Đại lễ Phật Đản được các quốc gia Châu Á tổ chức như thế nào?
Lễ Phật Đản (ngày Phật đản sanh, ngày đản sanh của Đức Phật) là 1 trong 3 ngày lễ lớn của đạo Phật bên cạnh lễ VU Lan, lễ Thành đạo. Lễ Phật Đản ở các quốc gia châu Á được tổ chức trang trọng, đầy màu sắc.
Lễ Vesak hay ngày sinh của Đức Phật thường được tổ chức vào ngày trăng tròn của tháng 4 âm lịch, tức vào tháng 4 hoặc tháng 5 dương lịch. Vào dịp lễ này, Phật tử ở khắp nơi trên thế giới cùng tưởng nhớ công đức của Đức Phật bằng cách tập trung tại các ngôi chùa địa phương, tụng kinh, dâng lễ vật và phóng sinh.
Trong đó, nghi lễ quan trọng nhất trong Vesak là tắm Phật bằng nước và hoa. Với những nét riêng biệt trong tập tục và văn hóa địa phương, các quốc gia ở châu Á thường tổ chức Vesak theo nghi thức, lễ hội và thời gian khác nhau.
Ngày Lễ Phật Đản ở Ấn Độ và Nepal
Tại Ấn Độ - ngày lễ Phật Đản được gọi với cái tên là Buddha Purnima. Tại đây, Lễ Phật Đản được tổ chức gần giống như một lễ hội truyền thống ở địa phương.
Lễ Vesak ở Ấn Độ - quê hương của Phật giáo - ngày nay đã trở thành Tam Hợp: Kỷ niệm sự kiện Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh, giác ngộ và nhập Niết bàn.
Nơi tổ chức này lễ này lớn nhất ở cả Ấn Độ và Nepal là Lumbini (Lâm Tỳ ni) - nơi đức Phật đản sinh và tại ngôi Già lam Cổ tự Swayambhu. Cánh cửa chính của Swayambhu chỉ được mở vào ngày này nên hằng năm, tín đồ từ khắp thung lũng Kathmandu và hàng ngàn khách hành hương trên thế giới sẽ quy tụ lại đây để mừng lễ.
Theo truyền thống, khi đến ngày lễ Vesak, Phật tử Ấn Độ sẽ khoác lên mình những bộ y phục màu trắng, sau đố đến các ngôi chùa và tu viện để nghe kinh sutras và cháo ngọt kheer. Cháo ngọt kheer mang ý nghĩa gợi nhắc về câu chuyện của nàng Sujata - một cô gái trẻ đã dâng một bát cháo sữa cho Đức Phật trước khi Ngài thành đạo.
Lễ Phật Đản ở Singapore
Lễ hội Vesak ở Singapore được tổ chức khá quy mô. Các hoạt động lễ hội trong ngày này bắt đầu từ sớm tinh mơ. Cờ Phật giáo sẽ được căng lên và các nhà sư sẽ tụng kinh để ngợi ca Đức Phật và thực hiện nghi lễ Tam bộ nhất bái (đi ba bước, quỳ một bước).
Trong ngày này, người ta cũng sẽ tổ chức lễ rước đèn dọc theo các con đường và cầu nguyện cho thế giới được bình an, đồng thời tự sám hối. Ngoài ra, để thể hiện lòng thành, các Phật tử sẽ ăn chay, làm việc thiện, phóng sinh, cúng dường,... để tăng phần công đức.
Lễ Phật Đản tại Hàn Quốc
Có tên gọi là Bucheonim osin nal, Đại lễ Phật sinh ở Hàn Quốc không chỉ là ngày lễ dành riêng cho 15 triệu Phật tử, mà còn được tổ chức như một ngày hội văn hóa truyền thống cho người dân xứ sở kim chi. Trong dịp này, chùa chiền và đường phố tại xứ sở kim chi sẽ được trang trí với nhiều loại đèn lồng.
Đặc trưng nổi bật của Lễ Phật Đản tại Hàn Quốc có thể kể đến lễ hội đèn lồng hoa sen (연등회, Yeon Deung Hoe) vớý nghĩa là thức sáng thế giới, cống hiến và hy sinh để thông báo chân lý cho thế giới. Lễ hội này bắt nguồn từ câu chuyện Binjaildeung - cây đèn của người nghèo. Truyện kể về một cô gái nghèo dâng lên đức Phật một chiếc lồng đèn mà cô đã mua bằng tất cả số tiền dành dụm của mình. Đức Phật cảm động vì tấm lòng thành của cô và trong số các đèn khác, chỉ duy nhất đèn của cô được sáng.
Câu chuyện mang ý nghĩa về sự bình đẳng: Việc làm phúc cốt ở cái tâm, không ở hoàn cảnh giàu nghèo.Bên cạnh đó, vào ngày này có thể sẽ có một số hoạt động như cung cấp bữa ăn miễn phí, tổ chức nghi lễ Tắm Phật, diễu hành, trò chơi truyền thống,... Nếu ở nhà, các Phật tử có thể dâng lên bàn thờ Phật sáu món đồ cúng bao gồm hương, đèn, hoa và một số loại quả.
Lễ Phật Đản tại Trung Quốc
Trung Quốc là quốc gia có số lượng tín đồ Phật giáo lớn nhất trên thế giới, hơn 240 triệu người. Vì vậy, ngày đản sinh của Đức Phật là một dịp lễ lớn trong năm, đặc biệt ở Hong Kong và Đài Loan.
Lễ hội được tổ chức ở những ngôi chùa, tu viện, học viện Phật giáo trên khắp Trung Quốc với nghi thức thắp đèn, cúng dường và tắm Phật. Năm nay lễ Phật đản được tổ chức vào ngày 8/4 âm lịch, tức 12/5 dương lịch.
Lễ Phật Đản tại Việt Nam
Tại Việt Nam, Lễ Phật Đản thường sẽ được tổ chức với nhiều nghi thức trang trọng như rước đèn hoa và diễu hành trên đường phố.Vào ngày này, các tín đồ Phật tử sẽ thường tập trung đến các ngôi chùa để nghe nhà sư tụng kinh, giảng đạo và thực hiện nghi lễ tắm Phật.
Trong những năm gần đây, ngày lễ này ngày càng được Phật giáo Việt Nam tổ chức với quy mô lớn và long trọng hơn với nhiều hoạt động như diễn hành, rước xe hoa, văn nghệ mừng sự ra đời của Đức Phật và nhiều hoạt động từ thiện khác.
Đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc - Vesak đã được tổ chức tại Việt Nam vào các năm 2008, 2014, 2019. Mới đây nhất, vào năm 2019, Đại lễ Vesak được tổ chức ở Việt Nam đã có sự tham dự của với hơn 1.650 chức sắc và lãnh đạo các giáo hội, nhà nghiên cứu,... đến từ hơn 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều lãnh đạo cấp cao các nước đến tham dự.
Lễ Phật Đản tại Thái Lan
Đại lễ Phật đản là một ngày lễ chính thức tại xứ sở chùa Vàng, với tên gọi Visakah Puja. Người dân tập trung tại các ngôi chùa để lắng nghe các nhà sư thuyết pháp, sau đó cùng nhau tụng kinh, quyên góp, dâng thức ăn, hoa và nến.
Đại lễ Phật sinh được tổ chức ở các ngôi chùa và tu viện của Thái Lan, nổi bật là chùa Wat Pan Tao tại Chiang Mai (ảnh), chùa Wat Yai Chai Mongkhon ở thành phố Ayutthaya và những ngôi chùa lớn ở Bangkok như Wat Saket, Wai Traimit, Wat Phra Dhammakaya...
4 thánh tích thiêng liêng gắn với cuộc đời Đức Phật mà các tín đồ đều ao ước được một lần chiêm bái
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận