Lời Phật dạy về luật nhân quả đối với người ác khẩu, "lời nói gió bay" nhưng nghiệp không tan

Đức Phật từng dạy rằng: Ác khẩu là một trong 4 điều bất thiện thuộc về lời nói. Nó sẽ gây ra nhiều tai họa cho con người trong cuộc sống nếu không biết cách tu dưỡng mỗi ngày.

Hoa Nguyễn
09:56 20/11/2021 Hoa Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Những lời nói dễ nghe có thể làm xoa dịu nỗi đau trong lòng, làm vơi đi những tâm trạng buồn bã, chán nản. Một lời nói nhã nhặn, khuyên răn đúng thời điểm, có thể làm thay đổi suy nghĩ tiêu cực của đối phương và từ đó dần làm thay đổi hành vi của họ.

Ngược lại, lời nói cũng có thể đưa con người vào cảnh tội lỗi, có thể khiến chúng ta phải ăn năn hối hận cả một đời. Trong đó, ác khẩu là một trong những nguyên nhân đưa đến hậu quả như thế. Do vậy, chớ có nên nói lời làm tổn thương người khác, ác khẩu ắt sẽ chiêu mời quả báo.

Hãy luôn thận trọng với ác khẩu

Tính chất quan hệ nhân quả trong Phật giáo có nói rằng, ác khẩu, ác ngữ là lời nói thâm độc, thô bạo, mắng nhiếc, chửi rửa,... là những lời lẽ thiếu văn minh trong giao tiếp thường ngày.

Đương nhiên cũng có những trường hợp nói nặng lời hoặc lớn tiếng trong một chừng mực nào đó không phải là ác khẩu. Nhất là trong quá trình giáo dục con trẻ của các bậc phụ huynh hoặc thầy cô.

ac khau 1

Trong Kinh Phật có một bài học đạo lý rất hay như thế này. Có người nghe Đức Phật rất từ bi, rất có đạo hạnh, nên cố ý đến mắng nhiếc Ngài. Thế nhưng khi bị chửi mắng, Đức Phật đều im lặng chẳng đáp.

Khi người ấy mắng nhiếc xong, Phật hỏi: “Ông đem lễ vật tặng người khác, người ấy không nhận thì lễ vật ấy cuối cùng sẽ thuộc về ai ?” Người ấy đáp rằng: "Lễ vật vẫn là của ta".

Đức Phật lại nói: “Nay ông mắng nhiếc ta, nhưng ta không nhận, ông tự mang vào thân ông vậy. Cũng giống như âm vang là do nương theo tiếng mà có, như bóng do hình mà thành, cuối cùng vẫn chẳng tránh được. Hãy thận trọng, chớ nói lời mắng nhiếc, ác ngữ!”

Theo đạo lý nhân quả trong Phật giáo, thì một việc làm, một lời nói, một ý niệm suy nghĩ của bản thân, đó là thiện hay bất thiện đều đưa đến kết quả nhất định của nó.

Có những hành vi, lời nói, suy nghĩ được lập đi lập lại nhiều lần thì kết quả hiện hành rõ ràng hơn, chi phối mạnh mẽ hơn trong đời sống thường ngày của cá nhân đó.

ac khau 3

Cho nên, có câu sách tấn rằng “Phàm làm việc gì, cũng phải suy nghĩ đến hậu quả của nó”, hay “Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Tức là người trí, người giác ngộ thì làm việc gì, nói gì, nghĩ gì cũng luôn cẩn trọng, cân nhắc đến hậu quả của nó.

Còn người u mê thì cứ làm, cứ nói, cứ hành xử theo cảm tính, theo suy nghĩ cá nhân của mình cho thỏa lòng hả dạ. Đến khi quả báo đã cận kề thì lại bắt đầu lo âu sợ hãi.

Hậu quả khó lường

Với những người thường dùng lời nói cay nghiệt để mắng nhiếc, chửi rủa người khác, điều này cho thấy họ là một người có lối sống thiếu phẩm chất, đạo đức, văn minh trong lời nói, trong giao tiếp. Dẫn đến hạ thấp uy tín của bản thân, những người xung quanh sẽ dần xa lánh họ.

Những người thân của họ ít nhiều cũng ảnh hưởng lây bởi những lời ác ngữ này. Nếu là bậc cha mẹ thường dùng ác ngữ đối với con cái thì trong quá trình trưởng thành, chúng cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những tính chất bất thiện này. 

Một đứa bé được nuôi dưỡng và giáo dục trong môi trường bất thiện thì khi trưởng thành chắc chắn phẩm chất đạo đức cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Còn nếu là con cái thường nói những lời thô bạo, thâm độc,…thì chắc chắn cha mẹ người thân không khỏi nao lòng.

ac khau 5

Nhất là trong xã hội hiện nay, rất nhiều người trẻ thường hay lên mạng dùng những lời nói khó nghe để chửi bới, xúc phạm, bài xích người khác. Có thể các bạn cho rằng những lời nói này không chỉ một người nào cụ thể, không trực tiếp một ai, thì sẽ không sợ nguy hại.

Nhưng thực tế điều này là rất nguy hiểm, không chỉ viết những lời ác ngữ, mà thậm chí chỉ cần tán thành, ủng hộ những lời ác ngữ cũng đã là hành vi dẫn đến nghiệp. Vì nhiều lần làm như vậy không ai biết xấu hổ, không ai kiểm soát, không ai khuyên răn nên lâu ngày sẽ trở thành một thói quen.

Trong Phật giáo gọi điều này là nghiệp, mà đã là nghiệp thì nó sẽ chi phối đời sống của tự thân người đó. Vì thế, một lời ác khẩu, ác ngữ đều có thể đưa đến những hậu quả khó lường.

Tránh ác khẩu bằng 5 câu hỏi đơn giản

Đương nhiên, “thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng” không đồng nghĩa với ác khẩu. Muốn biết một lời nói ra có phạm ác khẩu nghiệp hay không, cần xét đến hai yếu tố: Động cơ và kết quả.

Phật giáo Mật thừa ở Tây Tạng ghi nhận lại có những trường hợp các đạo sư lại dùng cách lăng mạ để giáo dẫn học trò, khiến cho người học trò tỉnh ngộ. Có thể kể tên Đạo sư Do Khyentse – người thầy hướng dẫn của đạo sư Patrul Rinpoche, một vị thầy rất nổi tiếng ở Tây tạng vào đầu thế kỷ XIX.

ac khau 4

Chuyện kể rằng, một lần Khyentse mắng học trò với lời lẽ rất khó nghe và giơ ngón tay út ra khi phát hiện chàng trai trẻ đang nảy sinh một suy nghĩ xấu xa. Ngay sau đó, người học trò nhập thiền và đã chứng đắc một kinh nghiệm tỉnh giác nội tại.

Trong câu chuyện này, việc mắng chửi học trò nhìn từ bề ngoài có vẻ rất xấu, rất tệ, nhưng ẩn sâu bên trong là một động cơ tốt, hơn thế lại đem đến kết quả tốt. Do vậy, đây không thể coi là khẩu nghiệp mà thực ra lại là một phương tiện để người thầy giúp cho học trò của mình được tiến bộ.

Do vậy mới nói, để xét một lời nói có phải ác nghiệp hay không, cần xét đến hai yếu tố “động cơ” và “kết quả”.

Đức Phật thường hay nhắc nhở, trong ba nghiệp Thân, Khẩu, Ý, thì “Ý nghiệp” tuy vô hình nhưng lại là chủ, từ “không” mà “thành sự” đều do “ý” mà ra – chính là để nhấn mạnh vai trò của “động cơ” trong lời nói.

Do đó, lời nói hay lời mắng mỏ nhưng xuất phát từ tình yêu thương chân thật, thực sự quan tâm đến người đối diện, thì thường không bao giờ dẫn đến “kết quả” tệ hại cả. Và ngược lại.

Với những người vốn có tính cách bộc trực, muốn nói thẳng nói thật – tức là bản chất là có “tâm tốt”, nhưng để lời nói của mình không gieo nhân xấu, trước khi nói hãy tự đặt ra 5 câu hỏi này: 

1. Nói có đúng lúc không?

2. Nói có đúng sự thật không?

3. Nói có tốt cho người nghe không?

4. Nói có đi cùng thái độ hòa nhã không?

5. Nói có xuất phát từ động cơ tốt không?

Tuy nhiên có một sự thật là những người thẳng thắn thường nhận lại sự “mất lòng” từ người khác trong cuộc sống, luôn thấy các mối quan hệ bị đổ vỡ sau lời mình nói. Do đó bạn hãy cân nhắc trước khi định nói bất cứ điều gì.

ac khau 6

Bởi nhiều khi, chúng ta mặc định mình “nói thẳng là vì muốn tốt cho đối phương” nhưng không hề biết rằng chính thái độ không hòa nhã đã làm hỏng tất cả.

Trong kinh Tạp A Hàm, Phật khuyên người đệ tử cần phải suy nghĩ trước khi nói: “Nếu ta không thích người khác nói lời thô ác với mình, thì người khác cũng như thế. Vậy tại sao với người khác, ta lại mạ nhục họ?”

Việc suy nghĩ thật kỹ trước khi nói sẽ giúp người nói kiểm soát được cơn giận giữ, bởi luyện khẩu cũng chính là điều tâm.

Xem thêm: Tâm từ đem lại nhiều quả phúc cho mọi người

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận