Ngôn ngữ Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của tiếng Pháp như thế nào?

Việt Nam từng là thuộc địa của Pháp trong suốt 100 năm. Do đó, không khó hiểu khi nhiều nét văn hóa của quốc gia này đã ảnh hưởng đến Việt Nam, trong đó phải kể đến ngôn ngữ.

Hoa Nguyễn
14:00 19/08/2021 Hoa Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng đã trở thành thuộc địa của Pháp trong gần 100 năm. Vì lẽ đó, tiếng Pháp đã có những ảnh hưởng nhất định đến đời sống, văn hóa của người Việt từ thời xa xưa và được ứng dụng cho đến tận ngày hôm nay. 

Bằng chứng là có khá nhiều người học tiếng Pháp vừa để giao tiếp, vừa để làm ăn trong thời kỳ ấy. Trong các văn bản, giấy tờ của Chính phủ Bảo hộ, trong giáo dục, sách báo thường ngày của người dân cũng được viết bằng tiếng Pháp. Thậm chí nhiều người cũng có thể cả việc hát và nói bằng tiếng Pháp một cách khá rành mạch rõ ràng.

Chữ Quốc ngữ được tạo ra bởi người truyền giáo và nhà ngôn ngữ học người Avignon là Alexandre de Rhodes, tác giả của cuốn từ điển Việt – Bồ La năm 1651. Tiếng Việt được lấy nền tảng từ ký tự La-tinh. Việc “La-tinh hóa” để tạo thành chữ Quốc ngữ cũng bị ảnh hưởng bởi đa số là ngôn ngữ Tây phương, đặc biệt là từ Pháp.

tu ngu viet nam 1

Trước khi bị Pháp xâm lược, Việt Nam đã trải qua thời kì bị đô hộ bởi Trung Quốc. Vì vậy, Nho giáo của người Trung cũng đã ảnh hưởng sâu đậm đến tư tưởng của người dân Việt Nam. Sau này khi Pháp thôn tính Việt Nam, chiếm 3 tỉnh Nam Bộ (Gia Định, Biên Hòa và Định Tường), Pháp đã chuyển văn hóa Nho giáo sang văn hóa phương Tây. Vào năm 1865, tờ báo Gia Định là tờ báo đầu tiên được ghi bằng chữ Quốc ngữ đã được phát hành nhằm chắc chắn rằng sau này chữ Quốc ngữ chính là chữ viết chính thức của Việt Nam.

Ngày đó, những người được gọi là trí thức, học trường Tây hay những người thích khoe mẽ thường dùng những đại từ xưng hô được lấy từ tiếng Pháp như: toa (anh, mày – tiếng Pháp là toi), moa hoặc mỏa (tôi, tao – tiếng Pháp là moi), en hoặc ẻn (cô ấy, chị ấy – tiếng Pháp là elle), lủy (anh ấy, hắn – tiếng Pháp là lui), xừ hoặc me-xừ (ông, ngài – tiếng Pháp là monsieur). Để châm biếm, người ta hay nói câu: “Hôm qua moa đi xe lửa, buồn tiểu quá nên moa phải đái trên đầu toa”. Trong câu nói này, nếu gọi là văn hoa thì người sử dụng lối chơi chữ “toa” nghĩa là “toa tàu” mà “toa” cũng có nghĩa là “anh” (người đối diện). Ý châm biếm của câu là: “Hôm qua tôi đi xe lửa, buồn tiểu quá nên tôi phải đái trên đầu anh”.

tu ngu viet nam 3

Ngoài ra, đường ray xe lửa được xây dựng ở Sài Gòn là đường xe lửa đầu tiên của Việt Nam được xây dựng vào năm 1881 bởi người Pháp. Đường ray (rail) kéo dài từ cột cờ Thủ Thiêm đến bến xe Chợ Lớn với tổng chiều dài là 13km. Thanh ngang ở đường ray xe lửa gọi là tà-vẹt (traverse). Đến năm 1885 thì chuyến xe lửa đầu tiên mới được khởi hành. Còn có thông tin rằng từ “ga” trong ga xe lửa ngày nay cũng là từ được vay mượn từ tiếng Pháp. Nguồn gốc của từ “ga” là “gare”. Sau này khi từ ga được phổ biến, ta lại có thêm từ “sân ga”, “trường ga”, “ga chính”, “ga xép”,… Trong giao tiếp hằng ngày của chúng ta, mọi người hay sử dụng từ “bẻ lái” để nói về việc không thích một câu chuyện gì đó và lảng tránh sang một câu chuyện khác. Từ “bẻ lái” ấy được hình thành từ “bẻ ghi” (aiguiller) nghĩa là điều khiển ghi (aiguille), đây là hành động điều khiển để xe lửa chuyển sang đường ray khác.

Vì sự ảnh hưởng văn hóa cũng như ngôn ngữ quá lâu nên người Việt khi sử dụng từ ngữ nào đấy thì cứ ngỡ đó là từ thuần Việt. Thật ra có những từ được xuất phát từ Pháp mà bạn hay sử dụng như “cao su” (caoutchouc). Đây là loại cây công nghiệp được Pháp đem vào Việt Nam nhằm phát triển kinh tế để phục vụ cho quân sự của thực dân Pháp dưới hình thức đồn điền. 

Bởi vậy mới có bài thơ như sau:

“Cao su đi dễ khó về,

Khi đi trai tráng, khi về bủng beo.

Cao su đi dễ khó về

Khi đi mất vợ, khi về mất con.

Cao su xanh tốt lạ đời

Mỗi cây bón một xác người công nhân.

Có đi mới biết Mê Kông

Có đi mới biết thân ông thế này.

Mê Kông chôn xác hàng ngày

Có đi mới biết bàn tay xu Bào”.

Bào là tên của người cai quản đồn điền, hắn nổi tiếng tàn độc. Còn xu là người kiểm soát, đây cũng là từ vay mượn của Pháp (Surveillant).

Ngoài ra, với từ cao su ta đã biến thể ra nhiều từ ngữ với nhiều ý nghĩa khác nhau như giờ cao su để chỉ những người hay kéo dài thời gian, không đến đúng giờ, kẹo cao su (chewing-gum),… Thêm nữa là từ nhà băng nghĩa là ngân hàng, xà bông là “banque” và “savon”. Bởi vì người Việt đã dùng từ này khá lâu và quen với nó nên không để ý nguồn gốc của từ đó xuất phát từ tiếng Pháp. Nói đến xà bông, đây là một chất dùng để giặt, tẩy rửa rất chuộng ở Sài Gòn như xà bông Cô Ba của Trương Văn Bền vào thập niên của thế kỷ XX. Còn tại miền Bắc của Việt Nam, người ta không dùng từ xà bông mà dùng từ xà phòng.

tu ngu viet nam 5

Về lĩnh vực ẩm thực cũng được vay mượn rất nhiều từ Pháp. Tên món ăn và cả cách phát âm cũng được sử dụng trong các nhà hàng. Ví dụ như khi ngồi vào bàn, người ta sẽ mở mơ-nuy (nghĩa là thực đơn – menu) và gọi những món bít-tết (tiếng Pháp là bifteck, tiếng Anh là beefsteak) và uống rượu vang (rượu nho – vin), rượu bia (bière). Các món thịt cũng được mọi người gọi để dùng bữa như xúc xích (saucisse), món pa-tê (paté), thịt phi-lê (filet), giăm-bông (jambon). Ngay cả những món ăn tưởng như rất bình thường trong những bữa cỗ của Việt Nam là ra-gu và cà-ri cũng là từ vay mượn của Pháp, từ gốc được ghi lần lượt là ragout, curry,… 

Với giới nhà giàu hoặc quan chức thời Pháp thuộc còn phóng khoáng hơn khi cho tiền puộc-boa (tiền thưởng – pourboire) với những người phục vụ làm việc tốt.Về các loại bánh mì phải kể đến bánh mì ba-ghét, bây giờ người mình gọi là bánh mì que (loại bánh mì có hình dáng dài và nhỏ – tiếng Pháp là baguette), còn có loại bánh pa-tê-sô (bánh nhân thịt, lúc nóng ăи vào sẽ cảm thấy giòn và ngon – tiếng Pháp là pathé chaud), bánh croát-xăng (bánh sừng bò, loại bánh này người ta hay dùng để ăn sáng – tiếng Pháp là croissant). Ngoài ra, các món ăn kèm như trứng gà ốp-la (oeuf sur le plat) hay những món trứng khác như trứng ốp-lết (omelette), trứng la-cóc (loại trứng trụng qua nước sôi, người ta thường ăn với muối tiêu – oeuf à la coque) cũng xuất phát từ ngôn ngữ Pháp. 

Thú vị hơn là thức uống phổ biến vào buổi sáng của tất cả mọi người là cà phê cũng được xuất phát từ từ café, trong đó cà phê phin (filtre à café) là cà phê đúng chất nhất. Người phương Tây họ thường thích những món ăn được làm từ sữa, chẳng hạn như bơ (beurre), pho-mát (fromage, kem (crème). Ngay cả thương hiệu sữa nổi tiếng ở Sài Gòn cũng được vay mượn từ Pháp như sữa Ông Thọ (Longevity) và sữa Con Chim (Nestlé). Thật ra biểu tượng “Ông Thọ chống gậy” trên hộp sữa nghĩa là tuổi thọ. Còn biểu tượng của Nestlé là một tổ chim. Người Sài Gòn gọi đó là sữa Con Chim, dần dà từ đó trở thành từ ngữ gọi chung của người Việt.

Với những áo quần lót bên trong cũng hầu như ảnh hưởng từ Pháp. Chẳng hạn như áo xu-chiêng (áo nịt ngực – soutien-gorge) cùng với quần xì-líp (slip). Với nam giới thì thường mặc áo may-ô (maillot) bên trong trước khi mặc áo sơ-mi. Đối với quần tây thì cần phải có thêm xanh-tuya (dây nịt – ceinture). Để thoải mái hơn, con trai thường bận quần soọc (từ này tiếng Pháp cũng mượn tiếng Anh – short).

tu ngu viet nam 6

Trong quân sự đặc công gọi là còm-măng-đô (commando). Xe quân sự có hộ tống thì được gọi là công-voa (convoi). Những nơi được xây dựng cố định để cố thủ gọi là lô-cốt (blockhaus). Bây giờ, mọi người sẽ thấy những nơi được đào đường có rào chắn xung quanh, những cái đó người ta cũng sử dụng từ lô-cốt. Thời đó, lực lượng cảnh ѕáт còn được bằng nhiều cái tên khác nhau như mã-tà (matraque), phú-lít (police), sen đầm (gendarme), ông cò (commissaire). Với những người bên thuế, hải quan thì được gọi là đoan (douane).

Về phần nông sản, hoa màu thì có đậu cô-ve (haricot vert), đậu pơ-tí-poa (đậu Hà Lan có hạt tròn màu xanh – petits-pois), bắp sú (bắp cải – chou), súp-lơ (bông cải – chou-fleur), xà ʟách (salade), cải xoong (còn gọi là xà ʟách xoong – cresson), cà-rốt (carotte), ác-ti-sô (artichaut),… Những nông sản này dùng để nấu ăn hoặc nấu nước uống vô cùng bổ dưỡng, hiện nay rất phổ biến với đời sống của mọi người.

Về khía cạnh âm nhạc cũng chịu ảnh hưởng không ít. Chẳng hạn như đi tiệc, mọi người sẽ nhảy điệu tango, điệu valse dưới nền nhạc được tấu từ đàn dương cầm (piano), vĩ cầm (violon), khẩu cầm (harmonica). Tại các đăng- xinh (vũ trường – dancing) sẽ có ọc-két (ban nhạc – orchestre). Đối với các cô gái làm tiền ngày nay, người ta dùng từ ca-ve (cavalière). Thực ra, từ ca-ve nguyên thủy của nó là chỉ nghề nhảy của các cô gái trong vũ trường ngày xưa. Vì hiện nay mọi người sử dụng từ ca-ve cho ý nghĩa những cô gái làm tiền nên ý nghĩa của từ này đã bị mất.

tu ngu viet nam 4

Cả về phương tiện di chuyển như xe ô-tô (xe hơi – auto, automobile) cũng là từ vay mượn của Pháp. Hồi đó, để khởi động xe ô-tô, người ta sẽ quay ma-ni-ven (manivelle) được đặt ở đầu xe. Sau này phát triển hơn, người ta bắt đầu đề máy bởi bộ đề-ma-rơ (khởi động – démarreur). Các tài xế, sốp phơ (người lái xe – chauffeur) sẽ điều khiển xe bằng vô-lăng (volant). Những vật dụng trong ngành cơ khí ngày nay được sử dụng nhiều như cờ-lê (chìa vặn – clé), mỏ-lết (molete), đinh vít (vis), tuốc-nơ-vít (cái vặn vít – tournevis) cũng xuất phát từ tiếng Pháp. Ngoài ra còn có công-tơ (thiết bị đồng hồ – compteur), công tắc (cầu dao – contact).

Những từ trên đây đều là những từ rất quen thuộc với chúng ta nhưng lại ít người thắc mắc nó xuất phát từ đâu? Thật không thể phủ nhận rằng những từ ngữ được vay mượn từ nước ngoài đã làm tăng thêm vốn từ, giúp cho từ ngữ của Việt Nam trở nên phong phú và đa dạng hơn. Dù bất luận thế nào đi chăng nữa thì những điều đó đã giúp tiếng Việt của ta trở nên giàu đẹp hơn.

Xem thêm: Vua Minh Mạng đã làm thế nào để dẹp nạn "sâu mọt" đục khoét của dân?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận