Phật tử cần tích lũy phước báu thế nào để chuyển hóa vận mệnh và có được tài lộc?
Mỗi người đều có một phước báu riêng, nhiều ít khác nhau. Phước báu ấy đầy lên hay vơi đi đều do cách chúng ta "sử dụng". Để cuộc đời này an nhiên, để tài lộc đến gần thì nhất định phải biết cách tích lũy phước báu.
Chuyện về phước báu của Hoàng hậu Mạt Lợi
Vào thời Đức Phật tại thế, đất nước Kosala là một trong những vương quốc rất hùng mạnh và là láng giềng của đất nước Ca Tỳ La Vệ thuộc dòng họ Thích Ca. Vua Ba Tư Nặc muốn cưới công chúa của dòng họ Thích Ca, nhưng dòng họ Thích Ca không muốn gả công chúa vì tính cách rất thô bạo của ông.
Họ bèn nghĩ ra cách thay thế công chúa bằng con gái của một người nô tì trong cung có tên là Mạt Lợi - người sau này trở thành chính cung hoàng hậu của nước Kosala.
Mạt Lợi là con gái nô tì nhưng lại có phúc báu đặc biệt. Cô không chỉ xinh đẹp mà còn là người rất hiền lương. Hàng ngày cô đều phát tâm sớt bát cúng dường chư Tăng.
Vào một lần Đức Phật về thăm kinh thành Ca Tỳ La Vệ, Ngài đi khất thực thì gặp Mạt Lợi, khi ấy là một cô bé 12 - 13 tuổi. Cô bé với tâm vô cùng trong sáng hiền thiện đã dâng một vòng hoa rất đẹp và sớt bát cúng dường Đức Phật.
Khi ấy, Đức Phật nói rằng, cô bé này lớn lên sẽ thành Hoàng hậu. Và quả đúng như vậy, một thời gian sau, Mạt Lợi trở thành Hoàng hậu của đất nước Kosala.
Một lần nọ, vua Ba Tư Nặc và Hoàng hậu Mạt Lợi đàm đạo cùng nhau. Vua thì cho rằng, vận số tốt đẹp của vợ là do vua ban. Song Hoàng hậu lại cho rằng, vận số của bà là do phước báu mà chính bà tích lũy, tạo ra.
Hoàng hậu là một Phật tử thuần thành, thường học giáo lý và am hiểu về Phật pháp. Bà lại từng được Đức Phật chỉ dạy nên bà rất bản lĩnh bày tỏ quan điểm, phản bác lại ý kiến của nhà vua.
Đức vua khi ấy giận lắm liền tìm cách khiến Hoàng hậu công nhận tất cả những gì bà có được là do vua ban. Một hôm, nhà vua tặng bà một chiếc nhẫn kim cương, rồi lại sai người hầu nhân lúc bà ngủ say thì ném chiếc nhẫn xuống sông. Vua nói với hoàng hậu: “Đấy nàng xem, nếu đây là phước báu của nàng, thế thì hiện tại chẳng phải nàng đang không có đó sao?”.
Mấy ngày sau, bà tổ chức tiệc đãi khách nên sai người hầu ra chợ mua cá lớn về làm thức ăn. Không thể ngờ, chiếc nhẫn kim cương lại nằm trong bụng của con cá, người hầu liền dâng lên hoàng hậu. Khi ấy, Vua Ba Tư Nặc vô cùng kinh ngạc và đã phải tin rằng, những gì hoàng hậu có được không phải do mình ban cho, mà là nhờ vào phước báu của hoàng hậu đã giúp bà được hưởng nó.
Làm sao để tích lũy được phước báu?
Đức Phật chỉ dạy: "Mỗi người chúng ta phải tích lũy phước báu cho mình. Tích phước báu bằng cách gì? Bằng cách làm việc thiện. Muốn làm được các việc thiện thì tâm mình phải gieo trồng các hạt giống thiện lành. Các con phải chăm gieo vào trong mảnh vườn tâm mình nhiều hạt giống thiện lành, nhiều hạt giống phước đức; chính những nguồn tâm ấy mới khiến các con làm các việc thiện, việc phước được. Mấu chốt là chúng ta phải tin chắc ở trên đời này, mọi cái chúng ta được thọ hưởng chính là từ phước quả của mình chứ không có gì khác. Chúng ta muốn thay đổi số phận của mình thì chính chúng ta phải tích lũy phước báu cho mình”.
Cũng giống như Hoàng hậu Mạt Lợi, vận số tốt đẹp bà được hưởng là do phước báu mà Hoàng hậu đã tích từ tiền kiếp cũng như trong kiếp hiện tại. Tuy ở giai cấp hạ tiện nhưng vẫn một lòng cung kính Phật, Pháp, Tăng - Tam Bảo. Ngay từ khi còn nhỏ đã hết lòng thành kính sớt bát cúng dường lên Phật và Tăng đoàn với tất cả tâm trong sáng, tịnh tín. Cho nên phước báu của hoàng hậu rất lớn, có thể thay đổi thân phận từ hạ tiện lên giai cấp quyền quý.
Đức Phật dạy chúng ta cần gieo trồng những hạt giống phước đức bằng cách chăm làm phước, bố thí cho những người nghèo khổ, thương họ một cách chân thành, giúp đỡ một cách chân thật và không cầu lợi. Không chỉ vậy, một người biết hy sinh vì mọi người, biết sống vì cộng đồng cũng sẽ tích lũy được cho mình những phước báu rất thiện lành. Đặc biệt, mỗi người cũng nên biết gieo trồng những hạt giống tươi tốt trong ruộng phước điền Tam Bảo, cúng dường ở nơi có chư Tăng tu tập thanh tịnh thì phước báu cũng được tích lũy rất nhiều.
Bên cạnh đó, Đức Phật cũng dạy, tích lũy được phước báu để có tài lộc, chúng ta cần tu tập bằng cách bố thí, trì giới, thiền định. Bố thí vô úy, tức là đem sự bình an, không sợ hãi đến với mọi người, giúp mọi người được bình an, được yên tâm. Về tu tập: Chúng ta thực hành trì giới, giữ gìn giới luật của Phật hoặc tu thiền định, nghĩa là chúng ta tu tập. Khi có tu tập thì sẽ sinh ra công đức, công đức sẽ sinh ra phước báu cho chúng ta.
Nhưu các bậc Thánh tu tập, khi các Ngài chứng Thánh quả, ai ai cũng cung kính, muốn được cúng dường. Đó là do từ công đức của các Ngài sinh ra các phước báu và phước báu ấy sinh ra tài lộc.
Đức Phật cũng vậy, Ngài ở đâu thì tài lộc đến đó. Ông Cấp Cô Độc, do kính quý Đức Phật nên dùng vàng trải ra mua đất, xây Tinh xá cúng dường Ngài.
Chúng ta hiểu rằng để có tài lộc một cách chân chính thì chúng ta phải tu tập để tạo ra các công đức, phước báu. Chúng ta lao động bằng bàn tay, khối óc của mình để có tài sản thì tài sản ấy cũng là tài sản chân chính, cũng nằm trong phước báu của mình. Nếu chúng ta không có phước báu thì tài sản không đến được với mình.
Xem thêm: Tu tập "10 nghiệp lành" để ngăn mình khỏi sa lầy, mở ra cánh cửa của phước báu
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận