Thiếu và đủ trong cuộc hôn nhân kỳ lạ ở truyện ngắn "Vợ nhặt"

Cuộc hôn nhân giữa Tràng và Thị chính là ánh sáng mang hi vọng về tương lai tươi sáng hơn...

Đỗ Thu Nga
15:00 19/09/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Hôn nhân là chuyện đại sự trong cuộc đời mỗi người. Dù hoàn cảnh nào cũng phải cố cho đủ đầy, tươm tất. Đọc “Vợ nhặt” của cây bút truyện ngắn tài danh Kim Lân, người ta ấn tượng về một cuộc hôn nhân kì lạ của Tràng với cô thị, gã trai nghèo đẩy xe bò chở thóc thuê với cô gái ngồi vêu bên đường nhặt hạt rơi, hạt vãi. Trong cuộc hôn nhân “xưa nay hiếm” ấy, thiếu đủ thứ, đủ không có gì ngoài giá trị tinh thần. Song cái thiếu vẫn phải nhường chỗ cho cái đủ lên ngôi. Để rồi, câu chuyện về nạn đói thê thảm lại mang dư vị ngọt ngào như thế giới cổ tích xa xưa.

Nhiều cái thiếu đến khổ, đến tội

Truyện mở đầu bối cảnh thảm khốc, tang thương. “Cái đói tràn về, người chết như ngả rạ. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người ". Bóng tối trùm lấy những kiếp người. Cái đói hoành hành, cái chết có thể ập đến bất kì lúc nào. Xóm ngụ cư tồi tàn chẳng có gì hơn ngoài những khuôn mặt ủ rủ, hốc hác cùng với tiếng hời khóc nỉ non, tiếng quạ gào thế thiết. Trong hoàn cảnh ấy, cuộc hôn nhân Tràng - thị thiếu đi đủ thứ, ngẫm đi nghĩ lại vẫn không khỏi xót xa.

Từ ngàn xưa, đôi lứa nên duyên chồng vợ thường bắt đầu từ những lời yêu thương đong đầy. Với Tràng và thị, một lời cầu hôn nghiêm túc vẫn là xa xỉ, đâu ước mong lãng mạn, ngọt ngào. Kì thực thị theo Tràng về làm vợ chỉ bằng mấy câu nói đùa cợt cho vui. Hai bận gặp gỡ mà nên duyên vợ chồng. Tràng đâu có chủ tâm gì cho cam, gã trai xấu xí, thô kệch ấy cũng chỉ tầm phơ, tầm phào sau khi chiêu đãi cô ả đói rách bốn bát bánh đúc giữa bàn dân, thiên hạ: "Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về". Tràng đùa mà thị lại theo về thật. Theo về tìm chốn nương thân, chạy trốn tử thần. Vậy là Tràng có vợ. Đâu như Chí Phèo thật bụng, mang cả tấm chân tình để tỏ bày (Hay là mình sang đây ở với tơ một nhà cho vui) mà vẫn xôi hỏng bỏng không. Vậy đấy, người thật lòng lại chẳng nên cơm cháo, kẻ trớt nhả thật ít hơn đùa mà lại yên bề. Được hay thua chung quy đều tội nghiệp.

Cái thiếu mở đầu ấy thật tội nghiệp, từ đó người đọc cảm thương hơn cho những cái thiếu sau chua xót, ngậm ngùi. Lệ thường, trai gái cưới xin phải sính lễ đường hoàng. Không to tát cũng phải đủ đầy thủ tục. Năm xưa chàng Sơn Tinh tài ba cưới được công chúa Mị Nương xinh đẹp phải có "voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao" sang trọng đấy thôi. Cô gái nghèo trong ca dao cũng thách cả "nhà khoai lang" bình dân mà ấm bụng, ấm lòng. Còn cô thị? Có gì đâu ngoài mấy câu nói chơi, bốn bát bánh đúc, cái thúng con con và một bữa no nê. Chỉ vậy mà theo người ta về làm vợ. Giá trị con người rẻ rúng, bọt bèo đến thảm hại. Nghe mà nhói nhói trong lòng, vừa tội lại càng thương cho giá trị thảm hại của con người trong năm đói thê thảm, thương đau.

Sính lễ thiếu, nghi lễ cũng chẳng có gì đâu. Chẳng mai mối, không cưới hỏi, đón đưa dâu. Chàng nàng lầm lũi tự dắt díu nhau về trong nỗi thẹn thùng tội nghiệp. Người dân xóm ngụ cư ngạc nhiên, bất ngờ, chẳng thể tin vào mắt mình, thậm chí ai đó còn mai mỉa, gièm pha: “giời đất này còn rước cái của nợ ấy về”. So với đám cưới của cô bé Dần trong truyện “Một đám cưới” của Nam Cao, cuộc hôn nhân của Tràng thiếu đi nhiều thứ. Chí ít, cô Dần còn được người ta đến rước dâu, có miếng trầu, bát nước chè tươi đãi khách, được bố và hai đứa em đưa về nhà chồng. Trái lại, thị về làm dâu giữa buổi chiều ảm đạm, một mình bước đi trong nỗi e thẹn, ngường ngùng, chân nọ díu cả chân kia trong bộ quần ái tả tơi, cái nón tàng che lấp khuôn mặt lưỡi cày xám xịt. Đọc văn Kim Lân, biết bao người xót xa thương cảm cho phận người tủi cực, đáng thương. Ẩn sâu trong trang văn là tấm lòng nhân đạo của người cầm bút.

Ngẫm về những cái thiếu trong cuộc hôn nhân của Tràng, người đọc hiểu rõ hơn hoàn cảnh bi đát của người dân nghèo trong năm đói. Cái đói khiến con người ta đến khổ và đến tội. Viết về cảnh tượng ấy, ngòi bút Kim Lân chan chứa một niềm thương và cả những niềm đau cho số phận khổ đau của con người giữa chông chênh, đói khổ.

thieu-va-du-trong-cuoc-hon-nhan-ky-la-o-truyen-ngan-vo-nhat-0

Những cái đủ đáng trọng, đáng quý

Giữa đêm đen cuộc đời, tử thần có thể gọi tên bất cứ lúc nào, người đọc vẫn nhận thấy cuộc hôn nhân của Tràng vẫn ấm nồng ngọn lửa yêu thương. Có lẽ chẳng giá trị vật chất nào có thể sánh bằng cái đủ quý giá bậc nhất này. Tình thương tỏa ra từ tấm lòng nhân hậu của bà cụ Tứ, người mẹ nghèo khổ già nua. Dõi theo câu chuyện, người ta nhiều lần xúc động, nghẹn ngào trước tấm chân tình của bà cụ Tứ: “ Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng…Kể ra có được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo, cũng chả ai chấp nhặt chi cái lúc này. Cốt làm sao cúng mày hòa thuận là u mừng rồi. Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá… Bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy ròng ròng”. Nước biển bao la không đong đầy tình mẹ. Thương con trai, cảm thông, thấu hiểu cho hoàn cảnh con dâu. Bà lão đâu chỉ chấp thuận mà còn mừng vui cho hạnh phúc của đôi trẻ. Tình thương đồng vọng cũng nỗi lo, thương cũng vì lo mà càng lo lại càng thương. Tấm lòng người mẹ nhân từ ấy dường như đang sưởi ấm trong cảnh đêm đen, từ đó truyền đi niềm tin, hi vọng vào chặng đường gieo neo phía trước. Chắc hẳn cô thị đói rách sẽ cảm thấy ấm lòng khi đám cưới nghèo về vật chất, chẳng có “dăm ban mâm” mà ấm nồng ngọn lửa yêu thương.

Tấm lòng của bà cụ Tứ đáng quý, nhưng tình thương của anh Tràng mới làm nên dự vị ngọt ngào của cuộc hôn nhận kì lạ này. Gã đàn ông nghèo khổ nhưng thơm thảo một tấm lòng nhân hậu, thương người. Vậy nên gặp cô thị đói Tràng sẵn lòng mời ăn, mời chân thành chẳng tính toán so đo. “Đây, muốn ăn gì thì ăn. Hắn vỗ vào túi: Rích bố cu, hở”. Dường như, gã trai nghèo đã trở thành hiệp sĩ. Chân thành, tốt bụng, hào phóng đến lạ. Vượt qua sự ích kỉ tần thường, tấm lòng nhân hậu, thương người của Tràng bỗng trở nên quý giá trong hoàn cảnh đói khổ tối tăm. Hơn thế nữa, cũng vì thương nên Tràng đánh liều: Chậc kê! Cho thị theo về. Kì thực trong hoàn cảnh đói khổ, nuôi thân, nuôi mẹ đã khó, đèo bòng thêm một miệng ăn là chấp nhận đôi vai nặng gánh hơn. Lòng nhân hậu, thương người chiến thắng nghịch cảnh. Đọc "Vợ nhặt "chắc hẳn không mấy ai không nhớ câu này: “Trong một lúc Tràng hình như quên hết những cảnh sống ê chề, tăm tối hằng ngày, quên cả cái đói khát ghê gớm đang đe dọa, quên cả những tháng ngày trước mặt. Trong lòng hắn bấy giờ chỉ còn tình nghĩa giữa hắn với người đàn bà đi bên”. Dường như, tình nghĩa con người có sức mạnh ghê gớm, chiến thắng, đẩy lùi bóng tối chết chóc, đói khổ. Không chỉ vậy, sức mạnh tình người sẽ tiếp thêm cho người nghèo khổ niềm tin vào cuộc sống tương lai. Không quá lời khi nói rằng, tấm lòng bao dung của bà cụ Tứ, trái tim nhân hậu của anh cu Tràng mang đến vị ngọt yêu thương, biến một một cuộc hôn nhân thiếu mọi thứ mà lại rất đủ đầy.

Đọc truyện Vợ nhặt, người ta trân quý cái đủ của tình người bao nhiêu thì càng mến phục hơn khát vọng sống và niềm tin mãnh liệt về phía tương lai của những người lao động bấy nhiêu. Khát vọng sống sinh sôi từ cô thị, người đàn bàn đói rách với một con số không tròn trịa: không nhà, không người thân, không quê hương bản quán, không tài sản, nghề nghiệp, thậm chí cả cái tên cũng không hề có. Ấn tượng ban đầu về nhân vật này chắc hẳn là sự tả tơi, cái đói khiến cô ta đánh mất cả cái duyên cần có của người con gái. Hai bận gặp Tràng trên huyện, thị tỏ ra cong cớn, đanh đá, vô duyên. Ai đời nào, người ta đùa " muốn ăn cơm trắng mấy giò, lại đây mà đẩy xe bò với anh". Thế mà thị ra đẩy thật. Vì sao ? Vì đẩy để được ăn, "cơm trắng mấy giò" chứ chuyện chơi. Hôm đó Tràng chưa kịp đáp lễ nên hôm sau gặp lại, cô ả xỉ xói ngay: “Điêu! Người thế mà điêu”. Tôi cứ mường tượng cái dáng vẻ một tay chống hông, một tay mổ cò, miệng thị chanh chua đốp chát với Tràng ở quán nước. Đanh đá, chua ngoa đến lạ.

Sau đó, cái bụng đói của thị đã lấn át cái duyên của người con gái. Được mời, cô ta cắm đầu ăn một chập bốn bát bánh đúc giữa thanh thiên bạch nhật. Ôi chao! Nhân cách, sĩ diện cũng bị đánh đổi hoen mờ bởi miếng ăn. Ngẫm cũng phải, đói quá thì phải ăn, ăn xin, thậm chí có kẻ ăn cắp. Đằng này thị được mời nên tội gì không ăn, ăn để mong được sống, cho dù nhân phẩm có lệch vẹo. Hành động ấy là biểu hiện của niềm khao khát sống khi con người ta bị dồn đến chân tường. Và để sống, thị thêm một lần liều lĩnh. Theo Tràng về làm vợ, chẳng cần biết gia cảnh thế nào. Theo tìm chỗ bấu víu giữa tao đoạn khó khăn, hoàn cảnh gieo neo. Theo với ước mong chạy trốn tử thần đang vẫy gọi. Suy cho cùng, chuỗi hành động của thị sẽ đáng trách trong hoàn cảnh bình thường, song giữa cái đói quắt quay, sự sống cái chết mỏng mảnh như sợi tơ, hành động ấy vẫn trân trọng, cảm thông. Người đọc mến thương cô thị có lẽ cũng bởi khát vọng sống đáng quý ấy.

Sáng hôm sau khi đã làm vợ Tràng, thị hoàn toàn đổi khác, hiền hậu, đúng mực, biết chăm lo vun vén cho tổ ấm mới xây của mình. Hình như, tình yêu thương, mái ấm gia đình đã làm đổi thay con người. Chao chát, chỏng lỏn khuất xa, nhường chỗ cho đức tính của dâu hiền, vợ đảm. Hành động thị đôi mắt thị tối lại, và miếng cám đắng chát vào miệng đánh dấu ý thức về bổn phận, sự chấp nhận thực tại để cùng gây dựng cho mai sau.

Có thể nói, khắc họa nhân vật thị, đôi mắt tinh tường và trái tim nhân hậu đã giúp Kim Lân đã phát hiện được những vẻ đẹp ẩn khuất sau một người đàn bà đói rách, đáng thương. Trong câu chuyện ám ảnh về nạn đói này, nhân vật người vợ nhặt giữ một vai trò đặc biệt. Thử hỏi nếu không có sự hiện diện của thị, cuộc sống của mẹ con Tràng có gì thay đổi? Tràng sẽ vẫn một mình đi về trong những chiều cô độc. Ngôi nhà xiêu vẹo vẫn chìm trong bóng tối văng vẳng xung quanh là tiếng hờn khóc thê lương. Có lẽ giữa lằn ranh sống chết, thị xuất hiện đã mang đến niềm tin về sự đổi thay. Từ đó, triết lí dân gian “ai giàu ba họ, ai khó ban đời” và mong ước “có tiền ta mua lấy đôi gà...ngoảnh đi ngoảnh lại có ngay đàn gà...” của bà mẹ thương con, tôi tin sớm muộn cũng sẽ thành hiện thực. Hạnh phúc sẽ nở hoa giữa hoàn cảnh cam go.

Ca ngợi những cái đủ trong cuộc hôn nhân kì lạ, người đọc thấu tỏ tài năng và tấm lòng của Kim Lân. Câu chuyện xoay quanh một tình huống độc nhất vô nhị, Tràng nhặt vợ giữa đói khổ gieo neo buồn vui lẫn lộn, bi mà cũng rất hài. Từ khoảnh khắc ấy, giá trị hiện thực và nhân đạo của thiên truyện được thể hiện. Vẻ đẹp cá nhân vật được khắc họa tạo nên ấn tượng khó phai trong trái tim bạn đọc xưa nay.

Viết về cái thiếu, cái đủ trong cuộc hôn nhân của Tràng, ẩn khuất là niềm đồng cảm, xót thương của người cầm bút. Đặc biệt hơn, nhà văn muốn làm vút cao, tôn vinh vẻ đẹp, giá trị con người. Dù đói, dù khổ thiếu thốn bộn bề vẫn tha thiết miền thương yêu, khát khao hi vọng vào cuộc sống tương lai. Thế nên, câu chuyện viết về cái đói mà vẫn lấp lánh vẻ đẹp tình người và là một bài ca về hi vọng dù cho hiện tại rất đỗi chông chênh, bóng tối bao trùm.

Bài học cho muôn đời

Văn chương đích thực có giá trị to lớn nuôi dưỡng, bồi đắp cho đời sống tâm hồn của con người. Có nhiều câu chuyện nhỏ mà hàm ẩn những bài học lớn. Đọc truyện “Vợ nhặt” của Kim Lân, có lẽ nhiều người tủm tỉm cười về một cuộc hôn nhân lạ kì của một chàng trai nghèo với cô gái khổ. Ở đó, cái thiếu bị khuất phục bởi cái đủ. Dõi theo câu chuyện người ta vỡ ra một lẽ sống đáng quý: Hôn nhân, hạnh phúc gia đình, vật chất thiếu không đáng sợ, cái đáng sợ, đáng lo là tình người vơi cạn. Cốt lõi dựng xây một gia đình hạnh phúc, an vui, trong ấm ngoài êm là ngọn lửa yêu thương. Có ngọn lửa ấy, hạnh phúc sẽ đong đầy dù nơi thôn cùng xóm vắng hay thành thị xa hoa. Thế nên, truyện ngắn kết tinh tài năng, tấm lòng của Kim Lân nhắn gửi những bài học quý giá cho hôm nay và cả mai sau.

(Bài viết “Thiếu và đủ trong cuộc hôn nhân kỳ lạ”, Về truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân, Ngữ văn 12, tập 2 - Diêm Phố - THPT Hậu Lộc 4 - Sở GD&DT Thanh Hoá)

Xem thêm: Sự sống và cái chết trong truyện "Vợ nhặt"

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận