Ý nghĩa của Kinh Pháp Hoa và cách tụng Kinh Pháp Hoa chuẩn nhất

Kinh Pháp Hoa là một trong những bài kinh điển quan trọng của Phật giáo. Ý nghĩa của Kinh Pháp Hoa và cách tụng Kinh Pháp Hoa chuẩn nhất mời quý Phật tử xem trong bài viết dưới đây.

Loan Nguyễn
17:20 10/06/2021 Loan Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Kinh Pháp Hoa là gì?

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa thường gọi tắt là Kinh Pháp Hoa. Đây là một trong những bộ kinh Đại thừa quan trọng nhất, được lưu truyền rộng rãi ở các nước Á Đông như Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc... 

Tương truyền, Kinh Pháp Hoa được Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng trên đỉnh núi Linh Thứu trước khi ngài nhập Bát Niết-bàn, tức vào chặng đường cuối của sự nghiệp hoằng hóa chúng sinh (ngũ thời giáo): Hoa Nghiêm, A-hàm, Phương Quảng, Bát Nhã và Pháp Hoa - Niết Bàn (theo quan niệm của Thiên Thai Tông).

Kinh Pháp Hoa trình bày nhiều quan điểm chủ yếu của Phật giáo Bắc Tông và có ảnh hưởng lớn đến nhiều tông phái khác nhau của Đại thừa như Thiên Thai tông (lấy kinh này làm kinh căn bản), Thiền tông, Phật giáo Nichiren (với chủ trương niệm danh tự kinh: Nam-mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh)... 

Kinh được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau: tiếng Trung, tiếng Việt, tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Pháp... Thông thường các dịch bản dựa trên bộ kinh dịch từ tiếng Phạn của ngài Cưu-ma-la-thập đã biến đổi chút nhiều (có thêm các phần kệ, vài phẩm...), bản tiếng Việt lưu hành phổ biến nhất có lẽ là bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Tịnh.

y-nghia-cua-kinh-phap-hoa-va-cach-tung-kinh-phap-hoa-2021-chuan-nhat-1

Kinh Pháp Hoa nguyên chữ Phạn (Sanskrit) tên Saddharmapundarika Sutra, được dịch ra chữ Hán bởi nhiều dịch giả với nhiều bản khác nhau. Hiện nay còn đang lưu hành ba bản:

1. Chánh Pháp Hoa Kinh, do ngài Trúc Pháp Hộ dịch vào đời Tây Tấn, niên hiệu Vĩnh Khang tại Đôn Hoàng, gồm mười quyển.

2. Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, do ngài Cưu-ma-la-thập dịch, vào đời Diêu Tần, niên hiệu Hoằng Thủy và Long An (khoảng 396-397 Tây lịch) tại Trường An, gồm bảy quyển, sau thêm thành tám quyển.

3. Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, do hai ngài Xà-na và Cấp-đa dịch vào đời Tùy, niên hiệu Nhân Thọ (khoảng 601 Tây lịch), tại chùa Đại Hưng Thiện, gồm bảy quyển.

Dịch từ Hán văn ra Việt văn có những bản sau đây:

1. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa do Đoàn Trung Còn dịch, xuất bản vào năm 1936. Bản dịch này, dung hợp bản Hán văn của Cưu-ma-la-thập và bản Pháp văn của Eugène Bournouf.

2. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa do Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch, xuất bản năm 1948. Bản dịch này căn cứ theo bản Hán văn của ngài Cưu-ma-la-thập.

3. Pháp Hoa Huyền Nghĩa do Mai Thọ Truyền tuyển dịch, xuất bản năm 1964, ông dung hợp nhiều bản Hán văn và Pháp văn để dịch.

4. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Diễn Giải Lục do Hòa thượng Thích Trí Nghiêm dịch, xuất bản năm 1970, Ngài dịch nguyên bản chữ Hán và chú giải của Đại sư Thái Hư.

Nguồn gốc và ý nghĩa của Kinh Pháp Hoa

Sau khi Phật diệt độ, tăng đoàn phát triển mạnh mẽ và phân bố rộng rãi toàn cõi Ấn Độ (đỉnh điểm dưới thời hoàng đế Asoka). Tuy nhiên, bên cạnh sự lớn mạnh của giáo đoàn, nhiều luồng tư tưởng khác nhau về Phật học nảy sinh. Dần dần, khác biệt về hệ tư tưởng đã phân hóa tăng đoàn thành hai bộ phái chính là Thượng Tọa Bộ (gồm những bậc trưởng lão hòa thượng) và Đại Chúng Bộ (gồm những đại đức trẻ tuổi). 

Phái Thượng Tọa Bộ có quan điểm bảo thủ, có khuynh hướng duy trì và chấp hành nghiêm ngặt giáo pháp nguyên thủy từ thời sơ khai do Phật giảng dạy. Trong khi đó, Đại Chúng Bộ có quan điểm cấp tiến, thiên về phát triển Phật pháp thông qua tiếp thu tinh hoa giáo lý nhiều tôn giáo khác nhau (đặc biệt là Ấn Độ giáo, Hỏa giáo...) và vận dụng Phật pháp một cách mềm dẻo sao cho phù hợp với tất cả giai cấp, tầng lớp quần chúng. 

Giáo lý Nguyên thủy cho rằng quả vị cao nhất là A-la-hán trong khi đối với Đại Chúng Bộ là Phật quả (Phật Toàn giác); giáo pháp Đại Chúng Bộ có nhiều quan niệm, tư tưởng mới so với giáo pháp nguyên thủy: Không tính, Tam thân Phật hay Phật tính... Nội bộ hai phái trên tiếp tục có sự phân hóa, sau thời gian dài đã phôi nghén và nảy sinh ra nhiều bộ phái mới nữa (khoảng 18 - 20 bộ phái khác nhau). Phật giáo đã vượt xa khỏi biên cương lục địa Ấn Độ mà truyền bá sang các vương quốc Trung Á (vương quốc Bactria, vương quốc Kushan thậm chí còn vang vọng tận Hy Lạp: ảnh hưởng đến hệ thống học thuyết của các triết gia Pyrrho, Onesicritus, Hegesias thành Cyrene...), các đảo khơi xa ở Ấn Độ Dương như Sri Lanka, Maldives... thậm chí còn chạm đến các nước Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Việt Nam...

Mỗi bộ phái có vùng tập trung riêng biệt và không ngừng hoàn thiện hóa luận thuyết của mình. Từ một hệ thống quan niệm nhân sinh gần gũi với mọi chúng sinh, Phật giáo giờ đây trở thành một tôn giáo với những triết lý vượt tầm quần chúng và xa rời khỏi nhân dân. Ngoài ra, mầm mống Ấn Độ giáo đã nhen nhóm và cạnh tranh mạnh mẽ để giành lại ảnh hưởng trong tư tưởng nhân dân Ấn Độ. Do đó, nhiều bộ phái tiếp tục du nhập các giáo lý mới và hình thành nên Phật giáo Đại thừa (Mahayana) đồng thời họ gọi những giáo phái còn lại là Phật giáo Tiểu thừa (Hinayana).

Phật giáo Đại thừa không ngừng phát triển với những đỉnh cao về thành tựu lý luận thông qua dòng văn Bát-nhã, Bảo Tích, Duy-ma-cật Sở Thuyết Kinh, Hoa Nghiêm Kinh... Các kinh điển trên thể hiện các góc nhìn mới mẻ và đa chiều về Phật giáo nhưng kèm theo đó là sự khích bác, chê bai và đôi khi là luận chiến với giáo lí Tiểu thừa (đỉnh điểm là kinh Duy-ma-cật) như xem những người tu hạnh Thanh văn, Duyên giác không phải là con Phật; xem Tiểu thừa là những kẻ đã nhận hạt giống giải thoát từ đức Phật mà không chịu gieo trồng làm chủng tử ấy hư hoại và biến mất ("Tiêu nha bại chủng")... 

Chính sự mâu thuẫn giữa các bộ phái càng đẩy Phật giáo vào sự suy thoái và yếu thế trước sự phát triển lớn mạnh của Ấn Độ giáo. Trước tình hình như vậy, Kinh Pháp Hoa ra đời như sự xoa dịu và dung hợp tất cả các giáo lý truyền thống và mới mẻ của Phật giáo. Kinh Pháp Hoa chấp nhận mọi pháp môn khác nhau và xem tất cả thừa đều chỉ là một Phật thừa duy nhất với nhiều biểu hiện khác nhau để phù hợp với căn cơ của từng người khác nhau.

y-nghia-cua-kinh-phap-hoa-va-cach-tung-kinh-phap-hoa-2021-chuan-nhat-2

Do đó, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống kinh điển Phật giáo Đại thừa. Kinh được suy tôn là "Vua của các kinh" và bản thân trong phẩm Dược Vương Bồ-tát bản sự (phẩm 23) của Kinh Pháp Hoa, Phật đã dạy Bồ-tát Tú Vương Hoa:

"Này Tú Vương Hoa, trong các dòng nước như sông ngòi, kênh rạch thì biển là lớn nhất; trong các kinh thì kinh Pháp Hoa này là lớn nhất. Lại như trong các núi non: thổ sơn, hắc sơn, núi Tiểu Thiết-vi, núi Đại Thiết-vi thì núi Diệu Cao là bậc nhất, kinh Pháp Hoa này cũng như thế, ở trong các kinh rất là bậc thượng. Lại như trong các ngôi sao, Mặt Trăng là bậc nhất; kinh Pháp Hoa này cũng như thế, ở trong muôn trùng các kinh pháp, rất là sáng. Lại như mặt trời hay trừ các chỗ tối tăm, Kinh này cũng thế, hay phá tất cả các sự tối tăm, bất thiệt. Lại như trong các vua nhỏ, Chuyển Luân Thánh Vương là bậc nhất đế vương; Kinh này cũng như thế, ở trong các Kinh là bậc tôn hơn cả. Lại như Đế Thích là vua trong tam thập tam cõi trời; Kinh này cũng như thế là vua trong các kinh.

(...)

Như Phật là vua của các pháp (Pháp vương), Kinh này cũng thế là vua của các kinh."

(Phẩm 23. Dược Vương Bồ-tát Bản sự, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa)

Cách tụng Kinh Pháp Hoa 2021 chuẩn nhất

Dưới đây là nghi thức tụng Kinh Pháp Hoa 2021 chi tiết nhất quý Phật tử có thể tham khảo:

NGUYỆN HƯƠNG

Đốt nén tâm hương trước Phật đài,

Ngũ phần dâng trọn Đức Như Lai.

Cầu xin nhân loại lên bờ giác,

Hạnh phúc bình an khắp muôn loài.

Đốt nén tâm hương cúng Phật Đà,

Lòng thành gởi tận chốn bao la.

Cầu xin Tam Bảo thường gia hộ,

Đạo pháp hoằng thông đến mọi nhà.

Đốt nén tâm hương ở Ta bà,

Nhớ lời di huấn Đức Thích Ca.

Cầu xin Bồ tát Tùng Địa Xuất,

Thầm giúp cho người tụng Pháp Hoa.

NAM MÔ HƯƠNG CÚNG DƯỜNG BỒ TÁT MA HA TÁT (3 lần)

TÁN PHẬT

Tâm Thế Tôn mảy trần không bợn,

Thân của Ngài vô tận phước lành.

Từ bi cứu khổ độ sanh,

Chúng con đảnh lễ chí thành quy y.

LỄ PHẬT

NAM MÔ QUY Y THẬP PHƯƠNG TẬN HƯ KHÔNG GIỚI NHỨT THIẾT CHƯ PHẬT.(1 lạy)

NAM MÔ QUY Y THẬP PHƯƠNG TẬN HƯ KHÔNG GIỚI NHỨT THIẾT TÔN PHÁP.(1 lạy)

NAM MÔ QUY Y THẬP PHƯƠNG TẬN HƯ KHÔNG GIỚI NHỨT THIẾT HIỀN THÁNH TĂNG.(1 lạy)

NAM MÔ TỐI THƯỢNG THỪA VIÊN GIÁO DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH.(1 lạy)

NAM MÔ CỬU VIỄN THẬT THÀNH ĐẠI ÂN GIÁO CHỦ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.(1 lạy)

NAM MÔ PHÁP HOA KINH CHỨNG TÍN THỊ HIỆN ĐA BẢO NHƯ LAI.(1 lạy)

Nam mô Oai Âm Vương Phật.

Nam mô Nhật Nguyệt Đăng Minh Phật.

Nam mô Nhiên Đăng Phật.

Nam mô Đại Thông Trí Thắng Phật.

Nam mô Không Vương Phật.

Nam mô Vân Tự Tại Đăng Vương Phật.

Nam mô Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức Phật.

Nam mô Vân Lôi Âm Vương Phật.

Nam mô Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Phật.

NAM MÔ THẬP PHƯƠNG TẬN HƯ KHÔNG BIẾN PHÁP GIỚI QUÁ KHỨ NHỨT THIẾT CHƯ PHẬT.(1 lạy)

Nam mô A Súc Phật.

Nam mô Tu Di Đảnh Phật.

Nam mô Thiện Đức Phật.

Nam mô Tịnh Hoa Tú Vương Trí Phật.

Nam mô Bảo Oai Đức Thượng Vương Phật.

NAM MÔ ĐÔNG PHƯƠNG TẬN HƯ KHÔNG GIỚI NHỨT THIẾT CHƯ PHẬT.(1 lạy)

Nam mô Sư Tử Âm Phật.

Nam mô Sư Tử Tướng Phật.

NAM MÔ ĐÔNG NAM PHƯƠNG TẬN HƯ KHÔNG GIỚI NHỨT THIẾT CHƯ PHẬT.(1 lạy)

Nam mô Hư Không Trụ Phật.

Nam mô Thường Diệt Phật.

NAM MÔ NAM PHƯƠNG TẬN HƯ KHÔNG GIỚI NHỨT THIẾT CHƯ PHẬT.(1 lạy)

Nam mô Đế Tướng Phật.

Nam mô Phạm Tướng Phật.

NAM MÔ TÂY NAM PHƯƠNG TẬN HƯ KHÔNG GIỚI NHỨT THIẾT CHƯ PHẬT.(1 lạy)

Nam mô A Di Đà Phật.

Nam mô Độ Nhứt Thiết Thế Gian Khổ Não Phật.

NAM MÔ TÂY PHƯƠNG TẬN HƯ KHÔNG GIỚI NHỨT THIẾT CHƯ PHẬT.(1 lạy)

Nam mô Tu Di Tướng Phật.

Nam mô Đa Ma La Bạt Chiên Đàn Hương Thần Thông Phật.

NAM MÔ TÂY BẮC PHƯƠNG TẬN HƯ KHÔNG GIỚI NHỨT THIẾT CHƯ PHẬT.(1 lạy)

Nam mô Vân Tự Tại Phật.

Nam mô Vân Tự Tại Vương Phật.

NAM MÔ BẮC PHƯƠNG TẬN HƯ KHÔNG GIỚI NHỨT THIẾT CHƯ PHẬT.(1 lạy)

Nam mô Hoại Nhứt Thiết Thế Gian Bố Úy Phật.

NAM MÔ ĐÔNG BẮC PHƯƠNG TẬN HƯ KHÔNG GIỚI NHỨT THIẾT CHƯ PHẬT.(1 lạy)

Nam mô Tịnh Thân Phật.

Nam mô Hoa Quang Phật.

Nam mô Hoa Túc An Hành Phật.

Nam mô Quang Minh Phật.

Nam mô Danh Tướng Phật.

Nam mô Diêm Phù Na Đề Kim Quang Phật.

Nam mô Đa Ma La Bạt Chiên Đàn Hương Phật.

Nam mô Pháp Minh Phật.

Nam mô Phổ Minh Phật.

Nam mô Sơn Hải Huệ Tự Tại Thông Vương Phật.

Nam mô Đạo Thất Bảo Hoa Phật.

Nam mô Bảo Tướng Phật.

Nam mô Thiên Vương Phật.

Nam mô Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Phật.

Nam mô Cụ Túc Thiên Vạn Quang Tướng Phật.

Nam mô Ta La Thọ Vương Phật.

NAM MÔ THẬP PHƯƠNG TẬN HƯ KHÔNG BIẾN PHÁP GIỚI VỊ LAI NHỨT THIẾT CHƯ PHẬT.(1 lạy)

Nam mô Văn Thù Sư Lợi Bồ tát.

Nam mô Quan Thế Âm Bồ tát.

Nam mô Đắc Đại Thế Bồ tát.

Nam mô Thường Tinh Tấn Bồ tát.

Nam mô Bất Hưu Tức Bồ tát.

Nam mô Bảo Chưởng Bồ tát.

Nam mô Dược Vương Bồ tát.

Nam mô Dược Thượng Bồ tát.

Nam mô Dũng Thí Bồ tát.

Nam mô Bảo Nguyệt Bồ tát.

Nam mô Nguyệt Quang Bồ tát.

Nam mô Mãn Nguyệt Bồ tát.

Nam mô Đại Lực Bồ tát.

Nam mô Vô Lượng Lực Bồ tát.

Nam mô Việt Tam Giới Bồ tát.

Nam mô Bạt Đà Ba La Bồ tát.

Nam mô Di Lặc Bồ tát.

Nam mô Bảo Tích Bồ tát.

Nam mô Đạo Sư Bồ tát.

Nam mô Diệu Quang Bồ tát.

Nam mô Đức Tạng Bồ tát.

Nam mô Kiên Mãn Bồ tát.

Nam mô Đại Nhạo Thuyết Bồ tát.

Nam mô Trí Tích Bồ tát.

Nam mô Thường Bất Khinh Bồ tát.

Nam mô Tú Vương Hoa Bồ tát.

Nam mô Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ tát.

Nam mô Diệu Âm Bồ tát.

Nam mô Hoa Đức Bồ tát.

Nam mô Thượng Hạnh Ý Bồ tát.

Nam mô Trang Nghiêm Vương Bồ tát.

Nam mô Đắc Cần Tinh Tấn Lực Bồ tát.

Nam mô Vô Tận Ý Bồ tát.

Nam mô Trì Địa Bồ tát.

Nam mô Đà La Ni Tự Tại Vương Bồ tát.

Nam mô Quang Chiếu Trang Nghiêm Tướng Bồ tát.

Nam mô Phổ Hiền Bồ tát.

NAM MÔ LAI THÍNH PHÁP HOA KINH NHỊ VẠN, BÁT VẠN, BÁT THẬP VẠN ỨC NA DO THA BỒ TÁT MA HA TÁT.(1 lạy)

Nam mô Thượng Hạnh Bồ Tát.

Nam mô Vô Biên Hạnh Bồ Tát.

Nam mô Tịnh Hạnh Bồ Tát.

Nam mô An Lập Hạnh Bồ Tát.

NAM MÔ TÙNG ĐỊA DŨNG XUẤT LỤC VẠN HẰNG HÀ SA BỒ TÁT MA HA TÁT.(1 lạy)

NAM MÔ PHÁP HOA HỘI THƯỢNG NHỨT THIẾT THÁNH HIỀN BỒ TÁT.(1 lạy)

Nam mô A Nan Tôn giả cập nhứt vạn nhị thiên Tỳ kheo đại Thánh Tăng.

Nam mô Phật Di Mẫu dữ lục thiên Tỳ kheo Ni chúng.

NAM MÔ PHÁP HOA KINH HOẰNG THÔNG LIỆT VỊ TỔ SƯ.(1 lạy)

Nam mô Đại Phạm Thiên Vương.

Nam mô Đế Thích Thiên Vương.

Nam mô Tỳ Sa Môn Thiên Vương.

Nam mô Trì Quốc Thiên Vương.

NAM MÔ PHÁP HOA KINH THỦ HỘ NHỨT THIẾT THIỆN THẦN.(1 lạy)

y-nghia-cua-kinh-phap-hoa-va-cach-tung-kinh-phap-hoa-2021-chuan-nhat-3

SÁM HỐI

Chí tâm sám hối :

Con xưa đã tạo bao ác nghiệp,

Đều bởi vô thỉ tham, sân, si,

Từ thân miệng ý mà sanh ra,

Tất cả con nay xin sám hối.(3 lần)

NAM MÔ CẦU SÁM HỐI BỒ TÁT MA HA TÁT (3 lần)

PHÁT NGUYỆN

Trước Phật đài con xin phát nguyện,

Cõi Ta bà thị hiện độ sanh,

Thọ trì, đọc tụng chơn kinh,

Quyết lòng tế độ chúng sanh muôn đời.

NAM MÔ PHÁP HOA HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT (3 lần)

KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA PHẨM TỰA thứ nhất

Tôi nghe như vầy, một thưở nọ Đức Phật ở núi Kỳ Xà Quật, nơi thành Vương Xá cùng chúng Tỳ kheo một muôn hai ngàn gồm cả La hán và bậc Tam hiền còn đang tu học. Tám vạn Bồ tát chuyển được Pháp luân Bất thối, tâm từ trải khắp trong các cõi nước, được Phật khen ngợi vì họ đã từng cứu độ vô số chúng sanh thoát khỏi khổ não. Lại có chư Thiên hơn bảy mươi ngàn, từ trời Tứ Thiên cho đến Hữu Đảnh cũng đều có mặt. Tám vị Long vương, bốn Càn thát bà, bốn A tu la, bốn Khẩn na la, bốn Ca lầu la cùng nhiều quyến thuộc tham dự pháp hội. Vua A Xà Thế cùng với quần thần, những người hộ đạo quý trọng Chánh pháp, thành kính đảnh lễ cúng dường Như Lai. Đức Phật cũng vì các người phát tâm Đại thừa mà nói kinh Vô Lượng Nghĩa dạy cho Bồ tát những pháp bí yếu của các Như Lai. Nói kinh này xong, Đức Phật liền nhập Vô lượng Nghĩa xứ Tam muội, thân tâm bất động.

Khi đó trời mưa hoa Mạn Đà La, Ma Ha Mạn Đà La, Mạn Thù Sa, Ma Ha Mạn Thù Sa cúng dường Đức Phật và cả chúng hội, đất đều rung động.

Bấy giờ từ tướng Bạch hào của Đức Thế Tôn phóng ra ánh sáng chiếu khắp phương Đông một muôn tám ngàn cõi nước. Tất cả chúng hội được thấy lục đạo tứ sanh từ ngục A Tỳ cho đến cõi Trời Hữu Đảnh, sanh tử luân hồi, khổ não vô lượng. Lại thấy có Phật ra đời, thuyết pháp giáo hóa độ chúng Nhị thừa và hàng nhơn, Thiên. Cũng thấy các vị Bồ tát tùy thuận chúng sanh hiện các loại hình cứu khổ ban vui, thành tựu Lục độ vạn hạnh, trụ Bậc bất thối. Lại thấy sau Phật Niết bàn phân chia xá lợi, xây dựng tháp báu để Trời, người thờ. Bấy giờ Di Lặc và hàng tứ chúng đều rất ngạc nhiên trước việc lạ lùng từ xưa chưa thấy, cho nên mới hỏi Pháp vương tử Văn Thù Sư Lợi vì duyên cớ gì mà có điềm này? Văn Thù Sư Lợi bảo đại chúng rằng : Vô số kiếp trước có Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh Như Lai, mọi người cung kính vì Ngài biết rõ thực tướng các pháp, giải được mọi việc xảy ra trong đời và vượt khó khăn, làm Thầy Trời người, là Bậc Tôn quý, đã vì Thanh văn nói pháp Tứ đế, vì hàng trí thức nói pháp Nhân duyên, vì hàng Bồ tát nói pháp Lục độ làm cho chứng được Nhứt thiết Chủng trí. Kế đó đến hai muôn Phật đồng hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh tiếp tục ra đời.

Đức Phật sau cùng lúc chưa xuất gia, có tám vương tử lãnh trị bốn phương đều được thái bình. Nhưng khi nghe vua thành Phật, họ liền bỏ ngôi theo Phật nghe pháp.

Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh cũng nói Vô Lượng Nghĩa rồi nhập Vô Lượng Nghĩa xứ Tam muội như Đức Thích Tôn. Sau khi xả định, Ngài nói Pháp Hoa khai thị Nhứt thừa trải sáu mươi kiếp, những người nghe pháp không thấy mệt mỏi như khoảng bữa ăn. Nói kinh này xong, Ngài thọ Phật ký cho Ngài Đức Tạng rồi nhập Niết bàn.

Diệu Quang pháp sư trì kinh Pháp Hoa, trải tám mươi kiếp, giáo hóa đại chúng trụ Bậc bất thối. Tám vương tử kia đầy đủ đạo hạnh của chư Bồ tát nên đều thành Phật, người thành sau cùng hiệu là Nhiên Đăng, Thầy của Trời, người và cũng là người thọ ký cho Đức Thích Ca.

Trong tám trăm người học rộng tài cao có một Bồ tát ưa xây chùa tháp, thường đến nhà giàu nên bị đại chúng gọi là Cầu Danh. Dù bị xem thường, Ngài vẫn tiếp tục vun trồng cội lành ở các Đức Phật; nay đủ từ tâm, thường ở Chánh định nên được Thích Tôn thọ ký kế đây thành Phật hiệu là Di Lặc, còn Diệu Quang Pháp sư chính là thân Ta ở thời quá khứ. Ta thấy điềm này cùng với trước kia đồng nhau không khác, cho nên nghĩ rằng Đức Phật sẽ nói kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa, dạy cho Bồ Tát những điều bí yếu của các Như Lai.

NAM MÔ PHÁP HOA HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT (3 lần)

KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA PHẨM PHÁP SƯ thứ mười

Bấy giờ Phật bảo Dược Vương Bồ tát, tất cả đại chúng, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, Thiên long, Bát bộ, người cầu Thanh văn, người cầu Bồ tát hay cầu Phật đạo mà ở trước Phật nghe kinh Pháp Hoa một câu, một kệ, một niệm tùy hỷ, ta đều thọ ký Vô thượng Bồ Đề.

Sau khi Như Lai diệt độ, nếu có người nào thọ trì, đọc tụng, giảng nói, biên chép Diệu Pháp Liên Hoa, phải biết người này đã thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác vì thương nhân gian mà sanh lại đời. Nếu ai chê họ, tội còn nặng hơn hủy báng Tam Bảo, còn ai khen ngợi thì được công đức vô lượng vô biên vì kinh này là bí yếu của Phật.

Sau Phật diệt độ, nếu ai thọ trì thì được chư Phật hộ niệm, có đức tin lớn, chí niệm bền vững và được gần Phật, được Phật thọ ký. Nếu ở chỗ nào có kinh Pháp Hoa nên dựng tháp báu để mà cúng dường không cần xá lợi, vì trong tháp ấy có kinh Pháp Hoa là toàn thân Phật. Nếu Bồ tát mà chưa thọ trì được Diệu Pháp Liên Hoa phải biết họ còn cách xa Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ví như đào giếng ở trên cao nguyên mà thấy đất khô thì biết cách nước còn xa. Nếu tiếp tục đào cho đến đất ướt, đất bùn thì biết sắp được đến nước.

Tu đạo Bồ tát cũng lại như thế, nếu nghe được kinh Diệu Pháp Liên Hoa thì biết họ đã gần đến Vô thượng Chánh giác. Nếu chư Bồ tát mà nghe kinh này còn chưa hiểu được là mới phát tâm, Thanh Văn nghe kinh mà sanh sợ sệt là tăng thượng mạn.

Sau khi Như Lai diệt độ, nếu có người nào muốn giảng kinh này phải vào nhà Phật, mặc áo Như Lai và lên pháp tòa rồi mới vì chúng mà nói Pháp Hoa. Tòa của Như Lai là Trí Bát nhã; Áo của Như Lai là Hạnh Nhu hòa; Nhà của Như Lai là Tâm Từ bi; quyết lòng độ chúng, không vì việc khác. Nếu làm như thế, Ta bảo Trời người cùng với phi nhơn ra mắt Pháp sư, nghe pháp cúng dường. Nếu người đến hại, Ta khiến Kim Cang, Bát bộ, Thiện thần che chở Pháp sư. Nếu trụ Chánh định thì thấy thân Ta, nghe Ta thuyết pháp, tăng trưởng Phật huệ. Ai gần người này, tâm cũng được an và thấy hằng sa vô số chư Phật, mau đến Vô thượng Bồ Đề.

NAM MÔ PHÁP HOA HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT (3 lần)

KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA PHẨM TÙNG ĐỊA DŨNG XUẤT thứ mười lăm

Bấy giờ Bồ tát từ các phương khác, chắp tay xin Phật cho phép các Ngài đọc tụng, biên chép, giảng nói Pháp Hoa sau Phật diệt độ ở cõi Ta bà, lợi ích chúng sanh. Đức Phật từ chối lời thỉnh cầu này vì ở Ta bà đã có vô lượng Bồ tát cùng cả quyến thuộc đều có khả năng để làm việc ấy sau khi Như Lai diệt độ.

Phật vừa dứt lời, ba ngàn thế giới rung động sáu cách, vô số Bồ tát bỗng nhiên xuất hiện. Các Bồ tát này thân màu hoàng kim, đủ các tướng tốt, đạo hạnh viên mãn, đến trước tháp báu đảnh lễ hai Đức Như Lai. Các Phật sự này trải năm mươi kiếp mà cả chúng hội tưởng như nửa ngày vì nhờ thần lực của hai Thế Tôn.

Bấy giờ Di Lặc và hơn tám ngàn hằng sa Bồ tát trong pháp hội này rất đỗi ngạc nhiên vì sự xuất hiện của nhiều Bồ tát đầy đủ đạo hạnh nên mới bạch Phật cầu xin quyết nghi. Đức Phật liền bảo: Các Bồ tát này là đệ tử Ta, do Ta giáo hóa sau khi thành đạo dưới cội Bồ Đề. Các Bồ tát này ưa hạnh viễn ly, không nương Trời người, thường ở Chánh định cho nên các ông không thể thấy biết đạo hạnh của họ. Di Lặc Bồ tát lại bạch Phật rằng: Sáu muôn hằng sa Đại sĩ vừa mới xuất hiện, họ là những người đã thành trồng căn lành ở vô lượng Phật mới được thần thông như thế, mà Đức Thế Tôn mới thành Vô thượng Bồ Đề hơn bốn mươi năm, làm sao giáo hóa được chúng như vậy.Con đã tin Phật không hề hư vọng, nhưng cúi xin Ngài vì sơ phát tâm và chúng đời sau giải nói việc này cho họ hết nghi, khỏi đọa ác đạo.

NAM MÔ PHÁP HOA HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT (3 lần)

KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA PHẨM NHƯ LAI THỌ LƯỢNG thứ mười sáu

Bấy giờ Phật bảo đại chúng Bồ tát : Các ông phải tin lời nói chân thật của Đức Như Lai, các ông phải tin lời nói chân thật của Đức Như Lai. Đến lần thứ ba, Bồ tát Di Lặc đại diện chúng hội mà bạch Phật rằng : Chúng con đã tin lời Phật, chúng con đã tin lời Phật. Bấy giờ Như Lai thấy chư Bồ tát đã ba lần thỉnh mới bảo đại chúng : Các ông lóng nghe bí mật thần thông của Đức Như Lai, tất cả thế gian đều cho Đức Phật xuất thân họ Thích, đến cội Bồ đề gần thành Già da mà thành Chánh giác, nhưng thiệt từ Ta thành Phật đến nay trải qua vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp, thường ở Ta bà, thị hiện sanh thân trong nhiều quốc độ thuyết pháp giáo hóa vô số chúng sanh, thọ mạng sai khác, tùy theo loại hình mà khai phương tiện chỉ bày chân thật thậm thâm vi diệu.

Nếu thấy chúng sanh ưa pháp Tiểu thừa, đức mỏng, tội nặng, không thể thấy xa, Ta phải thị hiện thân hình giống nó, bỏ tục xuất gia, thành đạo thuyết pháp, rồi nhập Niết bàn để nó nhận được mạng người ngắn ngủi, vạn vật vô thường, sanh tâm nhàm chán, thâm nhập Phật đạo, bởi Đức Như Lai thấy rõ thực tướng của mọi chúng sanh ở trong ba cõi không có sanh tử, nhưng vì vô minh vọng kiến ngăn che nên sanh các tánh ham muốn khác nhau, tạo tội sai biệt nên Đức Như Lai phải dùng các pháp đối trị như thế mới sanh căn lành. Nhưng thiệt từ Ta thành Phật đến nay, trải qua vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp nhờ kinh Pháp Hoa cảm thành thọ mạng, thâm nhập Pháp thân vĩnh hằng bất tử nhưng dùng phương tiện nói sẽ diệt độ. Vì nếu Như Lai ở lâu trên đời, thời người đức mỏng, không trồng cội lành, ham ưa ngũ dục, sanh tâm lười biếng vì họ nghĩ rằng Đức Phật toàn năng, luôn che chở họ, không cần khổ công tu Bồ tát pháp.

Ví như có một ông thầy thuốc giỏi chữa được nhiều bệnh, lại có nhiều con, khi có việc xa phải đi lâu ngày, các con ở nhà uống lầm thuốc độc làm mất bản tâm, xa thấy cha về quỳ lạy cầu xin thương xót cứu hộ. Nhìn thấy bệnh trạng, ông biết cách chữa, nhưng khi đưa thuốc thì không chịu uống. Ông bèn tự nghĩ, những đứa con này muốn được khỏi bệnh nhưng sợ thuốc đắng nên mới bảo chúng : Ta nay có việc lại phải đi xa, nếu con uống thuốc thì khỏi bệnh hoạn. Nói xong, ông liền bỏ đi, rồi lâu sau đó cho người về báo ông đã từ trần. Các con nghe tin rất đỗi kinh hoàng, bèn lấy thuốc cũ đem ra sử dụng liền được khoẻ mạnh. Bấy giờ, người cha hiện thân trở lại mà bảo các con: Cha thật thường còn, không bao giờ chết. Phật bảo đại chúng : Ta cũng như vậy, thường trụ Ta bà nhưng dùng phương tiện nói sẽ diệt độ để cho mọi người không còn ỷ lại có Ta mà không chịu tu, rồi đọa ác đạo.

NAM MÔ PHÁP HOA HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT (3 lần)

KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA PHẨM PHÂN BIỆT CÔNG ĐỨC thứ mười bảy

Bấy giờ Đức Phật lại bảo Di Lặc Bồ tát, khi Ngài diễn nói thọ mạng dài lâu của Đức Như Lai, thì có vô số Bồ tát không thể tính đếm chứng được Vô Sanh Pháp nhẫn hoặc Văn trì Đà la ni, Nhạo thuyết Biện tài, chuyển được Pháp luân Bất thối và phát đại tâm cầu Vô Thượng Đạo.

Đức Phật vừa mới dứt lời thì trời mưa hoa cùng bột chiên đàn và các thiên y, bảo ngọc như ý, trân châu ma ni để cúng dường Phật và hàng tứ chúng. Đức Phật lại bảo Di Lặc Bồ tát : Chúng sanh nào nghe thọ mạng dài lâu của Đức Như Lai mà sanh một niệm tín giải sẽ được công đức vô lượng vô biên nhiều hơn công đức của người bố thí, trì giới, nhẫn nhục trong tám mươi muôn na do tha kiếp. Nếu hiểu ý nghĩa Thọ lượng Như Lai thì có thể được phát sanh Phật huệ Nhứt Thiết Chủng Trí, lại có thể thấy Thích Ca Như Lai ở Kỳ Xà Quật thuyết pháp giáo hóa chúng đại Bồ Tát và thấy thế giới Thật Báo của Lô Xá Na. Nếu thấy như thế thì không cần xây chùa tháp cúng dường mà chính người ấy đã đến đạo tràng, trong thân của họ có sẵn Đức Phật. Ông bảo Trời, người phải nên cúng dường như cúng chư Phật.

NAM MÔ PHÁP HOA HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT (3 lần)

KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA PHẨM PHỔ MÔN thứ hai mươi lăm

Bấy giờ Ngài Vô Tận Ý quỳ gối chắp tay bạch với Phật rằng : Vì nhân duyên gì mà người thế gian gọi Bồ tát này là Quan Thế Âm, xin Đức Thế Tôn mở lòng chỉ giáo. Đức Phật liền bảo: Này Vô Tận Ý, nên nghe cho kỹ công đức Quan Âm, nếu có chúng sanh chịu nhiều đau khổ, muốn cầu ra khỏi thì niệm Quan Âm, nhờ sức bi tâm mà được giải thoát. Nếu gặp La sát, quỷ dữ hại người hoặc gặp nạn Trời, nước trôi lửa cháy, quan lại hành hình, trói buộc gông cùm cùng là giặc cướp, giữ tâm sáng suốt chánh niệm Quan Âm, nhờ sức bi tâm mà được khỏi nạn.

Nếu người sân hận cùng với si mê bị mọi người chê là kẻ tham dục, nhờ đức trong sạch Bồ tát Quan Âm mới vừa phát tâm liền được thanh tịnh, sống trong Thiền định, trí huệ lại sanh, thấu rõ ngọn ngành, không còn sân hận. Nếu muốn hậu vận còn được lâu dài, cầu sanh con trai để mà nối dõi, chí thành đảnh lễ Bồ tát Quán Âm, nhờ đại bi tâm mà sanh nam tử đức tài đầy đủ, đáng bậc anh hùng. Nếu phận má hồng muốn cầu con gái, chí thành lễ bái Bồ tát Quan Âm thì cũng được sanh hằng nga tiên nữ, sắc tài đầy đủ, đức hạnh vô song. Vì thế các ông phải nên cung kính Tịnh Thánh Quan Âm, dù chỉ nhứt tâm cũng được vô biên công đức, bằng người tích cực suốt cả cuộc đời quyết chí tôn thờ sáu mươi hai ức hằng sa Bồ tát để cầu phước lạc trên các cõi Trời.

Phật vừa dứt lời, Ngài Vô Tận Ý lại nghĩ thêm rằng : Bồ tát Từ Hàng vào trong thế gian bằng phương tiện nào mà tạo công đức cho người tích cực tu hạnh Quan Âm vượt mọi khó khăn mà lên bờ giác.

Đức Phật đã biết việc của Quan Âm, người ở thế gian không thể hiểu được, nên Ngài mới lược dạy Vô Tận Ý về những thần bí của Đức Quan Âm.

Nếu dùng ngữ ngôn làm sao nói được con người siêu việt xuất hiện trên đời, làm việc tùy thời, tùy tâm niệm chúng, thị hiện tương ứng để cứu hộ người, sử dụng thuyền từ ở trong biển khổ, hóa độ tùy duyên.

Nếu gặp chúng sanh là bậc đại nhân, Ngài hiện Phật thân thuyết pháp lợi sanh vượt hơn tất cả, từ bi hỷ xả độ chúng hằng sa.

Nếu người lánh xa những nơi ồn náo vào ẩn rừng sâu để cầu Phật trí, Ngài hành pháp thí khai thị cho người bằng trí tuyệt vời trên đời ít có, do đó được danh là Bích Chi Phật.

Nếu người chấp vật lại thích từ chương, đi khắp mười phương tìm thầy học đạo, không hết phiền não, nghiệp chướng lại tăng, Ngài hiện Thanh văn tu Tứ Thánh Đế làm họ kính nể theo học đạo Thiền, tâm tánh được yên mà lên bờ giác.

Nếu cầu phước lạc trên cõi Thiên đàng thì Ngài sẵn sàng làm Trời Đế Thích. Nếu sợ kẻ địch giết hại mạng người, Ngài làm tướng Trời, tay cầm bảo sử, diệt dữ trừ tà.

Nếu vào Ta bà, Ngài làm cư sĩ, thể hiện chân lý trên cõi thế gian. Có lúc làm Tăng hay làm Phạm Chí, túc trí đa mưu, giúp việc tối ưu được phong Tể tướng, mặc dầu sung sướng Bồ tát chẳng màng, rũ áo từ quan tìm đường giải thoát. Ở trường hợp khác, Ngài hiện tiểu vương giữ vững biên cương, nhân dân an lạc, nói đạo giải thoát, dạy chúng tu Thiền, đất nước bình yên thì Ngài thoái vị.

Biết bao xiết kể công đức của Ngài, đủ ba mươi hai thân hình biến hóa cứu độ tất cả người niệm danh Ngài từ xưa đến nay không bao giờ dứt. Ta nay thành thật khuyên bảo mọi người kính trọng tôn thờ Bồ tát Quan Âm ở trong nội tâm đừng nên xao lãng, khi có gặp nạn thì niệm danh Ngài, tất cả họa tai theo đây tan mất. Mười phương chư Phật cũng nói như thế.

Bấy giờ Ngài Vô Tận Ý lại nghĩ thêm rằng : Ta nên cúng dường Đức Quán Tự Tại chuỗi ngọc Như ý lợi ích Trời, người. Quan Âm mỉm cười mà không chịu nhận.Phật giải tường tận về pháp cúng dường, rồi bảo Từ Hàng thương xót chúng Tăng và Vô Tận Ý nhận ngọc pháp thí lợi ích cho đời.

Phật vừa dứt lời, mọi người hoan hỷ thành tựu pháp thí của Đức Quan Âm. Ngài dùng bi tâm phân hai chuỗi ngọc, một cúng cho Phật ở cõi phương xa, một dâng Thích Ca Ta bà Giáo chủ; như vậy đã đủ tịnh uế hai phần. Đại chúng ân cần đầu thành đảnh lễ. Cúng dường như thế công đức không lường.

Bấy giờ ở trong hội trường có Ngài Trì Địa tu hạnh bố thí và sửa cầu đường, được Phật ngợi khen công phu đệ nhất, nghe pháp chân thật, lòng rất vui mừng cùng với tám muôn bốn ngàn chúng sanh, đồng phát đại tâm cầu thành Phật đạo.

NAM MÔ PHÁP HOA HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT (3 lần)

y-nghia-cua-kinh-phap-hoa-va-cach-tung-kinh-phap-hoa-2021-chuan-nhat-4

KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA PHẨM PHỔ HIỀN BỒ TÁT KHUYẾN PHÁT thứ hai mươi tám

Bấy giờ, Phổ Hiền Bồ tát dùng sức thần thông tự tại, oai đức vô song cùng chúng Bồ tát, Bát bộ, Thiên long vượt qua các cõi, đến Kỳ Xà Quật,ra mắt Thích Tôn và bạch Phật rằng : Sau Phật diệt độ phải làm thế nào để có kinh này, xin Đức Như Lai từ bi chỉ giáo. Đức Phật liền bảo, nếu ở đời sau muốn có kinh này, tất cả quý Thầy phải đủ bốn pháp : Quyết lòng tu tập theo kinh Pháp Hoa, phải biết nhìn xa như các Đức Phật; thấy đúng sự thật của tam thế gian, quyết trồng căn lành ở tâm niệm chúng, bảo vệ sự sống cho mọi hàm linh và phải chuyên tinh tu tập Thiền quán. Tâm được bừng sáng, thì có Pháp Hoa, bốn biển là nhà, thân trùm Pháp giới. Nếu được như thế, tức Phật hiện tiền, tứ chúng bình yên mà lên bờ giác.

Phổ Hiền thấu đạt tôn ý Như Lai, nhìn khắp trong ngoài rồi mới phát nguyện : Nếu người tu thiện, trì tụng Pháp Hoa mà gặp chúng ma thường đến nhiễu hại, con giữ chúng lại dùng sức thần thông làm ma phát tâm hộ trì Diệu Pháp. Nếu người chất phác, có tánh ôn hòa, học kinh Pháp Hoa mà không hiểu nghĩa, nên ngồi suy nghĩ thường trú Pháp Thân, con sẽ ân cần hiện hình dạy bảo, làm cho thấu đáo tôn chỉ của kinh, quán sát chúng sanh như là quyến thuộc. Nếu kẻ hạ liệt muốn trì kinh này mà không có thầy tận tình chỉ giáo, đối trước Tam bảo phát nguyện trì kinh, nhờ Phật Quang Minh và Phổ Hiền lực, tu rất tích cực trong suốt ba tuần, được thấy Phổ Hiền ngồi trên bạch tượng, phước đức vô lượng, vô số hằng sa, chư Thiên tán hoa cùng trỗi kỹ nhạc, tâm hồn thanh thoát vượt khỏi thế gian đến cõi Thiên đàng ra mắt Di Lặc, được làm quyến thuộc Đâu Suất Đà Thiên. Khi đã hết duyên Ta bà uế độ, sanh vào tịnh thổ của Phật mười phương. Tất cả trí nhân cần nên suy nghĩ những gì đáng quý trên cõi thế gian, đến lúc mạng chung còn đem theo được, rồi nên tích cực đúng pháp tu hành, nhờ sức Phổ Hiền mà lên bờ giác.

Bấy giờ Đức Phật khen ngợi Phổ Hiền là Bậc đại Tiên hộ trì Diệu Pháp, làm cho an lạc khắp cả Trời người, giữ được kinh này thật là hy hữu. Như vậy đã đủ Mười hạnh Phổ Hiền, đại chúng tinh chuyên thành tâm tu học. Người nào làm được những việc như trên thì thấy Thích Tôn cùng hàng tứ chúng kinh hành tinh tấn ở Linh Thứu sơn cùng khắp mười phương không bao giờ dứt. Mặc dầu Phật diệt trên cõi thế gian, Bồ tát đăng tràng, thay Ngài giáo hóa, độ khắp tất cả dưới mọi dạng hình nhưng yếu nghĩa kinh thì không sai khác. Quyết tu giải thoát, độ khắp Trời người, không thích việc đời, cơm ăn chỗ nghỉ và cũng không bị tam độc làm phiền, tâm họ là Thiền, thân làm giống Phật, giảng pháp chân thật, khai thị Nhất thừa, được Phật xoa đầu và trao y bát. Ngoại đạo, kẻ ác muốn hại người này, tự chuốc họa tai, đời đời không dứt, người khen pháp thật, công đức không lường. Bồ tát Phổ Hiền cũng nên nhắc nhở đại chúng phải nhớ theo đó tu hành, nếu đủ lòng thành thì được thấy Phật, thế giới chân thật thường trú Pháp thân.Đại chúng ân cần thành tâm tín thọ, tất cả gồm có vô số hằng sa, trăm ngàn muôn ức những người trí thức đủ đạo Phổ Hiền, Hộ pháp, Long thiên đều được tam muội. Tất cả chúng hội đều rất vui mừng cùng với Phổ Hiền đầu thành đảnh lễ.

NAM MÔ PHÁP HOA HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT (3 lần)

SÁM PHÁP HOA

Một lòng niệm Phật Di Đà

Tây phương Cực Lạc nở hoa sen vàng

Công danh phú quý không màng

Liên Trì hải hội tìm đàng quy y

Từ rày quyết bỏ sân si

Tu theo Phật đạo còn gì vui hơn

Quyết lòng tìm đến Linh Sơn

Cầu xin chư Phật hiện thân độ đời

Niêm hoa vi tiếu tuyệt vời

Thần Quang đoạn tý rạng ngời Thiền tông

Huệ Năng thừa tự Mai Lâm

Giác Hoàng Điều Ngự lại tầm Phù Vân

Con nay hạnh ngộ Thiền nhân

Huệ Đăng- Thanh Kế hiện thân Phật Đà

Tùy duyên độ chúng Ta bà

Pháp Hoa Thiền giáo thật là chân tông

Tu hành cần phải dụng công

Lục căn thanh tịnh Lục thông hiển bày

Cầu xin Bồ tát các Ngài

Pháp Hoa kinh Phật tuyên bày muôn phương

Quan Âm, Thế Chí dẫn đường

Văn Thù khai thị, Dược Vương cứu đời

Nguyệt Quang, Di Lặc tuyệt vời

Phổ Hiền mười hạnh rạng ngời Tâm tông

Quyết lòng độ tận chúng sanh

Tam đồ bát nạn trở thành Lạc bang

Cầu xin Bồ tát Kim Cang

Tồi tà phụ chánh khai đàn Pháp Hoa

Cầu xin Đại tướng Dược Xoa

Đừng cho tà giáo ác ma đến gần

Cầu xin Thổ địa Sơn thần

Bà con quyến thuộc xa gần tin theo

Cầu xin Thích tử Tỳ kheo

Giữ tâm trong sạch tu theo Phật Đà

Cầu xin tất cả mọi nhà

Ăn chay niệm Phật lên tòa Như Lai

Cầu xin quá khứ vị lai

Ba đời chư Phật hiện ngay thân vàng

Con nay mắt thấy rõ ràng

Quyết lòng tu niệm chẳng màng lợi danh

Cầu cho những cuộc chiến tranh

Bỏ ngay tánh ác niệm danh Di Đà

Cầu cho những kẻ tâm tà

Chưa vào địa ngục nhận ra sai lầm

Cầu cho khắp chốn tòng lâm

Nơi nào cũng có Thánh Tăng trụ trì

Cầu cho địa ngục A Tỳ

Biến thành thất bảo Liên Trì Tây phương

Cầu cho Hộ pháp Thần dương

Đủ đầy năm phước cúng dường Tam Tôn

Cầu cho tất cả Thiền môn

Như Lai, Bồ tát nhiều hơn Tăng phàm

Cầu cho khắp chốn già lam

Tăng Ni, Phật tử chẳng tham sang giàu

Cầu cho đất nước đồng bào

An cư lạc nghiệp dạt dào tình thương

Cầu cho tất cả mười phương

Trở thành Cực Lạc thiên đường trần gian.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT (3 lần)

HỒI HƯỚNG

Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử và chúng sanh

Đều trọn thành Phật đạo.

PHỤC NGUYỆN

NAM MÔ PHÁP HOA HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT

Kính nguyện: Từ bi vô lượng, phước trí vô biên, hạnh giải châu viên, xa rời trần cấu. Không ưa tranh đấu, chẳng thích hơn thua, bỏ tánh nô đùa, chuyên tâm tu Thiền quán. Lấy huệ nhựt phá trừ hôn ám, mượn đại bi tẩy sạch tham sân, biến nhục thể thành Pháp thân, mượn Ta bà làm Tịnh độ. Ra tay cứu khổ, phương tiện độ đời, khắp cả mọi nơi, đồng về cõi Phật.

TAM QUY

Tự quy y Phật, xin nguyện chúng sanh, thể theo đạo cả, phát lòng vô thượng (1 lạy)

Tự quy y Pháp, xin nguyện chúng sanh , thấu rõ kinh tạng , trí huệ như biển. ( 1 lạy)

Tự quy y Tăng, xin nguyện chúng sanh, thống lý đại chúng, tất cả không ngại .(1 lạy)

Xem thêm: Ý nghĩa của Kinh Dược Sư và cách tụng Kinh Dược Sư chuẩn nhất

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận