Tấm lòng nhân hậu của người phụ nữ miền Tây: Mỗi năm chi hàng trăm triệu làm từ thiện

Bà Nguyễn Thanh Thủy khởi nghiệp với nghề mua tôm nhỏ lẻ. Sau đó, nhờ con tôm bà gây dựng nên cơ ngơi đồ sộ. Mỗi năm đều chi hàng trăm triệu làm từ thiện.

Đỗ Thu Nga
09:25 20/07/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Xứ Điền Hải (huyện Đông Hải, Bạc Liêu) không ai là không biết bà Nguyễn Thanh Thủy (55 tuổi) với mô hình nuôi tôm công nghệ cao và làm từ thiện. Mỗi năm, bà chi hàng trăm triệu đồng giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Theo VietNamNet, bà Thủy bắt đầu từ việc thu mua tôm nhỏ lẻ ở huyện Đông Hải. Với tính cần cù, chịu khó làm ăn, đến nay người phụ nữ này có cơ ngơi đồ sộ là những ao nuôi tôm công nghệ cao.

Hiện, bà có hơn 100 ao tôm công nghệ cao của gia đình và hợp tác với nông dân trong vùng, mỗi lao rộng từ 1.000 – 1.500m2. 

tam-long-nhan-hau-cua-nguoi-phu-nu-mien-tay
Bà Thủy khởi nghiệp với nghề thu mua tôm

Bà Thủy tâm sự, hồi trước, gia đình bà nuôi tôm trong ao đất tự nhiên nên không đạt hiệu quả cao. Cách đây 5 năm, bà đầu tư nuôi tôm trong nhà kính theo hướng công nghệ cao nên tỷ lệ thành công lên đến 90%. Nhờ hướng đi đúng đắn cùng sự tính toán hợp lý nên những vụ tôm mấy năm nay đều trúng đậm.

Cũng theo bà Thủy, để quản lý ao tôm thuận lợi phải chia thành nhiều khu. “Hiện tôi có 30 khu. Mỗi khu chỉ cần 2-3 nhân công là có thể quản lý tốt. Nông dân hợp tác với chúng tôi được đầu tư từ đầu vào đến đầu ra; được hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật”, bà Thủy chia sẻ.

Ngoài đầu tư nuôi tôm công nghệ cao, bà Thủy còn liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu, đứng ra thu mua thủy hải sản của bà con trong vùng. Hiện bà thu mua tôm với giá tốt cho khoảng 1.000 ao tôm của người dân, với sản lượng từ 200-400 tấn/tháng. Bà Thủy còn tạo việc làm cho khoảng 100 lao động, với mức lương từ 10 - 15 triệu đồng/người/tháng.

tam-long-nhan-hau-cua-nguoi-phu-nu-mien-tay-0
Đây là kết quả của việc ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm

Khi vào mùa thu hoạch tôm, công nhân của bà Thủy sẽ đến tận ao thu hoạch tôm của người dân. Sau đó tôm được chuyển nhanh nhất đến nhà máy chế biến với giá cao hơn thị trường.

“Hồi dịch bệnh phải giãn cách xã hội, thấy số lượng tôm của người dân bị ứ đọng nhiều, tôi đứng ra thu mua số lượng nhiều hơn bình thường để giúp họ giảm bớt gánh nặng. Tôi thu mua tôm cho người dân với giá cao hơn thị trường từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg”, bà Thủy tâm sự. 

“Tôi cũng là một nông dân nên hiểu được nỗi cực khổ, cái khó của người nông dân. Tôi mong muốn sẽ giúp thêm cho nhiều nông dân hạn chế tình trạng bị ép giá”, bà Thủy bộc bạch.

Hiện nay, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có dồi dào tại địa phương, bà Thủy còn mạnh dạn phát triển các sản phẩm OCOP như tôm đất khô, khô cá kèo, tôm thẻ ép 1 nắng… Các sản phẩm đều được mua nguyên liệu từ bà con nông dân.

tam-long-nhan-hau-cua-nguoi-phu-nu-mien-tay-8
Bà Thủy trao gạo, quà cho người có hoàn cảnh khó khăn

Giỏi kinh doanh, bà Thủy còn có tấm lòng nhân hậu, thường xuyên làm thiện nguyện, tặng gạo, thực phẩm, xây nhà tình thương cho người nghèo; xây cầu, làm đường cho quê hương. 

Mỗi năm bà Thủy hỗ trợ cho công tác an sinh xã hội của địa phương từ 100 - 200 triệu đồng. Bà Thủy còn giúp đỡ cho nhiều mảnh đời bất hạnh, khó khăn với số tiền từ 400-500 triệu đồng/năm. 

Bà Nguyễn Kim Dúng, Bí thư Đảng ủy xã Điền Hải cho biết: “Bà Thủy là người có nhiều đóng góp cho địa phương. Doanh nghiệp của bà tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động của địa phương. Bên cạnh đó, bà còn là người có tấm lòng nhân ái, đóng góp rất lớn cho công tác an sinh xã hội của địa phương”.

Vừa qua, bà Nguyễn Thanh Thủy được công nhận là "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022". 

(Theo VietNamNet)

Xem thêm: Cặp vợ chồng U70 hiện thực hóa ước nguyện mở quán cơm chay 0 đồng "đãi" thiên hạ: Một mình làm việc thiện, không kêu gọi từ ai

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận