Người xưa: Để lại con cháu nguyên sọt vàng, không bằng dạy chúng "2 điều" để hưởng lợi cả đời

Các câu chuyện dạy con của cổ nhân đã lưu lại cho đời rất nhiều bài học ý nghĩa sâu sắc. Việc cha mẹ lao lực cả đời để truyền lại cho con những "núi vàng, núi bạc" có thể lại là cách nhanh nhất để hại con.

Loan Nguyễn
15:28 21/11/2021 Loan Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Cổ nhân có câu: "Dưỡng bất giáo, phụ chi quá", nghĩa là, nuôi con cái mà không dạy thì là lỗi của bậc sinh thành. Vì thế, giáo dục trong các gia đình thời xưa đều lấy việc dạy luân lý đạo đức làm cốt lõi cao nhất.

Vốn coi trọng việc dạy dỗ, giáo dục con cái, người xưa thường răn dạy con cái phải tu thân, giữ đức mới có thể "tề gia, trị quốc, bình thiên hạ".

Các câu chuyện dạy con của cổ nhân đã lưu lại cho đời rất nhiều bài học ý nghĩa sâu sắc. Trên thực tế, việc cha mẹ lao lực cả đời để truyền lại cho con những "núi vàng, núi bạc" có thể lại là cách nhanh nhất để hại con.

Cổ ngữ có câu: "Để lại cho con cháu nguyên sọt vàng, không bằng dạy chúng siêng năng học tập một quyển kinh thư".

Cha mẹ đều luôn muốn dành cho con cái những điều tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, tài sản tốt đẹp nhất mà các đấng sinh thành có thể để lại cho con vốn không phải là tiền bạc mà lại là tinh thần giáo dục và đạo đức làm người.

cach-day-con-cua-nguoi-xua-day-2-dieu-huong-loi-ca-doi-1

Cách dạy con của hai vị quan nổi tiếng thời Hán, Thanh

Tài liệu ghi chép lại, sau khi làm nên đại nghiệp, sáng lập cơ nghiệp cho Hán triều, Hán Cao Tổ Lưu Bang từng ban thưởng chức tước và của cải cho hơn trăm vị công thần vào sinh ra tử vì mình.

Bên cạnh quyền lực và tiền bạc, ông còn ban thưởng cho những vị quan công lao cái thế ấy rất nhiều ruộng đất phì nhiêu để sau này truyền lại cho con cháu trong dòng tộc.

Thời bấy giờ, Tiêu Hà cũng là một trong những vị đại thần lập được công đầu. Lưu Bang vô cùng trọng vọng ông nên ban cho gia tộc họ Tiêu ruộng đất tốt tươi nhiều không kể xiết.

Tiêu Hà một mực từ chối những mẫu ruộng phì nhiêu ấy, còn một mực xin Hoàng đế ban cho mình những mảnh ruộng cằn cỗi.

Khi Hoàng đế hỏi lý do lựa chọn như vậy, Tiêu Hà trả lời rằng, ruộng có cằn cỗi mới có thể đốc thúc con cháu siêng năng trồng trọt và học cách tiết kiệm.

Ngược lại ruộng đồng càng phì nhiêu màu mỡ, người đời sau cứ thấy vậy mà ham ăn lười làm, gia tộc chẳng mấy chốc sẽ từ từ lụn bại.

Tiêu Hà đã tiên đoán không sai, hơn 1 thế kỷ sau, những gia tộc được Hoàng đế ban cho ruộng tốt năm nào phần lớn đều sa sút, chỉ riêng gia tộc họ Tiêu vẫn vô cùng hưng vượng.

Tăng Quốc Phiên - vị chính trị gia nổi tiếng nhà Thanh - cũng từng nói: "Con cái không trải qua khổ ải thì khó có thể thành tài, như vậy chỉ khiến ta thêm vất vả, lao lực chứ không thể đem lại cho ta những điều kiện ưu tú nào khác".

Trong gia huấn của dòng tộc họ Tăng, chữ "cùng" (nghèo) được coi là "cái đạo của người lương thiện".

Một lần viết thư cho người con trai lớn, Tăng Quốc Phiên từng căn dặn: "Phàm là con cái của những gia đình thế gia, cơm ăn áo mặc càng phải giống với những thư sinh nghèo thì mới mong thành được bậc đại sĩ".

Ông thấy rằng, hậu duệ của những gia đình khá giả thường quen với cuộc sống không phải lo cơm ăn áo mặc. Để tránh cho họ mắc phải cái bệnh "ăn quá no, mặc quá ấm", phải khiến cho những tiểu thư, công tử ấy học được sự cần kiệm, chăm chỉ như những học trò nghèo, vậy thì tương lai mới mong có thể làm nên đại sự.

Tăng Quốc Phiên cũng từng chỉ dạy: "Ngoài việc đi học, con cháu trong nhà nên được dạy cách lau dọn phòng ốc, lau bàn ghế, dọn phân, nhổ cỏ… đều là điều tốt, chứ không được quen thói kênh kiệu mà việc gì cũng không làm".

Đúng vậy, hãy để thế hệ sau của chúng ta tự thân trải nghiệm đắng cay ngọt bùi của cuộc đời, để họ hiểu được cuộc sống này vốn không dễ dàng.

Cha mẹ ngày nay đều muốn dành cho con cái điều kiện sinh hoạt, học tập tốt nhất. Ít ai biết rằng, nuông chiều bằng vật chất đối với con trẻ lại là cách nhanh nhất để "hại" các em.

Điều kiện vật chất càng sung túc, con cái càng ít học được cách quý trọng, lâu dần sẽ hình thành tính cách hoang phí, ham ăn lười làm. Đó chẳng khác nào là hại người, hại mình.

Cách giáo dục con cái đúng đắn nhất chính là làm cho các em hiểu được sự gian khổ và nếm trải nhiều khó khăn, từ đó rèn luyện cho thế hệ sau của chúng ta trở nên nỗ lực và chăm chỉ.

Những điều này mới là quà tặng thâm thúy mà các đấng sinh thành nên để lại cho con cháu, chứ không phải là những "núi vàng, núi bạc" phù hoa nào khác.

cach-day-con-cua-nguoi-xua-day-2-dieu-huong-loi-ca-doi-2

"Tích đức" bắt đầu từ đọc sách được coi trọng

Cách dạy con của cổ nhân không chỉ dừng lại ở việc cho con học cách "chịu khổ", mà còn rèn luyện cho thế hệ sau tinh thần đọc sách bền bỉ, siêng năng.

Xưa nay, hầu như không có một nhân vật lớn nào sở hữu sự nghiệp thành công và học vấn cao thâm mà lại không có thói quen đọc sách.

Tô Thức năm xưa khi bị cách chức đến đảo Hải Nam, dù không mang sách theo người, nhưng ông và con trai đã dành một khoảng thời gian dài để chép sách trong căn nhà lá đơn sơ nơi hoang đảo.

Vương Dương Minh cũng từng bị cách chức và đi đày. Nhưng ngay cả khi phải oằn mình tìm cách sống sót ở nơi đất đọc, nhà trí thức họ Dương ấy vẫn không quên nghiền ngẫm "Kinh dịch".

Tăng Quốc Phiên dành nửa đời chinh chiến, trong lúc hành quân dù bận tới đâu, ông vẫn dành không ít thời gian viết thư, đọc sách ngay cả khi ngồi trên lưng ngựa.

Có người từng cho rằng, đọc sách chính là một cách hưởng thụ, là một loại vui vẻ, thậm chí còn được coi là một phương thức để sinh tồn.

Đọc sách giúp ta có cơ hội được nhìn thấy những thứ trước nay chưa từng nhìn, được thấu hiểu những kiến thức trước kia vẫn còn xa lạ, hơn nữa còn có cơ hội được lắng nghe những cảm ngộ về cuộc đời của tác giả.

Sách có thể giúp nhiều thế hệ được mở rộng tầm mắt, cũng có thể trở thành động lực tinh thần của nhân loại, làm trái tim và não bộ của ta trở nên khoáng đạt, làm nhãn quan rộng mở, từ đó biến hậu duệ của ta trở thành người có nội hàm phong phú.

Người xưa có câu: "Bụng có thi thư, khí tựa hoa", nghĩa là chỉ cần thường xuyên đọc sách, khí chất tự nhiên sẽ thay đổi.

Tăng Quốc Phiên quan niệm: "Khí chất của con người ta trong cuộc đời rất khó thay đổi. Nhưng đọc sách thì lại có thể làm biến đổi khí chất. Những bậc thức giả tinh thông thời xưa, đều tin rằng đọc sách có thể hoán đổi cốt cách".

Trong cuộc sống hiện đại, mọi thứ đều diễn ra với tiết tấu rất nhanh. Dù là bố mẹ hằng ngày đi làm hay con cái đều đặn lên lớp đều phải chịu những áp lực rất lớn từ công việc, học tập.

Một khi mở ra cuốn sách và đắm chìm trong đó, dù là bậc làm cha mẹ hay phận làm con, đều có thể rũ bỏ mọi ưu phiền, lánh xa mọi gánh nặng, tiến vào một cảnh giới nơi ta có thể hưởng thụ những thời khắc thư thái quý báu.

Chính vì thế, một vị thức giả họ Diêu vào thời nhà Thanh đã từng để lại lời truyền dạy cho hậu thế: "Phàm là những gia tộc đã có tuổi đời mấy trăm năm trên thế gian này đều làm những việc tích đức từ những điều giản đơn, mà việc đầu tiên trong số đó chính là đọc sách".

Xem thêm: Học cách cổ nhân dạy con: Phép tắc khiêm nhường, tu thân tích đức mới tạo ra đại nghiệp

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận