Vẻ đẹp thoát tục tựa chốn tiên cảnh bồng lai của các “sơn tự” giữa mây ngàn núi trời ở Việt Nam
Những đỉnh núi cao huyền bí luôn được lựa chọn làm nơi tọa lạc của những ngôi chùa cổ. Tại Việt Nam, có không ít ngôi chùa linh thiêng được xây dựng trên những ngọn núi cheo leo như chùa Bà Đen, Yên Tử...
Quần thể tâm linh Fansipan
Đây đều là những quần thể chùa trên núi linh thiêng, có ý nghĩa quan trọng với đời sống tâm linh của người Việt từ cả trăm năm nay. Nhiều năm trở lại đây, Phật tử, du khách thập phương thường tìm về đỉnh thiêng Fansipan - nơi có quần thể tâm linh với cụm 12 công trình trải dài từ độ cao 1600m lên tới khu vực đỉnh, mang dáng chùa Việt thế kỷ 15-16, được tạo dựng kỳ công giữa mây ngàn, núi biếc.
Hành trình ấy được bắt đầu từ Bảo An Thiền Tự toạ lạc ngay tại ga đi cáp treo Fansipan. Từ đây, Phật tử và du khách bắt đầu chuyến du hành bằng cáp treo để tới chốn thiền môn thanh tịnh nơi “cổng trời”. Cảm giác đầu tiên khi rời cáp treo để đặt chân tới quần thể tâm linh Fansipan là một sự thân quen, gần gũi, bởi các công trình đều mang bóng dáng của những tiền mẫu di tích chùa gỗ có niên đại sớm như chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội), chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Nội)…
Chiêm ngưỡng Đại tượng Phật A Di Đà cao sừng sững 21,5m ghép từ hàng ngàn vạn miếng đồng dầy chỉ 5mm trên một khung thép; thác nước 9 tầng khổng lồ với 150 bậc đá dốc đứng; tượng Phật bà Quan Âm bằng đồng cao 9 m hay Bảo tháp 11 tầng tại Kim Sơn Bảo Thắng tự, du khách mới thấy, quần thể tâm linh trên đỉnh Fansipan xứng đáng là những kiệt tác, không chỉ bởi kiến trúc, mà chính bởi sự kỳ công của những người đã kiến tạo nên các công trình.
Mỗi bậc đá trên đỉnh Fansipan là một điểm dừng chân, để du khách và Phật tử được tĩnh tâm chiêm nghiệm vẻ đẹp vi diệu của thiên nhiên, non sông gấm vóc Việt Nam, cảm thán trước sự kỳ công của con người và cũng cảm nhận sự thiêng liêng của đất trời, ở nơi Nóc nhà Đông Dương.
Quần thể di tích thắng cảnh Yên Tử – Quảng Ninh
Quần thể di tích danh thắng Yên Tử gắn liền với sự ra đời, hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm ở Việt Nam – dòng Phật giáo cổ do vua Trần Nhân Tông sáng lập từ thế kỷ 13; đồng thời cũng là một trong những điểm viếng các chùa ở Việt Nam nổi tiếng, thu hút rất nhiều du khách thập phương đến hành hương mỗi năm.
Núi Yên Tử là cả một cánh rừng với hàng trăm ngôi chùa, am, miếu lớn nhỏ thấp thoáng trong đám lá rừng cũng cổ kính và già nua không kém. Không gian tĩnh lặng nhuốm màu tâm linh và tràn ngập một không khí giác ngộ Phật giáo vẫn miệt mài truyền nguồn năng lượng tinh khôi của đất trời giao hòa vào từng hơi thở, từng bước chân du khách.
Yên Tử luôn là một trong những trung tâm Phật giáo của cả nước với nhiều kiến trúc cổ được xây dựng qua nhiều thời kỳ dưới các triều đại Trần, Lê, Nguyên. Phần lớn mọi người tìm đến đây để khấn Phật, cầu an yên, vãn cảnh chùa hoặc đi hành hương đầu năm. Kéo dài từ chân núi đến đỉnh cao, Yên Tử có rất nhiều am, tháp và chùa nổi tiếng ở Việt Nam như chùa Đồng, chùa Quỳnh Lâm, chùa Giải Oan, Vân Tiên, Bảo Sái, Thanh Long, Hoa Yên, Cầm Thực,…
Do được gọi là quần thể di tích, nên nơi đây được chia thành khá nhiều khu di tích riêng để tiện cho việc quản lý và tham quan, bao gồm: Khu di tích lịch sử nhà Trần (có thể kể đến Trù Phong Tự, đền An Sinh, am Ngọa Vân, chùa Quỳnh Lâm…), Khu di tích Tây Yên Tử (Chùa Am Vãi, Khu di tích – danh thắng Suối Mỡ, chùa Vĩnh Nghiêm, …), Khu di tích Đông Yên Tử, Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc – Thanh Mai (Khu di tích Côn Sơn, Khu di tích Kiếp Bạc và Chùa Thanh Mai), Khu di tích lịch sử Bạch Đằng (bãi cọc Yên Giang, miếu Vua Bà, đền Trần Hưng Đạo…).
Là dãy núi thấp thuộc cánh cung Đông Triều, một vùng địa chất với địa hình phức tạp, Yên Tử là điểm du lịch tâm linh với cảnh quan kì vĩ, đặc biệt nhất là đỉnh thiêng Yên Tử với kiến trúc cổ như hòa mình vào với thiên nhiên núi non vùng cực bắc tổ quốc.
Ở độ cao 1068m, cả đỉnh thiêng Yên Tử như 1 tòa sen lớn, mỗi phiến đá như 1 cánh sen nở. Người ta vượt 6000m từ chân núi đến đây không chỉ để cầu phúc, cầu an mà còn đến đây mỗi năm như một ý niệm tâm linh. Tìm về chốn bình yên để lòng thanh thản.
Chùa Bà Đen - Tây Ninh
Núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất khu vực phía Nam nước ta, với độ cao khoảng 986 m và là biểu tượng cho mảnh đất và con người Tây Ninh. Trong đó, nổi bật là chùa Bà Đen (Linh Sơn Tiên Thạch tự) hay còn gọi là chùa Thượng và Điện Bà, nơi đặt bức tượng Bà Đen bằng đồng. Cùng với chùa Hang (chùa Linh Sơn Long Châu) và chùa Trung (chùa Linh Sơn Phước Trung), chùa Bà Tây Ninh là một trong những ngôi chùa nổi tiếng ở Việt Nam nằm trong khu danh thắng núi Bà Đen cũng như là một trong những điểm viếng chùa nổi tiếng Việt Nam.
Hàng triệu lượt du khách đến Núi Bà mỗi năm, người ta đến Núi Bà không chỉ vì sự tín ngưỡng viếng chùa cầu phúc mà đến đó để tham quan một di tích, chùa trên núi, một quần thể những ngôi chùa nổi tiếng ở Việt Nam, điện thờ cúng các vị thần, thánh, đến để thấy lòng nhẹ nhàng, thảnh thơi hơn.
Chùa được xây dựng vào thế kỷ XVIII và đã qua nhiều lần trùng tu. Hằng năm, khách thập phương hành hương núi Bà để đi chùa cầu nguyện rất đông; thông thường là vào dịp Tết nguyên đán kéo dài cả tháng Giêng, và lễ vía Bà vào ngày 5, 6 tháng năm âm lịch (khoảng tháng 6 dương lịch).
Khi đến đây, bạn có thể sử dụng hệ thống cáp treo (dài khoảng 1225 m), để đi từ chân núi lên chùa Linh Sơn Tiên Thạch hoặc với những ai ưa thách thức, mạo hiểm, bạn cũng có thể leo bộ lên chùa.
4 thánh tích thiêng liêng gắn với cuộc đời Đức Phật mà các tín đồ đều ao ước được một lần chiêm bái
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận