Giai thoại về "con ma nhà họ Hứa" và những điều bí ẩn khiến người ta rùng mình khi nghĩ về
Toà biệt thự bề thế của gia tộc họ Hứa tồn tại gần 100 năm nay giữ lòng Sài Gòn. Ở đó vẫn luôn ẩn chứa những điều bí ẩn khiến con người ta cảm thấy tò mò lẫn sợ hãi.
Chú Hỏa (1845-1901) được biết đến là một trong những thương gia tài giỏi và giàu có bậc nhất Sài Gòn vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu của thế kỷ XX. Ông được tôn vinh là một trong tứ đại hào phú: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa” (Huyện Sỹ – Lê Phát Đạt; Tổng đốc Phương – Đỗ Hữu Phương; Bá hộ Xường – Lý Tường Quan và Chú Hỏa – Hui Bon Hoa).
Chú Hỏa sống cùng gia đình trong căn biệt thự lớn lộng lẫy, xa hoa và tráng lệ. Điểm đặc biệt của căn biệt thự là nó có tới 99 cánh cửa, được thiết kế và lắp đặt đối xứng ở cả 4 tầng lầu. Với vẻ cổ kính, hài hòa giữa hai trường phái kiến trúc Âu – Á, trải qua gần 100 năm tuổi, ngôi biệt thự vẫn đẹp lộng lẫy và rất kiên cố, không bị ảnh hưởng bởi thời gian. Chính nơi đây đã xuất hiện lời đồn về hồn ma của con gái chú Hỏa.
Theo lời đồn truyền lại rằng, chú Hỏa có ba người con trai và một cô con gái út. Cô gái rất xinh đẹp, được ông rất mực cưng chiều, tuy nhiên không may cô mắc bệnh phong, là một trong 4 căn bệnh nan y không có thuốc chữa thời bấy giờ. Nhằm che giấu việc con gái mình bị bệnh phong cùi, ông Hứa đã giam lỏng cô vào một căn phòng tối trên tầng cao nhất của toà biệt thự. Hàng ngày người làm sẽ thay phiên nhau mang cơm nước, quần áo cho tiểu thư thông qua một khe cửa. Điều đặc biệt là tất cả đầy tớ đều phải đi lùi và không được nhìn tiểu thư.
Từ một cô tiểu thư đài bỗng trở thành một kẻ dị nhân ghẻ lở khắp mình, phải sống tách biệt với thế giới bên ngoài, điều này khiến cho tiểu thư họ Hứa gào thét trong vô vọng.
Thời gian qua đi, cô tiểu thư cũng qua đời. Nhưng vì quá thương nhớ con gái nên chú Hoả đã không mai táng, mà đặt thi hài của cô vào cỗ quan tài bằng đá, nắp đậy là một tấm kính dày 5cm. Hàng ngày vẫn có một bà vú mang thức ăn lên phòng cho tiểu thư bởi ông muốn tạo cảm giác như đứa con gái mà ông yêu thương vẫn còn sống bên mình.
Vào ngày giỗ đầu của con gái, Chú Hỏa đặt may một bộ váy màu trắng, ông còn mua con búp bê biết nháy mắt và một đĩa cơm gà để cúng. Sau khi khách mời ra về, bà vú lên phòng dọn dẹp như thường lệ. Bỗng nhiên bà hét lớn rồi chạy như ma đuổi xuống dưới, miệng liên tục nói: “Cô chủ về! Cô chủ về!”.
Trong căn phòng âm u, nắp hòm bằng kính bị mở ra, con búp bê đứng hẳn trên lồng kính với đôi mắt nháy lia lịa, còn đĩa cơm đã vơi đi một nửa, dù các cửa phòng vẫn khóa chặt từ lúc sáng.
Sau đó, biết có điềm chẳng lành, gia đình họ Hứa đã bí mật đem thi hài tiểu thư chôn ở cạnh ngôi biệt thự nghỉ mát của gia đình ở Long Hải (Vũng Tàu) cách xa thành phố. Và kể từ khi ấy, mỗi khi đêm về người ta lại nghe thấy những tiếng khóc than ghê rợn phát ra từ phía căn phòng tối của cô tiểu thư xấu số.…
Bác Biên (bảo vệ Bảo tàng) chia sẻ về giai thoại con ma nhà họ Hứa rằng: “Câu chuyện được kể từ người này sang người khác thì đương nhiên sẽ có dị bản. Cũng như chuyện vì sao Chú Hỏa lại giàu như vậy, trong một thời gian ngắn có thể sở hữu 20.000 căn nhà mặt phố ở Sài Gòn. Có người kể là do ông ta đi bán ve chai nhặt được vàng. Có người cho rằng gia tộc ông là gia tộc giữ ngân khố của triều đình nhà Minh, khi nhà Minh bị Mãn Thanh đánh bại, gia tộc ông Hứa đem theo số vàng ấy chạy sang Việt Nam để lập nghiệp. Thế nhưng dù vì lý do nào, nếu Chú Hỏa không tài giỏi trong việc nắm bắt thời cơ và nhạy bén trong kinh doanh thì ông cũng sẽ không có được một cơ ngơi bề thế như vậy”.
Còn đối với căn biệt thự ở Vũng Tàu, bên trong, vẫn còn những hàng cột theo kiểu kiến trúc La Mã sang trọng nhưng vách tường bị vỡ nhiều nơi được tô trát lại tạm thời bằng xi măng mang lại cảm giác thật cô quạnh.
Ngoài ra, ở một chân cầu thang có vết sơn đỏ, không biết do vô tình hay cố ý, gợi lên sự rùng rợn của một ngôi nhà ma. Bước lên sân thượng, được tô trát sơ sài ở một góc sân càng làm cho cảnh tượng thêm nơi đây thêm hoang tàn. Điều đặc biệt là nội thất bên trong ngôi lâu đài này không còn lưu lại một thứ gì…”.
Các bác bảo vệ ở bảo tàng cũng cho biết: “Ngày cũng như đêm, bao năm qua ngủ tại lâu đài này chưa bao giờ chúng tôi gặp một hiện tượng bất thường nào”.
Vào năm 1973, bộ phim “ Con ma nhà họ Hứa” đã ra đời dưới sự sản xuất của hãng phim tư nhân Dạ Lý Hương, lời giới thiệu là dựa trên bi kịch xảy ra với gia đình Chú Hỏa. Đây là bộ phim ma đầu tiên của điện ảnh miền Nam trước năm 1975, cùng với thành công ngoài mong đợi là sự tò mò về câu chuyện liên quan đến gia tộc lừng lẫy bậc nhất đất Sài Gòn.
Câu chuyện này cho đến nay vẫn được truyền tai nhau nhưng vẫn chưa có một chứng cứ rõ ràng nào xác minh đâu là sự thật. Theo một số ghi chép thì vào năm 2006, một người tên là Eddie Hui-Bon-Hoa (được cho là con cháu của Chú Hỏa) khẳng định ông Hui Bon Hoa chỉ có ba người con trai, lần lượt mang tên là: Huỳnh Trọng Huấn (Tang Huon Hui Bon Hoa), Huỳnh Trọng Tán (Tang Chanh Hui Bon Hoa) và Huỳnh Trọng Bình (Tang Phien Hui Bon Hoa). Nếu ghi chép trên là xác thực thì có nghĩa Chú Hỏa không có người con gái nào cả.
Vậy đâu mới là sự thật ? Liệu có phải ông Hứa chỉ có 3 người con trai, và sự tồn tại của cô con gái út chỉ là lời đồn nhảm? Đây có lẽ là bí mật ấy mà chỉ Chú Hỏa và những người con của ông dưới những lớp đất sâu mới có câu trả lời.
Xem thêm: Chân dung Lý Lệ Hà - "Tiểu tam" hết lòng hầu Vua nhưng vẫn bị bỏ rơi
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận