4 lời "vàng" Phật dạy giúp mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu luôn hòa hợp

Mối quan hệ giữa mẹ chồng và con dâu không phải điều xa lạ nhưng vẫn thường gây ra những làn sóng tranh luận không có hồi kết. Mẹ chồng nàng dâu muốn hòa thuận, hãy ghi nhớ 4 điều theo lời Phật dạy dưới đây.

Loan Nguyễn
16:08 01/07/2021 Loan Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Chuyện nàng dâu mua thuốc độc định ám sát mẹ chồng

Chuyện kể về cặp vợ chồng mới cưới chung sống với mẹ chồng. Giữa mẹ chồng nàng dâu không hòa hợp, mối quan hệ ngày càng trở nên căng thẳng hơn, đến mức hai người xem nhau như kẻ thù.

Mẹ chồng thấy con dâu hỗn láo, con dâu thấy mẹ chồng ác độc. Cũng bởi mẹ chồng nàng dâu lục đục nên gia đình luôn khó chịu, nặng nề, người chồng không biết đứng về phía ai, bênh vợ thì mẹ buồn, bênh mẹ thì vợ khóc, không khí căn nhà vì thế lúc nào cũng mỏi mệt.

Cô con dâu bèn nghĩ cách loại mẹ chồng khó chịu này ra khỏi nhà. Một ngày nọ, cô tìm gặp vị lang y xin mua thuốc độc nhằm hại mẹ chồng. Nghe người con dâu nói thế tất nhiên là vị lang y từ chối bán.

Sau khi nàng dâu kể tường tận quá trình sống chung bị mẹ chồng ăn hiếp ra sao và khẳng định không thể tiếp tục chung sống được nữa, lang y mới đồng ý bán.  Ông cẩn thận căn dặn người con dâu: "Tôi bán cho cô nhưng nếu uống thuốc độc cực mạnh uống vào chết liền thì cô bị bắt tội ngay. Do đó tôi chỉ đưa cho cô một loại thuốc độc nhẹ, uống nhiều lần cho nó ngấm từ từ, và bà ấy sẽ không bị chết liền".

Đồng thời, ông chỉ cách, muốn bà uống, không nghi ngờ là cô ám hại bà thì cô phải cư xử thật lễ phép, ngoan ngoãn với bà, nhớ mỉm cười khi bưng cơm cho bà, khen bà nấu ăn ngon, và hỏi bà có cần cô phụ giúp gì không, luôn khiêm cung và dễ thương với bà.

Nhận thuốc thừ vị lang y, cô con dâu về nhà, bắt đầu thực hiện ý định đầu độc mẹ chồng. Nhưng sau vài ngày được con dâu đối xử cung kính lễ phép, mẹ chồng thay đổi suy nghĩ về cô: "Chắc mình nghĩ oan cho nó, nó đâu có hỗn láo như mình tưởng".   

Bà chuyển cách đối xử với con dâu, tính cách hiền hòa hơn. Bà dành lời khen con dâu nấu cơm ngon, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. Bà còn biết nói đùa và kể vài ba chuyện vui với cô. Và chính lúc này cô con dâu cảm thấy hối hận, cô không còn thấy bà độc ác nữa mà lại rất dễ thương. 

Mọi chuyện tốt đẹp cứ thế diễn ra suốt hơn 1 tháng. Hai mẹ con dần quý mến và thích tâm sự với nhau. Nàng dâu muốn ngừng việc bỏ thuốc và hối hận vì nghĩ bà đang chết dần chết mòn. 

loi-phat-day-ve-moi-quan-he-giua-me-chong-con-dau-1

Cô con dâu vội vàng tìm đến vị lang y và nói: "Mẹ chồng của tôi thật ra là người dễ thương. Tôi thật ngu ngốc khi cho bà uống thuốc độc. Ông có cách nào giúp tôi không? Ông có thuốc giải độc không?".

Nghe vị lang y nói rằng mình không có thuốc giải độc, cô con dâu lo lắng muốn đòi tự sát. Cô cảm thấy vô cùng tội lỗi: "Tôi đã bỏ thuốc độc ám hại một người quá tốt, tôi độc ác nên tôi phải tự sát để chuộc tội".

Sau một hồi ngồi yên lặng, vị lang y cười phá lên: "Không có thuốc giải độc bởi vì tôi chưa từng đưa cho cô thuốc độc. Gói thuốc mà tôi đưa cho cô lúc trước chỉ là một loại thuốc bổ tầm thường".

Lúc này nàng dâu mới hiểu ra ý đồ của vị lang y khi khéo dùng cách để cho cô và mẹ chồng không còn thù ghét nhau. Cảm động trước ý tốt của ông, cô cúi đầu cảm ơn và ra về với lòng nhẹ nhõm.

Ý nghĩa của câu chuyện trên, trong cuộc sống hằng ngày giữa mẹ chồng nàng dâu, chỉ cần con dâu thay đổi thái độ và có thể xoay chuyển tình thế. Chuyện nghe có vẻ đơn giản như vậy nhưng rất nhiều người trong số chúng ta cũng như cô gái trong chuyện, không chịu nhìn nhận bản thân và thay đổi mà chỉ đổ lỗi cho người khác.

Lời Phật dạy về mẹ chồng nàng dâu

Giáo lý nhà Phật có rất nhiều lời khuyên, lý lẽ có thể áp dụng vào cuộc sống, giúp con người hạnh phúc và bình an. Mối quan hệ giữa mẹ chồng và con dâu không phải điều xa lạ nhưng vẫn thường gây ra những làn sóng tranh luận không có hồi kết.

Trong kinh Tăng chi bộ, Đức Phật đã khuyên cô dâu mới về nhà chồng rằng:  “Cô dâu mới về nhà chồng có thể gặp những khó khăn, vì thế nàng dâu phải tuân thủ những nguyên tắc sống trong gia đình nhà chồng, phải kính trọng bố mẹ chồng, phục vụ bố mẹ chồng một cách chu đáo như là bố mẹ ruột của mình, phải tôn trọng và kính mến những người thân và bạn hữu bên nhà chồng, như vậy là cô dâu mới đã tạo nên một bầu không khí an vui và hòa hợp trong gia đình chồng...".

Tuy nhiên, trong thực tế, để thực hiện được đúng những lời Phật dạy trên đây không phải là chuyện dễ dàng. Bởi mỗi con người sinh ra và lớn lên trong môi trường xã hội và hoàn cảnh sống khác nhau, có nét cá tính riêng biệt, khó tránh khỏi nảy sinh mâu thuẫn.

Nếu không khéo léo trong ứng xử, bất đồng giữa mẹ chồng và con dâu là chuyện bình thường, khi cả hai người đàn bà đều muốn có được tình cảm đặc biệt của một người đàn ông. 

Từ việc coi nhau như thù địch rồi có ý nghĩ xấu về nhau, không ưa nhau, dẫn đến hành động, cử chỉ không hòa hợp. Dần dần, họ càng ghét nhau, định kiến xấu về nhau.

Mẹ chồng con dâu muốn hòa thuận, hãy ghi nhớ 4 điều theo lời Phật dạy dưới đây:

Chữ hiếu

Hiếu thuận với cha mẹ là đức tính hàng đầu của đạo đức con người. Con người làm việc thiện nhiều đến đâu cũng không bằng việc hiếu thảo với cha mẹ. Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, làm mọi điều tốt nhất cho con cái mà không cần báo đáp. Con cái lớn khôn, trưởng thành, liệu có thể đối xử tốt với cha mẹ hay không?

Người phụ nữ khi đã lấy chồng, bước chân vào một gia đình khác, thì cũng phải làm tròn chữ Hiếu với cha mẹ chồng. Nếu không nhờ công ơn sinh thành và nuôi dưỡng của cha mẹ chồng thì làm sao bạn có được một người đàn ông yêu thương mình.

loi-phat-day-ve-moi-quan-he-giua-me-chong-con-dau-2

Chữ tình  

Con người sống ở đời, cần nuôi dưỡng tình cảm yêu thương nhân loại, sống bao dung, vị tha. Chỉ khi bạn thấu hiểu, biết đặt mình vào vị trí của người khác thì mới cảm nhận được giá trị của cuộc sống.

Huống chi, một người là mẹ của chồng bạn, bạn không những cần yêu quý mà còn nên dành cho họ sự nể trọng. Trước khi mong ai đó trao tình cảm cho mình thì bạn phải thấu hiểu và sống trọn tình với người ta đã.  

Quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu không xuất phát từ một phía ai đối xử với ai mà muốn êm đẹp, thuận hòa đòi hỏi cả hai cùng phải thay đổi để chung sống. 

Chữ đạo 

Sống chung với mẹ chồng không dễ, sống chung với con dâu lại càng khó. Ai cũng nghĩ tới cái khổ của mình nhưng không nghĩ tới cái khổ của người khác, đó là không phải đạo. Ai cũng dùng lòng tham, lòng chiếm hữu của mình để giành giật một người đàn ông, ấy là sống sai đạo. Ai cũng làm những điều quá quắt, phạm khẩu nghiệp, phạm lỗi dối trá, bất hiếu, thất đức ấy là phạm đạo. 

Con dâu nên coi mẹ chồng là mẹ mà cha mẹ thì có quyền và trách nhiệm dạy dỗ, chỉ bảo cho con cái trong nhà. Mẹ chồng nên coi nàng dâu là con mà uốn nắn, hướng dẫn chân thành. Hai người cùng sống phải đạo thì đời êm ấm. 

Chữ đức 

Trong cuộc sống này, chúng ta không thể làm vừa lòng tất cả mọi người được. Vì mỗi người mỗi ý và có mỗi cá tính khác nhau, không ai giống ai cả. Mỗi người nên sống cho đúng tâm, đúng đức của mình mới là đáng quý. Người có tâm, có đức có thể cảm hóa người khác, sống đời thanh thản nhưng người vô tâm, vô đức thì chỉ gây thêm nhiều phiền muộn mà thôi.

Phận làm con dâu nếu muốn giữ tròn bổn phận với mẹ chồng, thì tốt hơn hết là nên cố giữ đừng cho sự xích mích xảy ra. Người con dâu nên lắng nghe lời Phật dạy mà tập tính hỷ xả, bao dung tha thứ và thông cảm, nhất là đối với những người lớn tuổi như ông bà, cha mẹ.

Xem thêm: Ngẫm nghĩ lời Phật dạy về việc nhẫn nhịn trong cuộc sống

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận