"Giải mã" về dương xỉ và lạc tiên - 2 loại thực vật giúp bà Liên duy trì sự sống trong 7 ngày dưới vực sâu
Trong những ngày gặp sự cố, mắc kẹt dưới vực sâu, bà Liên đã duy trì sự sống bằng 2 loại thực vật là dương xỉ và lạc tiên. Vậy chuyên gia nói gì về 2 loài thực vật này.
Kỳ tích của bà Liên
Theo thông tin từ ban quản lý Di tích và rừng Quốc gia Yên Tử, khoảng 9h15 ngày 3/5, lực lượng chức năng TP Uông Bí đã phát hiện và cứu sống bà Nguyễn Thị Bích Liên (SN 1963, trú tại Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội).
Bà Liên đã sống sót thần kỳ sau 7 ngày rơi xuống vực sâu ở núi Yên Tử. Bà trở về trong sự hân hoan, vui sướng của gia đình.
Trước đó, ngày 27/4, khi đang trên đường lên chùa Đồng thì bà Liên bị tụt huyết áp nên choáng váng, ngã xuống khu vực phía dưới khoảng 30 mét. May mắn thay, bà Liên rơi vào khu vực có nhiều cây nên không bị chấn thương nặng.
Khi ngã xuống vực, trong chiếc túi bà cầm còn một ít cơm cháy, chai nước. Để đảm bảo lương thực trong khi chờ người tới cứu. Bà đã chia nhỏ cơm cháy ra để ăn dần. Đồng thời lục tìm kiếm dưới vách đá những cai nước thừa bị vứt đi để dự trữ nước uống dần. Và kiếm cây dương xỉ cùng quả lạc tiên ăn cầm cự.
Từ sự việc của bà Liên, rất nhiều người đã nhắc đến câu chuyện về kỹ năng sinh tồn cũng như công dụng của các loại thực vật khi chúng ta bị rơi xuống vực sâu, lạc trong rừng sâu...
Dương xỉ và lạc tiên là cây gì?
Dương xỉ là cây gì?
Dương xỉ là loại cây thân thảo và gần như không thân, chiều cao trung bình từ 15 - 30m, lá kép, mọc thành từng cụm có tơ lông nhỏ, thon gọn như những chiếc răng lược. Lá non cuộn tròn, có lông. Đây là loài thực vật có mạch và khác với thực vật có hạt ở phương thức sản sinh do không có hoa và hạt.
Dương xỉ thường mọc ở các khu rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới với số lượng lên đến 600 - 700 loài. Ở Việt Nam, cây dương xỉ thường mọc ở ven suối, ven bờ, bìa rừng, chân tường rào ẩm thấp, ưa sáng. Chiều cao của dương xỉ Việt Nam có thể từ 1m đến 10m, tùy từng loại khác nhau.
Theo nghiên cứu của các nhà thực vật vật học, có hơn 12.000 loài dương xỉ, kích thước khác nhau, từ những thân nhỏ như sợi tóc với những chiếc lá nhỏ xíu, rêu phong đến những cây khổng lồ cao đến 40 feet... Tuy nhiên, hiện nay dương xỉ có xu hướng giảm do tác động và khai thác từ con người.
Có 3 loại dương xỉ phổ biến được trồng làm cảnh và trồng thủy sinh trong nhà là dương xỉ cảnh, dương xỉ thân (dương xỉ cổ đại, dương xỉ rừng), dương xỉ thủy sinh.
Bên cạnh dùng để làm cảnh, dương xỉ còn là rau ăn, là thuốc chữa bệnh. Dương xỉ có khả năng hấp thụ những độc tố rất tốt trong đó có hấp thụ asen, các chất khí gây ô nhiễm. Cây dương xỉ còn có khả năng hấp thụ Aldehyde formic, ức chế xylen và toluene từ máy vi tính và máy in, khiến cho không khí trong lành hơn và tinh thần thoải mái hơn.
Trong phong thủy, dương xỉ có màu xanh mang ý nghĩa về sức sống tươi mới. Cây mọc um tùm xum xuê có ý nghĩa chúc gia đình đông con cháu, sống hòa thuận. Tặng dương xỉ cho người thân mang ý nghĩa chúc khỏe mạnh, vươn lên trong cuộc sống, thanh lọc không khí.
Cây lạc là cây gì?
Lạc tiên có tên khoa học là Passiflora Foetida, họ tầm gửi. Loại cây này thường mọc ở các bãi hoang, bờ bụi. Cây còn có nhiều tên gọi khác như cây lạc, cây lồng đèn, hồng tiên, mắc mát, long châu quả...
Lạc tiên là loại dây leo, thân mềm, rỗng, có nhiều lông thưa. Lá mọc so le hình trái tim, mép và hai mặt có lông mịn, tua cuốn cuộn tròn. Hoa có màu trắng, ở giữa tím nhạt. Quả mọng màu vàng, dùng ăn được.
Hoa lạc tiên mọc riêng lẻ, quả của nó hình trứng, dài 2-3cm, được bao bởi các lá ở ngoài. Quả lạc tiên thuộc loại “quả tương” (vỏ mỏng, bên trong chứa chất dịch và có hạt nhỏ).
Lạc tiên là một loại dược liệu được dùng trong sản xuất đông dược và tân dược.
Ở Việt Nam, cây lạc tiên mọc hoang ở khắp nơi. Năm 1940, một dược sĩ Việt Nam từ Pháp về thấy cây này hơi giống Passiflora ở bên Pháp mà tại Pháp người ta dùng cây đó làm thuốc an thần nên đã dùng cây lạc tiên của ta chế thành thuốc làm thuốc an thần.
Hái toàn cây trừ rễ, dùng tươi hay phơi khô mà chế thuốc sắc hay pha rượu thuốc. Quả lạc tiên chín chứa acid xyanhydric.
Thông thường, cây lạc tiên được dùng để chữa mất ngủ, tim hồi hộp, suy nhược thần kinh, đau mỏi người ở người cao tuổi.
Chuyên gia lý giải việc bà Liên sống sót 7 ngày dưới vực nhờ ăn dương xỉ, lạc tiên
Trên báo Sức khỏe và đời sống, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, việc bà Nguyễn Thị Bích Liên (59 tuổi, ở Hà Nội) sống sót sau 7 ngày rơi xuống vực sâu là chuyện rất may mắn. Tuy nhiên còn may mắn hơn nữa khi bà Liên đã biết tự cứu lấy mình nhờ việc ăn cây dương xỉ và củ lạc tiên để duy trì sự sống trong suốt 1 tuần.
“Chắc hẳn bà Liên cũng là người hiểu rõ về cây cối trong rừng, có kỹ năng sinh tồn tốt và rất may mắn thì mới chọn được những loại cây ăn được để sống sót qua ngày. Bởi nếu là trường hợp khác không hiểu rõ về cây cối, họ rất có thể ăn phải loại cây có độc dẫn tới nguy hiểm tới tính mạng”, ông Thịnh nhận định.
Cũng theo ông Thịnh, hai loại cây dương xỉ hay lạc tiên mà bà Liên sử dụng đều là những loài thực vật không có độc. Xét về mặt dinh dưỡng thì cả hai loại cây trên đều không mang lại giá trị dinh dưỡng gì đặc biệt, chỉ có cây lạc tiên trong thành phần chứa một lượng rất nhỏ chất an thần, nhưng không đáng kể. Tuy không có nhiều dinh dưỡng nhưng các loại cây này đều có thể sử dụng để làm thực phẩm để duy trì sự sống trong một thời gian.
“Không riêng gì cây dương xỉ hay lạc tiên mà có rất nhiều loại thực vật trong cuộc sống khác đều có thể ăn được. Chỉ là người dân không dùng nó làm thực phẩm vì nó rất khó ăn, có vị chát, mà giá trị dinh dưỡng lại không cao. Ví dụ như các loại lá rất quen thuộc với chúng ta là lá chuối, hay lá mít... đều ăn được”, ông Thịnh nói.
Thông qua trường hợp của bà Liên, PGS Nguyễn Duy Thịnh cũng cho rằng: Hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều trường, lớp dạy cho trẻ em, thậm chí người lớn cách sinh tồn khi lâm vào hoàn cảnh tương tự như đi lạc vào rừng sâu, kẹt trong thang máy, hỏa hoạn hay đuối nước...
Những khóa học như vậy rất quan trọng. Bởi nó sẽ giúp con người biết cách sinh tồn trong bối cảnh gặp nguy hiểm, khắc nghiệt. Bằng sự hiểu biết của mình, người lâm vào tình cảnh như này sẽ biết cách để duy trì sự sống bằng việc tìm nước uống, cây gì thì ăn được, giữ cơ thể tránh mất nước thể nào, bảo vệ cơ thể trước môi trường ra sao hoặc kêu gọi trợ giúp từ người khác bằng cách...
“Ở nước ngoài, nhiều nước đã dạy cho trẻ em học sinh cấp 2, cấp 3 về những kỹ năng này rồi, nhưng ở nước ta thì tôi chưa thấy nhiều”, ông Thịnh nói.
Chính vì vậy, chuyên gia này hy vọng qua câu chuyện của bà Liên, các cơ quan chức năng sẽ quan tâm nhiều hơn tới việc hướng dẫn người dân, trẻ em về kĩ năng sinh tồn trong những trường hợp tương tự như vậy để giữ được tính mạng của mình trong thời gian chờ người khác đến cứu giúp.
Kỹ năng sinh tồn cần biết khi gặp nạn trong rừng
Với kinh nghiệm nhiều năm đi tìm cây thuốc nam của mình, TS Ngô Đức Phương chia sẻ với Infonet rằng, trong rừng ẩn chứa nhiều nguy hiểm như rắn rết, mưa lũ bất chợt, cây đổ rơi đè, ngã, đá lăn, ăn phải cây độc, lạnh, đói... Do đó, nếu không may bị lạc hoặc ngã vào trong rừng sâu, người bị nạn cần hết sức bình tĩnh, tìm theo dòng suối để có nước uống, xuôi dần sẽ tìm được nơi an toàn, có dân sinh sống...
Đối với các loại lá cây trong rừng có thể ăn, TS Ngô Đức Phương chia sẻ, cơ bản cây độc rất ít, lượng độc thường cũng không đủ gây chết do đó có thể nhấm các loại lá cây.
"Cứ cây nào chua thì không bao giờ độc. Các loại dương xỉ cũng ít khi độc (chỉ có điều nó hơi dai, xơ). Hoặc tìm thấy cây chuối rừng là 1 giải pháp cực tốt: lấy nước từ thân, ăn thân non, ăn củ", TS Ngô Đức Phương cho hay.
Bên cạnh đó, người gặp nạn có thể tìm nước bằng cách lấy ở cây chuối, dây gắm, dây chạc chìu (nếu có dao), củ cốt cắn,...
Một nguyên tắc để đảm bảo an toàn khi đi rừng nên đi theo nhóm, đoàn. Nếu không may bị lạc thì nên ngồi im 1 chỗ chờ người đến tìm, cứu. Càng đi lung tung càng dễ bị lạc và xa điểm xuất phát, khi đó mọi người khó tìm.
"Trong trường hợp có lửa thì cần đốt lửa, đặc biệt vào buổi tối vừa giữ ấm cơ thể vừa đuổi thú và mọi người dễ phát hiện", TS Ngô Đức Phương cho hay.
20 kỹ năng sinh tồn khi đi lạc trong rừng
1. Đừng hoảng loạn khi bị lạc vào rừng
2. Cần xác định phương hướng
3. Hãy ở yên một chỗ
4. Đốt một đống lửa
5. Tạo tín hiệu cứu hộ
6. Nên tìm hiểu khu vực bạn đang đứng
7. Tìm nguồn nước sạch
8. Làm sạch nước
9. Tìm nơi trú ẩn
10. Tìm nguồn thức ăn an toàn
11. Khi rơi vào đầm lầy
12. Khi bị lạc, hãy đi tìm các rãnh nước nhỏ
13. Khi bom nổ
14. Luôn mang theo một bao diêm được bọc sáp ở đầu
15. Tình huống bị bỏng lạnh
16. Dùng tinh dầu tự nhiên để giảm muỗi đốt
17. Ngủ trên giường cao để tránh hạ thân nhiệt
18. Hứng sương buổi sáng bằng cỏ
19. Dùng bọc nilon hoặc lá cây để giữ ấm cơ thể.
20. Bọc một túi nilon quanh cành cây để lấy nước
(Tổng hợp)
Xem thêm: 8 bí kíp sinh tồn nhất định phải thuộc lòng nếu muốn khám phá thiên nhiên hoang dã
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận