Cách Đức Phật xoay chuyển vận mệnh của từng người, hoán cải xã hội

Đức thanh tịnh là căn bản của người tu theo Đức Phật, chẳng những căn bản của người tu, mà đức thanh tịnh cũng là cội nguồn của một xã hội văn minh.

Hoa Nguyễn
08:30 21/11/2021 Hoa Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Để hướng tới một xã hội tốt đẹp, việc đầu tiên cần phải làm là hoán cải con người. Nhưng đây không phải là chuyện dễ dàng có thể thay đổi được. Đạo Phật bắt đầu hoán cải từng cá nhân, từ trẻ thơ non dại đến những người trưởng thành để tạo nền tảng là một con người tốt đẹp là thanh tịnh.

Thanh tịnh là gì ?

Thanh tịnh là trong sạch. Trong sạch không phải thoát ly ngoài cảnh trần tục, mà ở ngay trong cõi đời nhưng không bị nhiễm ô uế, không bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ, tâm địa xấu xa. Như hoa sen tuy nằm giữa bùn hôi tanh nhớp nhúa nhưng vẫn mang hương vị thơm tho, thuần khiết.

duc phat 8

Vì thế khi nói đến đức thanh tịnh, đạo Phật mượn hình ảnh hoa sen để biểu thị. Muốn có được đức thanh tịnh, người Phật tử phải tập dần từ hành động thanh tịnh, ngôn ngữ thanh tịnh cho đến tư tưởng thanh tịnh.

Hành động thanh tịnh

Đầu tiên, người Phật tử phải giữ gìn thân thể sạch sẽ, ăn mặc giản dị. Tiếp đó là đi đứng phải đoan chính, tránh mọi xa  hoa, phù phiếm và vô độ. Người Phật tử lập đức thanh tịnh, không bao giờ được bắt nạt, đánh đập, ăn hiếp kẻ yếu. Đối với những loài động vật nhỏ bé cũng không được giết hại vì đó được coi là hành động xấu xa. Hay cái nhìn ngạo nghễ, một cử chỉ khinh khi, người Phật tử cũng không khi nào có, bởi nó có thể làm hoen ố một đời trắng trong của họ. Người Phật tử luôn hướng tới những cử chỉ, hành động tốt đẹp và luôn cứu giúp nâng đỡ mọi người.

Bởi thế nên bàn tay Phật tử lúc nào cũng trực vuốt thẳng những nếp nhăn trên trán cho kẻ thảm sầu, thoa dịu những vết thương cho người đau khổ và lau khô dòng lệ lăn trên má của cô nhi… Bàn tay ấy sẽ mở lồng cho đàn chim được vỗ cánh tung bay về bầu trời cao rộng, vỗ về một con vật bị người hành phạt đau thương,... mọi hành động trên đều nhằm mục đích cứu người, cứu vật.

Ngôn ngữ thanh tịnh

Lời nói chính là một vũ khí sắc bén, có thể giết người, giết mình một cách dễ dàng, nếu là lời nói ác ý. Phật dạy: “Người đời lưỡi búa bén nằm sẵn trong miệng, sở dĩ giết mình do lời nói ác.” Lời nói ác không chỉ là những câu mắng chửi, nguyền rủa... mà nó còn là nói lời ngọt, êm nhưng với mục đích để lừa gạt người khác nhằm chuộc lợi cho bản thân.

duc phat 1

Lời nói có thể là lưỡi kiếm sắc bén giết người nếu trong tay kẻ bạo ác, nhưng cũng có thể trở thành cây đuốc sáng đưa con người ra khỏi u mê, hay cứu người trong cơn bệnh tật nếu trong tay người có đức, có tâm.

Vì thế người Phật tử không bao giờ nói những lời thô ác mà chỉ nói những lời hiền hòa, êm dịu và chân thật. Vì chỉ những lời êm dịu, ta mới khuyên nhủ được những người mang oán hận trong mình hay những kẻ thất chí vì tình và cả nỗi đau khổ của những người tật nguyền, khốn khổ... Tóm lại, tất cả lời nói có thể giúp ích người, có lợi cho xã hội đều là lời thanh tịnh, người Phật tử phải nói những lời ấy.

Tư tưởng thanh tịnh

Tư tưởng chính là động cơ gây nên tội ác, hoặc khiến đời sống con người phải ngầu đục, nhớp nhơ trong biển sinh tử. Ngược lại, tạo vô lượng phước đức đưa con người đến quả thanh tịnh giải thoát cũng do tư tưởng.

Tư tưởng giữ một vai trò quan trọng trong đời người; nên - hư, tốt - xấu, tiến - thối... đều do tư tưởng quyết định. Vì thế người Phật tử phải gạn lọc đào thải những tư tưởng xấu, phát triển những tư tưởng tốt để tâm hồn được thanh tịnh. 

Muốn đào thải những tư tưởng xấu bản thân người Phật tử phải tự mình chiến đấu với bọn giặc tham lam, sân hận, tự ái, ngã mạn..., xua đuổi chúng ra khỏi tâm hồn.

Phiền não là sóng, mà tâm là nước; sóng dừng, tâm nước mới trong. Người Phật tử muốn gạn lọc tư tưởng thanh tịnh cần phải quả cảm, thanh trừng hết những phiền não trong tâm mình, đồng thời tăng trưởng tư tưởng từ bi hỷ xả để gột rửa những nghiệp phiền não ấy đi. 

Tóm lại, trong ba món thanh tịnh, tư tưởng là quan trọng hơn cả, do đó người Phật tử tu đức thanh tịnh, xem tư tưởng là phần thiết yếu nhất, gạn lọc tư tưởng thanh tịnh rồi, ngôn ngữ, hành động tùy đó mà thanh tịnh, như nước ở hồ lọc trong rồi, khi mở vòi nào cũng đều chảy nước trong.

Thanh tịnh hoàn cảnh

Khi thân tâm ta đã thanh tịnh thì hoàn cảnh sẽ tùy thuộc thanh tịnh. Hoàn cảnh không nhất định tốt - xấu, nhơ- sạch mà còn tùy hành động tư tưởng con người mà chuyển theo.

duc phat 3

Nếu người văn minh trí thức ở nơi thôn dã hoang vắng, thì một thời gian cảnh vật ấy sẽ trở thành tốt đẹp. Ngược lại, một bọn người tâm địa xấu xa ở giữa đô thành hoa lệ, một thời gian đô thành ấy sẽ biến ra cảnh nhớp nhúa, xấu xa nếu họ không được cải thiện.

Bởi thế, đạo Phật muốn cải thiện xã hội, cải thiện quốc gia việc trước tiên phải cải thiện con người. Mà muốn cải thiện con người, đầu tiên phải cải thiện tư tưởng. Có như vậy tư tưởng, ngôn ngữ và hành động con người thanh tịnh thì chính cõi Ta-bà này đã thành Tịnh độ rồi, hay thế giới này chính là thế giới Cực Lạc vậy.

Như vậy, đức thanh tịnh là căn bản của người tu Phật và là cội nguồn của một xã hội văn minh; văn minh đúng với thật nghĩa của nó. Cho nên, bất luận trong đạo, ngoài đời nếu ai muốn cải thiện đời mình, cải thiện xã hội đều phải tu đức thanh tịnh... 

Xem thêm: Lời Phật dạy về luật nhân quả đối với người ác khẩu, "lời nói gió bay" nhưng nghiệp không tan

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận