phật] theo cách như vậy không hề phạm vào lỗi vọng xưng chứng thánh. Đó gọi là Bồ Tát”

Chúng ta trên lộ trình tu tập với đức tin vào “tất cả chúng sinh đều có tính Phật” hầu giúp cho người tu hành thêm sức mạnh nội tâm hướng đến giải thoát. Nơi niềm tin của vị khách bộ hành đang trên đường ngàn dặm, mỗi bước đi nhìn về phía trước còn rất mờ tít mới đến nơi, vị này dễ chán nản, hoài nghi con đường mình đang đi liệu có tới đích chăng.

Giả như, vị này biết rõ và có niềm tin nơi mình sẽ thành công thì cái nản chí đó cũng rồi tan biến, thế là tiếp tục nỗ lực đi cho đến cùng. Hành giả thực hành các pháp phương tiện cầu chứng đắc cũng thế, dù rằng người mong cầu giác ngộ biết bản thân có sự tu tập thì sẽ đạt chứng đắc phải trải qua nhiều khó khăn, nếu bản thân có đức tin nơi Phật tính giác ngộ của mình luôn có thì ắt hẳn chính mình mạnh mẽ tiến lên trong con đường tu tập.

Chính điều đó, để diễn giải về Phật tính sẵn có nơi từng chúng sinh nhằm hướng dẫn mọi chúng sinh có động lực quyết tâm đi đến quả vị Chánh đẳng giác. Do có niềm tin vững chắc nơi mình, dễ dàng hiểu rõ các ý nghĩa khi nhắc đến Phật tính trong kinh điển. Tự tin vào chính mình có Phật tính cũng là điều quan trọng trên hành trình đi đến quả vị chứng đắc.

Tuy nhiên, hành giả tu tập sống trong tỉnh thức chân chánh đúng lời Phật dạy “… khi Như Lai chưa thuyết dạy, vô lượng Bồ Tát tuy đã thực hành đủ các hạnh ba la mật, cho đến hàng Thập trụ vẫn còn chưa thấy được tính Phật sẵn có. Đến khi Như Lai thuyết dạy rồi, họ liền thấy được đôi chút.

Các vị Đại Bồ Tát ấy được thấy [tính Phật] rồi, thảy đều nói rằng: Lạ thay, Thế Tôn! Chúng con lưu chuyển biết bao lần trong sinh tử, thường bị lẽ vô ngã làm cho lầm lạc, mê loạn” và Phật nói tiếp “Thiện nam tử! Các vị Bồ Tát như vậy, chứng đắc Thập địa còn chưa thấy rõ được tính Phật, huống chi hàng Thanh văn, Duyên giác lại có thể thấy được hay sao?”

Tu hành trên nền tảng Phật tính

Tất cả các phiễn não nhiễm ô có thể được đoạn trừ, diệt sạch để Phật tính sáng tỏ bởi  nó vốn trong sạch những những phiền não ấy lại không có tự tính “Tâm chẳng bị tham…kiết hệ phược, cũng chẳng phải chẳng bị tham… kiết hệ phược. Chẳng phải giải thoát cũng chẳng phải chẳng giải thoát. Chẳng phải có, chẳng phải không. Chẳng phải hiện tại, chẳng phải quá khứ cũng chẳng phải vị lai. Bởi vì, tất cả pháp đều không có tự tính”.

Qua các chương của kinh Đại Bát Niết bàn nói về Phật tính trên bản đầu kinh, tiếp tục diễn giải các pháp hành trì của chư Bồ tát, điều này cũng chứng minh rằng Phật tính luôn là điểm nhấn quan trọng, ngay đó giúp sự mầm móng phát triển sự tu chứng, vì nguyên nhân các hạnh Bồ tát xuất phát từ Phật tính: “Chánh nhân gọi là Phật tính. Duyên nhân là phát tâm Bồ đề”.

Chúng ta sống hằng ngày trong Phật tính thậm chí không hề hay biết, một khi hành trì những phương thức theo lời Phật dạy thì có ngày Phật tính ấy khai mở, hiển lộ và cứ thế chúng ta nhận diện được chúng. Do đó, hầu hết các pháp môn đều dựa trên Phật tính tại tâm này.

Người tu hành luôn dựa vào Phật tính ấy để tu, tu lục độ hay thiền định là hành trì lục độ hay thiền định ngay chính Phật tính đó, tu tập như thế là “khéo tu học, chánh kiến, chánh tri” cũng vậy “hân Như Lai tức là thân kim cương. Từ nay ông thường phải chuyên tâm suy nghĩ về nghĩa này.

Ông chớ nghĩ là thân tạp thực và cũng phải vì người khác nói thân Như Lai tức là pháp thân”. Đối với những vị tu tập theo kinh Đại Bát Niết bàn y cứ các phương pháp chuyển hóa của Bồ tát như hạnh tứ vô lượng tâm, tứ nhiếp pháp, thiền tập, trí tuệ,… tất cả đều lấy Phật tính làm nền tảng.

Theo Phật giáo Ấn Độ, những vị tu hành dựa trên kinh Đại Bát Niết bàn là ứng dụng pháp thừa Quả, tức là cái đã có sẵn “Nhất thiết chúng sinh tất hữu Phật tính” để tu chứng, đối với thừa Nhân hiểu như lập nên các nhân nhằm đạt quả giác ngộ, giải thoát. Hành trì lục độ Ba la mật chẳng dựa trên Phật tính xem như thừa Nhân, bởi lục độ nếu tự lập thì đây là nhân cho ra quả Phật.

Với thừa Quả lúc này lục độ được xem như phẩm hạnh khởi sinh từ Phật tính thì tất nhiên việc tu hành trở nên dễ hành trì, đức tin vững chãi hơn bởi có sẵn để thực hành, còn theo Nhân thì liệu có đem lại chất lượng hay không mà theo. Chẳng hạn, chúng ta tụng kinh, bái sám,… cho là việc hành trì này mang lại giác ngộ thì thấy xa lắm mà đây được xem như suy nghĩ viễn vong của bản thân thôi, nếu chính chúng ta lạy Phật, tụng kinh, bái sám,… với đức tin bản thân chúng ta thực hiện trong Phật tính sãn có của mình thì mọi pháp hành chẳng rời Phật tính, hơn thế nữa chúng khởi sinh từ Phật tính ắt hẳn sẽ thuận lợi cho sự tu hành và đạt kết quả cao.

Người ngồi Thiền sẽ có phát sinh định, chính cái định này mới chỉ không gian nhỏ trong không gian rộng vốn “tự tịnh tự định” thôi,  như lời nói của Ngài Huệ Năng: “Bản tính này vốn nó tự tịnh, tự định” đây là hàm ý của Thiền tông “Tuyết Đậu nói: Trên tuyết lại thêm sương”.

Theo kinh Viên Giác, Phật tính hiểu như “giác địa thanh tịnh của các chúng sinh”, là “nhân địa của Như Lai” lời dạy đem lạo sự tỉnh thức mà bấy lâu nay chúng ta để quên “Nhân địa của tất cả Như Lai là y vào tính giác thanh tịnh tròn đầy soi khắp này mà vĩnh viễn đoạn dứt vô minh trọn thành Phật đạo”, điều giác ngộ như đang làm tâm chúng ta thức dậy nơi mình thật vi diệu, thật hạnh phúc “tất cả pháp ở trong cửu giới chúng sinh đều là huyễn hoá như không hoa. Các thứ huyễn hoá đó đều sinh trong diệu tâm viên giác Như Lai”.

Để tìm hiểu rõ hơn về Phật tính, kinh Lăng Nghiêm cũng có nêu: “Phật bảo: A Nan! Các ông nếu muốn xả bỏ Thanh văn tu Bồ tát thừa vào sự thấy biết của Phật, cần phải quán xét nhân địa phát tâm và quả địa giác ngộ là đồng hay khác.

A Nan! Nếu ở nhân địa, dùng tâm sinh diệt làm gốc tu nhân mà cầu Phật thừa chẳng sinh chẳng diệt. Điều ấy không thể được”, bản thân cá nhân mỗi người đều cần phải nương vào Phật tính khởi tâm tu tập, ngay nơi Phật tính mà tùy thuận, với lối tu Đại thừa luôn gắn chặt chẳng cách xa Phật tính, xuất phát từ Phật tính có từ vô thủy của mỗi chúng sinh mà tu tập để chứng đạt các quả vị.

Tóm lại, giác ngộ tự tâm đem lại cho mọi chúng sinh thấy những lẽ thật trong mỗi người, cuộc sống vơi đi bao nỗi ưu sầu, thiếu sức sống, một khi nhận chân ra giá trị tính giác thật của kiếp sống thì lúc này bản thân luôn cảm thấy chẳng có gì trên đời phải lo sợ, chúng ta có đầy đủ năng lực vượt qua mọi khó khăn, gian lao của cuộc đời, lương tâm mỗi người đã có sẵn cho nên chắc chắn mọi người đều có tính Phật, nhận biết và hiểu rõ nội tâm mình thì phát huy tinh tấn trên đường tu, khỏi cần phải chạy đi coi bói toán mình có thành tựu hay không. Mỗi cá nhân có căn cơ tu tập khác nhau tùy mức độ chậm mau của mỗi người mà Phật tính thể hiện.

phat-tinh-co-trong-tat-ca-chung-sinh-de-giai-thoat-04
Điều quan trọng, bản thân mỗi cá nhân chúng ta luôn nhận chân ra gốc rễ sự sáng suốt nhất của chính mình, sống với nó thật sự sẽ đem lại nhiều mầu nhiệm cho tâm linh, dần xa lìa cõi phàm tục mà đạt đến cảnh giới tâm linh đầy an lạc

Trong nhiều đời tu tập chẳng may gieo nhân ít thì đời hiện tại hưởng quả thiện cũng theo đó chẳng được nhiều, cho nên thấy hiểu các điều này nên cố gắng nỗ lực hơn nữa, vun trồng những hạt giống thiện rồi tương lai không xa chúng ta có được quả tốt, trước mắt thấy nhiều người sống tu tập rất mau do từ nhiều kiếp quá khứ họ tự gieo huân tập thực hành nên đời nay tiến nhanh.

Tự thân đi lên bước vào con đường hết lầm mê có đủ khả năng giác ngộ, chẳng dám thối lui vì đã có niềm tin bản thân, thức tỉnh ra tính chân thật của con người nhờ thấy điều giác ngộ như vậy mà bản thân tự độ cho mình. Lúc còn vô minh nương cậy Thầy chỉ bảo, đến lúc ngộ tự lực đứng lên không nên ỷ lại bất kỳ ai vì chỉ có ta mới độ và tự đưa mình ra khỏi đen tối lầm mê.

Điều quan trọng, bản thân mỗi cá nhân chúng ta luôn nhận chân ra gốc rễ sự sáng suốt nhất của chính mình, sống với nó thật sự sẽ đem lại nhiều mầu nhiệm cho tâm linh, dần xa lìa cõi phàm tục mà đạt đến cảnh giới tâm linh đầy an lạc. Người viết rất mong mỏi, cầu nguyện những ai gặp được và sống lại với cái chân thật của bản thân sẽ không còn đánh mất mình trước những cặm bẫy của cuộc đời, thoát ly khổ đau cho bản thân và người xung quanh.

Giác ngộ là gì? Ý nghĩa của giác ngộ trong đạo Phật 

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận