Triết lý nhân sinh qua cuộc hoán đổi "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"
Bắt kịp sự chuyển mình của văn học thời hậu chiến, "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" vừa xoay quanh những câu chuyện thế sự, vừa khai thác thế giới nội tâm con người. Từ đó, đưa ra triết lý nhân sinh sâu sắc.
Lưu Quang Vũ (SN 1948 tại Phú Thọ), là câu bút nổi tiếng của văn học Việt Nam hiện đại. Suốt giai đoạn trưởng thành, ông chứng kiến nhiều đổi thay của đất nước. Tất cả trở thành chất liệu để ông viết nên những tác phẩm giàu tính hiện thực, nhân văn, dễ dàng đi sâu vào tâm trí bạn đọc.
Bên cạnh thơ, tài năng văn chương của Lưu Quang Vũ còn nở rộ ở mảng kịch nghệ. Ông được coi là 1 trong những nhà soạn kịch xuất sắc của Việt Nam. Điều đó được thể hiện qua hàng loạt tác phẩm gây chấn động dư luận như: Sống mãi tuổi 17; Nàng Sita; Hồn Trương Ba, da hàng thịt; Tôi và chúng ta. Trong đó, "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" là tác phẩm tạo tiếng vang mạnh mẽ nhất.
"Hồn Trương Ba, da hàng thịt" - Câu chuyện vừa thực vừa ảo
Vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" kể về cuộc đời nhân vật Trương Ba - một người hiền lành, thẳng tính, có tài đánh cờ tướng. Kỳ nghệ của ông xuất chúng đến mức vị tiên cờ Đế Thích phải thích thú, hạ phàm làm bạn cờ.
Một lần nọ, Đế Thích tặng Trương Ba bó nhang và dặn, khi nào muốn chơi cờ, hãy thắp một nén gọi ông xuống. Không lâu sau đó, Nam Tào bất cẩn gạch tên Trương Ba khỏi sổ sinh tử khiến ông lìa đời một cách oan uổng.
Gia đình Trương Ba đau đớn vô cùng nhưng gắng gượng để lo hậu sự cho ông. Sau khi mọi chuyện xong xuôi, vợ Trương Ba liền thắp cho chồng 1 nén nhang, nhưng không ngờ đó là cây nhang thần.
Ngay sau đó, Đế Thích xuất hiện, hay tin bạn mất, tiên cờ muốn làm phép cho Trương Ba sống lại nhưng thời gian qua lâu khiến thân xác Trương Ba bị hư hỏng.
Đúng lúc ấy, anh hàng thịt qua đời. Đế Thích biết tin đã hóa phép để hồn Trương Ba trú ngụ trong thân xác hàng thịt. Cuộc hoán đổi này đã gây nên những tranh cãi không hồi kết giữa vợ Trương Ba và vợ người hàng thịt.
Cả hai mang sự việc lên giải trình với quan trên. Quan xử rằng: "Ban ngày sẽ trở thành anh hàng thịt, tối sẽ trở thành Trương Ba". Từ sự phân chia này, những mâu thuẫn trong đời sống giữa linh hồn và thể xác bắt đầu nảy sinh...
Triết lý nhân sinh qua một cuộc hoán đổi
"Hồn Trương Ba, da hàng thịt" là vở kịch được Lưu Quang Vũ lấy cảm hứng từ cốt truyện dân gian. Ông đã có những sáng tạo đáng kể về cả nội dung và hình thích để vở kịch trở nên đậm chất thời sự, đặt ra nhiều vấn đề khiến độc giả phải suy ngẫm.
Lưu Quang Vũ đã mở rộng tuyến nhân vật, không gian, bối cảnh. Đồng thời làm phong phú các đoạn đối thoại, lời độc thoại khiến cho tầng nghĩa triết lý của vở kịch thêm sâu sắc hơn.
Nếu cốt truyện dân gian chỉ dừng lại ở cảnh hồn Trương ba nhập vào xác người hàng thịt, sống hạnh phúc với người thân đến cuối đời thì Lưu Quang Vũ đã dùng ngòi bút của mình viết thêm, tập trung khai thác xung đột giữa hồn và xác để làm nổi bật lên triết lý nhân sinh. Từ đây, ta có thể thấy rõ tư tưởng mới mẻ của nhà văn.
Khi truyện dân gian tuyệt đối hóa linh hồn thì Lưu Quang Vũ chú trọng đến mối quan hệ biện chứng giữa hồn và xác. Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba với xác người hàng thịt chính là cuộc đấu tranh giữa đạo đức và tội lỗi, khát vọng và dục vọng, phần người và phần con trong mỗi con người.
Trong vở kịch của mình, Lưu Quang Vũ cho hồn Trương Ba và xác hàng thịt có cơ hội nêu lên quan điểm của mình, từ đó vấn đề được khai thác đa chiều. Dưới góc độ của hồn Trương, độc giả nhận ra khát vọng sống cao thượng, thánh thiện trước những cám dỗ vật chất phàm tục. Trong khi đó, biện luận của xác hàng thịt đã vạch trần nếp nghĩ sai lầm của con người khi luôn đề cao tinh thần mà coi thường vật chất.
"Xác hàng thịt: Tôi là cái bình để chứa đựng linh hồn. Nhờ tôi mà ông có thể làm lụng, cuốc xới. Ông nhìn ngắm trời đất, cây cối, những người thân... Những vị lắm chữ nhiều sách như các ông là hay vin vào cớ tâm hồn là quý, khuyên con người ta sống vì phần hồn, để rồi bỏ bê cho thân xác họ mãi khổ sở, nhếch nhác...".
Như vậy, hồn và xác là những ẩn dụ nghệ thuật lớn và cuộc đối thoại là một tình huống kịch đặc sắc, tô đậm bi kịch “bên ngoài một đằng, bên trong một nẻo”. Cuối cùng, chân lý không thuộc về linh hồn cũng chẳng thuộc về thể xác, mà nằm ở sự phù hợp, hài hoà giữa hai thành tố này ở mỗi con người.
Xem thêm: Có hay không chuyện Lưu Quang Vũ tự dự báo về cái chết của mình và vợ con?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận