Chí Phèo hấp dẫn bởi cách nhìn nhận một tình cảm mới về những điều ai cũng biết cả rồi

Chí Phèo có thể coi là một "áng văn để đời" vì nó đã phản ánh một cách nhức nhối hiện thực của người nông dân trước cách mạng. Đó là người nông dân bị tước đoạt cả nhân hình lẫn nhân tính.

Đỗ Thu Nga
10:00 20/11/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

ĐỀ BÀI:

Nguyễn Đình Thi cho rằng: “Tác phẩm văn học lớn, hấp dẫn người ta bởi cách nhìn nhận một tình cảm mới về những điều, những việc ai cũng biết cả rồi”.

Anh (chị) hiểu ý kiến đó như thế nào? Qua tác phẩm Chí Phèo – Nam Cao hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

BÀI VIẾT:

Tôi nhớ, đã có quan niệm cho rằng: “ Sáng tạo là cái cần có của mỗi nhà văn, anh không thể là nhà văn thực thụ khi không có giọng riêng mà không thể tìm ở bất kỳ cổ họng của một người nào khác.” Đúng như vậy, nhà văn phải có một phong cách riêng, một lối đi riêng thì mới có thể gây được ấn tượng sâu đậm và chiếm lĩnh trái tim người đọc. Phong cách chính là cái nhìn nhận, cái cảm xúc riêng mà mỗi nhà văn đều thể hiện trong những đứa con tinh thần của mình. Bàn về vấn đề này, Nguyễn Đình Thi cho rằng tác phẩm văn học lớn, hấp dẫn người ta bởi cách nhìn nhận mới,tình cảm mới về những điều những việc ai cũng biết cả rồi và minh chứng rõ nét nhất là ý kiến của Nguyễn Đình Thi chính là truyện ngắn Chí Phèo – Nam Cao.

Một sự thám hiểm thật sự không cần những vùng đất mới mà cần những đôi mắt mới. Đúng thế phong cách làm nên tên tuổi của mỗi nhà văn, họ nhìn người nhìn đời bằng những đôi mắt khác nhau, họ lùng sục và tìm kiếm cũng chỉ cho ra những cách nhìn nhận mới và có thể thể hiện những tình cảm mới đó chính là sứ mệnh cao cả của văn chương. Cách nhìn nhận mới tức là dấu ấn chủ quan của mỗi tác giả là cách nhìn riêng biệt không tìm thấy trong cổ họng của bất kỳ ai, tạo nên phong cách của mỗi nhà văn. Họ tuy có thể cùng hướng về một đề tài nhưng cách khai thác của mỗi người về đề tài ấy lại khác nhau, điều đó dẫn đến những tình cảm mới trong sáng tác văn chương của mỗi nhà văn. Đó là những thái độ những cảm xúc của mỗi nhà văn dành cho nhân vật họ phản ánh. Đó có thể là sự thương xót, sự cảm thông hay đưa nhân vật của họ tới một nơi khác, tình cảm đó cũng là sự bộc lộ dấu ấn mang tính chủ quan của tác giả. Ý kiến của Nguyễn Đình Thi muốn đề cao tới phong cách riêng, cách nhìn nhận hiện thực đời sống riêng, cách bày tỏ tình cảm, cảm xúc riêng của mỗi tác giả trong sáng tác văn học. Những điều mà Nguyễn Đình Thi khẳng định đã được thể hiện rất rõ trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao.

Nam Cao là một đại biểu ưu tú trong dòng văn học hiện thực phê phán thời kỳ 1930 – 1945 là một người bề ngoài có vẻ lạnh lùng, ít nói nhưng đời sống nội tâm của ông lại vô cùng sâu sắc, đậm đà. Phải chăng vì thế mà văn của ông vừa day dứt, vừa quằn quại, vừa thương, lại vừa trách hờn khiến người đọc đứng ngồi không yên. Đọc văn của Nam Cao người đọc như lạc vào một thế giới với những nhân vật kỳ dị, khác thường nhưng lại có những phẩm chất tốt đẹp thể hiện tư tưởng của nhà văn. Điều đó được thể hiện rất rõ qua tác phẩm Chí Phèo một trong những tác phẩm được Ông viết từ sớm. Nếu như ông được xem là nhà văn của nông dân cùng với Ngô Tất Tố thì cũng vì trước hết Ông có Chí Phèo.

Su-hap-dan-cua-Chi-Pheo-ang-van-de-doi-cua-Nam-Cao

Chí Phèo là một truyện ngắn đã thể hiện rất rõ cách nhìn nhận mới của Nam cao về cuộc sống bần cùng hóa của người nông dân trước cách mạng. Không đi vào sưu cao thuế nặng, không đi vào nỗi khổ về vật chất mà cái nhìn của Nam cao về người nông dân chính là nỗi khổ về gánh nặng, bi kịch tinh thần. Chí Phèo là một đứa trẻ ngay từ khi sinh ra đã bị bỏ rơi bên cạnh cái lò gạch cũ, được một anh đi thả ống lươn nhặt về nuôi rồi lớn lên qua sự truyền tay nhau của dân làng Vũ Đại. Chí Phèo lớn lên đã trở thành canh điền cho cụ Bá Kiến. Tuy bất hạnh nhưng Chí Phèo vẫn là một người lương thiện, hiền lành. Anh khỏe mạnh cày thuê làm mướn cho cụ Bá với tính cách chịu khó của một người nông dân, anh đã tự nuôi sống mình bằng chính đôi tay của mình. Chỉ có một ước mơ hiền lành lương thiện như bao người khác “có một gia đình nho nhỏ chống cuốc mướn, cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại nuôi một con lợn làm vốn liếng, khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm.” một ước mơ rất đỗi bình dị làm sao, ngoài ra chí còn là một người giàu lòng tự trọng khi bị bà Ba gọi lại bóp chân, mà cứ bóp cao lên nữa thì Chí thấy nhục hơn là thấy thích, là một con người sinh ra đã gánh lấy chữ bất hạnh vào mình, thế nhưng Chí vẫn là một người tốt, sống trong cộng đồng của những người lương thiện. Khi nhìn thấy cảnh Chí Phèo bóp đùi của vợ mình, tên cáo già Bá Kiến đẩy anh vào tù sau nhiều năm với sự nhào nặn của nhà tù thực dân Chí đã biến thành một con người hoàn toàn khác.

Nếu như đọc Lão Hạc người ta đọc xót xa bởi anh con trai của lão đi đồn cao su không biết sống chết thế nào bởi “cao su đi dễ khó về” thì đến với Chí Phèo sau những năm đi biệt tích, thì lúc về không ai muốn Chí lại thành ra như vậy. Chí lần này trở về trông khác hẳn “cái đầu thì trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, mặt đen mà rất câng câng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết…….. trên tay chạm trổ những hình con rồng, con Phượng…….” Ngoại hình của chí đã thay đổi hoàn toàn từ một người nông dân hiền lành, khỏe mạnh thì giờ trông hệt thằng săng đá. Mới về hôm qua, hôm nay đã thấy hắn ngồi uống rượu ở quán thịt chó từ sáng đến xế chiều….Chí chìm ngập trong những cơn say, ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, chửi trong lúc say, thức dậy vẫn còn say. Những cơn say đó cứ nối tiếp nhau thành một cơn say dài miên man không dứt. Chí say để làm gì? Phải chăng vì để trốn tránh quá khứ đau buồn. Nhưng không phải vậy Chí say bây giờ là cảnh say của Thằng lưu manh, say để rạch mặt ăn vạ, say để đến chửi láo Bá Kiến. Chí đến nhà Bá Kiến lúc đang say, rạch mặt ăn vạ khiến cho dân làng đổ xô đến xem. Chí chửi trời, chửi đất chửi dân làng Vũ Đại, chửi những ai không chịu chửi nhau với hắn, cuối cùng là chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ thế này. Và với cái ngoại hình của một thằng săng đá nên chí đã bị loại bỏ khỏi cộng đồng người lương thiện nên đáp lại Chí chỉ là 3 con chó dữ. Từ người chí đã bị đánh tụt nhanh với con vật mà lại là con vật lạ, càng cho thấy sự “quái đâm với người, lạc loài với vật” của Chí Phèo. Hắn ăn vạ Bá Kiến nhưng với cái lão già khôn “dóc đời” thì việc thuần hóa Chí Phèo chỉ là một việc đơn giản, hắn đã nịnh Chí Phèo nhận họ hàng, thiết đãi cơm rượu cho Chí Phèo yên trí càng lún sâu vào tội lỗi, hắn đã mua chuộc Chí khiến Chí trở thành một công cụ đắc lực trong việc trị những kẻ muốn chống lại lão. Chí Phèo từ đó đã đi sâu vào tội lỗi, lún sâu vào ác nghiệt, làm chảy máu và chảy nước mắt của bao người dân vô tội. Trong mắt dân làng bây giờ hắn thực sự là một con quỷ dữ.

Thế nhưng trong một đêm không may ăn nằm với Thị Nở trong bụi chuối, đến sáng hôm sau khi tỉnh dậy và lòng mơ hồ buồn. Hắn nghĩ về quá khứ, hiện tại và tương lai. Được một bàn tay phụ nữ chăm sóc, hắn dường như đã cảm động, mắt ươn ướt bởi từ lúc cha sinh mẹ đẻ đến giờ hắn chỉ đi phục vụ người khác chứ có ai chăm sóc hắn bao giờ đâu? Thị Nở là một người đàn bà xấu, ma chê quỷ hờn lại nghèo. Thế nhưng trong mắt Chí Phèo, Thị lại là một người phụ nữ đẹp, chỉ ăn cháo hành Thị nấu cho mà cảm động mà yêu Thị, thương Thị biết bao. Chí tỏ tình với Thị thật chân thành, bình dị mà cũng thật sâu sắc tình tứ: “hay mình sang đây ở với tôi một nhà cho vui” và cũng chính Chí hiểu rằng Thị chính là cái cầu nối giúp Chí trở lại cộng đồng bằng phẳng của người lương thiện, giúp Chí trở lại là một anh thanh niên khỏe mạnh, hiền lành như trước kia và Chí muốn cùng Thị xây dựng một hạnh phúc gia đình như hắn đã mong muốn trước kia. Thế nhưng Thị Nở vốn là một người đàn bà dở hơi, sống với Chí Phèo được 5 ngày Thị mới nhớ rằng mình có một người bà cô, Thị về bày tỏ tâm sự của mình với bà cô lúc đầu, bà cứ tưởng cháu gái mình nói đùa thế nhưng nhận ra cháu mình vốn là một đứa dở hơi. Bà không đồng ý và quát mắng “đã nhịn đến này thì nhịn hẳn đi ai lại đâm đầu đi lấy thằng không cha như thằng Chí Phèo”. Bực tức Thị sang trút hết những cơn giận dỗi lên Chí Phèo, ban đầu hắn tưởng là Thị đùa nên cười, nhưng lúc sau thì hắn lại nhận ra vẻ như thất vọng. Thị ra về, hắn chạy theo ôm lấy Thị, nhưng đáp lại người đàn bà ấy đã dúi cho Chí một cái ngã lăn khèo xuống sân. Chí đã hoàn toàn tuyệt vọng và tìm đến rượu, nhưng kỳ lạ thay lần này hắn càng uống càng tỉnh. Càng tỉnh càng nhận ra bi kịch của cuộc đời mình. Bi kịch sinh ra là một con người nhưng lại không được chấp nhận là một con người. Chí nhận ra bi kịch ôm mặt khóc rưng rức, hắn cầm dao và đi đến nhà Thị Nở để định giết chết con khọm già và con đĩ Nở kia nhưng lương tri lại mách bảo hắn,đưa hắn đến nhà Bá Kiến. Bởi đây mới chính là kẻ thù cướp đi nhân hình và nhân tính của hắn. Hắn đã đến và đòi Bá Kiến “Tao muốn làm người lương thiện” câu hỏi nhức nhối đó cứ ám ảnh trái tim người đọc và một nhát dao đã giải quyết tất cả, Chí giết chết Bá Kiến đồng thời cũng tự kết liễu cuộc đời mình.

Nam Cao đã đi vào một bi kịch của con người, bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người khác với Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan…… Họ đi vào nỗi khổ về vật chất, khi có chị Dậu có anh Pha người ta đã thấy cảnh của người nông dân thật khổ sở biết bao. Thế nhưng, khi Chí Phèo của Nam Cao ngất ngưởng bước ra thì người ta mới hiểu thế nào là khổ cùng cực. Đó chính là sự bị tước đoạt quyền làm người. Nổi khổ đau đớn, cay đắng, ám ảnh nhất như có bài thơ đã từng viết:

“Nam Cao chết và Chí Phèo vẫn sốngNào có dài chi một kiếp ngườiNhà văn mất nhân vật từ trong sáchVẫn ngày ngày lăn lóc giữa trần ai.”

Bên cạnh về cách nhìn nhận mới thì Chí Phèo cũng thể hiện một tình cảm mới của Nam cao, một tình cảm nhân đạo sâu sắc. Mối tình Thị Nở – Chí Phèo chính là sự xoa dịu cho độc giả. Nhà văn đã cho thấy nhân vật của mình một quãng thời gian hạnh phúc ngắn ngủi trong cuộc đời bất hạnh. Nhà văn đã thể hiện một cách sâu sắc niềm cảm thông của mình. Ông phát hiện ra trong cái lốt của một con quỷ dữ kia, phần người vẫn tiềm tàng. Chỉ cần một cơn gió tình yêu thổi qua là bùng cháy dữ dội. Đó chính là tâm lòng nhân đạo sâu sắc của một nhà văn dành cho nhân vật của mình.

Bản chất của văn chương là sáng tạo, nhà văn phải biết khơi nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa ai có. Đó chính là một trong những điều kiện làm nên danh tiếng và tên tuổi của một nhà văn. Chí Phèo có thể coi như một “áng văn đáng thờ” vì nó đã phản ánh một cách nhức nhối hiện thực của người nông dân trước cách mạng. Đó là người nông dân bị tước đoạt cả nhân hình lẫn nhân tính.

Tác phẩm văn học lớn hấp dẫn người ta bởi “cách nhìn nhận mới, tình cảm mới, về những điều, những việc mà ai cũng biết cả rồi” ý kiến đó của Nguyễn Đình Thi có thể xem là một tiêu chuẩn một thước đo để đánh giá những tác phẩm văn học đó là cách nhìn mới và tình cảm mới. Chí Phèo một áng văn hiện thực xuất sắc của Nam Cao, đáp ứng đủ những yêu cầu đó và có lẽ chính vì điều đó nên Chí Phèo mãi là một áng văn có giá trị lưu dấu ấn mãi trong trái tim người đọc hôm nay và cả mai sau.

(Sưu tầm bài viết của học sinh)

Xem thêm: Các trường ĐH hàng đầu thế giới coi trọng truyện ngắn Chí Phèo thế nào?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận