Phật dạy người hay đố kỵ phải chịu nhiều quả báo
Lúc nào chúng ta cũng nguyện giữ gìn tâm từ bi, tôn trọng, bao dung muôn loài. Lúc nào cũng nguyện nhìn ra lỗi mình và nhận ra cái hay của người khác. Qua đó chúng ta không có được phán xét hay đố kỵ người khác vì chỉ nhận được nhiều quả báo không tốt cho bản thân
Tật hay phán xét người khác
Chúng ta rất dễ bị mắc tật phán xét người khác. Một người học tướng số thì vô tình hay suy xét mọi người và hay ra vẻ biết về diện mạo người khác để khiến kẻ khác trọng thị mình cũng như sâu trong tâm có cái chấp, cái thích thú của ngã mạn.
Một người giữ chức cao quá lâu rồi không quan tâm đạo đức thì dần trở thành cái gai trong mắt nhân viên vì thái độ nghiêm trọng, trịch thượng, không tử tế, phán xét xúc phạm, nặng lời.
Hay một người biết quá nhiều đạo lý mà không tu học thực hành cũng dễ rơi vào tật thích nói, thích dạy đời, ra vẻ chỉ bảo với tâm tự hào và một cách ứng xử khiến nhiều người khó chịu. Vì bày tỏ quá cái đức của mình nên người khác đọc, nghe hay tiếp nhận đạo lý từ mình rất khô khan, gắt gỏng.
Dấu hiệu của người thích phán xét là cực kỳ dễ sân và rất hả dạ khi hạ thấp được kẻ khác xuống. Đọc qua bài viết, lướt qua FB, giao tiếp với người ấy đủ lâu ta hiểu ra người này cực kỳ căng thẳng, cáu giận và nặng nề mọi chuyện có chút gì đó hay rất nhiều điều bị suy diễn sai lệch.
Thế gian hay thấy có rất nhiều người nói đạo lý rất hay mà sống không giống đạo lý là vì biết nhiều quá mà không khiêm tốn thực hành sinh ra ngã mạn, phán xét, soi mói. Rồi cuộc đời tan vỡ và xảy ra ngược lại hoàn toàn những gì người ấy nói ra. Rất đáng sợ.
Phật dạy nhận định đúng sai là trí tuệ nhưng lúc nào cần nói, lúc nào không, nói đến cỡ nào thì lệ thuộc vào đạo đức của chúng ta.
Lúc nào chúng ta cũng nguyện giữ gìn tâm từ bi, tôn trọng, bao dung muôn loài. Lúc nào cũng nguyện nhìn ra lỗi mình và nhận ra cái hay của người khác để ngưỡng mộ. Lúc nào cũng nguyện cho mọi người tu đúng hướng, làm được nhiều công đức và tài giỏi hơn mình.
Tâm đố kỵ là thù ghét những ai hơn mình
Đố kỵ (trong đạo Phật gọi là tật đố)là thù ghét những ai hơn mình, những ai được nhiều quyền lợi hơn mình. Dấu hiệu dễ thấy nhất của tâm đố kỵ là thái độ khó chịu khi thấy người khác hơn mình. Ví dụ, trong lớp học, thấy có người huynh đệ học giỏi hơn mình, được nhiều điểm tốt hơn mình, chúng ta cảm thấy khó chịu. Khi sự khó chịu làm chúng ta bực bội, cảm thấy ghét người kia thì đó chính là đố kỵ.
Tất nhiên, khi lòng có sự bực bội nghĩa là trong tâm đã tiềm tàng sự đố kỵ.
Như vậy, mặc dù tu rất tốt nhưng chúng ta vẫn không kiểm soát được tâm mình, không diệt trừ được đố kỵ. Khi có người xuất hiện gần như giành quyền lợi với mình, tâm đố kỵ của chúng ta đã khởi lên ngay. Việc đầu tiên mà người có tâm đố kỵ hay làm là thích chỉ trích để hạ uy tín của người giỏi, người làm được việc.
Ví dụ, nghe người ta khen thầy nào đó giảng hay, được nhiều Phật tử mến mộ, chúng ta liền chỉ trích, nói xấu. Có thể người ta chưa tin ngay điều mình nói nhưng niềm tin, lòng kính trọng đối với vị thầy kia phần nào sẽ bị giảm sút.
Khi đến nghe Pháp, họ không còn nghe trọn lòng nữa. Như vậy, sự chỉ trích để triệt hạ uy tín lẫn nhau sẽ làm thoái tâm nhiều người khác. Đó là điều rất tai hại.
Từ trong thâm sâu, chúng ta phải cố gắng kiểm soát tâm để khi thấy sự thành công của người khác, chúng ta xem như đó là thành công của chính mình; trước niềm vui của người khác, chúng ta cũng vui như chính niềm vui của mình. Vì vậy, trong bài Khấn nguyện chúng ta vẫn tụng hằng ngày có đoạn:
Xin cho con sung sướng
Khi thấy người thành công
Hoặc gây tạo phước lành
Như chính con làm được
Chúng ta tụng như vậy là để diệt lòng đố kỵ, khởi được tâm tùy hỷ trước sự thành công của người khác.
Phật dạy trong cuộc sống, những người hay đố kỵ phải chịu nhiều quả báo. Nếu không có tài năng, luôn ganh tỵ với người, đời sau chúng ta sẽ không có tài năng. Thấy ai thành công, chúng ta chỉ trích, bực bội thì đời sau, thành công sẽ không đến, làm gì cũng thất bại.
Bởi vậy, những người làm việc hay thất bại thường do nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có nguyên nhân do đời trước có tâm đố kỵ nặng quá. Ngoài ra, người có tâm đố kỵ còn chịu một quả báo nữa là bị thân quyến bỏ rơi.
Phật dạy vì chỉ trích cho người ta bỏ nhau, ghét nhau thì chúng ta sẽ chịu quả báo sống cô đơn, bị người thân ghét bỏ. Và quả báo nặng hơn nữa là bị đọa ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.
Cách chuyển hóa tâm đố kỵ
1. Sám hối trước Phật
Mỗi ngày hai thời sáng tối, quý vị lên trước chánh điện Phật, lễ Phật và sám hối.
Sám hối như thế nào?
Đó là nói :
Con xin sám hối là con vẫn còn tâm đố kỵ, dù biết đó là tâm xấu nhưng con vẫn cứ tái phạm hoài.Con nguyện chừa bỏ, để những lần sau không còn khởi tâm ấy nữa.Nay con xin thành tâm sám hối.Nam Mô Cầu Sám Hối Bồ Tát Ma Ha Tát.
2. Tu tập các pháp để phát triển chánh niệm
Có thể ngồi thiền, có thể đi thiền hành, hay có thể trì danh hiệu Phật thông qua lần chuỗi,…
Đây là các pháp tu để phát triển chánh niệm và sự tỉnh giác trong mọi giây phút.
Khi sức tỉnh giác chánh niệm đã có, thì khi đối cảnh như thấy người khác thành công hơn, mà lúc đó quý vị khởi lên tâm đố kỵ, thì sức tỉnh giác chánh niệm sẽ nhận biết được ngay.
Khi nhận biết được, quy vị tác ý không theo, tập buông nó đi.Vậy là thành công rồi.
3. Tu tập tâm tùy hỷ
Mỗi ngày trong các thời khóa công phu, nên tu tập thêm tâm tùy hỷ.
Tùy là thuận theo.Hỷ là vui mừng.
Nghĩa là trong các thời khoá, quý vị nguyện thêm là con sẽ luôn vui mừng và hạnh phúc khi thấy người thành công như chính con làm được.
Tại sao con lại không vui khi thấy người khác thành công, những cố gắng của người để đạt được thành công thì mình phải mừng cho họ chứ, sao con lại ghen ghét ganh tị như thế.
Rồi nếu mình thành công mà người khác ghen ghét ganh tị thì mình có vui hay không ?Rõ ràng là không rồi.
Nếu là người biết tu, khi sự nhận thức được tâm ganh tị khởi phát, ta buông xả không theo, tác ý tâm hoan hỷ.Quán thêm ý nghĩ : «Người làm tốt là ta phải vui mừng trước thành công của người, sau này ta cũng vậy, sao ta lại đố kị ». Sau đó ta tác ý dừng khởi niệm. Đưa tâm về trạng thái rỗng lặng, vô niệm.
Những ai tu tốt, thì họ kiểm soát chúng từ trong gốc, niệm vừa khởi thì cũng buông luôn, không nắm giữ, tâm xả hoàn toàn.
Với người không tu, cứ chấp giữ chỉ làm người đó bị tổn phước, thậm chí có những hành động không tốt như cạnh tranh hay hãm hại, rồi làm tình hình thêm phức tạp, chỉ gây thêm khổ não. Và tương lai, chỉ mãi làm người thấp hèn, chẳng bao giờ được ai kính trọng hay khen ngợi.
Do vây, có những cách tạo phước nhìn có vẻ rất đơn giản. Như chỉ cần ta khởi tâm hoan hỷ, vui vẻ trước thành công của người, là ta cũng đã có phước rồi, chưa nói gì đến làm những việc to tác.
4. Tu tập tâm từ bi
Hằng ngày ta phải trải lòng thương yêu tất cả chúng sinh.Như thương yêu con người, những con vật, những chúng sinh trong cõi siêu hình, thương yêu cả môi trường và cây cỏ,…v…v …
Tình thương ấy cũng giống như mình thương chính bản thân mình vậy, hay là thương như chính những người thân yêu của mình vậy.
Và khi tâm từ bi ấy chúng phát triển ở mức cao độ, nghĩa là quý vị sẽ không còn ghen ghét khi thấy người khác đạt được những thành tích cao hơn mình nữa.
Vì xem họ cũng chính là người thân yêu của mình mà, nên tâm đố kị không có động cơ để phát sinh.
Đó, trên đây là những cách thức tu tập rất căn bản để quý vị có thể áp dụng để chuyển hóa tâm đố kỵ.
Khi tâm này được chuyển hóa xong, thì lòng quý vị sẽ rất là vui vẻ, không còn cảm thấy khó chịu gì nữa.
Khi tâm đố kỵ hết thì không những không còn có cơ hội tạo nghiệp ác, mà phúc lành của quý vị không ngừng được tăng trưởng thêm.
Chúng như những giọt nước mưa từ trên trời tuôn xuống đều đặn và sẽ làm cái hồ phước đức của quý vị mỗi ngày thêm đầy hơn.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận