Tại sao lại gọi người Nghệ An là dân “cá gỗ”?
Tại sao người xưa lại gọi người dân Nghệ An là dân “cá gỗ”? Hãy cùng nghe các vị tiền bối giải thích về cụm từ trên.
Mỗi khi nghe thấy ai đó nói giọng “trọ trẹ” là mọi người lại bảo, đấy là dân “cá gỗ”. Điều này thật khiến người ta hiếu kỳ phải không? Để hiểu hơn về điều này hãy cùng tìm hiểu câu chuyện sau nhé:
Cho khát nước… chết luôn
Có câu chuyện dân gian kể lại rằng: Một anh sống rất hà tiện, có thể gọi là loại vắt cổ chày ra nước, không bao giờ dám mua thức ăn chứ đừng nói là đồ ăn ngon. Hằng ngày, đến bữa cơm anh ta treo một con cá gỗ lơ lửng giữa nhà và dặn các con mình, khi nào ăn cơm thì nhìn lên cá gỗ, chép miệng một cái rồi hãy và cơm như vậy là đã được ăn cơm với cá rồi.
Đứa con út của anh ta mới lên bốn tuổi rất háu ăn, nhìn lên con cá gỗ chép miệng luôn mấy cái mới chịu và cơm. Thằng lên sáu trông thấy liền mách bố: “Thằng này nó chép miệng mấy cái liền mới và cơm đó bố ạ!”
Anh ta mắng: “Cứ để nó ăn mặn cho khát nước chết luôn!!!”
Đó chính là hình ảnh của người xứ Nghệ ngày ấy “keo kiệt”, “hà tiện”.
Tuy nhiên khi được tiếp xúc lâu dài, bạn sẽ thấy họ không hề “keo kiệt” đâu, mà chỉ thấy họ nói to, giọng “nặng trình trịch” và luôn hết mình vì anh em, bạn bè. Người xứ Nghệ rất hay tổ chức những cuộc gặp gỡ đồng hương, giao lưu, vui vẻ và hào phóng.
Đối với những cô cậu sinh viên đến từ miền Trung nắng cháy luôn mang trong mình sự nhiệt huyết, chân thành. Họ có thể nghèo về vật chất nhưng luôn hiếu học và rất thông minh, chăm chỉ, chịu khó, nghĩ sao nói vậy, không “lắt léo”, “loằng ngoằng”, “nhì nhằng” trong ứng xử, quan hệ.
Người xứ Nghệ tuy nói giọng “trọ trẹ” khó nghe, nhưng lại phát âm rất chuẩn từ chữ “tr”, “ch”, “r”, “s” và “x”… Họ “ăn to, nói lớn”, giọng nói “oang oang” chứ không hề “nhỏ nhẹ” (kể cả con gái).
Ở khắp các vùng quê nơi dải đất miền Trung ấy, nơi nào cũng đầy ắp tiếng cười cùng tính cách chất phác, thật thà và thẳng thắn. Họ nói chuyện “thẳng tưng như ruột ngựa”, chẳng “úp úp mở mở”, chẳng “quanh co, lòng vòng”. Đã nói là làm và có sao thì nói vậy, “yêu” và “ghét” rất rõ ràng và đặc biệt rất “hiếu khách”.
Người Xứ Nghệ cứ đẹp dần lên trong mắt những người được tiếp xúc với họ, có cơ hội để hiểu về họ như vậy đó.
Qua những nghiên cứu, tìm hiểu về vùng đất nắng gió ấy, ta phần nào hiểu thêm về hai từ “cá gỗ”. Theo thời gian “cá gỗ” đã trở thành một đại từ chỉ người Xứ Nghệ và như một điều hiển nhiên vậy. Người Nghệ vẫn luôn tự hào vì hai từ ấy!
Điều đó là hoàn toàn đúng đắn, bởi nơi đây vốn có xuất phát điểm là một vùng quê “nghèo mồng tơi chưa kịp rớt”. Nhưng theo thời gian người Xứ Nghệ đã phải “gồng mình đi lên” “vượt qua bao khó khăn, gian khổ” để có được cuộc sống như ngày nay. Trong cái “gian lao” ấy, tâm hồn và ý thức của họ thật lớn, con “cá gỗ” kia chỉ còn lại trong tiềm thức, trong những câu chuyện được kể lại. Cuộc sống ngày một đổi thay, phát triển khiến hình ảnh “cá gỗ” mãi là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ. Bởi trong cái sự “nghèo túng, khó khăn” ấy, họ đã biết “ước mơ, phấn đấu” từ những việc nhỏ nhặt hàng ngày để vươn tới, cố gắng có được một cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn..
Nhắc tới vùng đất Xứ Nghệ, người ta sẽ nghĩ ngay đến truyền thống “nghèo mà hiếu học”, hai chữ “cá gỗ” ấy vẫn theo mãi tới sau này nhưng lại thấy vừa trân quý vừa nâng niu!
Xem thêm: Loạt ảnh Sài Gòn năm 1938 – 1939 để hiểu thêm về sự phát triển của “Hòn ngọc Viễn Đông”
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận