Ngôn ngữ Gen Z: "Chằm Zn" là gì?
"Chằm Zn" là từ lóng mới được Gen Z sử dụng phổ biến trên các trang mạng xã hội, tuy nhiên, không phải ai cũng có thể hiểu được ý nghĩa mà cụm từ mới lạ này truyền tải. Hôm nay hãy cùng Sống đẹp xem "Chằm Zn" trong ngôn ngữ Gen Z có nghĩa là gì nhé!
Định nghĩa cho "chằm Zn"
"Chằm Zn" hay "chầm Zn" hoặc "chằm kẽm" là từ lóng được Gen Z sử dụng để thay thế cho cụm từ "trầm cảm trong tiếng Việt.
Từ này được hình thành bởi cách nói lái của từ "trầm" theo cách phát âm của người miền Nam thành "chằm".
Chữ "kẽm" cũng được hình thành tương tự do hiện tượng phương ngữ và do kẽm là nguyên tố kim loại có kí hiệu Zn trong bảng nguyên tố hóa học, do đó, Gen Z đã biến hóa thành công "trầm cảm" thành "chằm Zn" như những gì chúng ta thường thấy trên các MXH trong thời gian gần đây.
"Chằm Zn" xuất hiện từ khi nào?
Từ “chằm Zn” xuất hiện lần đầu trên fanpage Hội những người lười Việt Nam vào ngày 6/2/2021 với nội dung: “Con chằm Zn, con chằm Zn lắm mẹ à”. Câu viết được lấy cảm hứng từ câu “Con mệt lắm, con mệt mỏi lắm mẹ à” trong bài hát Con Nhớ Nhà Lắm của nữ rapper Lil’S và Ry2c.
Dù ra đời từ năm 2013, nhưng phải tới năm 2020 Con Nhớ Nhà Lắm mới bất ngờ được cư dân mạng biết tới rộng tãi và nhanh chóng xuất hiện tràn ngập mạng xã hội Việt Nam nhờ bản cover của Như Hexi.
Lý do nào khiến "Chằm Zn" trở nên viral trong ngôn ngữ Gen Z?
Lý do giới trẻ đặc biệt là Gen Z, yêu thích từ sử dụng từ “chằm Zn” là do họ có thể nhìn thấy bản thân trong từ lóng này.
Tuy nhiên, thay vì ý nghĩa nặng nề như nguyên gốc "trầm cảm", "chằm Zn" là cách Gen Z than vãn về những sự mệt mỏi, bất lực trước những áp lực trong cuộc sống hằng ngày được tạo nên bởi công việc, học hành.
Một số câu nói về "chằm Zn" được Gen Z sử dụng phổ biến
Quá mệt mỏi vì công việc, học hành: "Con chằm Zn, con chằm Zn lắm mẹ à!"
Quá mệt vì một vấn đề hóc búa: "Nghe xong muốn chằm Zn luôn đó trời ơi!”
Tiết sau cô kiểm tra một tiết môn Hóa nhưng chưa ôn bài: "Chằm Zn"
Ngồi buồn rồi nghĩ vu vơ: "Tự dưng chằm Zn"
Về cơ bản, các từ lóng trong ngôn ngữ Gen Z thường chỉ được sử dụng dưới dạng văn viết và ứng dụng phổ biến khi giao tiếp trên các mạng xã hội và diễn đàn giới trẻ mà không sử dụng trong văn nói hay các văn bản chuẩn mực, do đó, để sử dụng từ "chằm Zn", cư dân mạng nên chú ý đặt đúng hoàn cảnh để tránh nhận về gạch đá và tạo ấn tượng thiếu nghiêm túc trên các mạng xã hội đối với các vấn đề nghiêm túc, đặc biệt là khi chứng trầm cảm vốn là loại bệnh tâm lý vô cùng nghiêm trọng nhưng vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mực.
Gen Z (thế hệ Z) là cụm từ dùng để chỉ nhóm người được sinh ra trong khoảng năm từ 1995 đến năm 2012. Ngoài Gen Z thì thế hệ trẻ đến tuổi trưởng thành trong thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21 này còn được gọi bằng nhiều các tên khác như Gen Tech, Net Gen, Plurals, Zoomers, thế hệ Internet, Generation Z, iGen, iGeneration, Gen Wii, Digital Natives, Neo-Digital Natives, Founders, Homeland Generation, Post millennials, hay hậu Millennials… Song có một số ý kiến, Gen Z là những người sinh từ 1997 đến 2015.
Hiện nay trên thế giới, có khoảng 2,6 tỷ người thuộc thế hệ Z, chiếm khoảng ⅓ dân số. Tại Việt Nam, Gen Z có khoảng 15 triệu người, chiếm khoảng 25% lực lượng lao động quốc gia.
Thế hệ Z là nhóm kế tiếp sau thế hệ Millennials (Gen Y) và trước thế hệ Alpha (α), và thường là con cái của thế hệ X (sinh ra từ năm 1965 đến 1979).
Ngôn ngữ Gen Z thường là những từ được tạo ra bởi hiện tượng đồng âm của tiếng Việt với các ngôn ngữ khác hoặc hiện tượng phương ngữ hay cách gõ sai của một từ. Các từ lóng này thường được sử dụng với ý nghĩa vui vẻ và tạo tiếng cười trên các diễn đàn mạng.
Xem thêm: Ngôn ngữ Gen Z: "Cột sống" là gì?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận