Thơ sinh ra từ tình yêu và lòng căm thù, từ nụ cười trong sáng hay những giọt nước mắt đắng cay

Như con ong hút ngàn vạn nhuỵ hoa mới tạo thành giọt mật, con trai chịu bao đau đớn, xót lòng vì “hạt bụi bặm biển khơi” để tạo thành viên ngọc “tròn trịa và ánh ngời”, sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ cũng là một công việc cực nhọc và vô cùng gian khó...

Đỗ Thu Nga
15:00 05/04/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

ĐỀ BÀI:

Bàn về thơ ca, nhà văn Nga nổi tiếng Raul Gamzatop đã khẳng định: “Thơ sinh ra từ tình yêu và lòng căm thù, từ nụ cười trong sáng hay những giọt nước mắt đắng cay”. Anh/ chị hãy giải thích nhận định trên và chứng minh qua bài thơ Đàn ghita của Lorca – Thanh Thảo.

BÀI LÀM GỢI Ý:

Thơ ca là cây đàn muôn điệu của tâm hồn, của nhịp thở con tim. Xưa nay, thơ vẫn là cuộc đời, là lương tri, là tiếng gọi, tiếng nói của những xúc cảm chân chính để vươn tới tầm cao của khát vọng sống. Bởi lẽ đó, thông qua việc sống và hết mình với thơ ca chân chính, Rasul GamzatovGamaztop đã nhận định rằng: “Thơ sinh ra từ tình yêu và lòng căm thù, từ nụ cười trong sáng hay những giọt nước mắt đắng cay”. Phải chăng thơ ca xuất phát từ những thứ cảm xúc ấy? Hãy để thi phẩm Đàn ghita của Lorca – Thanh Thảo cất lên tiếng hát đầy nội lực để minh chứng cho nguồn cội của thơ ca.

Như con ong hút ngàn vạn nhuỵ hoa mới tạo thành giọt mật, con trai chịu bao đau đớn, xót lòng vì “hạt bụi bặm biển khơi” để tạo thành viên ngọc “tròn trịa và ánh ngời”, sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ cũng là một công việc cực nhọc và vô cùng gian khó. Nghệ nhân điêu khắc không thể cứ nhìn mãi nguyên mẫu rồi mô phỏng lại trên chất liệu mà mình đã chọn, người hoạ sĩ không thể quan sát đời sống để rồi tái hiện lại bằng những đường nét màu sắc vô cùng ảm đạm, vô hồn và đặc biệt nhà văn càng không thể chỉ dùng vốn ngôn ngữ của mình như một trò chơi du hí, ghi lại những cảnh “mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông”, ở đó còn phải chất chứa những nỗi niềm cảm xúc. Có lẽ cũng chính vì tình cảm trong thơ ca quá đặc biệt mà Rasul Gamzatov đã mượn những hình ảnh chỉ cung bậc cảm xúc, trạng thái khác nhau của con người: “tình yêu”, “lòng căm thù”, “nụ cười trong sáng”, “những giọt nước mắt đắng cay”. Mượn những cung bậc cảm xúc trái ngược nhau, nhà thơ Nga đã khẳng định nguồn gốc và đặc trưng của thơ ca: thơ ca bắt nguồn từ những tình cảm chân thật, phong phú và mãnh liệt nhất trong đời sống nội tâm của con người. Nếu không tồn tại những thứ cảm xúc ấy, thơ ca sẽ không còn là thơ ca, bởi thơ là tiếng nói của tình cảm, là điệu hồn trong trái tim của người nghệ sĩ. Tiếng nói ấy có khi là tiếng giận căm hờn, có khi là tiếng khóc thảm thiết và có khi là tiếng reo hân hoan của niềm vui, niềm hạnh phúc và trên tất cả là tình yêu: tình yêu dành cho con người và cuộc sống.

Đã bao giờ bạn băn khoăn tự hỏi con đường nào đưa nghệ thuật đứng riêng biệt một cõi với các bộ môn khoa học khác chưa? Ấy chính là xúc cảm của người nghệ sĩ gửi gắm trong tác phẩm. Nghệ thuật, trong đó có thơ ca là quy luật của tình cảm, trái tim. Có những tâm trạng và cung bậc tình cảm của con người chỉ có thể diễn đạt bằng thơ. Chính vì vậy, thơ không chỉ nói hộ lòng mình, mà thơ còn là sự an ủi, vỗ về và động viên, khích lệ người ta đứng dậy đi tới. Như hương ngọc lan nồng nàn trong đêm vắng, như tiếng chim sơn tước vút lên say đắm giữa cuộc đời, xúc cảm đã trở thành “cú hích sáng tạo” đối với một người nghệ sĩ. Hơn thế nữa, mỗi niềm vui hay nỗi buồn mà người nghệ sĩ gửi theo làn gió thơ ca đã nối nhịp tâm hồn đồng điệu giữa tác giả và bạn đọc.

Thế nhưng cảm xúc trong thơ không phải là thứ cảm xúc nhàn nhạt mà nó phải là thứ tình cảm ở mức độ cao nhất, mãnh liệt nhất, thôi thúc người nghệ sĩ cầm bút sáng tạo. Nhà thơ phải sống sâu với cuộc đời mới có thể viết nên những vần thơ đủ sức lay động trái tim bạn đọc, như Xuân diệu từng nói: “Tư tưởng thơ dính liền với cảm xúc. Thơ là cảm xúc, là sự cảm nhận”. Tư tưởng khi có cảm xúc chẳng những không bị nhạt nhoà mà nhờ cảm xúc trở nên thăng hoa, đẹp đẽ và sâu lắng hơn. Một khi cảm xúc đạt đến sự mãnh liệt nhất định, nó dần hình thành “phôi thai”, thành lối suy nghĩ, cách nhìn riêng của nhà thơ về cuộc đời. 

Tho-sinh-ra-tu-dau-8
Ảnh minh họa

Cảm xúc không chỉ là cội nguồn, là cảm hứng sáng tạo mà nó còn là cầu nối trái tim nhà thơ và độc giả. Đó là quy luật bất biến của văn chương nói riêng và nghệ thuật nói chung. Đến với Đàn ghi ta của Lorca, Thanh Thảo đã “xúc động cho ngọn bút có thần”. Đầu tiên là tấm lòng yêu mến, ngưỡng mộ đến say mê của Thanh Thảo trước một huyền thoại của Tây Ban Nha và nhân loại. Trong khung cảnh chính trị, văn hoá ở Tây Ban nha, Lorca hiện lên với người bạn đồng hành quen thuộc – cây đàn ghi ta: 

 “những tiếng đàn bọt nước

 Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt

 Li – la li – la li – la

 Đi lang thang về miền đơn độc

 Với vầng trăng chếnh choáng

 Trên yên ngựa mỏi mòn”.

Bút pháp tượng trưng siêu thực đã được Thanh Thảo học tập từ Lorca và vận dụng rất thành công. Câu thơ đầu rất gợi cảm, gây ấn tượng mạnh về thính giác và thị giác: “những tiếng đàn bọt nước”. Tiếng đàn trong trẻo những mong manh, ngân nga. Đây phải chăng là sự dự đoán về một số phận ngắn ngủi, mong manh của Lorca. Sau những dự cảm ấy, Lorca hiện lên rõ hơn với hình ảnh áo choàng đỏ, tiếng đàn, vầng trăng, yên ngựa, hoa li – la,… Sự liên tưởng của người đọc được vận dụng một cách tối đa khi nhà thơ gợi lên những gì đặc trưng nhất của xứ Tây Ban Nha. Đó là khung cảnh của một đấu trường bò tót với những dũng sĩ kiêu hùng. Dưới ngòi bút của Thanh Thảo, hình tượng Lorca hiện lên như một người kị sĩ đã đấu tranh bền bỉ cho những khát vọng nghệ thuật cao đẹp, dù cho có những thời điểm, con người tự do và đầy khát vọng ấy “chếnh choáng”, “mỏi mòn”, song với một tình yêu mãnh liệt của người nghệ sĩ, Thanh Thảo đã dựng lên hình tượng đẹp nhất về Lorca.

Tiếp đến với hình ảnh “tiếng đàn” tượng trưng cho sự nghiệp nghệ thuật của Lorca, mỗi một tiếng đàn vang lên như một lần trái tim rung động và thổn thức. Sự tiếc thương của người tình thuỷ chung, nỗi niềm xót xa tiếc nuối của con người, của nhà thơ trước hành trình dang dở của nghệ thuật và nỗi đau của mọi người trước cái chết thê thảm của người nghệ sĩ:

 “tiếng đàn ghi ta nâu

 Bầu trời cô gái ấy

 Tiếng ghi ta lá xanh biết mấy

 Tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan

 Tiếng ghi ta ròng ròng

 Máu chảy”.

Không những thế bài thơ còn là nỗi căm hờn trước thế lực bạo tàn – chế độ độc tài Phăng – cô. Không khí u ám ngột ngạt, nặng nề của đấu trường chính trị và nghệ thuật, đặc biệt là hình ảnh “Tây Ban Nha bỗng kinh hoàng”, “áo choàng đỏ bê bết”, “vầng trăng”, “long lanh đáy giếng”,… đã có sức tố cáo mạnh mẽ, đanh thép với những kẻ tàn phá cái đẹp và chống lại loài người, ẩn sau đó chính là cảm xúc căm thù của nhà thơ. Xét cho cùng, cảm xúc ấy xuất phát từ chính tình yêu với cái đẹp, cái cao cả. Mà thơ ca là tổng hòa của những yếu tố đó. 

Như vậy, thơ ca đến với bạn đọc không chỉ vì thơ hay mà còn là thơ giàu cảm xúc, bởi lẽ đó nhận định của nhà văn Nga như một tấm gương phản chiếu để người nghệ sĩ thực hiện sứ mệnh của mình với bạn đọc, với cuộc đời này.

Xem thêm: Cái danh và cái thực của con người trong cuộc sống - Bài NLXH đạt giải Nhất quốc gia 2009

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận