Tìm hiểu về sự ra đời của các dòng họ đặc biệt: Tôn Thất, Tôn nữ, Công Tôn Nữ, Nguyễn Phúc
Bạn có bao giờ thắc mắc vì sao ở Huế có các “dòng họ”: Tôn Thất, Nguyễn Phúc, Tôn Nữ, Công Tôn Nữ…? Có phải con cháu các vua triều Nguyễn không?
1. VỀ “HỌ” TÔN THẤT
Năm 1558, Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng vâng lệnh vua Lê vào làm Trấn thủ Thuận Hóa sau kiêm luôn Quảng Nam (1570). Ông trở thành vị chúa đầu tiên của Đàng Trong, tục gọi là chúa Tiên, truyền cả thảy được chín đời chúa của họ NGUYỄN PHÚC, quê làng Gia Miêu Ngoại Trang, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Đời Minh Mạng (1820 - 1841), khi hệ thống hóa lại dòng tộc, vua xếp các hậu duệ thuộc chín đời chúa vào TIỀN HỆ . Những người thuộc hậu duệ của vua Gia Long thuộc về CHÁNH HỆ.
Trong CHÁNH HỆ lại phân biệt ĐẾ HỆ (dòng làm vua, con cháu của vua Minh Mạng) và PHIÊN HỆ (các dòng anh em của vua Minh Mạng)
TÔN (TÔNG) là dòng họ, THẤT là nhà. TÔN THẤT là từ dùng để chỉ những người thuộc dòng họ nhà vua. Vì vậy có “tôn thất” nhà Lý, “tôn thất” nhà Trần, “tôn thất” nhà Lê…, chứ TÔN THẤT không phải là họ riêng của nhà Nguyễn.
Hai chữ nguyên phải đọc là TÔNG THẤT nhưng từ năm 1841, sau khi vua Thiệu Trị lên kế vị, cả nước phải kiêng húy của vua (do vua tên là Nguyễn Phước Miên TÔNG), nên chữ TÔNG phải đổi viết làm TÔN và đọc là TÔN. Từ đó mớ có các danh xưng: Tôn Nhơn Phủ, Trần Thái Tôn, Lê Thánh Tôn,...
Năm 1823, vua Minh Mạng ban hành ĐẾ HỆ THI và PHIÊN HỆ THI, quy định về cách đặt tên cho con trai trong CHÁNH HỆ.
Năm 1829, vua Minh Mạng lại ban hành quy định về việc đặt tên của những dòng thuộc TIỀN HỆ và PHIÊN HỆ, đại ý như sau: Con cháu Nguyễn Phúc tộc thuộc TIỀN HỆ và con cháu các anh em vua Minh Mạng thuộc PHIÊN HỆ thì từ đời vua [Minh Mạng] trở về sau không dùng họ NGUYỄN PHÚC, mà gọi chung là TÔN THẤT. Riêng các dòng thuộc PHIÊN HỆ thì sau hai chữ TÔN THẤT là chữ lót theo PHIÊN HỆ THI, kế đến là TÊN.
Về sau, nhiều người không hiểu nguyên ủy này nên tưởng rằng TÔN THẤT là họ. Và đến nay, TÔN THẤT là một họ trong thực tế. Hiện nay, đã có người TÔN THẤT trở lại họ Nguyễn Phúc.
2. VỀ “HỌ” TÔN NỮ
Nguyên thủy, viết là TÔNG NỮ, trong đó chữ TÔNG viết bằng bộ “miên”, TÔNG NỮ nghĩa là người con gái thuộc dòng họ nhà vua, là “họ” dành cho con gái của các ông TÔNG THẤT. Từ năm 1841, vì kiêng húy vua Thiệu Trị như đã đề cập trên đây, người ta không được viết TÔNG 宗 mà phải viết và đọc là TÔN.
Chữ TÔN viết bằng bộ “tử”, nghĩa là “cháu gái vua”, là “họ” dành cho con gái và cháu gái các hoàng tử.
3. VỀ HỌ NGUYỄN PHÚC
Theo sách KHÂM ĐỊNH ĐẠI NAM HỘI ĐIỂN SỰ LỆ, do Nội các triều Nguyễn biên soạn, vào năm Minh Mạng thứ 10 (1829), nhà vua xuống dụ: “… con hoàng tử gọi là công tử, thực chưa hợp lý, vậy từ nay về sau phàm con các hoàng tử đều gọi là hoàng tôn, những cháu của hoàng tử đều gọi là hoàng tằng tôn; các chắt hoàng tử đều gọi là hoàng huyền tôn,về gái cũng theo lệ ấy, không được gọi bừa, nếu ai phạm vào điều đó thì lấy luật trị tội để cho có sự phân biệt”
Từ quy định này cùng với việc ban hành ĐẾ HỆ THI và PHIÊN HỆ THI mà sinh ra cách đặt tên con trai và con gái trong hoàng tộc.
ĐẾ HỆ THI và PHIÊN HỆ THI là những bài thơ “ngũ ngôn tứ tuyệt” (bốn câu 20 chữ) do vua Minh Mạng đặt ra năm 1822, quy định chữ lót dành cho dòng làm vua (ĐẾ HỆ) và dòng các anh em khác của vua (PHIÊN HỆ) nhằm mục đích phân biệt rõ các dòng và thứ tự trên dưới các đời.
Vua Gia Long có tất cả 13 hoàng tử. Ba người đầu là hoàng tử Cảnh, hoàng tử Hy và hoàng tử Tuấn đều mất sớm, hoàng tử thứ tư là Nguyễn Phúc Đảm được lập làm Đông cung Thái tử năm 1816, về sau nối ngôi tức vua Minh Mạng.
Vua Minh Mạng lập Tôn Nhơn Phủ để quản lý người hoàng tộc. Trong mục đích hệ thống hóa dòng tộc, năm Minh Mạng thứ 4 (1823), nhà vua làm ra bài thơ ĐẾ HỆ THI, cho khắc trên sách vàng (Kim sách), dành làm chữ lót cho dòng các con cháu của vua, và 10 bài PHIÊN HỆ THI, khắc trên sách bạc (ngân sách), dành cho các dòng con cháu của các anh em vua.
Năm 1945, khi vua Bảo Đại thoái vị, đã nộp lại cho Chính phủ Việt Minh ấn kiếm và kim sách ĐẾ HỆ THI. Hiện nay, kim sách ĐẾ HỆ THI đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Sách làm theo khổ chữ nhật đứng, gồm 13 tờ vàng, gồm bìa trước và sau chạm hình rồng bay trong mây và 11 tờ ruột khắc sách văn, gáy đóng 4 khuyên tròn. Ngày 31/3/2016, lần đầu tiên kim sách ĐẾ HỆ THI đã được Bảo tàng Lịch sử quốc gia đưa ra giới thiệu tới quảng đại công chúng trong cuộc trưng bày “Bảo vật hoàng cung: Kim sách triều Nguyễn (1802 - 1945)”.
Về họ và tên của phái nữ thuộc họ Nguyễn Phúc.
Theo quy định nói trên của vua Minh Mạng vào năm 1829, thì:
Con gái của hoàng tử (tức cháu nội vua) sẽ được gọi là CÔNG TÔN NỮ…
Cháu nội gái của hoàng tử (tức chắt nội vua) sẽ được gọi là CÔNG TẰNG TÔN NỮ…
Chắt nội gái của hoàng tử (tức chút nội vua) sẽ được gọi là CÔNG HUYỀN TÔN NỮ…
Chữ CÔNG cho biết người phụ nữ này thuộc dòng dõi của một hoàng tử họ Nguyễn Phúc.
Chữ TÔN NỮ cho biết người phụ nữ này là cháu gái của vua sanh ra hoàng tử đó.
Chữ TẰNG cho biết người phụ nữ này là cháu gái đời thứ tư (chắt) của vua sanh ra hoàng tử đó.
Chữ HUYỂN cho biết người phụ nữ này là cháu gái đời thứ năm (chút) của vua sanh ra hoàng tử đó. Đối với người hoàng tộc, việc này không có gì khó hiểu, nhưng đối với dân chúng, người ta không rõ nguồn gốc, hiểu lầm rằng đó là một “họ” đặc biệt của Huế và sự hiểu lầm này đã thành nếp.
Lúc đầu thì các gia đình hoàng tộc thuộc ĐẾ HỆ phải đặt chữ CÔNG ở đàng trước tên con gái nhưng sau thấy dài dòng quá, bỏ bớt đi cho tiện giấy tờ và giao dịch. Như vậy, thực chất, không có sự khác biệt giữa CÔNG HUYỀN TÔN NỮ và HUYỀN TÔN NỮ.
Về sau này, nhất là sau khi chế độ quân chủ chấm dứt vào tháng 8.1945, khuynh hướng chung của con cháu thuộc ĐẾ HỆ là gọi con gái một cách vắn tắt bằng TÔN NỮ mà thôi, không TẰNG hay HUYỀN nữa, và hiện nay thì đa số trở lại họ gốc NGUYỄN PHÚC.
CÔNG TÔN NỮ có nghĩa là cháu nội gái của vua, con gái của hoàng tử, tức là dòng Nguyễn Phúc (CHÁNH HỆ), khác với các TÔN NỮ với chữ TÔN viết là, là cháu / chắt / chút… gái của dòng TÔN THẤT (TIỀN HỆ).
CÔNG TẰNG TÔN NỮ hay TẰNG TÔN NỮ, là một phụ nữ thuộc hoàng tộc nhà Nguyễn, có họ Nguyễn Phúc, là cháu bốn đời của một vua nào đó, tức chắt nội gái của vua, cháu gọi vua bằng ông Cố.
CÔNG HUYỀN TÔN NỮ hay HUYỀN TÔN NỮ, là một phụ nữ thuộc hoàng tộc nhà Nguyễn, có họ Nguyễn Phúc, là cháu năm đời của một vua nào đó, tức chút nội gái của vua, cháu gọi vua bằng ông Sơ.
Xem thêm: Cung cách ngồi của người Việt xưa: Từng có thời kỳ không biết ngồi ghế?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận