Vô vàn công dụng quý của phật thủ trong mâm ngũ quả ngày Tết

Vài năm trở lại đây, phật thủ trở thành loại trái cây được sử dụng nhiều trong việc bày mâm ngũ quả, có thể thay thế cho bưởi. Tuy nhiên, không mấy người biết về công dụng tuyệt diệu cũng như ý nghĩa tâm linh của nó.

Đỗ Thu Nga
14:00 02/02/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Phật thủ là quả gì?

Theo Wiki, phật thủ (danh pháp ba phần: Citrus medica var. sarcodactylis) là giống cây ăn quả thuộc chi Cam chanh. Tên gọi của loài cây này xuất phát từ hình dáng của quả chia nhánh trông như bàn tay Phật.

Phật thủ là giống cây bản đại của Trung Quốc và Nhật Bản, được trồng khá phổ biến tại Việt Nam. Cây phật thủ là loại cây thân gỗ nhỏ, cao từ 2 đến 2,5m, ra hoa quả quanh năm. 

Vo-van-cong-dung-quy-cua-qua-phat-thu-trong-mam-ngu-qua-ngay-Tet-0

Quả chín có màu vàng óng, các ngón tay của quả phật thủ đôi khi chứa một ít thịt quả có tính axit, thậm chí quả phật thủ có thể sẽ không có nước và hạt.

Quả phật thủ có ăn được không? Theo tìm hiểu, có thể dùng ăn tươi đối với loại quả có thịt ở phía bên trong. Song phần lớn quả phật thủ thường không có ruột và không có nước, nên người ta lấy vỏ quả dùng để nấu chè (giống như chè bưởi) và làm mứt.

Ý nghĩa của quả Phật thủ trong mâm ngũ quả ngày Tết

Theo Phật giáo, quả phật thủ giống như phật nghìn tay, nghìn mắt mà con người nghĩ ra những ngón tay đưa ra, cong vào để biểu tượng ôm ấp thì quả phật thủ biểu thị như thế. Chính vì vậy, tùy vào nhu cầu của từng gia đình có thể lựa chọn phật thủ để trưng Tết.

Ở một khía cạnh khác, quả phật thủ còn tượng trưng cho bàn tay Đức Phật ngự trị trong đời sống tâm linh mỗi người với hình tượng cao quý mang lại phước lành, bình yên, an lạc chính vì thế nhiều người dùng loại quả này để trưng Tết với ý nghĩa mong một năm mới nhiều an lành, vui vẻ, no ấm.

Vo-van-cong-dung-quy-cua-qua-phat-thu-trong-mam-ngu-qua-ngay-Tet-7

Theo quan niệm xưa, quả phật thủ là loại quả dùng để thờ Phật và gia tiên vì có mùi thơm quyến rũ, tác dụng lưu giữ thần, Phật và gia tiên lưu lại trong nhà lâu hơn để phù hộ cho gia chủ.

Quả phật thủ thường được bày trên mâm ngũ quả hoặc đặt trên bàn thờ để thắp hương cho tổ tiên. Nếu bày trên mâm ngũ quả, người Việt Nam thường đặt loại quả này ở trung tâm, nơi cao nhất trong mâm ngũ quả.

Quả phật thủ và vô vàn tác dụng với sức khỏe

Nhà khoa học, lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) cho rằng, việc vứt bỏ quả phật thủ sau khi thắp hương rất lãng phí. Bởi loại quả này là vị thuốc có nhiều công dụng.

Đại tá, lương y Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội đông y quận Ba Đình) cho biết, sau khi làm các thủ tục tâm linh, mọi người không nên vứt quả phật thủ đi mà nên để lại làm thuốc.

"Trong Tết Nguyên đán, người người nhà nhà mua phật thủ về trưng cho một năm mới an yên, tài lộc sum vầy. Sau đó, nếu không để bàn thờ nữa thì đừng vội vứt đi bởi nó có thể hoàn toàn tận dụng làm thuốc chữa bệnh. Đáng nói, có rất nhiều chứng bệnh thường gặp trong dịp Tết mà phật thủ có thể chữa khỏi, trong khi công đoạn làm thuốc không hề phức tạp", ông Minh khuyên.

Trong đông y, phật thủ có vị cay, chua và đắng, tính ấm; vào can vị phế, có tác dụng lý khí hóa đàm, thư can hòa vị chỉ thống. Dùng cho các trường hợp đau tức vùng liên sườn, vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, ho, hen phế quản nhiều đờm, khó thở...

Vo-van-cong-dung-quy-cua-qua-phat-thu-trong-mam-ngu-qua-ngay-Tet-4

Các nghiên cứu y khoa hiện đại cũng chỉ ra rằng, quả phật thủ chứa nhiều vitamin C, đường, acid hữu cơ, dầu chanh, glycozit, dùng làm thuốc thơm điều hòa khí. Ông Minh cũng cho biết, để sử dụng làm thuốc, quả phật thủ phải hái khi vỏ còn xanh hoặc ngả vàng, thái lát dọc phơi khô (phật thủ phiến) và bảo quản trong bình kín.

Khi sử dụng làm thuốc hay các món ăn, các vị chuyên gia về đông y khuyến cáo nên chọn quả không bị sâu, mua quả rõ nguồn gốc...

Theo lương y Bùi Đắc Sáng, đây là một số bài thuốc tốt từ quả phật thủ:

- Chữa ho đờm, viêm phế quản mãn tính: Phật thủ 6g, bán hạ chế 6g. Sắc nước uống trong ngày.

- Chữa đầy bụng, biếng ăn, nôn mửa: Phật thủ 3 - 10g, sắc nước uống hoặc ngâm rượu.

- Rượu phật thủ: Phật thủ 30g, rượu trắng 500ml, ngâm trong 7 - 10 ngày. Uống không quá 40 - 50ml/lần. Dùng cho các trường hợp rối loạn tâm thần ý thức (trầm cảm ức chế...).

- Siro phật thủ: Phật thủ 15g rửa sạch thái nhỏ, đường trắng lượng thích hợp cho vào trong bình trà, đổ nước sôi vào hãm uống thay trà. Dùng cho các bệnh nhân đau quặn bụng do đầy hơi trướng bụng.

- Cháo phật thủ: Phật thủ 10 - 15g, gạo tẻ 60 - 80g. Nấu phật thủ lấy nước bỏ bã, nấu với gạo tẻ, khi cháo chín cho thêm đường trắng khuấy đều, đun sôi, Dùng trong trường hợp sốt ho, đau tức vùng ngực do tràn dịch màng phổi.

- Chè phật thủ: Phật thủ 10g, rửa sạch, cho vào nước sôi hãm uống hay nước trà ngày 1 lần. Dùng cho các bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng, co thắt tâm vị, đầy ợ hơi, buồn nôn...

- Chè phật thủ cốc tinh thảo: Phật thủ 60gm cốc tinh thảo 15g, chè 3g. Phật thủ, cốc tinh thảo nấu lấy nước khi đã cạn thì gạn lấy nước vào ấm rồi cho chè sẵn. Cho uống ngày một ấm, dùng 5 - 7 ngày. Dùng cho các bệnh nhân viêm thị thần kinh, thị lực giảm.

- Ruột lợn hầm phật thủ: Ruột non lợn, phật thủ 15 - 30g. Ruột lợn làm sạch thái đoạn, nấu với phật thủ, thêm gia vị cho vừa ăn. Dùng cho phụ nữ bị huyết trắng, khí hư. Tuần dùng 2 - 3 lần, dùng liền trong 2 - 3 tuần.

(Tổng hợp)

Xem thêm: Cách bày mâm ngũ quả Tết Nhâm Dần 2022 của 3 miền

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận