Vợ chồng A Phủ và một vài câu hỏi phụ cần lưu ý
Vợ chồng A Phủ là tác phẩm nằm trong nội dung ra đề thi tốt nghiệp THPTQG, vì thế các bạn đừng bỏ qua một số câu hỏi tiên quan đến tác phẩm nhé.
Tính từ năm 2002 đến nay, tác phẩm Vợ chồng A Phủ đã xuất hiện 4 lần trong đề thi THPT. Lần cuối cùng là năm 2013. Chính vì rất lâu rồi tác phẩm này chưa xuất hiện trong đề thi nên các bạn học sinh không thể lơ là, ôn cho có được.
Và đưới đây là một số câu hỏi phụ hay từ tác phẩm Vợ chồng A Phủ được dẫn nguồn từ fanpage "Thích Văn học". Các bạn học sinh có thể tham khảo để có thêm tư liệu cho bản thân:
NHẬN XÉT GIÁ TRỊ HIỆN THỰC CỦA TÁC PHẨM "VỢ CHỒNG A PHỦ"
Thông qua những trang viết xúc động sâu sắc về Mị, những người nông dân miền núi nhà văn Tô Hoài còn thành công trong việc làm nổi bật giá trị hiện thực của tác phẩm. Giá trị hiện thực là bức tranh chân thực, sống động của cuộc sống được tái hiện, phản ánh qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ giúp nhà văn thể hiện những tư tưởng, tình cảm, cách nhìn nhận đánh giá của mình về cuộc sống. Có thể nói, giá trị hiện thực kết tinh trong những trang viết của Tô Hoài được biểu hiện trên nhiều phương diện. Trước hết, truyện ngắn đã khắc hoạ chân thực số phận khổ đau, bất hạnh, cơ cực của những người dân lao động miền núi như Mị, A Phủ dưới ách thống trị của bọn “chúa đất” miền núi. Không những thế, tác phẩm còn vạch trần bản chất xấu xa, độc ác với những thủ đoạn bóc lột tàn bạo của giai cấp thống trị ở miền núi, chính điều đó là nguyên nhân dẫn đến mọi khổ đau và bất hạnh của Mị. Tô Hoài không chỉ viết về hiện thực trần trụi, xấu xa, những góc khuất của cuộc sống mà hơn hết còn tái hiện nên một bức tranh thiên nhiên Tây Bắc với cảnh vật, con người, phong tục tập quán mang đậm màu sắc văn hoá cùng tạo nên nét riêng, hấp dẫn cho truyện ngắn của mình. Như vậy, giá trị hiện thực đã góp phần giúp người nghệ sĩ bộc lộ tài năng nghệ thuật, tạo nên sức sống lâu bền cho tác phẩm.
NHẬN XÉT VỀ GIÁ TRỊ NHÂN ĐẠO CỦA TÁC PHẨM "VỢ CHỒNG A PHỦ"
“Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ” (Sê - khốp). Xuất phát từ trái tim nhân đạo ấy nhà văn Tô Hoài đã thể hiện một cách ấn tượng sâu sắc giá trị nhân đạo của mình qua tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”. Điều đó được thể hiện trước hết mình ở tình yêu thương, sự trân trọng, đồng cảm sâu sắc của tác giả trước nỗi khổ đau, bất hạnh, sự thống khố trong thân phận của những người nông dân lao động miền núi vừa bị bóc lột bởi cường quyền vừa bị thống trị bởi thần quyền. Đồng thời, những áng văn của Tô Hoài còn ngợi ca, trân trọng vẻ đẹp, giá trị phẩm chất tốt đẹp của con người nơi đây, ấy là sức sống tiềm tàng mãnh liệt mặc cho bị đày đọa cùng cực, là ý chí kiên cường bản lĩnh dũng cảm gan dạ đến phi thường. Hơn nữa, giá trị nhân đạo được kết tinh trong tác phẩm còn là khi nhà văn dùng ngòi bút của mình tố cáo, phê phán sự bất công, tàn bạo, xấu xa, độc ác của bọn thực dân phong kiến đối với người dân Tây Bắc đẩy họ vào cuộc sống cơ cực khốn khổ. Cuối cùng, Tô Hoài đặt trọn niềm tin vào sức sống phi thường, không khuất phục hoàn cảnh của con người đồng thời gợi mở con đường, hướng đi để những người nông dân như Mị và A Phủ tìm được hạnh phúc, tương lai đó là hành động cởi trói cho A Phủ, là lựa chọn theo cách mạng, kháng chiến. Chính giá trị nhân đạo sâu sắc ấy đã giúp “Vợ chồng A Phủ” trở thành áng văn có sức sống lâu bền cùng thời gian.
NHẬN XÉT VỀ GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT CỦA NHÀ VĂN TÔ HOÀI
Để tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” trở thành bản tình ca, bức tranh sinh động, chân thực về mảnh đất Tây Bắc và mang chứa nhiều giá trị thì tất yếu không thể không nhắc tới tài năng của Tô Hoài mà trước hết được biểu hiện qua nghệ thuật xây dựng nhân vật. Tô Hoài đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Mị bằng bút pháp nghệ thuật đặc sắc mà trước hết là nghệ thuật miêu tả khắc họa tâm lí nhân vật. Tô Hoài đi sâu vào miêu tả diễn biến tâm lí của nhân vật một cách tự nhiên, hợp lí, khắc họa chân dung nhân vật bằng ngôn ngữ, cử chỉ. Nếu như Kim Lân thành công trong việc khắc họa tâm lí nhân vật của những người nông dân như Tràng, Thị hay Bà cụ Tứ thì Tô Hoài lại diễn tả chân thực, đậm chất miền núi của những người nông dân như Mị, A Phủ. Không những vậy, nhân vật được đặt vào tình huống độc đáo, bất ngờ từ đó bộc lộ số phận, phẩm chất sức sống tiềm tàng của nhân vật. Tô Hoài còn kết hợp bút pháp tự sự với bút pháp trữ tình để tái hiện cuộc đời nhân vật một cách ấn tượng, sâu sắc. Hơn nữa. nhân vật hiện lên với những chi tiết, hình ảnh tiêu biểu điển hình với ngôn ngữ trần thuật sinh động, hấp dẫn, giàu tính tạo tình, giản dị, tự nhiên. Đồng thời, ngôn ngữ của nhân vật có tính cá thể hóa cao độ cùng với điểm nhìn trần thuật linh hoạt, khi thì đứng bên ngoài quan sát khách quan. lúc lại nhập thân vào nhân vật để thể hiện những tâm trạng, tình cảm của nhân vật.
NHẬN XÉT VỀ "CHẤT THƠ" TRONG TÁC PHẨM "VỢ CHỒNG A PHỦ"
Nhà văn Tô Hoài từng chia sẻ “Ở mỗi nhân vật và trùm lên tất cả miền Tây, tôi đã đưa vào một không khí vời vợi, làm cho đất nước và con người bay bổng lên hơn, rời bỏ được cái ám ảnh tủn mủn, lặt vặt thường làm co quắp nhân vật, nhỏ bé vấn đề và khung cảnh đi”. Quả thực, “Vợ chồng A Phủ” được Tô Hoài xây dựng không chỉ đậm chất hiện thực mà còn hằn in sâu đậm chất thơ - chất trữ tình, gắn với cái đẹp cùng sự rung cảm trước cái đẹp. Chất thơ trong tác phẩm được biểu hiện trên nhiều phương diện mà trước hết là qua hình ảnh thiên nhiên Tây Bắc với những núi non, nương rẫy. Những chi tiết miêu tả thiên nhiên được tác giả khéo léo đan xen vào lời kể chuyện tạo sự tự nhiên, hòa quyện cho trang viết như khi nhìn ra ô cửa sổ trong căn buồng mình Mị chỉ thấy “trăng trắng, không biết là sương hay là nắng”, khi “gió thổi cỏ gianh vàng ửng, những chiếc váy hoa đã đem phơi trên mỏm đá..”. Chất trữ tình ấy còn được kết tinh trong đời sống sinh hoạt, những phong tục tập quán của con người nơi đây. Đó là không khí ngày tết rộn ràng, là dịp để những đôi trai gái yêu nhau, là dịp Mị nhớ lại ngày trước có tài thổi sáo biết bao người mê ngày đêm thổi sáo đi theo Mị, là những ngày tràn ngập sức sống, thanh âm của một miền Tây Bắc với câu hát “Anh ném pao, em không bắt/ Em không yêu, quả pao rơi rồi”. Qua đó, bức tranh về cảnh và người Tây Bắc càng hiện lên hùng vĩ, thơ mộng, trữ tình. Nhưng có lẽ, chất thơ ấy được kết tinh ấn tượng và sâu sắc nhất là qua tâm hồn của nhân vật Mị. Từ một cô gái lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa với sự trơ lì, chai sạn, vô cảm Mị trở thành biểu tượng của sức sống tiềm tàng, mãnh liệt, sức sống ấy lớn đến mức có thể giúp Mị chống lại cường quyền và thần quyền để vươn tới sự tự do, hạnh phúc. Và cuối cùng, khi nhắc đến chất trữ tình thơ mộng của “Vợ chồng A Phủ” ta không thể không nhắc đến ngôn ngữ. Tô Hoài sử dụng những từ ngữ hình ảnh gợi cảm, nên thơ, lãng mạn tạo nên chất thơ cho trang viết. Chính điều đó đã giúp “Vợ chồng A Phủ” trở thành một trong những truyện ngắn hiện đại xuất sắc trên văn đàn Việt Nam.
Xem thêm: Rung cảm cùng "những kiếp đời tàn" trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận