Tây Lương Nữ Quốc có thật trong lịch sử hay chỉ là tưởng tượng của Ngô Thừa Ân?

Tây Lương Nữ Quốc là một quốc gia xuất hiện trong tác phẩm Tây Du Kí của tác giả Ngô Thừa Ân. Đây là một trong 81 kiếp nạn mà thầy trò Đường Tăng phải trải qua trên đường đến Tây trúc thỉnh kinh. Vậy những điều bí ẩn của Tây Lương Nữ Quốc là gì, Tây Lương Nữ Quốc liệu có tồn tại ngoài đời thật? Hãy cùng khám phá qua bài viết dưới đây.

Hoa Nguyễn
11:59 13/01/2021 Hoa Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Sự thật về Tây Lương Nữ Quốc

Những mô tả sống động về Tây Lương Nữ Quốc (Nữ Nhi Quốc) trong Tây Du Ký đã để lại những ấn tượng hết sức sâu sắc trong lòng khán giả. Nhiều người cho rằng, Tây Lương Nữ Quốc chỉ là tưởng tượng của Ngô Thừa Ân. Song những ghi chép lịch sử lại cho rằng đây là một quốc gia có thật tại Trung Quốc, con cháu của họ vẫn còn đang sinh sống tại vùng Tứ Xuyên và Quý Châu.

Theo những ghi chép trong cuốn “Nam man tây nam man truyện”, quyển 197 của Cựu Đường Thư có ghi rõ rằng, Đông Nữ Quốc hay còn gọi là Tây Khương là một quốc gia ở vùng biển phía Tây nổi tiếng là có nhiều phụ nữ. Sử sách gọi đây là Đông Nữ Yên. Thay vì trọng nam như nhiều triều đại khác, quốc gia này thường lập nữ giới làm vua và giữa nhiều chức tức quan trọng khác trong triều đình.

tay-luong-nu-quoc-co-that
Sử sách có ghi chép Tây Lương Nữ Quốc là một quốc gia có thật trong lịch sử

Phía đông của Đông Nữ Quốc tiếp giáp với vùng Mao Châu và Đăng Hương, phía đông nam tiếp giáp với Nhã Châu, ngăn cách bởi La Nữ Man và Bách Lang Di. Nơi đây có hơn 80 thành phố lớn nhỏ. Thời bấy giờ khoa học vẫn chưa phát triển, căn cứ bào đoan đường trung bình đi được trong ngày đối với ngựa (40km) và người (20km) mà người ta đã tính ra được từ điểm cực nam đến cực bắc của Đông Nữ Quốc dài khoảng 400 - 800 km, còn cực đông đến cực tây dài khoảng 180 - 360 km.

Sử sách cũng ghi lại rằng Đông Nữ Quốc được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu gác canh. Điểm đặc biệt của quốc gia này đó chính là trọng nữ khinh nam. Quốc vương và các mệnh quan triều đình đều là phụ nữ. Dưới Quốc vương là phó Quốc vương. Khi Quốc vương qua đời, Phó Quốc Vương sẽ kế vị để cai quản đất nước. Quốc vương sống ở tháp canh có 9 tầng còn những thường dân khác sẽ sống trong những tháp canh có từ 4 đến 5 tầng. Nữ vương sẽ mặc xiêm y dài được dệt bằng tơ lụa dát hoa vàng, áo cổ cao màu xanh.

tay-luong-nu-quoc-co-that
Nữ vương sẽ mặc xiêm y dài được dệt bằng tơ lụa dát hoa vàng, áo cổ cao màu xanh

Về chính trị, tại Đông Nữ Quốc, nam giới tuyệt đối không được lai vãng tới chống triều đình, chỉ được ở bên ngoài làm các công việc phục dịch nặng nhọc khác hoặc làm theo mệnh lệnh của các nữ chủ nhân. Mọi ý chỉ của Nữ vương sẽ được truyền đạt qua các nữ quan. Trong gia đình, mọi chuyện lớn bé đều do phụ nữ quyết định. Con cái cũng sẽ mang họ mẹ.

Ở Đông Nữ Quốc, phụ nữ rất được coi trọng nên mỗi một người phụ nữ đều có khoảng vài ba ông chồng. Điều đáng nói là các cô nương ở đây đều có quyền "sa thải" các ông chồng nếu cảm thấy họ không còn mang lại niềm vui cho mình nữa. Do đó việc kết hôn ở Đông Nữ Quốc thường không rõ ràng. Số hộ dân của quốc gia này tại thời điểm lúc bấy giờ là khoảng 40.000 hộ.

Sự biến mất của Đông Nữ Quốc trên bản đồ Trung Hoa

Cuốn Cựu Đường Thư ghi chép khá đầy đủ và tường tận về các hoạt động của Đông Nữ Quốc. Song kể từ sau đời Đường, Đông Nữ Quốc dường như biến mất khỏi sử sách của Trung Quốc. Lẽ nào Đông Nữ Quốc chỉ như đóa phù dung sớm nở tối tàn? Lặng lẽ biến mất trong biển đêm của ngàn năm lịch sử Trung Hoa?

Theo các nhà sử gia, vào thời vua Đường Huyền Tông trị vì (712 – 756) (cùng với thời kỳ mà nhà sư Đường Huyền Trang lên đường đi lấy chân kinh - PV), quan hệ giữa triều đình và thổ phiên tương đối tốt. Thế nhưng đến giữa đời Đường, quan hệ của hai bên dần trở nên căn thẳng, xung đột kéo dài 100 năm không dứt. Sau đó nhà Đường đã sử dụng chiến thuật chiêu hàng đưa 8 bộ lạc dân tộc thiểu số từ các hẻm núi Mân Sơn di chuyển đến định cư ở bờ phía đông của sông Đại Độ. Trong số 8 bộ lạc này có Đông Nữ Quốc.

tay-luong-nu-quoc-co-that
Cùng ngắm nhìn Tây Lương nữ quốc ngoài đời thực của Trung Quốc

Khi đó Quốc Vương của Đông Nữ Quốc được vua Đường sắc phong là Ngân Thanh Quang Lộc Đại Phu. Tuy rằng chức tước chỉ là hư danh thế nhưng phẩm cấp của họ lại rất cao, tương đương với quan chứ hành tỉnh bây giờ. Đến cuối thời Đường, thế lực của thổ phiên tăng lên, nhiều lần xâm chiếm bờ phía đông của sông Đại Đội. Triều Đường đã đem quân đánh trả. Tuy nhiên giữa lúc thế sự rối rem giữa thổ phiên và quân triều đình, để bảo vệ bộ lạc của mình, Quốc vương Đông Nữ Quốc đã lựa chọn sách lược để "lấy lòng cả hai".

Sau này, nhà Đường dần dần suy vi, thổ phiên cũng dần dần bị diệt vong. Cao nguyên Thanh Tạng vốn bị thổ phiên thống trị trở lại thời kỳ bộ lạc. Nhà Đường tới hồi phân liệt, nơi đây không có lực lượng nào thống trị và quản lý. Ba triều đình sau nhà Đường, gồm: Tống, Nguyên, Minh cũng hầu như không áp đặt được ách thống trị đối với cao nguyên Thanh Tạng, về cơ bản lịch sử không ghi chép gì. Tới đời Thanh, chế độ thổ ty mới được kiện toàn.

Sau khi Quốc vương Đông Nữ Quốc qua đời, các tập tục truyền thống không còn được bảo lưu, lại thêm việc chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa ngoại lai khiến cho Đông Nữ Quốc dần trở thành xã hội phụ hệ. Tuy nhiên, một số bộ lạc của Đông Nữ Quốc vẫn tiếp tục sinh sống ở các hẻm núi và tiếp tục bảo lưu được nét truyền thống của xã hội mẫu hệ. 

Theo khảo sát của các nhà khoa học ngày nay thì, Đông Nữ Quốc trong lịch sử nằm ở nơi giao hội của các nhánh sông Nha Lung và Đại Độ thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Tây Tạng ngày nay. Đây cũng là vành đai văn hóa mẫu hệ nổi tiếng nhất của đất nước Trung Hoa thời bấy giờ. 

Các nhà sử gia Trung Quốc cũng từng chia sẻ, Trát Bá Cực rất có thể là một trong những bộ lạc còn sót lại của Đông Nữ Quốc, đến nay vẫn lưu giữ được nhiều đặc điểm của chế độ mẫu hệ và Đông Nữ Quốc thuở xưa. Trát Bá cực hiện tại có 7 thôn, 5 thôn ở trong khu vực huyện Đạo Phù, 2 thôn ở trong khu vực huyện Nhã Giang, tổng cộng có gần 10.000 người. Trong quá trình điều tra tìm hiểu, họ đã phát hiện ở bộ tộc Trát Bá, phụ nữ là trung tâm của gia đình, họ chịu trách nhiệm quản lý tài sản và quyết định các vấn đề lớn khác. Cách sinh hoạt cũng gần giống như Đông Nữ Quốc trước đây. Một số gia đình có hơn 30 người, mọi người đều không kết hôn, mẹ già là người có quyền quyết định cao nhất trong nhà và chỉ đạo mọi việc lớn nhỏ của gia đình. 

Mối tình ngang trái giữa Đường Tăng và Tây Lương Nữ Vương trong Tây Du Ký

Nữ vương của Tây Lương Nữ Quốc được tác giả Ngô Thừa Ân miêu tả là một người "nhan sắc như tiên, má đào da tuyết" đã phải lòng Đường Tăng ngay từ cái nhìn đầu tiên, tỏ lòng mong muốn được sánh duyên, lại còn muốn nhường ngôi cho Đường Tăng làm Vua và mình làm Hoàng Hậu. Nữ Vương còn đề nghị cho phí lộ để ba huynh đệ Tôn Ngộ Không lên đường thỉnh kinh và bằng lòng để Đường Tăng ở lại.

Trong câu chuyện này, tác giả Ngô Thừa Ân quả thật đã gửi gắm rất nhiều những triết lý thú vị về cuộc sống và tình yêu. Tây Lương Nữ Quốc - một đất nước của những người phụ nữ sống tách biệt với thế giới, đã đứng vững qua nhiều tháng, nhiều năm, lại có thể sụp đổ bất cứ lúc nào chỉ vì sự xuất hiện của một người đàn ông mặc kệ cho người này là hòa thượng. Một nữ vương sẵn sàng rời bỏ ngai vàng, quyền lực để đi theo một nhà sư mà không cần danh phận gì. Người phụ nữ nào khi yêu cũng mang trong mình một quyết tâm đánh đổi như thế. 

tay-luong-nu-quoc-co-that
Nữ vương của Tây Lương Nữ Quốc đem lòng yêu mến Đường Tăng ngay từ lần gặp đầu tiên

Nữ Vương nảy sinh tình cảm với Đường Tăng nhưng cô lại không biết tình yêu là gì, thế nên nghĩ rằng mình mắc bệnh nan y, với triệu chứng tương tư khó chữa. Tình yêu đầy ngang trái của một Nữ Vương chưa từng biết yêu đang phải đối diện với một kẻ xuất gia. Cả hai đều mang trên vai trọng trách rất to lớn của đại sự, một bên là phổ độ chúng sinh, một bên là trị vì vương quốc, nhưng lỡ sa vào lưới tình thì phải làm sao?

Quốc Sư và Hà Thần là hai người cản trở tình yêu trong sáng của Nữ Vương với Đường Tăng. Nữ Quốc Sư cảnh báo cô rằng tất cả đàn ông đều là sinh vật độc hại, nên ra lệnh giết chết Đường Tăng cùng đồng bọn. Hà Thần bị lãng quên nên nổi cơn thịnh nộ, làm ngập toàn bộ quốc và muốn hủy diệt tất cả mọi thứ. 

Ngô Thừa Ân đã rất tinh tế khi xây dựng quan hệ giữa hai nhân vật này để diễn tả bản chất tình yêu, luôn mang đến sự ngang trái, vượt qua tình yêu vẫn là kiếp nạn khổ sở nhất của mỗi người:

“Trên đời hai ngả khó lưỡng toàn,

Không phụ Như Lai, chẳng phụ nàng

Tâm phàm sám hối, hại thanh tu

Chưa bao giờ được thông suốt như vậy,

Mệnh riêng ta khổ, thỉnh Tây kinh

Cớ sao sinh nàng hồng nhan khuynh thành

Làm sao xóa được hình bóng nàng đây

Giống như là phải, tự quên tên họ mình.”

Người tu luyện phải vượt qua cám dỗ của sắc dục, điều mà cả hai giới nam, nữ đều sẽ gặp phải. Trong quá trình tu luyện, mỗi người sẽ đối mặt với những khảo nghiệm và khổ nạn. Sự nguy hại của sắc dục là rất nghiêm trọng và có thể làm xói mòn ý chí người tu. Đặc biệt, nếu dính dáng tới tình cảm thế gian, thì người tu sẽ bị tiêu hao nhiều sinh lực và có thể còn bị rớt xuống “động không đáy”.

Để vượt qua vấn đề sắc dục, người tu luyện trước nhất phải có một tư tưởng dẫn đường. Nếu người tu có thể giữ chính niệm, vấn đề sắc dục sẽ được giải quyết. Cũng có khi, sư phụ hoặc những vị thần cũng sẽ chìa tay ra cứu giúp. 

tay-luong-nu-quoc-co-that
Người tu luyện phải vượt qua cám dỗ của sắc dục, điều mà cả hai giới nam, nữ đều sẽ gặp phải

Trong Tây Du Ký, Tây Vương Nữ Quốc là kiếp nạn của con người đối với thầy trò Đường Tăng. Tuy nhiên, Tam Tạng đã vượt qua cám dỗ, không màng sắc dục, công danh để tiếp tục quá trình tu luyện, giữ vững bản ngã để hoàn thành hành trình thỉnh kinh. Còn đối với các đệ tử của Đường Tăng, đó như một thử thách để nhắc họ cần phải giữ vững lòng tin, có sự quyết tâm hướng đến con đường đã chọn.

Như vậy, quả thực có một “mô hình” Tây Lương nữ quốc mà Tây Du Ký từng kể. Trong truyện, Đường Tăng cuối cùng cũng đã vượt qua được khảo nghiệm rất lớn về sắc để tiếp tục lên đường thỉnh kinh. Câu chuyện xưa trải qua hàng nghìn năm, ngày nay Tây Lương nữ quốc cũng không còn tồn tại nhưng với những người yêu mến văn hoá phương Đông thì đây mãi là một ký ức đẹp, đầy trân quý. 

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận