Giải mã bí ẩn câu "Án ma ni bát mê hồng" trong Phật giáo Tây Tạng
Câu nói "Án ma ni bát mê hồng" thường được khắc trên những tảng đá ở Tây Tạng là câu chân ngôn cổ xưa và quan trọng nhất của Phật giáo Tây Tạng.
"Án ma ni bát mê hồng" là gì?
Trong một số tiểu phẩm hài có vai diễn thầy pháp ra tay bắt ấn, miệng hô câu nói "Án ma ni bát mê hồng".
MC giải thích rằng: "Đây là câu thần chú dân gian Việt Nam thời xưa". Hay, một số người cho rằng câu nói "Án ma ni bát mê hồng" hoàn toàn không có nghĩa, chỉ là các thầy cúng dùng để làm phép, tăng thêm hiệu quả linh thiêng. Tuy nhiên, các quan niệm này hoàn toàn không chính xác.
"Án ma ni bát mê hồng" (Om Mani Padme Hum) là một câu chân ngôn cổ xưa và quan trọng nhất của Phật giáo Tây Tạng. Đây là câu Hán-Việt, có nguồn gốc từ tiếng Trung Hoa: 唵嘛呢叭咪吽(Án ma ni bá mễ (mị) hồng), nhưng câu này vẫn chưa phải là gốc, chỉ là câu phiên từ tiếng Phạn: ॐ मणिपद्मे हूँ (Auṃ maṇi padme hūṃ).
Giải nghĩa về mặt từ vựng của "Án ma ni bát mê hồng" hay Om Mani Padme Hum như sau:
- Án (Om): là âm tiết được tìm thấy trong các tôn giáo ở Ấn Độ (Phật giáo, Ấn Độ giáo, Kỳ Na giáo (Jainism) và Sikh giáo (Sikhism) - còn gọi là Tích Khắc giáo...), một âm thanh tượng trưng cho Thượng đế hay tên của Thượng đế (Brahman).
- Ma ni (Mani) có nghĩa là "ngọc".
- Bát mê (Padme) là "hoa sen".
- Hồng (Hum): tượng trưng cho Tinh thần Khai sáng (the spirit of enlightenment), tương ứng với khái niệm "bodhi" (बोधि, sự khôn ngoan) của Phật giáo; "Kenshō" (Kiến tính) hay "Satori" (悟り, giác ngộ) của Thiền tông. Nói cách khác, đó là một "mokṣa" (मोक्ष, sự giải thoát) trong đạo Hindu; một "kevala jñāna" hay "kevalin" (केवलिन्) trong Kỳ Na giáo, tức khả năng thấu thị mọi thứ; một "ushta" trong Hỏa giáo (Zoroastrianism).
Nguồn gốc của "Án ma ni bát mê hồng"
Thời cổ xưa, câu chân ngôn "Án ma ni bát mê hồng" hay Om Mani Padme Hum thường được khắc trên những tảng đá ở Tây Tạng, gọi là "đá Mani", tượng trưng cho một hình thức cầu nguyện của Phật giáo Tây Tạng.
Câu nói này cũng được viết trên giấy hay bánh xe cầu nguyện hình trụ (Tây Tạng: འཁོར་ལོ།) làm bằng kim loại, gỗ, đá, da thuộc...
Nếu viết trên bánh xe cầu nguyện thì theo truyền thống "Auṃ maṇi padme hūṃ” sẽ được viết bằng tiếng Newar (hay Newari) - một ngôn ngữ Tiền Tây Tạng (Sino-Tibetan language) của người Newar, còn gọi là tiếng Nepal Bhasa (नेवाः भाय्) ở bên ngoài của bánh xe.
Ngày nay, câu chân ngôn này có thể tìm thấy trên núi Dogee ở Kyzyl, thủ đô của Cộng hòa Tuva, Nga.
Ý nghĩa của "Án ma ni bát mê hồng"
"Án ma ni bát mê hồng" (Om Mani Padme Hum) được xem là Lục tự đại minh chân ngôn (Chân ngôn rực sáng sáu chữ), tượng trưng cho lòng từ bi vô lượng, muốn đạt được Niết Bàn, đoạn triệt luân hồi (saṃsāra), tức dập tắt đi cái tam độc gọi là "tham ái" (sa. tṛṣṇā), "sân" (sa. dveśa) và "si" (sa. moha, hoặc vô minh, sa. avidyā)...
Với các Phật tử nói chung và các nhà sư của đất nước Tây Tạng nói riêng, thần chú chứa đựng sức mạnh vô biên, giúp truyền năng lượng cũng như lòng từ bi của Đức Phật cho con người, Càng niệm thần chú Án ma ni bát mê hồng bao nhiêu, càng thêm sự thức tỉnh, sự kết nối giữa con người và lòng từ bi của Đức Phật.
Trong tiếng Việt câu chân ngôn "Án ma ni bát mê hồng" còn được viết là "Úm ma ni bát ni hồng".
Chú Om Mani Padme Hum cũng là thần chú uy lực nhất cầu Quán Thế Âm Bồ Tát. Việc niệm thần chú Om Mani Padme Hum mang lại cho người tụng niệm những lợi ích như: Cầu Quán Thế Âm Bồ Tát cứu giúp chúng sinh, đem lại bình an xóa tan mọi khốn khó, khổ đau; giúp bệnh tật tiêu tan, gia tăng hạnh phúc, xua đuổi tà ma; giúp gia tăng sức mạnh và tăng cường, phát triển cấp độ thiền định.
Người trì tụng câu chú Om Mani Padme Hum sau khi qua đời sẽ được vãng sinh về miền Tây phương Cực Lạc và dần dần đạt tới Phật quả.
Xem thêm: Tụng Chú Dược Sư tại nhà: Tiêu trừ bệnh tật, cầu bình an, tăng phúc đức
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận