Điều kiện để được vãng sinh về cõi Tây phương Cực Lạc theo quan điểm nhà Phật

Con đường tu để đến cõi Cực Lạc là có đủ tín, nguyện, hạnh. Tín là tin hoàn toàn nơi Phật trí, nguyện là phải phát nguyện vãng sinh, hạnh là công đức tu tập.

Loan Nguyễn
08:58 29/07/2021 Loan Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Cực Lạc là gì?

Cực Lạc còn được gọi là An Lạc quốc, là tên của Tây phương Tịnh độ, nơi Phật A Di Đà tiếp dẫn. Tịnh độ này được nhắc nhiều trong các bộ A Di Đà Kinh, Vô Lượng Thọ kinh, Quán vô lượng thọ kinh. 

Tịnh độ tông cho rằng nhờ lòng tin kiên cố nơi Phật A Di Đà và kiên trì niệm danh hiệu của ngài cùng giữ đúng các hạnh (chọn đại hạnh bỏ tạp hạnh) hành giả sẽ được tái sinh nơi cõi này và hưởng một đời sống an lạc cho tới khi nhập Niết Bàn.

Theo kinh sách, Cực Lạc tịnh độ nằm ở phương Tây cách nơi đây 10 vạn ức cõi Phật. Đây là một nơi đầy ánh sáng rực rỡ do A Di Đà phát ra. Thế giới này tràn ngập mùi hương thơm, đầy hoa trời (hoa Mạn-đà-la) nhạc trời và châu báu. Ở đó không có các đường ác mà chỉ có các bậc bồ tát, cùng chúng Thanh Văn, Duyên Giác. 

Chúng sinh nhờ nguyện lực được sinh về thế giới này từ trong hoa sen (liên hoa hóa sinh), mọi mong cầu sẽ được như ý, không còn già chết bệnh tật. 

Trong thế giới này, mọi chúng sinh đều cầu pháp và sẽ được nhập Niết Bàn. Nguồn hạnh phúc lớn nhất là được nghe A Di Đà giảng pháp, bên cạnh có hai vị Đại Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. 

Con đường tu để đến cõi Cực Lạc là có đủ tín, nguyện, hạnh. Tín là tin hoàn toàn nơi Phật trí, nguyện là phải phát nguyện vãng sinh, hạnh là công đức tu tập.

dieu-kien-de-duoc-vang-sinh-ve-coi-cuc-lac-theo-nha-phat-1

Điều kiện để được vãng sinh về cõi Cực Lạc

Trong Kinh A Di Đà nêu rõ: "Bất đắc dĩ thiểu, thiện căn phước đức nhân duyên, đắc sinh bỉ quốc". Nghĩa là: "Căn lành ít ỏi, phước đức sơ sài, nhân duyên thiếu thốn, sẽ không dễ gì sinh về Cực Lạc".

Đức Phật chỉ ra 3 yếu tố để được vãng sinh về Tây phương Cực Lạc đó là: Đầy đủ căn lành, đầy đủ phước báu và đầy đủ nhân duyên hỗ trợ. Những ai không có đủ ba yếu tố trên hoặc có ít thì không thể sinh về cõi ấy. 

Nếu thiếu các điều kiện trên, giả sử các vị Tổ của Tịnh độ hay các vị đạo sư có giúp ta đến Tây phương Cực Lạc thì nơi ấy cũng không thể dung nhận. Dù hành giả đã có căn lành, phước báu, nhân duyên nhưng ít thì cũng chưa đủ để có thể sinh về cõi ấy.

Do đó, chúng ta cần dành thời gian, công sức, tâm huyết, hành trì, làm các việc lành, gieo trồng nhiều phước báu và hỗ trợ những nhân duyên tích cực thì mới có cơ may sinh về thế giới Cực Lạc.

Đầy đủ thiện căn

Thiện căn được hiểu theo hai hình thức khác nhau. Thứ nhất là các hạt giống tích cực, thứ hai là các khuynh hướng phát huy từ cách gieo trồng hạt giống nhân cách. 

Thiện căn là không còn tham, sân, si, có thể hiểu chung là gốc rễ từ bi, đạo đức, hoặc các yếu tố căn bản để giúp hành giả thiết lập an vui và hạnh phúc trong cuộc đời. 

Khi tuệ giác, gốc rễ từ bi, đạo đức bám sâu vào não trạng và nhận thức thì dù có phong ba bão tố hay những cám dỗ của cuộc đời, con người vẫn có thể vượt qua.

Đức Phật nhìn thấy rõ mỗi con người thông qua hành vi đạo đức, thiết lập cây đạo đức ở tâm, ở ngôi nhà, xã hội đang sống và rộng lớn hơn là một quốc gia hay toàn thế giới. Gốc rễ đó được gieo trồng một cách có nghệ thuật thì con người có thể bước vào đời vững vàng.

Do đó, cần gieo trồng hạt giống thiện lành trong não trạng và tâm thức của con em từ thuở lọt lòng, bằng cách cho chúng quy y. Rất nhiều gia đình Phật tử hiểu sai ý nghĩa tự lực trong đạo Phật, từ đó hiểu sai ý nghĩa tự giác là tự ý thức. Điều này dẫn đến quan niệm không cần khuyến tấn con em, người thân hay gia đình theo đạo Phật, để họ tự tìm đường mà đi. Trong sự dò dẫm như thế không phải ai cũng may mắn tìm ra được con đường chân chính.

Căn lành của con người có thể gieo trồng bằng nhiều cách khác nhau, bằng tư duy, nhận thức, hành động cụ thể, lời nói hoặc các tác phẩm văn hóa nghệ thuật… Tùy theo chức nghiệp và sở trường ta có thể chọn lựa cách thức gieo trồng căn lành cho bản thân. 

Ta có thể gieo trồng giống lành bằng lời nói trực tiếp, khuyến tấn, chia sẻ kinh nghiệm tu tập hoặc bằng hành động dấn thân. Ta có thể tự làm và trở thành đúng đắn, như bài học ấn tượng cho người khác nương theo. Điều này được gọi là thân giáo, nghĩa là giáo dục bằng sự mô phạm của bản thân, giá trị và ảnh hưởng về đạo đức của nó là rất lớn.

dieu-kien-de-duoc-vang-sinh-ve-coi-cuc-lac-theo-nha-phat-2

Đầy đủ phước đức

Trong Kinh A Di Đà, Đức Phật nói: "Buổi sáng các cư dân Tịnh độ đi rải hoa cúng dường mười phương chư Phật".

Đức Phật khuyên người xuất gia không sử dụng hương liệu hay trang sức phẩm để làm đẹp, mà nên trang sức, làm đẹp bằng hương thơm đạo đức. "Hoa" nghĩa là hoa công đức, là những điều lành, việc thiện. Cúng dường chư Phật bằng hành động thực tiễn là công việc rải hoa cúng dường Thế Tôn. Giá trị của sự cúng dường ấy mang lại phước báu lớn.

Ở Ấn Độ, vào thời Phật không có đốt hương, thắp nhang. Chỉ khi đạo Phật du nhập vào Trung Hoa thì tập tục này mới xuất hiện. Người Việt Nam chịu ảnh hưởng của truyền thống văn hóa Trung Hoa nên thắp hương trở thành phong tục tập quán. Việc đốt nhang vừa tốn kém, còn gây ảnh hưởng đến việc sinh hoạt và tu tập của nhiều người. Việc làm này hoàn toàn không có công đức, phước báu.

Bài nguyện hương nói về năm loại hương mà Đức Phật khuyên chúng ta nên cúng dường ngài: giới hương, định hương, tuệ hương, giải thoát hương và giải thoát tri kiến hương. Giới hương là hương đạo đức, định hương là hương tu tập và thiền quán, tuệ hương là hương nhận thức sáng suốt. Riêng hai loại giải thoát hương và giải thoát tri kiến hương là kết quả của một quá trình tu tập nhờ hoàn tất Giới-Định-Tuệ nên hành giả có được sự giải thoát và ý thức rõ về cấp độ giải thoát của mình.

Dâng hoa công đức bằng cách làm những việc lành cụ thể, cho dù việc làm lành ấy nhỏ. Nếu người làm với lòng chí thành dâng cúng mười phương Phật thì phước báu vô cùng. Giá trị của phước báu tỷ lệ thuận với tâm và cách thức hành động. Hiểu được điều này theo tinh thần của Kinh A Di Đà, ta có thể tạo vô số phước đức ở hiện tại và tương lai với nhiều điều kiện thuận lợi.

Bên cạnh việc gieo trồng phước cần tạo thêm đức. "Phước" chỉ việc làm còn "đức" thuộc về tâm linh, thái độ, cách nhận thức và hành động. Khi làm phước với thái độ chân chính, Phật tử nên có lòng khiêm hạ và tấm lòng của người dấn thân phục vụ.

dieu-kien-de-duoc-vang-sinh-ve-coi-cuc-lac-theo-nha-phat-3

Đầy đủ nhân duyên tốt

Yếu tố nhân duyên được trình bày khá tích cực và cụ thể trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Theo lời Phật dạy, một đứa bé thốt lên tiếng “Mô Phật” cũng có hạt giống Phật tính và có thể trở thành một vị Phật trong tương lai. 

Hạt giống Phật tính không bị mất trong mỗi người. Nó có thể mất đi tác dụng trong một giai đoạn nào đó hay suốt quá trình sinh tử của con người. Khi vô minh chinh phục và chi phối nỗi khổ đau thì hạt giống Phật có thể bị ảnh hưởng, nhưng không vì thế mà mất hẳn. 

Hãy gieo trồng hạt giống Phật tính bằng cách nhiếp tâm niệm Phật, đi chùa, tạo công đức và dấn thân vào các công tác từ thiện. Nếu sau này không có cơ hội làm những việc đó thì các hạt giống này vẫn còn nguyên vẹn, dù không tiếp tục phát triển nhưng cũng không vì thế mà biến mất hẳn. Đến một lúc khi điều kiện và chất xúc tác có mặt thì Phật tính ấy lại tiếp tục diễn ra.

Nhân duyên là yếu tố quan trọng giúp phước báu thành tựu, đức lớn mạnh và căn lành tăng trưởng. Do đó, hành giả cần gieo trồng nhân duyên lành. Có người tuy nhà ở cạnh chùa, thế mà suốt cuộc đời chưa từng bước chân đến chùa và điều này hoàn toàn đúng với câu "Vô duyên đối diện bất tương phùng". Khi vô duyên thì dù là người hàng xóm vẫn chẳng thể gặp nhau.

dieu-kien-de-duoc-vang-sinh-ve-coi-cuc-lac-theo-nha-phat-4

Hiểu được tinh thần của bài kinh, mỗi chúng ta nên thiết lập giá trị tình người dù cho luật pháp xã hội đó có những ràng buộc nhất định hay tạo sự ích kỷ, ta nên vượt qua những khó khăn, trở ngại, nghịch duyên để tạo nhân duyên tích cực. Một số Phật tử tuy ở cách xa chùa vài mươi cây số mà hàng ngày họ vẫn đến chùa là thế.

Một số người nhìn thấy tượng Phật Dược Sư và hạnh nguyện của ngài gần gũi với nghề y nên cố gắng học theo hạnh nguyện đó. Nơi nào có tượng của ngài thì hành giả ấy muốn đến, đó là vì nhân duyên. Khi đã có nhân duyên thì những khoảng cách về địa dư, quốc gia hay bất kỳ một cản trở nào không còn là vấn đề quan trọng.

Trong Kinh A Di Đà, Đức Phật dạy phải có đủ phước báu, căn lành và nhân duyên lớn với pháp môn, cùng sự hành trì thì ta mới hội đủ điều kiện sinh về Tây phương Tịnh độ.

Yếu tố hỗ trợ vãng sinh về cõi Cực Lạc

Trong kinh A Di Đà có chỉ ra phương pháp tu tập với những yêu cầu căn bản để được vãng sinh về Tây phương Cực Lạc:

"Bất luận nam nữ, khởi lòng khát ngưỡng, thọ trì danh hiệu, thực tập quán niệm, nhất tâm bất loạn, trong vòng một ngày, cho đến bảy ngày, tâm ý người ấy, phải thực yên tĩnh, như vào thiền định, không còn tán loạn, điên đảo mộng tưởng, thấy Phật Di Đà, Thánh chúng hà sa, dang tay tiếp dẫn, giúp cho vãng sinh".

Nếu chỉ tu theo 3 yếu tố phía trên mà không có những việc làm khác thì hành giả cũng khó được vãng sinh. 

Đức Phật dạy thêm nhiều điều kiện, sự hỗ trợ và phương pháp tu tập tương thích để vãng sinh Tây phương được đảm bảo.

dieu-kien-de-duoc-vang-sinh-ve-coi-cuc-lac-theo-nha-phat-5

Thực tập tâm bình đẳng: Bản chất của bình đẳng là không phân biệt đối xử về giới tính, tuổi tác hay bất kỳ một ý thức hệ nào. Khi mọi ý niệm phân chia cần được xóa bỏ, thì hành giả đạt được trạng thái tĩnh lặng. Những hoạt dụng này làm cho tâm con người không chuyên nhứt với danh hiệu Phật A Di Đà và con đường hành trì tu tập sẽ bị trở ngại khá nhiều. Người học Phật nên hiểu ý nghĩa mở rộng của học thuyết bình đẳng trong nhiều lĩnh vực như chính trị, xã hội, luật pháp, đạo đức, tâm linh và tiềm năng tu chứng.

Thể hiện lòng khát ngưỡng: Các hành giả cần xem việc tu tập là nhu cầu tâm linh không thể thiếu như không khí để thở, nước để uống hay áo quần để mặc. Chính lòng khát ngưỡng này khiến con người có thể dấn thân lâu dài, bền bỉ, không thối chí hay nản lòng bỏ cuộc. Sự bền bỉ có thể mang lại kết quả như ý muốn.

Niệm trì danh hiệu: Việc thọ trì danh hiệu Phật mang ý nghĩa lớn. Nếu chỉ hiểu đơn thuần là sự thực tập thì chưa đủ. Hiểu theo nghĩa đen là "nắm lấy" danh hiệu của Đức Phật như bàn tay hành giả đang nắm lấy hoặc ôm một vật gì đó vào lòng. Sự nắm lấy còn bày tỏ thái độ rất thân mật, tôn kính, giữ gìn. Nếu làm với thái độ qua loa, chiếu lệ thì lòng khát ngưỡng sẽ mất đi và việc thọ trì sẽ không có kết quả.

Theo đạo Phật, công đức, việc làm lành, nhân duyên và phước báu giúp đỡ, hỗ trợ ta. Khi mỗi người được giúp bởi công đức, phước báu, nhân duyên, căn lành của chính mình thì Đức Phật cũng sẽ hỗ trợ ta là điều tất yếu. Muốn được như thế, hành giả phải thọ trì danh hiệu, nghĩa là nắm lấy pháp môn thông qua sự thiết lập chánh niệm và tỉnh thức. Nếu hành giả chỉ niệm qua loa hoặc bằng cách thức tính công với Phật thì chắc chắn việc niệm này sẽ không mang lại nội dung. Việc thọ trì danh hiệu có nội dung thì công đức mới có thể phát sinh.

Xem thêm: Điều ít người biết về Niết Bàn trong đạo Phật

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận