Thương nhớ hương vị rượu Hồng Đào xứ Quảng
Rượu Hồng Đào xứ Quảng từ lâu đã đi vào ca dao, tiềm thức của người dân bản xứ cũng như du khách gần xa.
Về đất Quảng, nhắc đến rượu Hồng Đào là sẽ được người dân quê chân chất rót vào tai câu ca dao mộc mạc: "Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/ Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say".
Rượu Hồng Đào của người Quảng Nam là loại rượu có màu hồng - hồng đào, hay hồng phấn cũng được. Theo phong tục xưa, rượu Hồng Đào được dùng trong lễ thành hôn cho tân lang và tân giai nhân cùng giao bôi. Vậy nên mới có ý "chưa uống đã say" - say men tình chứ không say vì men rượu!
Những người cao niên ở xứ Quảng vẫn truyền tai nhau sự tích về rượu Hồng Đào. Sự tích này được lưu truyền tại vùng đất Gò Nổi (Điện Bàn, Quảng Nam). Cụ thể, có một gia đình nọ có 2 cha con sống nương tựa vào nhau. Cô con gái tên là Nguyễn Hồng Đào tính tình hiền thục, nổi tiếng xinh đẹp mà còn thạo trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, nấu rượu. Sau những giờ làm việc thì hay phụ cha bán rượu.
Loại rượu này của người cha đặc biệt nhất vùng; cái tên gắn liền với cô "con gái rượu" của ông. Rượu được nấu từ gạo còn nguyên cám, được ủ cùng với những quả đào chín, và được chôn sâu dưới long mạch nên hương vị rất thơm ngon. Chính vì vậy mà người dân gần xa đến mua rất đông. Lâu dần nó trở thành đặc sản nổi tiếng của đất Quảng.
Nhiều người đến mua rượu phần vì rượu ngon, phần vì muốn diện kiến nhan sắc của cô Hồng Đào. Và cũng vì thế mà loại rượu đặc biệt này có tên là Hồng Đào. Rượu chưa uống đã say bắt nguồn từ đó.
Rượu nào thì cũng có một đặc trưng là cay và nồng. Rượu Hồng Đào cũng không nằm ngoài quy luật này. Rượu Hồng Đào làm người ta say đắm bởi cái cách người xứ Quảng chắt chiu và tỉ mỉ trong từng công đoạn nấu rượu để cho ra một vò rượu ngon, tinh quý đậm chất Quảng.
Một mẻ rượu bình thường chỉ cần làm theo công thức là được nhưng rượu Hồng Đào xứ Quảng thì khác, để nấu ra những giọt rượu màu hồng thơm ngon nức tiếng thì cần có một vài bí quyết gia truyền.
Rượu Hồng Đào phải nấu bằng phương pháp thủ công, nguyên liệu là nếp hương Bà Rén và gạo Gò Nổi. Hai loại gạo nếp này phải mới được thu hoạch, xay trong cối tre để tách vỏ trấn nhưng vẫn giữ được lớp cám đục ngà xanh. Hạt cơm nấu tỉ mỉ, canh chuẩn ở mức độ nở vừa phải, không quá nở mà cũng không bị khô lép. Mọi sự chuẩn bị kỹ càng sẵn sàng cho một mẻ rượu ngon.
Men ủ cùng cơm rượu trong vòng 6 ngày, thời gian đủ dài để lên men. Nhưng sau 6 ngày, không phải mở vò thưởng thức ngay. Người ta còn cho rượu vào vò sành, đậy kín, vùi đất 100 ngày. Rượu sánh màu đỏ quyến rũ, thơm đến mê người lúc đó mới là thành phẩm.
Người Việt chào nhau bằng miếng trầu, bát nước chè xanh và gắn tình se duyên bằng bát rượu cay thắm tình đôi lứa. Nhất là người Quảng, trên mâm lễ hỏi luôn phải có rượu Hồng Đào cay nồng, như một cách để nhắc nhở về tình nghĩa vợ chồng.
Nếu có một lần về thăm xứ Quảng xin hãy nhấp thử chén rượu Hồng Đào để thấm tình xứ Quảng!
Xem thêm: Dưa muối xổi xứ Quảng - "món ăn nhà quê" ai đi xa cũng nhớ như người Hàn nhớ kim chi
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận