Điểm danh thủ lĩnh các cuộc khởi nghĩa nổi tiếng trong sử Việt có xuất thân từ gia đình danh giá, giàu có
Ít ai biết rằng, thủ lĩnh các cuộc khởi nghĩa nổi tiếng trong sử Việt như Mai Thúc Loan, Phùng Hưng... đều xuất thân trong gia đình danh giá, giàu có. Không thì chí ít cũng được thừa hưởng gia tài thông qua hôn nhân.
Phải nói rằng, những người đứng đầu các cuộc khởi nghĩa trong sử Việt đều là những anh tài học rộng biết nhiều. Có như vậy họ mới thu phục được lòng dân, có chiến thuật, kỹ năng điều binh khiển tướng.
Dưới đây, cùng điểm danh một số tướng lĩnh có xuất thân từ những gia đình danh giá hay giàu có: Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Dương Đình Nghệ, Lê Lợi, và ba anh em nhà Tây Sơn.
Mai Thúc Loan có bố nuôi giàu có
Mai Hắc Đế (670 – 723), tên húy là Mai Thúc Loan, nguyên quán ở thôn Ngọc Trừng, Hoan Châu, nay thuộc huyện Nam Đàn, Nghệ An. Theo Việt điện u linh, cha của Mai Thúc Loan là Mai Hoàn, mẹ là Mai An Hòa nguyên gốc Thạch Hà, Hà Tĩnh, lưu lạc sang vùng Nam Đàn, Nghệ An. Ông là vị vua người Việt thời Bắc thuộc, anh hùng dân tộc, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Đường ở Việt Nam vào đầu thế kỉ thứ 8.
Theo giai thoại dân gian, Mai Thúc Loan sinh ra trong gia đình có bố mẹ đều là người hiền đức, suốt đời chăm chỉ làm ăn, làm việc thiện. Song ông mồ côi bố mẹ từ nhỏ, được 1 người bạn của bố là Đinh Thế vốn giàu có, nhưng lại trọng nghĩa khinh tài đưa ông về nuôi, xem như con đẻ.
Lớn lên cùng bố nuôi giàu có, Mai Thúc Loan được ăn học đầy đủ. Ngoài học văn, ông còn được học cả côn quyền, giáo mác, cung kiếm, các môn ông đều giỏi cả; không chỉ thế mà còn biết cả cách bài binh bố trận.
Nhờ có chữ nghĩa đầy mình nên ông tiếp cận được với những trang tuấn kiệt thời đó, sau này đều cùng ông khởi nghĩa và trở thành những tướng trụ cột của ông như Phòng Hậu, Thôi Thặng, Đàn Vân Du, Mao Hoành, Tùng Thụ, Tiết Anh, Hoắc Đan, Khổng Qua, Cam Hề, Sỹ Lâm, Bộ Tân.
Khi thấy Mai Thúc Loan đã trưởng thành, bố nuôi liền gả con gái xinh đẹp nết na là Ngọc Tô cho. Đồng thời cũng chia cho tài sản, ruộng nương để lập nghiệp. Vợ chồng ông quán xuyến chuyện làm ăn tốt nên gia tài ngày càng nhiều.
Khi đất nước rơi vào ách đô hộ của nhà Đường, nhân dân rơi vào cảnh lầm than, Mai Thúc Loan cùng bạn bè khởi nghĩa giành độc lập dân tộc. Năm 713 sau khi chuẩn bị kỹ càng, Mai Thúc Loan cùng bạn bè dựng cờ khởi nghĩa, dân chúng theo về rất đông, chẳng mấy chốc đã lên đến 10 vạn người.
Phùng Hưng - con trai đại phú hào
Phùng Hưng (? - 789/791) tự Công Phấn, hiệu Đô Quân. Ông là lãnh tụ cuộc nổi dậy chống lại ách đô hộ của nhà Đường thời Bắc thuộc lần thứ 3 (602 - 905).
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư: Phùng Hưng là người ở làng Đường Lâm, thuộc Giao Châu. Phụ thân cua rông là ông Phùng Hạp Khanh vốn xuất thân là một võ tướng, đi theo nghĩa quân của Mai Thúc Loan.
Sau khi kháng chiến thất bại, ông về quê nhà ở Đường Lâm, chăm chú việc điền viên, dần trở thành một phú hào giàu có, nổi tiếng khắp vùng. Ông cũng âm thầm dạy võ công cho con cháu, dân làng nhằm sau này có cơ hội chống lại ách đô hộ của nhà Đường, giành lại độc lập cho giang sơn xã tắc.
Người học trò xuất sắc nhất kế tục Phùng Hạp Khanh chính là con trai ông - Phùng Hưng. Từ thời nhỏ, Phùng Hưng đã nổi tiếng siêng theo cha học võ. Sau trở thành người có sức khỏe, khí phách phi thường.
Dù xuất thân trong gia đình giàu có nhưng ông không kiêu căng, hống hách. Phùng Hưng yêu thương người dân trong làng, luôn sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khó.
Sau khi ăn học thành tài, Phùng Hưng thường xuyên kết giao với những trang tuấn kiệt anh hào. Đây đều là những người được sinh ra trong các gia đình khá giả.
Khi chứng kiến đất nước bị đô hộ, nhân dân đói khổ, Phùng Hưng đã cùng bạn bè khởi nghĩa quyết chống lại nhà đường, giành lại độc lập dân tộc.
Nhờ có tiền của, Phùng Hưng mới có điều kiện cùng bạn bè tập hợp được những trang tuấn kiệt làm nòng cốt cho cuộc khởi nghĩa, dân chúng khắp nơi nghe danh tiếng mà theo về đứng dưới cờ Phùng Hưng.
Dương Đình Nghệ
Dương Đình Nghệ (có sách như Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép là Dương Diên Nghệ, 22 tháng 11 năm 874 – 937), người Ái châu, làm tướng cho Khúc Hạo. Đời Hậu Lương, vì Khúc Hạo chiếm cứ đất Giao Chỉ nên Nam Hán Cao Tổ Lưu Nghiễn ở đất Quảng Châu có cớ sai Lý Khắc Chính và Lý Tri Thuận đánh chiếm Giao Châu. Kết quả của cuộc chiến này là con trai Khúc Hạo là Khúc Thừa Mỹ bị bắt, và vua Nam Hán phong Lý Tiến thay làm Thứ sử Giao Châu.
Thấy vậy, tướng Dương Đình Nghệ liền dấy binh khởi nghĩa nhằm giữ quyền tự chủ cho dân tộc. Dương Đình Nghệ chọn tìm được 3.000 hào trưởng cũng như các bậc tuấn kiệt đứng dưới cờ nghĩa của mình và gọi họ là giả tử (con nuôi). Có thể tưởng tượng được là để nuôi quân, cũng như thu phục được 3.000 kẻ tinh anh của đất nước, thì tiềm lực của Dương Đình Nghệ phải lớn nhường nào.
Đến năm 931, Dương Đình Nghệ từ Ái Châu (tức Thanh Hóa ngày nay) kéo quân đánh thành Đại La, quân Nam Hán thua to liền chạy toán loạn về nước. Dương Đình Nghệ xưng là Tiết độ sứ, ông giao cho các tướng lĩnh trấn giữ cai quản các nơi.
Trong những người dưới trướng Dương Đình Nghệ có thể kể đến Đinh Công Trứ và Ngô Quyền. Đinh Công Trứ là thân phụ của Đinh Bộ Lĩnh, người có công dẹp loạn 12 sứ quân và lập nên nhà Đinh.
Còn Ngô Quyền, con rể của Dương Đình Nghệ, chính là người anh hùng đã giúp dẹp loạn Kiều Công Tiễn, đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chấm dứt ngàn năm đô hộ Bắc thuộc, mở ra thời kỳ tự chủ của dân tộc.
Lê Lợi
Lê Thái Tổ (1381 - 1433) tên húy là Lê Lợi. Ông là vị anh hùng, vị vua huyền thoại của Đại Việt với tìa năng quân sự, khả năng cai trị và lòng nhân ái đối với nhân dân.
Sử chép, Lê Lợi người làng Lam Giang hay Lam Sơn, huyện Lương Giang, phủ Thanh Hóa (nay là thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Tằng tổ của Lê Lợi là Lê Hối, có lần đến Lam Sơn, sách Đại Việt thông sử đã chép rằng: Đã trông thấy đàn chim bay lượn quanh chân núi, giống như cảnh đông người tụ hội. Lê Hối cho là đất tốt và chuyển nhà đến ở đấy. Sau 3 năm thì thành sản nghiệp. Từ đó, các thế hệ họ Lê thay nhau làm quân trưởng ở Thanh Hóa.
Cụ Lê Hối sinh ra Lê Đinh, gia sản giàu có. Lê Đinh sinh ra Lê Khoáng, Lê Khoáng có 3 người con trai và 3 người con gái. Trong đó có Lê Lợi. Các thế hệ họ Lê đến tận thời Lê Lợi thay nhau làm quân trưởng ở Thanh Hóa.
Khi giặc Minh đánh bại nhà Hồ, thiết lập chính quyền thống trị, biết tiếng Lê Lợi, tướng nhà Minh là Hoàng Phúc cho ông chức quan để dụ theo, nhưng ông đã từ chối. Trong cảnh dân chúng lầm than cơ cực bởi ách đô hộ của nhà Minh, lại sinh ra trong gia cảnh giàu có như vậy, Lê Lợi quyết tìm một con đường giành lại tự do cho dân tộc mình.
Cuốn “Lam Sơn thực lục” mô tả Lê Lợi là “ẩn dấu ở núi rừng làm nghề cày cấy; đọc sách kinh, sử, nhất là càng chuyên tâm về các sách Thao Lược; hậu đãi các tân khách; chiêu nạp kẻ trốn, kẻ làm phản; ngầm nuôi ác kẻ mưu trí; bỏ của, phát thóc để giúp cho kẻ côi cút, nghèo nàn; hậu lễ, nhún lời, để thu bọn anh hùng hào kiệt; đều được lòng vui vẻ của họ”
Với lợi thế của mình, Lê Lợi đã thành công trong việc xây dựng được cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh bại được quân Minh, giành lại độc lập cho giang sơn xã tắc.
Ba anh em nhà Tây Sơn
Trong danh sách các tướng lĩnh khởi nghĩa không thể không nhắc đến 3 anh em nhà Tây Sơn. Theo Gia phả họ Hồ Quỳnh Đôi, thì tổ tiên nhà Tây Sơn vốn họ Hồ ở làng Hương Cái, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Người ông của ba anh em nhà Tây Sơn vốn là họ Hồ, tên là Hồ Phi Long ở Nghệ An, gia cảnh nhà họ Hồ lúc đó rất khó khăn.
Đất nước ở giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh, hai bên có 7 lần giao tranh lớn, trong đó có đến 6 lần là quận chúa Trịnh tấn công chúa Nguyễn nhưng không sao vượt qua được phòng tuyến và bị đẩy lùi.
Duy nhất có lần thứ 5 là quận chúa Nguyễn bất ngờ vượt Lũy Thầy tiến đánh quân Trịnh đến tận đất Nghệ An và chiếm được 7 huyện ở đây. Cuộc sống vất vả, Hồ Phi Long nhân cơ hội này liền vào Đàng Trong lập nghiệp.
Khác với Đàng Ngoài, cuộc sống của nhân dân Đàng Trong sung túc. Hồ Phi Long vào giúp việc nhà họ Đinh ở thôn Bằng Chân, huyện Tuy Viễn, tức An Nhơn. Sau đó ông cưới vợ họ Đinh và sinh được một trai tên là Hồ Phi Tiễn. Hồ Phi Tiễn không theo việc nông mà bỏ đi buôn trầu ở ấp Tây Sơn, cưới vợ và định cư tại đó.
Vợ của Hồ Phi Tiễn là Nguyễn Thị Đồng - con gái duy nhất của một phú thương đất Phú Lạc. Cả hai đổi họ của con cái mình từ họ Hồ sang họ Nguyễn của mẹ. Người con là Nguyễn Phi Phúc cũng chuyên nghề buôn trầu và làm ăn phát đạt. Cũng có tài liệu cho rằng họ Hồ đã đổi theo họ chúa Nguyễn ngay từ khi mới vào Nam.
Đến đời ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ thì gia đình giàu có, được học văn võ rất chu đáo.
Dù có công mở mang bờ cõi nhưng cuối đời chúa Nguyễn Phúc Khoát bị quyền thần Trương Phúc Loan thao túng, dẫn đến cảnh giang sơn tan nát, người dân ca thán gọi Trương Phúc Loan là Trương Tần Cối (Tần Cối là một gian thần bán nước thời Nam Tống).
Khởi nghĩa Lam sơn xuất hiện với khẩu hiệu diệt Trương Phúc Loan, phò hậu duệ chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Dương, nên được người dân hưởng ứng, lại thêm tiềm lực giàu có, ba anh em Tây Sơn cũng dễ bề nổi dậy.
Sau cùng, khi quân Lam Sơn chiếm được Gia Đình thì Nguyễn Phúc Dương (người được Tây Sơn dương khẩu hiệu phò tá), Nguyễn Phúc Thuần, cùng hoàng tộc anh em của Nguyễn Phúc Ánh đều bị giết cả. Riêng Nguyễn Phúc Ánh năm ấy mới 15 tuổi, may mắn có đứa trẻ nhà kép hát che dấu nên mới thoát chết...
Như vậy có thể thấy, các thủ lĩnh khởi nghĩa trong sử Việt đều là các đáng anh kiệt có xuất thân giàu có chứ không phải người nghèo khổ, bị bóc lột rồi vùng lên đấu tranh. Họ được ăn học đàng hoàng, có nghĩa khí, yêu nước thương dân, có tài điều binh khiển tướng...
Xem thêm: Khởi nghĩa Mai Thúc Loan: Anh hùng áo vải lật đổ ách đô hộ nhà Đường, xưng đế An Nam
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận