Sư thầy Thích Minh Niệm: Giúp đỡ con vượt qua khó khăn cũng là quá trình cha mẹ học để trở thành người vẹn toàn

Ai cũng nói rằng, khi con cái vấp ngã, đau khổ, cha mẹ phải giúp đỡ, trở thành chỗ dựa cho con. Thế nhưng, giúp đỡ thế nào thì không phải ai cũng biết?

Đỗ Thu Nga
10:21 15/06/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Khi con có khó khăn và đau khổ, cha mẹ không nên làm gì?

Sư thầy Thích Minh Niệm là người khởi động dự án đào tạo chuyên gia Thiền tâm lý trị liệu tại Đà Lạt. Trong những buổi trên sẻ online, thầy đã không ít lần nhắc đến các vấn đề giữa cha mẹ và con cái. Đặc biệt là cách ứng xử của cha mẹ khi con gặp khó khăn, vấp ngã, đau khổ.

Sư thầy chia sẻ, đầu tiên, chúng ta phải ý thức được những điều cha mẹ không nên làm. Đó là trở thành một vị quan tòa để phán xét, buộc tội con mình. Các con không cần chúng ta định danh tội lỗi của chúng hay phán xét chúng là một kẻ như thế nào... Cái con cái cần là thái độ chở che, bảo bọc trong những lúc yếu đuối, đau khổ.

Cha mẹ cũng đừng vì quá yêu thương con mà không kìm chế được cảm xúc tức giận, gây thất vọng khi thấy con vấp ngã, thất bại... Cha mẹ cũng không được thể hiện sự bi lụy, xót thương, khóc than. Làm như thế con trẻ càng thêm nhụt chí, càng muốn buông tay, mắc kẹt trong vũng lầy đau khổ. 

Su-thay-Thich-Minh-Niem-chi-cha-me-cach-giup-con-vuot-qua-kho-kha-8
Sư Minh Niệm và cộng sự đang thực hiện chuỗi Radio "Dìu con vào đời", giúp cha mẹ và con cái truyền thông dễ dàng hơn

Cha mẹ cũng không nên thúc ép con làm những gì mà chúng không cảm thấy thoải mái, không tự nhiên, chưa sẵn sàng. Việc này sẽ khơi dậy vết thương mà con đang cố gắng chữa lành.

Cha mẹ cũng không nên đặt ra kỳ hạn bao lâu con phải chữa lành, con phải vượt qua, phải đứng lên... Cha mẹ đừng hô các khẩu hiệu khô cứng: "Con là đứa rất là mạnh mẽ, con không thể như thế được”, “bố mẹ không thể chấp nhận một đứa con yếu đuối như vậy”…. Những câu nói này khiến trẻ cảm thấy xấu hổ trước cha mẹ, thấy mình không xứng đáng thuộc về gia đình này.

Cha mẹ đừng tự cho mình là chuyên gia tâm lý, có thể định hướng cảm xúc của các con, có thể chữa lành vết thương.  Cha mẹ không có nhiều chuyên môn để có thể hiểu hết những ngóc ngách tâm lý, những nỗi khổ, niềm đau của con. Và cha mẹ cũng không có đủ các liệu pháp để giúp cho con mình được chữa lành hoàn toàn.

Cha mẹ chỉ cần thể hiện tình yêu thương. Bởi tình yêu thương chí là một liều thuốc quý có thể xoa dịu hoặc phần nào giúp con chữa lành vết thương. Nhưng nếu muốn chữa lành tất cả thì phải trông cậy vào sự nỗ lực của riêng bản thân con, thậm chí cần có sự giúp đỡ của các nhà chữa lành chuyên nghiệp.

Khi con có khó khăn và đau khổ, cha mẹ nên làm gì?

Theo sư thầy Thích Minh Niệm, cha mẹ nên học cách khiêm nhường, đừng quá tự tin cho rằng chúng ta đã làm như thế rồi con sẽ được chữa lành, con phải vượt qua tất cả. Thay vào đó, cha mẹ nên đồng hành cùng con để vết thương lành đến đâu, cha mẹ sẽ cùng con hân hoan đến đó.

Cha mẹ cũng nên học cách lùi lại, im lặng và lắng nghe con cái than thờ. Khi ấy, cha mẹ sẽ hiểu được nỗi khổ của con cái. Lắng nghe sẽ giúp cha mẹ tạo ra cảm giác tôn trọng với con. 

Thêm nữa, mỗi khi thấy mình bất ổn, cha mẹ không nên đến gần con, không nên nói bất kỳ câu nào. Nếu không, cha mẹ sẽ kích hoạt vào vết thương của con, mời gọi những năng lượng tiêu cực trong con trỗi dậy. Điều này khiến con sợ hãi, hoảng loạn.

Cha mẹ nên nói lời yêu thương để con thấy được giá trị của tình thân trong gia đình. Đó cũng là cách đánh thức những giá trị tốt đẹp tích cực trong con người mỗi đứa trẻ. 

Hoặc chúng ta có thể tạo ra các buổi thiền trà để ngồi lại với nhau trong sự ấm áp, chân thành. Đây là lúc cha mẹ cùng con lắng nghe nhau. Cha mẹ có thể chia sẻ kinh nghiệm vượt qua nỗi đau của bản thân nhưng hãy chia sẻ mà không mang tính áp đặt, không giáo điều, không phải là một buổi giảng giải luân thường đạo lý. Những buổi như thế sẽ giúp cha mẹ kết nối với con cái để cảm xúc của cả hai  trở nên nhẹ nhàng...

Trong trường hợp tình trạng của con quá nặng, cha mẹ hãy cầu cứu một người nào đó, ví dụ như chuyên gia tâm lý. Họ sẽ hỗ trợ cha mẹ trong việc điều chỉnh lại tâm lý của con, giúp con vượt qua mọi trở ngại.

Su-thay-Thich-Minh-Niem-chi-cha-me-cach-giup-con-vuot-qua-kho-kha-0

Chúng ta nên nhớ nguyên tắc giúp mà như không giúp. Đó là trong khi giúp đỡ con, cha mẹ đừng kẹp cái tôi của mình vào đó để thể hiện uy quyền, ép buộc con phải làm thế này, thế kia.

Cha mẹ đừng "lợi dụng" lúc con cái mắc sai lầm để dẫn dắt con theo ý định của mình. Cha mẹ cũng đừng dựa vào sự thành khẩn, tha thiết muốn được giúp đỡ của con mà không kiềm chế được cảm xúc, tính cách muốn kiểm soát của mình.

Cha mẹ đừng khiến mình bị mắc kẹt trong việc giúp đỡ con cái. Hãy cẩn trọng với lời nói, thái độ và việc  làm của mình. Cha mẹ đừng nhập cuộc quá, đừng vào vai quá mà quên cắm rễ vào sự sống để rồi bị ảnh hưởng sâu nặng từ những năng lượng tiêu cực, độc hại của con, thậm chí trở thành nạn nhân của con.

Khi chúng ta giúp đỡ con cái vượt qua khó khăn, đau khổ cũng là quá trình chúng ta học hỏi để trở thành những người cha, người mẹ đích thực, vẹn toàn. Bởi, trong quá trình giúp đỡ con, cha mẹ cũng sẽ nhận ra những yếu kém, khó khăn của bản thân để tự điều chỉnh, chuyển hóa.

Xem thêm: Sư thầy Thích Minh Niệm chỉ 4 bước chuyển hóa khổ đau để tìm lại niềm vui: "Hãy nhìn khổ đau bằng con mắt thức tỉnh"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận