Làm sao để hóa giải hết nghiệp báo trong kiếp này?
Nghiệp báo hay nói chính xác hơn là nghiệp quả báo ứng. Bởi tất cả những việc chúng ta làm ra đều sẽ có nghiệp quả và chúng sẽ cân xứng với nghiệp nhân.
Nghiệp báo là gì?
Nghiệp báo là nghiệp quả báo ứng, nghiệp nhân chúng ta đã gây ra thì sẽ nhận nghiệp quả tương ứng. Trước tiên chúng ta cần biết chữ nghiệp.
Nghiệp: là dịch nghĩa chữ Karma tiếng Phạn, chỉ hành động tạo tác theo thói quen của mỗi người. Nghiệp có nghiệp thiện, nghiệp ác, định nghiệp, bất định nghiệp… Nghiệp thiện là hành động tốt đẹp mang lại lợi ích và giúp đỡ chúng sanh. Nghiệp ác là những hành động dữ, xấu làm chúng sanh đau khổ. Ðịnh nghiệp là hành động hoặc tốt hoặc xấu có cộng tác với ý thức tạo thành nghiệp quyết định. Bất định nghiệp là hành động hoặc tốt hoặc xấu không cộng tác với ý thức nên thành nghiệp không quyết định.
Báo: chính là đền trả một cách công bằng, những hành động từ nghiệp mà ra. Hành động của chúng ta tốt hay xấu, lành hay dữ thì kết quả của hành động ấy sẽ đến chỉ là sớm hay muộn thôi. Báo có ba loại: hiện báo, sanh báo và hậu báo. Hiện báo là quả báo hiện tại, ngay trong kiếp này. Sanh báo là quả báo đời sau, kiếp sau. Hậu báo là về sau lâu xa mới chịu quả báo.
Từ đâu tạo thành nghiệp?
Bạn cho rằng nghiệp từ đâu tạo thành? Nghiệp đến với chúng ta từ chính miệng, thân hay ý nghĩ của chúng ta mà thành. Nếu miệng, thân, ý chúng ta làm điều lành, nói điều hay, suy nghĩ điều tốt thì sẽ tạo thành nghiệp lành. Ngược lại nếu miệng, thân, ý chúng ta làm điều dữ, nói lời không hay, hay có suy nghĩ xấu thì sẽ tạo thành nghiệp dữ. Thế nên, bản thân chúng ta tự tạo nghiệp cho chính mình nên sẽ là chủ nhân thọ báo.
Báo ứng cũng chính từ bản thân chúng ta mà ra. Mỗi khi chúng ta tạo nghiệp lành hay dữ thì mắt chúng ta sẽ thấy cảnh ấy, tai chúng ta sẽ nghe tiếng ấy. Những điều đó đã rơi vào tâm thức chúng ta. Kể cả đối tượng bị chúng ta làm khổ vui cũng thế, do mắt thấy, tai nghe nên hạt giống biết ơn hay thù hận cũng đã rơi vào tiềm thức của họ. Khi cả hai gặp lại nhau thì hạt giống ân oán ấy trỗi dậy, khiến hai bên tạo thêm một lần nghiệp lành dữ nữa.
Những điều chúng ta làm sẽ dần được góp nhặt và gieo vào tiềm thức, đó không phải việc huyễn hoặc hay do tưởng tượng mà ra. Khi trong tiềm thức còn chứa chủng tử thì sự huân khởi không thể nghĩ bàn. Vì thế nó có sức mạnh lôi kéo chúng ta đi thọ sinh trong lục đạo không có ngày dừng và nói đến nghiệp báo là nói đến sự luân hồi sinh tử.
Làm sao để giải trừ hết ác nghiệp?
Để hóa giải nghiệp báo, Đức Phật dạy chúng ta những điều sau:
Oan gia nên giải không nên kết: Đối với người oán hận ta, hãy quan tâm, trợ giúp họ sẽ giúp oan kết tự nhiên hóa giải. Ta giúp người khác vô điều kiện, không cầu danh cũng chẳng cầu lợi thì tự khắc tích phúc cho bản thân.
Bù đắp bằng những việc phúc thiện: Sự sám hối và làm việc thiện của bạn sẽ giúp nghiệp chướng tan biến nhanh hơn rất nhiều. Càng làm nhiều, bạn sẽ càng thấy hiệu quả rõ rệt.
Hiến máu nhân đạo: Cứu người thoát nạn luôn là công đức hàng đầu đựợc người người ca ngợi, được Thánh thần tán thán. Và không có cách cứu người nào dễ dàng hơn việc hiến máu nhân đạo.
Phóng sinh: Dù không bằng so với việc cứu người, nhưng cứu sống những con vật tội nghiệp khỏi cái chết đau đớn cũng sẽ đem lại cho bạn phước báo lớn lao.
Bao dung: Nghiệp chướng là phiền não, mà nguyên nhân không gì khác ngoài tư lợi, tham hư vinh nên sân si, dục vọng. Vượt qua phiền não của bản thân chính là cách giải thoát ác nghiệp hiệu quả nhất. Tâm càng thanh tịnh thì nghiệp ác càng tiêu tan, tâm càng phiền não thì nghiệp ác càng tích tụ.
Nghiệp là do chúng ta gây ra vì vậy muốn hết nghiệp thì bản thân phải khéo loại hết những chủng tử nghiệp ở trong tiềm thức ra. Khi tiềm thức không còn nghĩ ngợi về những điều xấu xa, ích kỷ, dâm dục,... lúc ấy chúng ta sẽ sớm thoát khỏi cõi luân hồi. Vì thế muốn hết nghiệp sinh tử, chúng ta phải tu để tiêu diệt các suy nghĩ tiêu cực ra khỏi tâm trí. Bởi chọn lựa cuộc sống khổ vui là quyền sở hữu của chúng ta, không phải Thần thánh, cũng không phải một thế lực nào khác.
Tất cả tương lai đều do bàn tay chúng ta gây dựng. Nếu chúng ta không chấp nhận cuộc sống luân hồi nữa, cũng chính là loại bỏ những mầm sinh tử đang chứa chấp trong tiềm thức của chúng ta. Thế là, chúng ta đã giành quyền với tạo hóa, đã tước bỏ quyền lực của thần linh và độc tôn trong việc thoát ly sinh tử.
Xem thêm: Cách chú tâm khi ăn uống theo chỉ dẫn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận