Chuyện ít người biết về những Phật tử "cởi cà sa ra trận"
Chùa Cổ Lễ (Nam Định) không chỉ có kiến trúc độc đáo mà còn đi vào sử sách của Phật giáo với huyền thoại 27 nhà sư ở đây đã cởi áo cà sa, khoác chiến bào ra trận.
Ngôi chùa mang vẻ uy nghiêm trầm mặc
Chùa Cổ Lễ tọa lạc tại trung tâm thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Theo văn bia chùa Cổ Lễ ghi lại, chùa được xây dựng vào thế kỷ thứ XII thời Lý Thần Tôn, trên một nền đất vuông, rộng gần 10 mẫu bắc bộ, cảnh quan sơn thủy hữu tình, xung quanh có sông nhỏ và hồ bao quanh.
Ngôi chùa linh thiêng này ngoài thờ Phật, còn thờ Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không. Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không sinh đầu thế kỷ XII, hương quán tại làng Điền Xá, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Thuở thiếu thời, ngài chuyên làm nghề chài lưới của cha ông, năm 29 tuổi xuất gia đầu Phật. Ngài đã “Văn – Tư – Tu đốn Tức Minh Tâm kiến tính quán càn khôn”, và ngài còn là nhà Y sư nổi tiếng, đã cứu chữa cho vua Lý Thần Tôn khỏi bệnh nan y và được nhà vua phong làm “Lý Triều Quốc sư”.
Chùa Cổ Lễ còn được du khách gần xa biết tới là một trong những quần thể kiến trúc có bố cục tiêu biểu cho chùa miền Bắc từ tam quan, tháp, chùa chính, hội quán, nhà tổ, đền thờ. Sự bố trí khéo léo giữa các kiến trúc và khoảng sân vườn làm cho du khách có cảm giác chùa rộng lớn hơn diện tích thực.
Tại chùa Cổ Lễ, du khách sẽ thấy quả chuông cao 4,2m, nặng 9 tấn, miệng chuông có họa tiết hình cánh sen, thân có họa tiết hoa lá, sông nước. Theo người dân kể lại, vào năm 1936, trong lúc nấu đồng đúc chuông, một số người dân đã tháo trang sức bằng vàng, bạc đang đeo thả vào dòng kim loại nóng chảy.
Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa 12 tầng đặt trên lưng một con rùa lớn cũng là nét độc đáo của chùa Cổ Lễ. Con rùa nằm giữa một hồ nước hình vuông, bốn góc là bốn hòn giả sơn có đắp bốn con voi kích thước tương đương với voi thật. Tháp cao 32m, có tám mặt, các cạnh tháp đều đắp hình rồng, mái cong rất tinh xảo. Trong lòng tháp có 62 bậc theo đường xoáy trôn ốc dẫn lên bàn thờ Phật đặt trên đỉnh.
Từ trên đỉnh tháp nhìn xuống sẽ thấy những cánh đồng lúa như tấm lụa xanh dài vô tận. Thấp thoáng phía đằng xa, thành Nam nhỏ bé như bàn tay. Một chiếc cầu cong ba nhịp nối liền khu tháp với một tòa kiến trúc mái vòm cao là Phật giáo hội quán. Bên trái hội quán là dãy nhà thờ Trần Hưng Đạo, gần đó là đền thờ Bà Liễu Hạnh. Trong mùi hương trầm thoang thoảng, tiếng mõ đều đều, tiếng đọc kinh ngân nga văng vẳng. Do đó, nơi đây được coi là điểm đến lý thú không chỉ dành riêng cho những người mộ đạo.
Huyền thoại của những chiến sĩ Phật tử "cởi áo cà sa ra trận"
Chùa Cổ Lễ còn gắn liền với huyền thoại của những chiến sĩ Phật tử "cởi áo cà sa ra trận". Lời phát nguyện của 27 chiến sĩ nhà sư trong những ngày Toàn quốc kháng chiến như còn vang vọng đâu đây:
"Cởi áo cà sa, khoác chiến bào
Tuốt gươm, cầm súng dẹp binh đao
Ra đi quyết rửa thù đất nước
Vì nghĩa quên thân hiến máu đào".
Nhà nghiên cứu Phật học Nguyễn Thế Vinh - nguyên là đại đức Thích Trí Không, Ủy viên Hội Phật giáo cứu quốc Nam Định, Trưởng ban tổ chức lễ phát nguyện cởi áo cà sa ra trận - nhớ lại: "Cuối tháng 12/1946, sau khi Hồ Chủ tịch hiệu triệu "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" và Trung ương Đảng ra chỉ thị toàn quốc kháng chiến, hòa thượng Thích Thế Long, khi đó là trụ trì chùa Cổ Lễ cho gọi tôi và Thích Pháp Lữ lên thư phòng, hỏi: "Chúng ta là người xuất gia, phụng đạo nhưng đều mang dòng máu Tiên-Rồng. Quốc gia lâm nguy, Phật pháp bất ly thế gian pháp, các con có sáng kiến gì không?".
Do đã nhiều lần tháp tùng hòa thượng đi thuyết pháp cho Phật tử, vận động nhân dân ủng hộ và tham gia Việt Minh, nuôi giấu cán bộ, bảo vệ cơ sở cách mạng... nên tôi biết hòa thượng Thích Thế Long luôn đề cao chân lý "việc đạo không rời việc đời" để hòa mình vào phong trào quần chúng kháng Nhật, đuổi Tây, giành lại chính quyền. Tôi mạnh dạn đáp lời: Bạch sư phụ! Việc đời loạn, nghiệp tu hành cũng không thể yên ổn. Con nghĩ, trong giới Phật tử rất nhiều tăng ni có tâm huyết xả thân cứu nước. Mong sư phụ làm lễ "giải pháp y", thành lập đội nghĩa sĩ phật tử, cho phép các tăng ni tạm rời cửa thiền ra chiến trường đánh giặc".
Là một trong 27 tăng ni đầu tiên khởi nguyện xung kích vào đội quân nghĩa sĩ Phật tử, Đại tá Đinh Thế Hinh, nguyên nhà sư - pháp danh Thích Pháp Lữ - xúc động kể: Đúng 8h30 ngày 27/2/1947, chùa Cổ Lễ rợp bóng cờ hoa, biểu ngữ, hàng ngàn đồng bào các giới, tín đồ thập phương đã tề tựu.
Đại đức Thích Trí Không (tức Nguyễn Thế Vinh) thay mặt Ban tổ chức tuyên bố lễ phát nguyện. 27 nhà sư cởi áo cà sa, đội mũ gắn sao, khoác ba-lô trở thành 27 chiến sĩ Vệ quốc đoàn. Và ngay trận đánh đầu tiên của các chiến sĩ pháp danh tại trận địa chùa Non Nước (Ninh Bình), 12 người đã anh dũng hy sinh...
Đây chính là minh chứng về sự nhập thế của Phật giáo Việt Nam, cũng là sự hiện thân của giáo lý nhà Phật trong sáng hòa quyện chặt chẽ giữa đạo và đời, kế tục xứng đáng sự nghiệp phò vua giúp nước của các bậc thiền sư, pháp sư, phật tử từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần.
Nhiều nhà sư từng xung phong vào các lực lượng vũ trang, trực tiếp đánh giặc như Thượng tọa Thích Hạnh Nghiêm (chùa Cả, TP Nam Định), đại đức Thích Pháp Lữ, Thích Tâm Vượng, Thích Trí Không (chùa Cổ Lễ), sư thầy Thích Đàm Hiếu (chùa Minh Xá)... Họ đã bái biệt cửa Phật trở thành những thanh niên xung phong, bộ đội cụ Hồ, dân công hỏa tuyến... để "cùng cả nước, vì cả nước" chiến đấu anh dũng. Nhiều người đã được Đảng, Nhà nước trao tặng huân, huy chương các loại.
Đất nước hòa bình, có nhiều chiến sĩ pháp danh phục hồi giáo phẩm, tiếp tục con đường tu hành. Trong sự nghiệp phát triển đất nước hôm nay, cùng với các tăng ni, phật tử, các chiến sĩ pháp danh năm xưa luôn nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng giáo hội đoàn kết, trang nghiêm "hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh".
Xem thêm: Tìm về chùa Phật Vàng Bangkok chiêm ngưỡng bức tượng Phật bằng vàng có "1 - 0 - 2" trên thế giới
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận