Chủ tịch Lê Phước Vũ: "Tôi sẽ xuất gia, sống cuộc đời phạm hạnh của một người tu hành"
Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen cho biết sẽ xuất gia, sống cuộc đời phạm hạnh của một người tu hành sau khi rời Tập đoàn vào năm 2026.
Cơ duyên đến với Phật pháp sau nhiều biến cố
Ông Lê Phước Vũ sinh ngày 28 tháng 5 năm 1963 tại Quy Nhơn, Bình Định trong một gia đình lao động phổ thông bình thường.
Ông Vũ khởi nghiệp kinh doanh từ một cơ sở bán lẻ tôn vào năm 1994. Năm 2001, sau 7 năm tích lũy vốn và kinh nghiệm kinh doanh, ông sáng lập Công ty Cổ phần Hoa Sen với vốn điều lệ 30 tỷ đồng. Ông đã phát triển Hoa Sen thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất ngành thép. Hiện ông Vũ đang giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen.
Theo chia sẻ của ông Vũ, hồi nhỏ, ông thường xuyên lên chùa nhưng khi đó ông chưa có đức tin. Sau nhiều biến cố của cuộc sống, ông đã bước vào con đường Phật pháp.
Ông khởi tâm đi tìm bản chất thật của đời sống hiện tại, cũng như bản chất của những cảnh giới khác tương tác vào đời sống con người.
Trải qua thời gian dài tìm hiểu Phật pháp ông đã có một cái nhìn tỏa ngộ từ các trạng thái tâm thức và sự chuyển hóa tâm thức. Biến chuyển lớn nhất từ khi theo đạo Phật, của ông Vũ chính là sự thay đổi hoàn toàn về lối sống tâm linh, về nhận thức, suy nghĩ và cách hành động như thế nào cho phù hợp.
Để kiềm chế tâm mình, bớt dục vọng, bớt dần những ý niệm không tốt trong tâm, phần khác cũng là thanh lọc cơ thể, ông Vũ thường xuyên ăn chay. Theo ông Vũ, đây là cách để thể hiện lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh.
Áp dụng triết lý đạo Phật vào kinh doanh
Triết lý đạo Phật có ảnh hưởng lớn đến đường lối kinh doanh của Hoa Sen. Có hai tính cách đối lập trong con người ông Vũ, đó là sự khát khao mãnh liệt của một nhà kinh doanh và sự điềm tĩnh học tập từ đức Phật và các vị sư.
Phương châm kinh doanh của Chủ tịch Lê Phước Vũ là làm ăn chân chính, tạo công ăn việc làm chính đáng cho người lao động, mang lại những hạnh phúc căn bản nhất cho con người.
Trước sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều đối thủ có tiềm lực tài chính mạnh, ông luôn nhất quán với nguyên tắc kinh doanh trung thực của nhà Phật: phát triển Hoa Sen dựa trên 3 nền tảng giá trị cốt lõi: Trung thực - Cộng đồng - Phát triển.
Ông khẳng định nhân lực là yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Ở Hoa Sen, tính trung thực và tính cộng đồng là hai tiêu chí được đặt lên hàng đầu và trở thành nét văn hóa của công ty.
Khi được hỏi về sự khác biệt giữa một doanh nhân bình thường và một doanh nhân là phật tử, ông Vũ cho biết: “Phật tử là một doanh nhân. Phải hiểu rằng tất cả những của cải chúng ta tạo ra đều từ phước báu đã gieo trồng nhiều đời trước.
Phước báu này do nhân quả đời trước chúng ta biết bố thí, cúng dường, đời này chúng ta thành công, thuận lợi trong mọi việc làm ăn, ít gặp chướng ngại. Quan trọng nhất khi doanh nhân là phật tử và ngược lại là làm sao giữ được phương pháp hành trì Bát chánh đạo. Tin chắc nhân quả, nghiệp báo, luân hồi và thấy mình vì mọi người nhiều hơn để mọi người vì mình”.
Thực hiện nghi lễ Quy y Tam bảo
Ngày 9 tháng 7 năm 2020 (tức ngày 19 tháng 5 năm Canh Tý) tại Tổ đình Viên Minh, ông Lê Phước Vũ đã tới đảnh lễ Đức Đệ Tam Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Phổ Tuệ và thực hiện nghi lễ Quy y Tam bảo với sự chứng minh truyền thọ của Đức Hòa thượng Đệ Tam Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cùng sự có mặt của đông đảo Chư tôn đức Tăng.
Chia sẻ về chuyện ông Vũ quy y Tam bảo, một vị hòa thượng cho biết, chuyện Phật tử vừa tu tập vừa điều hành công việc xã hội là điều hết sức bình thường.
Ông Lê Phước Vũ quy y Tam bảo không có nghĩa là xuất gia tu hành, mà đó được xem như điểm khởi đầu của phật tử đi theo giáo lý đạo Phật. Nói nôm na, quy y Tam bảo là trở về nương tựa vào ba ngôi báu của đạo Phật (Phật, Pháp, Tăng), sống theo gương của Phật, y giáo pháp luyện rèn luyện tâm tính và vâng lời nhắc nhở chư tăng.
"Ông Vũ vẫn đang giữ trọng trách điều hành công ty, vẫn còn duyên ở đời nên phải lo. Hiện tại chưa xuất gia được thì ông có thể nhập thất trên núi, hoặc ở am cốc, nhưng vừa nhập thất vừa lo công việc cũng không vấn đề gì", vị hòa thượng nói và khẳng định, một người doanh nhân là phật tử, có tâm thiện thì lúc làm việc sẽ giúp đỡ được nhiều người. Họ biết ứng dụng giáo lý nhà Phật vào công việc, cuộc sống hàng ngày để cuộc sống, công việc trở nên tốt đẹp hơn.
Dù ở trên núi, mỗi tháng về một lần nhưng ông khẳng định vẫn phối hợp, điều hành công việc nhịp nhàng, tự tay tay ông quyết định các hợp đồng mua nguyên vật liệu.
Sẽ xuất gia sau năm 2026, sống đời phạm hạnh
Trong phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên của Tập đoàn Hoa Sen ngày 21/1/2021, ông Lê Phước Vũ tuyên bố sẽ rút khỏi công ty vào năm 2026, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập.
Ông trấn an nhà đầu tư rằng vẫn sâu sát, phối hợp nhịp nhàng với ban điều hành trong giai đoạn tới và lựa chọn người kế nhiệm.
Ông Vũ nhấn mạnh: "Chắc chắn sau đó tôi sẽ xuất gia, sống cuộc đời phạm hạnh (trong sạch, thanh tịnh) của một người tu hành. Tôi sẽ ra đi khi tròn trách nhiệm, chứ không phải ra đi để gom một mớ tiền".
Xuất gia là nghi lễ cạo tóc, đánh dấu Phật tử, xa rời gia đình và đời sống trần tục để ở nơi thanh tịnh, chuyên tâm tìm hiểu Phật pháp.
Được biết, đây là ước mong từ năm 30 tuổi của ông Vũ. Ông đã mua đất từ năm 1996 và xây chùa ở Thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) để chuẩn bị cho kế hoạch này.
Ông Vũ cho biết, từ lâu đã không còn mưu cầu vật chất, bởi người xuất gia sau này cũng không được sở hữu tài sản. Giá trị sống của ông là tâm linh, tinh thần, còn vật chất chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích.
Ông khẳng định đến một thời điểm thích hợp sẽ bán toàn bộ cổ phần đang sở hữu cho những nhà đầu tư có cam kết phát triển Hoa Sen.
Xem thêm: Hai nữ đại gia Việt bỏ tài sản trăm tỷ để quy y cửa Phật
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận