Cái kết buồn của "thần đồng em chã": Qua đời ở tuổi 38 vì bạo bệnh
Ngụy Vĩnh Khang qua đời ở tuổi 38 vì bạo bệnh. Trong cáo phó, vợ anh viết, chồng đã từ một thần đồng lập dị trở thành 1 người bình thường...
Ngụy Vĩnh Khang (sinh năm 1983, tại tỉnh Hồ Nam) được coi là thần đồng từ năm 2 tuổi khi học thuộc 1.000 kí tự tiếng Trung. 4 tuổi học xong tiểu học, 8 tuổi thi đỗ vào trường trung học trọng điểm của tỉnh. 13 tuổi Ngụy Vĩnh Khang thi đỗ Đại học Tương Đàm với thành tích xuất sắc. Bốn năm sau lại thi đỗ cao học tại Trung tâm nghiên cứu Vật lí cao cấp của Viện Khoa học Trung Quốc với thành tích xếp thứ hai.
Đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Ngụy Vĩnh Khang được coi là "huyền thoại" trong nền giáo dục Trung Quốc. Ở nhà của Ngụy Vĩnh Khang, trên các bức tường đều ghi chi chít các công thức toán học, tiếng anh... Việc này giúp cậu ghi nhớ và có thể học mọi lúc mọi nơi. Và nhờ phương pháp giáo dục đặc biệt này mà cậu liên tiếp đoạt các giải thưởng lớn, trở thành hình mẫu mà hàng triệu phụ huynh muốn noi theo.
Tuy nhiên, bà Tăng Học Mai (mẹ của Ngụy Vĩnh Khang) chỉ chú tâm dạy con phát triển IQ mà quên đi trí tuệ xúc cảm. Theo bà, "phải tập trung học hành thì con mới có tương lai".
Năm 1991, khi Vĩnh Khang 8 tuổi và lên học trường trung học trọng điểm của thành phố, bà Tăng đã thuê một căn nhà nhỏ gần trường để ở cùng con. "Con chỉ cần học, mọi thứ đã có mẹ lo", bà nói với con trai.
Thời điểm này, dù Vĩnh Khang đã lớn nhưng ăn vẫn có mẹ đút, tắm đã có mẹ lo. Sáng ngủ dậy, bà Mai còn chuẩn bị sẵn kem đánh răng, bàn chải, khăn mặt để con làm vệ sinh cá nhân. Thậm chí có hôm con trai mắc tiểu, bà cũng mang bô đến tận nơi cho con "xả".
Với bà Mai, Vĩnh Khang không được đi chơi mà luôn phải ở nhà học bài. Khi bạn bè đến nhà chơi, bà Mai lấy cớ con trai bận học để các bạ đi về. Chính vì vậy, Vĩnh Khang không có thời gian giao tiếp với thế giới bên ngoài, dần xa lánh bạn bè. Nhiều lúc cậu cũng muốn ra ngoài cho đầu óc thoải mái, bà Tăng lại bảo: "Học nhiều mới có tương lai". Nghe mẹ nói vậy, Vĩnh Khang lại vào bàn học.
Ngay cả khi Vĩnh Khang vào đại học, bà Mai cũng đi theo con để phục vụ. Song đến năm 2000, khi Vĩnh Khang đỗ vào Viện Khoa học Trung Quốc để làm nghiên cứu sinh, nhà trường yêu cầu cậu phải sống và học tập một mình.
Lúc này, Vĩnh Khang không thể thích nghi được với cuộc sống không có mẹ. Cậu không biết cởi quần áo khi nóng, không biết mặc thêm khi lạnh. Thậm chí quần áo bẩn cũng không biết cầm đi giặt. Phòng ốc lúc nào cũng bừa bộn, bẩn thỉu. Thậm chí đến ngày thi tốt nghiệp, cậu cũng quên mất cả thời gian nên đã nhận điểm 0, làm mất cơ hội lên tiến sĩ.
Tháng 8/2003, Vĩnh Khang bị Viện Khoa học Trung Quốc cho nghỉ học với lý do không thể thích nghi được với việc học nghiên cứu sinh. Sự thực là do cậu không thể thích nghi được với cuộc sống.
Nhận được tin, bà Mai đã đến tìm con. Bà dẫn con ra ngoài hành lang rồi hét lên: "Nhảy lầu hay đâm vào xe mà chết đi. Con làm mẹ tức chết", nói rồi bà òa khóc nức nở. Sau buổi hôm đó, bà bỏ về quê ở Hồ Nam và không liên lạc với con trai nữa.
Sau khi bị trường cho thôi học, Vĩnh Khang không dám về nhà mà đi lang thang khắp 16 tỉnh thành. Đến khi trong túi không còn đồng nào cậu mới nhờ cảnh sát đưa về nhà. "Chuyến đi của tôi kéo dài 39 ngày. Thời gian này tôi đã phải tự lo cho mình, đó là kinh nghiệm tốt", Vĩnh Khang nói.
Thời gian sau, Vĩnh Khang cũng thử đi tìm việc nhưng thất bại. Đến năm 2005, một viện nghiên cứu hàng không vũ trụ biết tới hoàn cảnh của cậu nên đã mời về làm việc. Nhưng chỉ làm được 1 thời gian ngắn cậu lại nghỉ với lý do "không hợp nhau". Từ đó anh đi khắp các thành phố lớn để tìm việc, song song với việc theo học thạc sĩ vật lý tại Đại học Công nghệ Bắc Kinh.
Mãi sau này, Vĩnh Khang mở tìm được một công việc ở công ty phát triển phần mềm. Cậu chỉ là một nhân viên bình thường nhưng cũng chỉ làm được 4 năm. Còn mẹ Vĩnh Khang thì vô cùng hối hận về cách giáo dục sai của mình. Bà từng thừa nhận mình đã giết chết tương lai của con trai.
Và sau thời gian dài đối mặt với bệnh trầm cảm nặng, Vĩnh Khang bắt đầu tập sống như một người bình thường. Anh học làm các công việc nhà nội trợ, sau đó tìm kiếm một công việc ổn định với mức lương như bao người. Năm 2008, anh kết hôn và có gia đình êm ấm với 1 bé trai và bé gái. Từ "thần đồng phương Đông", Ngụy Vĩnh Khang khi lớn lên đã không trở thành một người thành đạt như mọi người kỳ vọng.
Vào ngày 17/11, truyền thông Trung Quốc đưa tin Ngụy Vĩnh Khang vừa qua đời ở tuổi 38 vì bạo bệnh. Trong bài đăng cáo phó của chồng, vợ anh cho biết từ lâu chồng mình đã từ một thần đồng lập dị trở thành một người chồng "hiểu cách sống với một cuộc sống hạnh phúc bình thường".
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận