Điều ít người biết về Niết Bàn trong đạo Phật

Phật tử thường nghe nói đến cõi Niết Bàn trong đạo Phật nhưng không phải ai cũng hiểu được chính xác ý nghĩa của Niết Bàn. Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây để tránh những quan niệm sai lầm về Niết Bàn bạn nhé.

Loan Nguyễn
06:00 27/07/2021 Loan Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Ý nghĩa của Niết Bàn

Niết Bàn trong Phật giáo là một trạng thái tâm linh hoàn toàn thanh thản, yên tĩnh, sáng suốt, không vọng động, diệt ái dục, xoá bỏ vô minh, chấm dứt mọi khổ đau, phiền não.

Trong quá khứ, Đức Phật đã dùng những phương tiện để khai và thị cho chúng sinh vì cứu cánh của ngài là muốn cho chúng sinh ở mọi tầng lớp, mọi trình độ hiểu thấu đạo pháp và đều trọn thành Phật quả tức là đắc quả Niết Bàn, chúng sinh vẫn si mê làm điều tà dại. 

Khi sắp nhập diệt, Đức Phật đã vì chúng sinh mà nói rõ về Niết Bàn lần nữa. Niết Bàn của đạo Phật có nghĩa là sự trống vắng của phiền não. Khi ta không tham, sân si, hận, ghét... tức là ta không có não phiền, tự nó là niềm vui, tự nó là hằng sa nhịn nhục, là giác ngộ. 

y-nghia-cua-niet-ban-trong-dao-phat-de-bi-ngo-nhan-nham-tuong-1

Khi ta không đau bệnh đó là cảm giác của an lành của thanh tịnh, là Niết Bàn vậy. Đừng nghĩ rằng không đau bệnh là sự trống vắng khơi khơi hoặc trung tính mà nên coi đó là sự trống vắng của não phiền, là Niết Bàn.

Niết Bàn được thực hiện khi nào lửa phiền não đã diệt hết, nghiệp chướng đã tiêu trừ. Niết Bàn là rốt ráo, là cảnh giới giải thoát, không sanh, không diệt, bất biến.

Có mấy loại Niết Bàn? 

Niết Bàn chỉ có một, nhưng Đức Phật nói có bốn thứ để cho chúng sinh được hiểu rõ về Niết Bàn.

Bổn lại tự tánh Thanh tịnh Niết Bàn nghĩa là căn bản của các pháp vốn thanh tịnh, không sanh không diệt mà vắng lặng trong hư không.

Hữu dư y Niết Bàn nghĩa là đã ra khỏi phiền não chướng, dù còn ít khổ chưa đoạn hết, nhưng nghiệp chướng đã nhẹ nhàng.

Vô dư y Niết Bàn nghĩa là đã ra khỏi phiền não, dứt sanh tử, dư báo cũng diệt, các khổ não hằng dứt.

Vô trụ xứ Niết Bàn nghĩa là không còn sở tri chướng, lòng đại từ, trí bát nhã xuất hiện hoàn toàn không còn trụ sanh tử.

Đức Phật đã khẳng định khi nào ta còn vướng mắc tham ái và dục lạc là ta không thể chứng nghiệm được Niết Bàn. Niết Bàn là chân hạnh phúc vĩnh cửu chứ không là thứ hạnh phúc tạm mà ta thường cảm chứng trong cuộc sống hằng ngày. 

y-nghia-cua-niet-ban-trong-dao-phat-de-bi-ngo-nhan-nham-tuong-2

Niết Bàn ở ngay trong hiện tại

Giáo pháp Đức Phật là giúp người hành trì có được an lạc trong hiện tại. Những người không hiểu Phật pháp thường cho rằng tu theo đạo Phật là hướng đến một thế giới khác, đó là cõi Cực lạc hay Niết Bàn. Do nhận thức sai như thế nên không ít người cho đạo Phật là tiêu cực, bi quan, yếm thế.

Niết Bàn là có thật, là mục tiêu hướng đến của người tu Phật, nhưng đó không nhất thiết là một thế giới nào đó ở phương Đông hay phương Tây, không phải là một thế giới mà ở đó có những niềm vui phàm tục như người ta tưởng tượng. Và con người cũng không thể có được Niết Bàn khi mà ngay trong đời sống này không có được sự bình an, niềm an vui, hạnh phúc của sự rũ bỏ những phiền não khổ đau.

Phật pháp có thể giúp con người an lạc trong hiện tại để có được Niết Bàn ngay trong đời sống này. Khi đoạn tận những phiền não khổ đau (vô minh, tham ái, chấp thủ…) thì Niết Bàn có mặt ngay trong cõi đời này. Mà muốn đoạn tận phiền não khổ đau thì phải ứng dụng Phật pháp. Có thể nói một cách đơn giản, Phật pháp là phương pháp của Phật giúp chúng sinh chấm dứt khổ đau, có được an vui hạnh phúc. An vui và hạnh phúc này khác với an vui, hạnh phúc của thế gian, bởi vì nó không có mầm mống của đau khổ.

Đức Phật và các vị Bồ tát, Duyên giác, Bích-chi, La-hán đều không còn bất cứ phiền não khổ đau nào (đã giải thoát) dù các ngài sống trong cõi đời ô trược này. Các ngài luôn ở trong Niết Bàn, Cực lạc. Khi còn tại thế, các ngài an trú trong Hữu dư y Niết Bàn (Niết Bàn khi còn mang thân ngũ uẩn); sau khi thân hoại mạng chung, các ngài an trú trong Vô dư y Niết Bàn (Niết Bàn khi thân ngũ uẩn không còn). Tiểu bộ kinh, kinh Phật thuyết như vậy.

y-nghia-cua-niet-ban-trong-dao-phat-de-bi-ngo-nhan-nham-tuong-3

Đức Phật chỉ ra đặc tính của cảnh giới Niết Bàn đó là: “Sự tận diệt tham, tận diệt sân, tận diệt si (vô minh), đó gọi là Niết Bàn” (kinh Tạp A hàm), “Niết Bàn là sự đoạn tận tham ái đưa đến tái sinh”, “Niết Bàn là sự tịnh chỉ các hành” (Trường bộ kinh, kinh Đại bổn), “Niết Bàn là giải thoát tham, sân, si” (Trường bộ kinh, kinh Đại bát Niết Bàn)… Niết Bàn không phải là đối tượng của nhận thức hữu ngã, tham ái, chấp thủ. Niết Bàn vượt lên mọi tư duy, ngôn ngữ, khái niệm, bởi đó là trạng thái an lạc, hạnh phúc tuyệt đối, tối thượng khi tâm con người thanh tịnh, không còn các phiền não tham, sân, si.

Việc cho rằng thực hành Phật pháp để sau khi từ giã cõi đời này (chết) sẽ được về cõi Phật, cõi Niết Bàn, đó là một suy nghĩ sai lệch. Chúng ta sẽ chẳng có cõi Niết Bàn nào cả nếu như trong đời sống hiện tại chúng ta không có được bản chất an vui, tịnh lạc của Niết Bàn. Nếu như tâm chúng ta còn vô minh điên đảo, còn đầy rẫy những phiền não tham muốn, giận hờn, ghét ghen, đố kỵ, kiêu căng...

Nếu thực hành đúng theo Phật pháp thì chắc chắn chúng ta có được Niết Bàn ngay trong hiện tại, trên cuộc đời này, và sau khi bỏ xác thân này chúng ta vẫn an trú trong Niết Bàn. Không thể nào sau một đời sống đầy những phiền não khổ đau là một đời sống an vui hạnh phúc.

Sự giống và khác nhau giữa Niết Bàn và Cực Lạc

Vì Niết Bàn là một tâm thể vắng lặng an vui giải thoát. Cực lạc hay Tịnh độ cũng là một tâm thể an thoát thuần vui cùng cực. Cả hai đều vượt ngoài phạm trù đối đãi nhị nguyên, là một thực thể bất sanh bất diệt… Đến đó bặt dứt tất cả mọi danh ngôn sắc tướng, suy nghĩ không đến, luận bàn chẳng nhằm. Đó là điểm giống nhau trên căn bản lý tính.

Nếu đứng về mặt sự tướng mà nói, thì giữa Niết Bàn và Cực Lạc cảnh giới và ý nghĩa khác nhau rất xa. Vì Niết Bàn không phải là một cảnh giới có hình tướng cụ thể ngoại tại. 

Có người lầm tưởng cho rằng, Niết Bàn như là một cảnh giới thù thắng vi diệu ở một cõi xa xăm nào đó, sau khi chết con người thác sinh về cõi đó để thụ hưởng những điều phước lạc. Hiểu nghĩa Niết Bàn như thế, thì quả thật đó là một điều sai lầm rất lớn. 

y-nghia-cua-niet-ban-trong-dao-phat-de-bi-ngo-nhan-nham-tuong-4

Niết Bàn như trên đã nói, nó là một cảnh giới nội tại, do diệt trừ hết tập nhân vô minh phiền não mà đạt được. Giống như gạn lọc hết quặng nhơ thì nguyên chất vàng ròng hiện ra. Mây tan thì trăng sáng. Đây là một quả vị cứu cánh tịch diệt giải thoát hoàn toàn.

Cực Lạc là một cảnh giới ngoại tại có hình tướng chánh báo và y báo cụ thể. Điều này, Kinh A Di Đà đã diễn tả cho chúng ta thấy rất rõ. Đó là một cảnh giới được xây dựng tựu thành bằng bảy thứ báu rất trang nghiêm thù thắng vi diệu. Từ cảnh vật cho đến nhân dân ở cõi đó, tất cả đều cực kỳ thắng diệu. Một thế giới hoàn toàn thuần vui không khổ. Do đức Phật Thích Ca Mâu Ni tự giới thiệu mà chúng ta mới biết được cảnh giới này.

Thế giới Cực Lạc hiện nay do Đức Phật A Di Đà làm giáo chủ. Có thể nói, đây là một thế giới văn minh tột cùng qua hai lãnh vực vật chất và tinh thần. Đó là một xã hội cao cấp tuyệt vời với một nền giáo dục đạo đức thượng đẳng. Người dân ở cõi đó toàn là những bậc thượng thiện nhơn cao đức dễ thương. Phải nói chánh báo và y báo ở cõi Cực lạc so với ở cõi Ta bà nầy, thì khác nhau rất xa một trời một vực. Chính vì một thế giới trang nghiêm cực kỳ thắng diệu cao đẹp như thế, nên người ở cõi nầy mới phát tâm dõng mãnh niệm Phật A Di Đà để cầu sanh về cõi nước đó.

Niết Bàn và Cực Lạc, nếu xét về phương diện lý tính thì ý nghĩa thực chất của nó giống nhau. Còn xét về phần sự tướng thì rất là dị biệt. Nhưng nếu chúng ta khéo dung hợp trong sự tu hành, thì Niết Bàn hay Cực Lạc cũng từ tâm thể chúng ta mà ra. Tất cả không gì ngoài tâm ta cả. 

Kinh Phật nói: "Nhứt thiết duy tâm, vạn pháp duy thức" là thế. Khác nào như nước trăm sông đều chảy về biển cả. Biển và sông tuy khác, nhưng thể nước vẫn đồng. Cực Lạc hay Niết Bàn cũng từ tâm ta mà có. Nếu Phật tử đạt được nhứt tâm, thì muôn pháp đều dứt.

Xem thêm: Khắc ghi 20 lời vàng Phật dạy về đối nhân xử thế để cuộc đời an lạc

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận