Tổng hợp những lời bình hay cho các tác phẩm Văn học lớp 12
Đây là một trong những nội dung hấp dẫn, thú vị mà các bạn học sinh 2k5 nên biết để có thêm trích dẫn hay, phong phú làm sinh động hơn cho bài viết của mình.
1. TÂY TIẾN
- “Tây Tiến là một sáng tác có giá trị về tư tưởng, về nghệ thuật. Bài thơ được viết ra với những màu sắc phong phú… Đặc biệt Tây Tiến là bài thơ giàu nhạc điệu, nhạc điệu của cuộc sống và của tâm hồn” (Hà Minh Đức).
- “Có thể coi Tây Tiến như một đài tưởng niệm bằng thi ca về con người Việt Nam” (Chu Văn Sơn).
- Về Quang Dũng: “Nói đến Quang Dũng là nói đến một trang tài hoa của xứ Đoài. Ông thuộc típ nghệ sĩ đa tài… Và sáng tác của ông bao giờ cũng thấy nhạc họa giao duyên” (Chu Văn Sơn).
2. VIỆT BẮC
- “Việt Bắc là một trong những bài thơ hay của nhà thơ Tố Hữu. Tình thơ tha thiết, điệu thơ êm ái, là một khúc trữ tình nồng nàn, sôi nổi bậc nhất trong thơ ca cách mạng hiện đại” (Trần Đình Sử).
- “Việt Bắc là đỉnh thơ cao nhất mà Tố Hữu đã bước lên” (Xuân Diệu – “Tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu”).
- “Sức mạnh của thơ Tố Hữu trong những ngày đen tối ấy chính là vì nó nói với trái tim, chính là bởi người cách mạng ấy là một thi sĩ chính cống, thật sự” (Xuân Diệu).
3. SÓNG
- “Sóng là một bài thơ tình yêu rất tiêu biểu cho tư tưởng và phong cách thơ Xuân Quỳnh ở giai đoạn đầu. Một bài thơ vừa xinh xắn, duyên dáng; vừa mãnh liệt, sôi nổi; vừa hồn nhiên, trong sáng; vừa ý nhị, sâu xa” (Nguyễn Đăng Mạnh).
- “Âm điệu chung của cả bài thơ không đơn giản là âm điệu của những cơn sóng biển. Đó còn là âm điệu của nỗi lòng đang tràn ngập khao khát tình yêu, đang rung lên đồng điệi hòa hợp đến mức không còn thấy đâu là nhịp điệu của sóng biển, đâu là nhịp điệu cả tâm hồn thi sĩ” (Trần Đăng Suyền).
4. NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ
- “Đọc Nguyễn Tuân bao giờ ta cũng có một hứng thú đặc biệt: đó là sự thâm trầm trong ý nghĩ, sự lọc lõi trong quan sát, sự hành văn một cách hoàn toàn Việt Nam” (Vũ Ngọc Phan).
- “Khi thì trang nghiêm cổ kính, khi thì đùa cợt, bông phèng, khi thì thánh thót trầm bổng, khi thì xô bồ bừa bãi như là ném ra trong một cơn say chếnh choáng, khinh bạc đấy nhưng bao giờ cũng rất đỗi tài hoa” (Nguyễn Đăng Mạnh).
- “Không biết chừng nào mới có lại một nhà văn mà khi ta gọi là một bậc thầy ngôn từ ta không hề thấy ngại miệng, một nhà văn độc đáo, vô song mà mỗi dòng mỗi chữ tuôn ra đầu ngọn bút đều như có đóng một dấu triện riêng” (Anh Đức).
5. AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG
- “Nét đặc sắc làm nên sức hấp dẫn đặc biệt của đoạn văn là tình yêu say đắm với dòng sông được thể hiện bằng tài năng của một cây bút giàu trí tuệ, tổng hợp từ một vốn hiểu biết sâu rộng về văn hóa, lịch sử, địa lí và văn chương cùng một văn phong tao nhã, hướng nội, tinh tế và tài hoa” (SGV lớp 12).
- “Sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ mang vẻ đẹp trời phú mà còn ánh lên vẻ đẹp của con người.” (Lê Uyển Văn – Báo Điện tử Thể thao và Văn hóa ngây 27-8-2008).
6. VỢ NHẶT
- “Ý nghĩa của truyện: trong sự túng đói quay quắt, trong bất cứ hoàn cảnh khốn khổ nào, người nông dân ngụ cư vẫn khao khát vươn lên trên cái chết, cái thảm đạm, để mà vui, mà hy vọng” (Kim Lân).
- “Chọn tình huống “nhặt vợ” do nạn đói khủng khiếp gây nên, nhà văn không nhằm miêu ả sự mất giá, sa đọa của con người, trái lại, khẳng định khát vọng sống và phẩm giá của họ” (Trần Đình Sử).
- “Nhà văn dùng “Vợ nhặt” làm cái đòn bẩy để nâng con người lên tình thân ái. Câu chuyện Vợ nhặt đầy bóng tối nhưng từ trong đó đã lóe lên những tia sáng ấm lòng” (Trần Đồng Minh).
7. VỢ CHỒNG A PHỦ
- Với sở trường quan sát đời sống sắc sảo, với tri giác tập quán và phong tục nhạy bén cùng năng lực khám phá chiều sâu nội tâm con người tinh tế, Tô Hoài đã để cho hai nhân vật Mị và A Phủ hiện diện như những cá tính nghệ thuật đặc sắc (SGV lớp 12).
8. RỪNG XÀ NU
- “Rừng xà nu mang một hình thức sử thi hoành tráng. Hoành tráng trong hình ảnh với vóc dáng vạm vỡ, cao cả của rừng núi, cũng như của con người. Và hoành tráng trong âm hưởng, với lời văn được đẽo gọt, để không những giàu sức tạo hình, mà còn giàu có về nhạc điệu, khi vang động, khi tha thiết hoặc trang nghiêm” (SGV lớp 12).
9. CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA
- “Chiếc thuyền ngoài xa là những suy nghĩ da diết về chân lí nghệ thuật và đời sống” (Trần Đình Sử).
- “Sự thật nghiệt ngã được mô tả trong Chiếc thuyền ngoài xa đã xua tan làn khói lãng mạn phủ lên hình cảnh từ lầu trở nên quen thuộc về một ngư phủ dưới cánh buồm mở ảo ban mai lên trên không gian xa rộng của biển cả.” (Lã Nguyên).
10. HỒN TRƯƠNG BA DA HÀNG THỊT
- “Khát vọng của hồn Trương Ba là khát vọng vươn đến cái chân thực và toàn vẹn tuyệt đối và sẵn sàng chấp nhận cái chết để bảo toàn, để vươn đến cái tuyệt đối đó” (Lê Huy Bắc).
- “Cảm hứng chủ đạo trong kịch của Lưu Quang Vũ là cảm hứng về con người, về cái đẹp, cái thiện. Khát vọng chính của anh là khát vọng hoàn thiện cuộc sống, hoàn thiện con người” (Phan Trọng Thưởng).
Xem thêm: Một ngày lãng mạn ở "thành phố văn học Edinburgh - nơi "sinh ra" Harry Potter
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận