Cái danh và cái thực của con người trong cuộc sống - Bài NLXH đạt giải Nhất quốc gia 2009
Vấn đề danh và thực là một vấn đề cấp thiết trong xã hội. Nó sẽ dẫn đến nhiều mối quan hệ trong cuộc sống và kéo theo những hệ quả về sau....
ĐỀ BÀI:
Suy nghĩ của anh (chị) về cái danh và cái thực của con người trong cuộc sống?
BÀI VĂN ĐẠT GIẢI NHẤT 2009:
Cuộc sống xung quanh ta ẩn chứa nhiều điều phức tạp, mà có người đã gọi nó là cuộc sống đa chiều. Con người tồn tại trong nhiều mối quan hệ khác nhau: có quan hệ tình và tài, có quan hệ thân và sơ… có quan hệ giữa cái danh và cái thực.
Cái danh và cái thực luôn là vấn đề được mọi thời đại quan tâm. Ngay từ khi xã hội hình thành nhà nước, gồm những thể chế khác nhau, thì cái danh và cái thực đã được con người để tâm đến. Đặc biệt, đối với xã hội phong kiến, vấn đề danh và thực luôn được các nho gia luận bàn, như: Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương… Khi xã hội bước sang một hình thái mới – hình thái xã hội chủ nghĩa, danh và thực vẫn luôn là điều khiến người ta băn khoăn, trăn trở.
Vậy thế nào là danh? Danh là một từ Hán Việt, có thể hiểu là “tên”. Nó ẩn chứa ý nghĩa chỉ hình thức bên ngoài, vẻ bề ngoài. Trong xã hội, danh được hiểu là địa vị, công danh, là vị trí hiện có của mỗi người. Danh là cách để gắn, để gọi cụ thể vị trí xã hội của một đối tượng nào đó. Trong thực tế, người có “danh” là người được mọi người biết đến, vì có chức tước, có địa vị xã hội, có công danh, hoặc vì có danh tiếng. Danh chính là cách để khẳng định vị trí của một cá nhân giữa một tập thể, đó là một cách cá nhân đánh dấu cho chính bản thân mình, là cách khẳng định bản thân mình. Trong xã hội, người ta thấy, sẽ tồn tại những “cái danh” tốt và những “cái danh” xấu. Có người được tôn vinh, được ngợi ca như một anh hùng, nhưng cũng có người được nhắc đến như một bài học cho sự sai lầm khiến người khác phải né tránh. Trong lịch sử Việt Nam nếu có những ông vua được nói đến như một niềm tự hào dân tộc như Ngô Quyền, Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Quang Trung… thì lại xuất hiện những vị vua được ghi danh như một vết nhơ khôn rửa: Nguyễn Ánh, Khải Định… Ngày nay, trong tầng lớp thanh niên, bên cạnh những tấm gương học tập đáng ngợi ca lại có những con người hư hỏng, ăn chơi, sa đọa đáng chê, đáng phê. Bởi vậy, mỗi người có những cách khác nhau để ghi danh, tuy nhiên, có người chọn danh tốt, có người cho danh xấu mà thôi.
Nếu chỉ dừng lại ở “danh” thì có lẽ cuộc sống sẽ đơn giản. Người ta vẫn có thể phấn đấu, rèn luyện mình, hướng đến con đường ghi danh tốt đẹp. Thực tế cuộc sống không bằng phẳng. Ở đời, ta vẫn thường nghe câu “hữu danh vô thực”. Bởi vậy, con người vẫn băn khoăn: “cái thực” kia là gì? “Cái thực” và “cái danh” có mối quan hệ với nhau chăng? “Thực” muốn nói tới bản chất của mỗi người. “Thực” là thật, là những gì có thật trong mỗi con người. Nó thuộc về phẩm chất, tâm hồn, những giá trị tinh thần bên trong mỗi người, nếu như danh thuộc về cái bên ngoài.
“Danh” và “thực” có mối quan hệ hữu cơ, tác động qua lại trong cuộc sống. Đôi khi “danh” và “thực” thống nhất với nhau. Điều đó trong xã hội ngày nay có rất nhiều. Xã hội dân chủ, con người được quyền tự do phát triển, chính vì vậy, tôi có năng lực, tôi học tập tốt, tôi sẽ tìm được cho mình một địa vị xứng đáng. Một sinh viên có tấm bằng tốt nghiệp loại ưu, đương nhiên sẽ được nhận vào một chỗ làm ưng ý với mức lương cao. Ngược lại, một người không có học thức, phẩm chất đạo đức kém sẽ không thể được ngồi vào những cơ quan Nhà nước hay những công việc cần sử dụng đến trí tuệ, sự ứng xử, giao tiếp. Tuy nhiên, do “danh” và “thực” có mối quan hệ hữu cơ nên đôi khi nó mâu thuẫn nhau. Câu hữu danh vô thực là để chỉ điều đó. Trong xã hội phong kiến, nhà thơ Nguyễn Khuyến đã phải thốt lên rằng Tưởng rằng đồ thật hoá đồ chơi (Tiến sĩ giấy) chính là đề cập đến vấn đề “danh” và “thực”. Sự mâu thuẫn ấy có thể là tình trạng mua quan bán tước mà bất cứ một xã hội nào cũng có. Vì chạy theo cái hào nhoáng bên ngoài, vì muốn ghi danh, muốn nâng cao giá trị của bản thân mà nhiều người sẵn sàng bỏ ra những món tiền để mua cho mình một chỗ ngồi ưng ý. Bởi vậy, ngày nay ta thấy xuất hiện hàng loạt những ông giám đốc của những công ty trách nhiệm hữu hạn A, B, C nào đó không có trình độ, không có bằng cấp… dẫn đến sự thiếu hiểu biết trong kinh doanh, làm ăn thua lỗ, có khi phải trả cái giá quá đất, bằng việc ra đứng “vành móng ngựa”. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, người tài giỏi, có năng lực lại không có công danh, không có địa vị xã hội xứng đáng.
Hiện trạng trên khiến ta băn khoăn: tại sao giữa “cái danh” và “cái thực” lại có mối quan hệ như vậy? Sở dĩ, chúng thống nhất nhau vì con người và xã hội ý thức được bản chất giữa chúng. Người ta nhận ra, tác hại của việc: có danh mà không thực, hoặc ngược lại. Một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh là một xã hội dung hoà được hai vấn để đó. Tuy nhiên, ta cũng phải nhìn thẳng vào sự thật, rằng: xã hội nào cũng ẩn chứa những mặt trái. Ai đó đã nói rằng: Khi con người ta sống vì bản thân mình thì trở thành thừa đối với những người khác. Chính sự thừa thãi ấy đã lan tỏa ra toàn xã hội. Lòng vị kỷ đã thúc đẩy bản năng xấu, khiến con người chỉ nghĩ cho mình mà không quan tâm đến lợi ích của cộng đồng, tập thể. Tình trạng hữu danh vô thực hay ngược lại còn do về phía tập thể, xã hội chưa nhận thức được hết giá trị, khả năng của con người. Nó xuất phát từ thói làm việc tắc trách, quan liêu, nguyên tắc… của những người có thẩm quyền. Điều này sẽ làm gia tăng tệ tham nhũng trong xã hội, làm xã hội khủng hoảng, trước hết là kinh tế, sau là chính trị.
Vấn đề danh và thực là một vấn đề cấp thiết trong xã hội. Nó sẽ dẫn đến nhiều mối quan hệ trong cuộc sống và kéo theo những hệ quả về sau. Nếu biết thống nhất, hài hoà thì xã hội sẽ phát triển, đất nước ta đi lên. Nếu không biết thống nhất chúng mà tách rời, nhận thức không đúng đắn, khiến chúng trái ngược nhau thì con người sẽ không được sống thật, cuộc sống sẽ vô nghĩa, đất nước sẽ tụt hậu. Ngày nay có những người không hiểu chính xác, thậm chí sai lệch về danh và thực. Ta cần nghiêm khắc phê phán những ai chỉ coi trong cái danh bên ngoài mà không xem xét kỹ lưỡng cái thực bên trong hoặc có người không coi trọng cái danh, tự bao biện cho mình bởi bản chất, vì vậy sống khép kín, không có ý chí. Cần phải hiểu, dù thái cực nào thì nó cũng trở nên cực đoan. Ta cũng cần lên án hiện tượng hữu danh vô thực, mua quan bán tước, mỗi người, mỗi tập thể vì vậy cần phải rèn luyện, tránh mình khỏi những cám dỗ vật chất, vinh hoa không đáng có.
Trong cuộc sống, con người cần phải thống nhất giữa danh và thực. Coi trọng cái thực như phẩm chất, như bản chất con người bên trong mà ta cần trân trọng, nâng niu nó, đồng thời phải biết điểm tô bằng cái danh, làm đẹp cho chính mình, để khẳng định mình giữa cuộc đời này.
Cuộc sống đa dạng, bởi vậy đừng bao giờ ta sống mờ nhạt. Hãy biến cái thực của mình thành cái danh để mọi người biết đến: Hãy sống như thể trái đất này là thiên đường của bạn!
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận