Cách phân biệt người chính, kẻ tà theo lời Phật dạy
Lằn ranh giữa chính và tà đôi khi rất mỏng manh. Tuy nhiên, nếu biết cải tà quy chính, bỏ ác hướng thiện thì sẽ giúp bản thân được an yên.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nếu có người ở trong nhóm tà thì có tướng trạng gì, có nhân duyên gì?
Các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
- Như Lai là vua của các pháp, là bậc Chí tôn của các pháp. Lành thay Thế Tôn! Nên thuyết nghĩa này cho các Tỳ-kheo. Chúng con nghe rồi sẽ vâng làm.
Thế Tôn dạy:- Các Thầy khéo suy nghĩ. Ta sẽ vì các Thầy phân biệt nghĩa này.
Các Tỳ-kheo đáp:
- Xin vâng, Thế Tôn!
Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy. Thế Tôn dạy:
Người ở nhóm tà sẽ do năm việc mà biết. Đã thấy năm việc thì biết người này ở nhóm tà. Thế nào là năm? Đáng cười mà không cười, lúc đáng hoan hỷ mà không hoan hỷ, đáng khởi tâm từ mà không khởi tâm từ, làm ác mà không xấu hổ, nghe lời lành mà không để ý. Nên biết người này ở nhóm tà. Nếu có chúng sinh ở nhóm tà, nên dùng năm việc mà biết.
Lại nữa, có chúng sinh ở trong nhóm chính, có tướng trạng gì, có nhân duyên gì?
Các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
- Như Lai là vua các pháp, là bậc Chí tôn của các pháp. Cúi mong Thế Tôn hãy thuyết nghĩa này cho các Tỳ-kheo. Chúng con nghe xong sẽ vâng làm.
Thế Tôn dạy:
- Các Thầy khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì các Thầy phân biệt nghĩa này.
Các Tỳ-kheo đáp:
- Xin vâng, Thế Tôn!
Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy. Thế Tôn bảo:
- Người ở nhóm chính, sẽ do năm việc mà biết. Đã thấy năm việc thì biết người này trụ ở nhóm chính. Thế nào là năm? Đáng cười thì cười, đáng hoan hỷ thì hoan hỷ, đáng khởi tâm từ thì khởi tâm từ, đáng xấu hổ thì xấu hổ, nghe lời lành thì để ý. Nên biết người này đã ở nhóm chính, trụ ở nhóm chính. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm Tà tư, VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.357)
Qua những lời Phật dạy trong kinh Tăng nhất A-hàm chúng ta thấy rõ, với người chính thì họ luôn hướng về phía trước, luôn ngẩng cao đầu trước mọi người, quang minh chính đại trong công việc, làm mà không do dự, hoan hỷ với những công việc, lời nói và hành động của mình. Những người này không sợ điều tiếng, sợ người khác dèm pha hay chê trách.
Vì thế mà Phật chỉ dạy thật rõ ràng: “Đáng cười mà không cười, lúc đáng hoan hỷ mà không hoan hỷ, đáng khởi tâm từ mà không khởi tâm từ, làm ác mà không xấu hổ, nghe lời lành mà không để ý. Nên biết người này ở nhóm tà”. Đây là năm tiêu chuẩn quan trọng để chúng ta thẩm định về một người là chính hay tà.
Đó cũng là năm tiêu chuẩn để tự mình thẩm định chính mình. Cuộc sống luôn biến động, thân tâm luôn vô thường, ranh giới giữa chính tà đôi khi lại rất nhạy cảm và mong manh.
Dù lúc nào ta cũng nhân danh (hoặc tự nghĩ) mình là người của chính phái, là đại sứ của thiện lành nhưng thực tế thì không hẳn như vậy. Nên điều cần thiết là luôn lấy năm tiêu chuẩn của Thế Tôn: “Đáng cười thì cười, đáng hoan hỷ thì hoan hỷ, đáng khởi tâm từ thì khởi tâm từ, đáng xấu hổ thì xấu hổ, nghe lời lành thì để ý. Nên biết người này đã ở nhóm chính, trụ ở nhóm chính”. Đây là 5 yếu tố mà Phật dạy của người chính, để kiểm tra bản thân mình nhằm tự điều chỉnh và hoàn thiện lấy bản thân.
Lấy ví dụ, một người khi lấy trộm đồ vậy của ai đó, nếu những người bị mất nhắc đến đồ bị mất, người lấy trộm luôn im lặng và lẩn núp không dám xuất hiện. Tâm của họ luôn lo sợ bị phát hiện. Nên những người làm điều xấu luôn mặc cảm với những người xung quanh, với việc họ đã gây ra thì luôn mong muốn không ai biết đến.Với những người làm việc chính đáng, họ luôn ngẫng cao đâu. Ví dụ như một người khi thấy có người đói, nghèo… họ lấy tiền của giúp cho người đó, nếu có ai khen hay tán thán… họ vẫn ngẫng cao đầu đón nhận được. Vì đó là công việc chính đáng.
Đức Tri
Câu chuyện nhỏ về anh Lý sửa khóa: Sống đẹp là giữ được 1 tâm hồn biết chia sẻ
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận