Tháng chạp là tháng mấy?
Tháng chạp là tháng mấy trong năm? Trong tháng chạp có những ngày nào quan trọng? Để trả lời cho câu hỏi này, bài viết dưới đây sẽ chia sẻ đến các bạn những thông tin cho tiết nhất về tháng Chạp, hãy cùng tìm hiểu!
Tháng chạp là tháng mấy?
Tháng Chạp chính là một cách gọi khác của tháng 12 Âm lịch, tức tháng Sửu hay còn được dân gian gọi là tháng Củ Mật. Sở dĩ gọi tháng 12 là tháng Chạp là vì:
Chữ "Chạp" được bắt nguồn từ chữ "Lạp" trong tiếng Hán. Trước đây, văn hóa Việt Nam chịu không ít ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc. Trong khi đó, ở Trung Quốc, Lạp tức là lễ tế thần vào mỗi dịp cuối năm Âm lịch. Người Việt Nam lại thường gọi là giỗ chạp, chính vì thế tên gọi tháng Chạp được xuất phát từ đây.
Thông thường tháng Chạp sẽ rơi khoảng từ cuối tháng 12 năm trước đến đầu tháng 2 của năm mới dương lịch. Khoảng thời gian này không cố định vì còn tùy thuộc vào sự chênh lệch giữa lịch âm và lịch dương của mỗi năm.
Tháng Chạp có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân Việt Nam. Bởi tháng Chạp là tháng cuối cùng của năm tính theo Âm lịch. Thông thường, các tháng âm lịch chỉ có từ 29 đến 30 ngày, tùy thuộc vào từng năm, và tháng Chạp cũng không phải ngoại lệ. Việc xác định ngày bắt đầu của tháng cũng như số ngày trong tháng tùy theo thời điểm diễn ra hai kỳ trăng non kế tiếp nhau theo giờ địa phương.
Tháng Chạp có những ngày lễ nào?
Trong tháng này cũng có khá nhiều ngày lễ Tết quan trọng, cụ thể như:
Rằm tháng Chạp: Thực chất, Rằm tháng Chạp cũng không khác mấy so với các ngày rằm khác. Tuy nhiên, chính yếu tố thời điểm đã khiến cho ngày này có ý nghĩa khác biệt hơn, bởi đây là ngày rằm cuối cùng trong năm, là dịp để tổng kết những điều đã qua, sẵn sàng chào đón những điều tốt đẹp hơn sẽ đến trong năm mới. Bên cạnh đó, bắt đầu từ Rằm tháng Chạp, không khí Tết cũng dần được khởi động.
Lễ cúng ông Công ông Táo: Lễ cúng ông Công ông Táo diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm là một lễ cúng quan trọng trong dịp trước Tết Nguyên Đán. Người ta quan niệm một năm mở đầu bằng Tết Nguyên Đán và kết thúc bằng Tết ông Công ông Táo. Đây là một nét đẹp văn hóa, một truyền thống của dân tộc. Vào ngày này, mỗi nhà sẽ chuẩn bị lễ cúng để đưa tiễn vị thần cai quản việc bếp núc trong gia đình lên để báo cáo công việc trong năm với Ngọc Hoàng.
Ngày Tất niên: Lễ Tất niên thường diễn ra vào 29 (tháng thiếu) hoặc 30 tháng Chạp. Tất niên là một nghi thức không thể thiếu trong văn hóa của người Việt Nam. Theo nghĩa Hán Việt thì "tất" có nghĩa là hết, hoàn thành, xong; còn "niên" có nghĩa là năm. Vì thế, tất niên được hiểu đơn giản là kết thúc một năm. Đây là ngày cuối cùng của năm, mọi thành viên trong gia đình sẽ sum họp, quây quần cúng tất niên sau đó sẽ cùng nhau ăn bữa cơm tất niên và cùng chờ đón năm mới sắp đến.
Những kiêng kị trong tháng Chạp
Trong tháng Chạp, để kết thúc một năm với sự may mắn và vui vẻ, người ta thường kiêng kị những điều sau:
Không gây mâu thuẫn, thị phi: Người ta quan niệm tháng Chạp là ngày cùng tháng tận, nên hạn chế việc mâu thuẫn, tranh chấp với người khác, nếu không dễ mang xui xẻo tới năm mới.
Không để nhà cửa bừa bộn: Nếu như để nhà cửa lộn xộn, không dọn dẹp gọn gàng thì dễ bị tà khí xâm nhập. Hơn nữa, nhà cửa bừa bộn luôn tạo cho chúng ta cảm giác mọi việc ngổn ngang, chưa hoàn tất.
Không vay mượn tiền: Ngày rằm tháng Chạp còn được gọi là ngày Vọng vong, cần giữ cho tâm hồn thanh tịnh, sạch sẽ. Vay tiền vào ngày này có thể trở thành khoản nợ lớn, ảnh hưởng đến vận trình tài lộc trong năm mới của bạn, khiến việc kiếm tiền của bạn gặp nhiều khó khăn trắc trở, làm ăn dễ thua lỗ, nợ nần.
Không nhặt tiền rơi ngoài đường: Tiền rơi ngoài đường trong tháng Chạp thường là tiền cúng lễ, nếu nhặt lại sẽ dễ rước vận rủi theo mình, những điều xui xẻo cứ thế mà tới.
Cẩn thận khi tìm chỗ ngủ: Mọi người cần lưu ý khi lựa chọn chỗ ngủ, không ngủ nhờ ở những căn nhà cũ tối tăm ẩm ướt hoặc những nơi đất miếu để tránh nhiễm tà khí.
Xem thêm: 5 điều đại kỵ trong tháng Chạp không nên làm để tránh rước xui xẻo về nhà, tổ tiên trách phạt
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận